Sưu tập tem là một thú chơi tao nhã, đòi hỏi nhiều kiến thức về tem, đòi hỏi sự kiên nhẫn, công sức và cả tiền bạc. Việc sư tập tem cũng giống như sưu tập sách, hoa, bướm, tiền… khiến bao người say mê, dù là chơi tài tử hay chơi chuyên nghiệp.
Lịch sử tem thư vốn có xa xưa, tuy nhiên ở dạng sơ khai với nhiều hình thái khác nhau. Mãi đến năm 1840 mới chính thức có con tem đầu tiên, đó là con tem Penny Black ra đời ở nước Anh và được thiết kế bởi ông Rowland Hill. Kể từ đó tem thư bưu chính nhanh chóng phát triển khắp nơi trên thế giới. Hội sưu tập tem đầu tiên thành lập năm 1860 cũng ở nước Anh.
Nước Pháp cũng là một trong những quốc gia đi đầu về phát triển tem thư, bưu chính. Năm 1860 đã có sở giao dịch tem thư ở Tuleries, việc phát hành tem bưu chính và việc sư tập tem nhanh chóng phát triển mạnh mẽ. Năm 1865 đã có cuộc đấu giá tem thư đầu tiên tại khách sạn Bourse de Timbre- Poste. Người Pháp xâm lược Việt Nam và đã mang những thành quả của nền văn minh tân tiến sang nước ta như: đường sắt, đường nhựa, cầu cống, máy móc, điện khí… và dĩ nhiên là cả bưu điện và tem thư. Năm 1886 người Pháp mang con tem thư đến Đông Dương, loại tem thư này vốn dành riêng để sử dụng ở các thuộc địa của nước Pháp. Con tem mang đến Đông Dương được in đè lên trên mặt chữ 5cent, vậy cũng có thể xem như con tem đầu tiên xuất hiện ở nước ta là vào khoảng thời gian này.
Việc chơi tem, sưu tập tem thu hút nhiều người, nhiều thành phần xã hội, nhất là những trí thức, sinh viên, học sinh… Tôi cũng là một tay chơi tem tài tử và cũng có chút ít kinh nghiệm trong việc sưu tầm tem. Việc sưu tầm tem ngoài sự đam mê không thì chưa đủ, cần phải có chút kiến thức về tem và cần phải có tiền. Chơi tem khá tốn tiền, nếu chơi chuyên nghiệp thì càng tốn hơn. Khi mới bắt đầu chơi thì tôi cũng như mọi người đều sưu tập, xin, mua, trao đổi đa phần là tem chết ( tem đã đóng dấu hủy của bưu điện), tem lẻ, tem tạp, tem trộn… và sưu tập dàn trải, linh tinh không có một chủ đề hay một phương hướng nhất định, miễn sao là có được nhiều tem. Dần dần qua học hỏi thì bắt đầu chọn chủ đề, tôi chọn chủ đề danh nhân, hoa và những di sản… Thường một người chơi tem chuyên nghiệp phải có chủ đề chính và nhiều chủ đề phụ, việc này phụ thuộc vào kiến thức và túi tiền. Qua thời gian thì tôi dần dần bỏ hết những tem chết, tem tạp, tem trộn… đem cho lại những em học sinh mới bắt đầu chơi tem. Chơi tem thì phải chịu tốn tiền, sưu tập tem sống, tem của những quốc gia mạnh về tem, dĩ nhiên là phải mạnh về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật như: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật… vì theo thời gian thì tem càng lên giá. Còn tem chết (đã đóng dấu hủy) hay tem những nước nghèo, lạc hâu thì tem giá trị rất thấp, không có cơ hội lên giá. Có rất nhiều nước châu Phi phát hành tem để bán cho giới sưu tập, lấy đó làm nguồn thu cho ngân sách, chẳng hạn như: Gambia, Congo, Uganda, Grenada… Tem những nước này rất nhiều trên thị trường và rất rẻ. Con tem mắc nhất thế giới chính là tem Penny Black của Anh, trị giá 5 triệu USD, kế là con tem Inverted Jenny của Mỹ trị giá 3 triệu USD, con tem Post Office của Mauritius trị giá 1,67 triệu USD. Con tem Việt Nam mắc nhất có lẽ là bộ tem Mạc Thị Bưởi.
Tem VNCH cũng một thời làm say đắm nhiều người, tuy nhiên vì thời gian tồn tại ngắn ngủi và hoàn cảnh chiến tranh nên tem thư VNCH bị thất tán. Năm 1990 tại số 2 đường Lê Lợi – Sài Gòn có bán bộ sưu tập tem VNCH, đây là bộ sưu tập khá đầy đủ nhất và người chủ kêu giá 100 USD. Với một câu học sinh và chơi tem tài tử như tôi thì số tiền này quá lớn, dù rất mê nhưng đành nhìn cho đã thèm rồi về.
Chơi tem thì cần phải có quyển danh mục tem, phải mua tạp chí tem để theo dõi tin tức, giá cả, việc phát hành, mua bán, trao đổi tem...Tạp chí tem đầu tiên trên thế giới là tờ The Monthly Advertiser xuất bản năm 1862 ở Anh. Hiện nay tại Mỹ có tạp chí Kenmore Collectors Catalog, US Stamp Catalog… cung cấp đầy đủ mọi tin tức về tem từ hiệp hội chơi, giá cả, lịch sử từng con tem. Trong nước cũng có tờ tạp chí tem, tuy nhiên tờ tạp chí này nghèo nàn và đơn sơ quá, rất ít những tin tức về tem, hầu như không có những kiến thức về tem của thế giới cũng như giá cả thị trường, phần nhiều là những bài chính luận, chính trị xã hội và chỉ nói về tem của Việt Nam XHCN.
Chơi tem rất thú vị và đầy đam mê, một khi dính vào rất khó dừng lại. Con tem nhỏ xíu nhưng đó là cả một tác phẩm nghệ thuật, một bức tranh thu nhỏ. Ở đời phàm những gì sai trái, hư hỏng thì bị bỏ đi vì chẳng còn giá trị, riêng trong nghề tem thì hoàn toàn ngược lại. Những con tem bị lỗi như: in ngược, in lộn, in sai, chú thích trật, hay bất cứ sai sót nào thì con tem ấy trở nên đắt giá và khan hiếm vô cùng. Nó sẽ được giới chơi tem ráo riết săn lùng. Tem cũng như đồ cổ, giá trị tăng theo thời gian năm tháng. Hội chợ tem vào tầm cỡ uy tín và danh giá nhất thế giới là hội chợ Stampex ở London được tổ chức mỗi hai năm một lần. Đến hội chợ này toàn là những tay chơi tem sừng sỏ, những nhà tem học, những tay buôn tem hàng đầu của thế giới.
Sưu tập tem là thú chơi thanh lịch, tao nhã và cũng lắm công phu. Qua con tem nhỏ bé ấy chúng ta học hỏi được nhiều điều bổ ích; làm giàu kiến thức và hiểu biết về địa lý, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… của những vùng đất mới. Mỗi con tem có đầy đủ dấu ấn và thông điệp của vùng quê hương mà nó đại diện. Con tem còn là chứng nhân lịch sử của những vùng lãnh thổ hay những quốc gia đã mất.
Tem thư còn gọi là bưu hoa, ban đầu chế ra dùng để thanh toán bưu phí, sau được người yêu thích sưu tầm và dần dần trở thành đối tượng sưu tập của dân chơi khắp nơi trên thế giới. Thông thường tem thư có hai hình dáng cơ bản là vuông và chữ nhật. Tuy nhiên sở thích và thẩm mỹ của con người vốn đa dạng, cộng với sự sáng tạo của những họa sĩ, những nhà thiết kế tem mà chúng ta có những con tem với hình dáng rất đặc biệt. Những nước như South Korea, Thailand, VNCH, Nepal, Netherland … đã từng cống hiến cho thiên hạ những con tem với hình tam giác (cả ngược và xuôi), hình tròn, hình giọt nước, hình thoi, hình ngũ giác, lục giác, thất giác, bát giác, hình rẻ quạt… Mỗi con tem là một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ, những họa sĩ thiết kế tốn nhiều công sức và tâm lực để vẽ từng chi tiết, thiết kế số răng cưa sao cho hợp lý… Tem thư có những loại có răng cưa hoặc không có răng cưa, cũng có những con tem mà răng cưa chỉ có một cạnh hoặc hai cạnh còn những cạnh còn lại thì để trơn. Nếu là dân chơi tem thì phải kiểm tra con tem ấy trong các tập niên giám bưu hoa hoặc ở các quyển danh mục tem thư để biết số lượng răng cưa và khi sưu tập phải kiểm tra đủ, nếu con tem mất hay thiếu răng cưa thì giá trị cũng giảm đi nhiều.
Lịch sử tem thư của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung có một dòng tem thư rất đặc biệt, nó tồn tại được một trăm năm đó là dòng tem Indochine. Khi người Pháp xâm lăng Việt Nam, Laos, Miên, cả ba nước trở thành thuộc địa của Pháp. Người Pháp đã mang sang nhiều phương tiện văn minh cơ khí và những thành tựu của khoa học kỹ thuật tân tiến, trong số ấy có ngành bưu điện và tem thư. Cụ thể là năm 1886 họ đã đem con tem đầu tiên (chỉ dùng cho các thuộc địa Pháp) đến Đông Dương, con tem bị in đè chữ 5C. 1888 thì con tem có in chữ Annam-Tonkin và 1892 thì con tem đầu tiên được in ra tại Đông Dương. Dòng tem Indochine này ngày nay rất quý giá vì giá trị lịch sử của nó, tuy nhiên khá kén chọn người chơi, thường những ai yêu thích lịch sử hay yêu xứ sở Đông Dương mới sưu tầm tem Indochine. Dòng tem Indochine đã tuyệt bản từ lâu, giờ chỉ còn lại từ những nhà sưu tập, nhà buôn tem. Dòng tem Indochine và dòng tem VNCH giờ trở thành di sản quý báu, những con tem mang dấu ấn lịch sử một thời liên quan đến tộc Việt và quốc gia Việt Nam. Những con tem hiển hiện một cách sinh động và cụ thể giai đoạn lịch sử ấy, khi cầm những con tem ấy lên ta cảm nhận một cách sâu lắng và dường như chúng ta đang đồng hành và đang sống với lịch sử.
Ở Việt Nam, người chơi tem khó có thể tìm hiểu hoặc sưu tầm tem Indochine hay tem VNCH. Không có bất cứ một tài liệu tiếng Việt nào viết về hai dòng tem này, sách báo, danh mục tem, tạp chí tem… cắt bỏ, che dấu, bôi xóa hai dòng tem này. Họ chỉ lấy cái mốc 1945 trở về sau mà thôi. Không chỉ tem thư, ngay cả báo chí và các ngành nghề hay sự kiện lịch sử khác, tất cả chỉ từ các mốc 1945 về sau, còn giai đoạn trước bị xóa bỏ. Lịch sử không gốc rễ thì làm sao tương lai có thể hưng thịnh? Ngày trước chơi tem ở Việt Nam rất khó sưu tập tem quốc tế. Tem Việt thì quá nghèo nàn, đơn sơ và giá trị thấp, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là những chủ đề: chiến đấu, chiến thắng, căm thù, ông nọ bà kia mang dép râu nón cối… muốn sưu gập tem quốc tế thì đến chợ tem ở bên hông bảo tàng mỹ thuật thành phố (biệt thự của Hoa Kiều Hui Bon Hoa). Ngày nay thì dễ hơn rồi, có thể mua qua mạng và các nhà buôn mang về rất nhiều.
Dân chơi tem còn sưu tập bưu thiếp và phong bì FDC (First Day Cover). Đây cũng là hai phẩm vật rất được yêu thích, phong bì FDC và bưu thiếp mang trên mình con dấu ngày đầu tiên phát hành của một bộ tem nào đó và bưu thiếp đóng dấu bưu cục của các vùng đất khác nhau khắp thế gian này.
Thế giới luôn biến động, kinh tế có lúc thịnh lúc suy, giá cả hàng hóa cũng bấp bênh. Ấy vậy mà những con tem thì chẳng bao giờ mất giá. Kinh tế có thế nào đi nữa nhưng những con tem vẫn giữ nguyên giá trị, thậm chí càng về sau, càng trải qua nhiều tháng năm thì càng có giá. Những bộ sưu tập tem của hoàng gia Anh, của những nhà sư tập lừng danh giờ trở thành những bảo vật vô giá, là tài sản có giá trị lớn không chỉ về mặt tiền bạc mà còn cả về mặt nghệ thuật. Những bộ sưu tập tem ấy mang đậm dấu ấn của ngành bưu chính và mỹ thuật của những quốc gia mà nó đại diện. Những bộ sưu tập ấy không chỉ là tài sản riêng mà còn là di sản văn hóa của nhân loại.
Tiểu Lục Thần Phong