Công an đứng canh ngoài cổng Toà án Nhân dân ở Hà Nội hôm 8/1/2018 (minh hoạ). AFP
Ý tưởng về thành lập “Phiên toà nhân dân” của luật sư Võ An Đôn là một ý kiến hay và mới nhưng để có thể trở thành khả thi và có lợi cho người dân Việt Nam thì cần phải được chỉnh sửa và hoàn thiện thêm, theo nhà nghiên cứu xã hội Trương Nhân Tuấn và một số luật sư.
Vào đầu tháng 11 vừa qua, luật sư Võ An Đôn, người vừa cùng gia đình sang Hoa Kỳ tị nạn, đã kêu gọi các luật sư đang tị nạn tại Hoa Kỳ thành lập “Đoàn Luật sư Việt Nam Hải ngoại” và “Phiên toà nhân dân” với mục tiêu khai dân trí, tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân trong nước và lên tiếng về những bất công trong xã hội Việt Nam.
Theo đó, “Phiên toà nhân dân” do các luật sư lập theo mô hình Toà hình sự quốc (ICC) sẽ xét xử các quan chức trong bộ máy chính quyền Việt Nam vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam. Phiên toà này xét xử trực tuyến, hội đồng xét xử là các luật sư, bồi thẩm đoàn là người Việt trong và ngoài nước.
Tư cách pháp nhân của các luật sư và thẩm quyền của toà? Ông Trương Nhân Tuấn, một nhà nghiên cứu người Pháp gốc Việt, cho rằng các luật sư cần thiết lập một toà án trước khi tiến hành bất cứ một phiên xét xử nào. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA):
“Một phiên tòa chỉ có thể được mở ra nhằm mục đích xét xử một pháp nhân tội phạm đã được xác định nào đó, trước hết phải có một tòa án. Không có tòa án thì sẽ không có phiên tòa nào được xét xử hết, tức là khi mà có tòa án thì mình mới có thể nói đến phiên tòa này hay là phiên tòa khác.
Tức là thành việc thành lập đó tôi nghĩ không phải là thành lập một phiên tòa xử một người mà thành lập một tòa án để xử hết người này đến người khác.”
Theo ông, điều quan trọng thứ hai là tư cách pháp nhân của những người có ý muốn thành lập một phiên tòa và thẩm quyền của phiên toà này cũng như là hệ thống luật lệ mà tòa này dựa lên đó để mà phán xét hay là xét xử những người có tội.
“Nếu mà luật sư Đôn cũng như quý luật sư khác làm gì cũng theo luật mà làm đó thì trong chừng mực đó tòa án của luật sư Đôn cùng với hệ thống luật lệ xét xử của toà án đó không thể nào tách khỏi cái thẩm quyền của quốc gia mà luật sư Đôn cũng như là những luật sư khác mang quốc tịch.”
Theo ông, nếu luật sư Đôn và các luật sư cộng sự khác vẫn còn là công dân Việt Nam, tức là vẫn còn quốc tịch Việt Nam, thì họ sẽ chịu thẩm quyền xét xử của quốc gia Việt Nam.
Trong hợp theo này, hoạt động của phiên toà theo ý tưởng của luật sư Võ An Đôn sẽ không khả thi, điều mà ông ví như với việc “hái sao trên trời” vì sự chính danh của cơ quan quyền lực, ở đây là quyền tư pháp, phải được công nhận bởi cộng đồng dân chúng trong một quốc gia hoặc cộng đồng quốc tế, và “quyền lực không tự mình ban cho, ngay cả quyền được xét xử.”
Trong trường hợp ngược lại, việc thành lập và hoạt động của một tổ chức như luật sư Võ An Đôn đề nghị cũng không khả thi. Ông Tuấn lập luận:
“Nếu luật sư Đôn và các luật sư cộng tác không còn quốc tịch Việt Nam nữa mà có quốc tịch Mỹ thì mọi hành động của các luật sư này phải tuân theo luật lệ của nước Mỹ.
Giả sử các luật sư thành công trong việc thiết chế một toà án hay một phiên toà trên đất Mỹ thì toà án đó không thể sử dụng luật Việt Nam để xét xử các phạm nhân giả định mà toà án đó phải tuân theo luật lệ Mỹ. Điều đó là bất khả thi, một toà án của Mỹ đâu có thể xét xử một người Việt Nam, phán quyết của tòa án này không có một ý nghĩa nào hết.”
Các luật sư có thể bị kiện ngược
Theo ông Tuấn, tuy phán quyết của “Phiên toà nhân dân” không có giá trị pháp lý đối với những quan chức Việt Nam bị kết tội, nhưng lại có thể gây phiền toái cho các luật sư tị nạn. Ông giải thích:
“Phán quyết không có giá trị gì đối với cái phạm nhân giả định ở bên Việt Nam hết nhưng mà nó có thể trở thành một cái bằng chứng về phỉ báng hay xâm phạm đời tư của luật sư Đôn và nhóm luật sư kia đối với cá nhân quan chức ở Việt Nam.
Một cái phán quyết mà toà án không ai công nhận không có thẩm quyền gì hết ra một phán quyết nói ông này tham thế này ông này phản quốc thế kia mà cái tòa án đó không có thẩm quyền không có giá trị pháp lý nhưng mà cái người liên quan tức là cái người bị chỉ định là có tội ở Việt Nam vẫn có thể sử dụng phán quyết như một chứng cứ kiện ngược lại vì quý vị này đã phỉ báng cá nhân, xâm phạm về tư cá nhân của họ.”
Hơn thế nữa, các luật sư tị nạn có thể gặp rắc rối từ chính quyền Hoa Kỳ khi Washington và Hà Nội đang có quan hệ bang giao rất thân thiết, hai quốc gia mới nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9 vừa qua trong chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam.
Theo lý luận của ông Tuấn, chính quyền Việt Nam có thể nhìn nhận các luật sư tị nạn và “Phiên toà nhân dân” có mục tiêu chống lại nhà nước độc đảng ở Việt Nam. Nếu Hoa Kỳ cho phép thành lập một tổ chức như vậy ở quốc gia của mình, thì quan hệ song phương có thể bị ảnh hưởng, do vậy, Washington có thể “sẽ phải dẹp cái tòa án đó và trừng phạt những người tổ chức ra tòa án này.”
Toà án lương tâm hoặc Diễn đàn công lý Để tránh những rắc rối pháp lý như vậy, ông Tuấn đề nghị các luật sư thay đổi tên gọi sang “Toà án lương tâm.
“Tòa án lương tâm mình đưa ra giả sử như mình đưa ra, mình trình bày đó một cái bài viết mình thế này dựa trên những cái sự kiện như thế này thì ông này nếu mình chiếu theo luật lệ Việt Nam thì sẽ mang tội này.”
Theo ông, hình thức “Toà án lương tâm” sẽ giúp cho các luật sư không vướng phải hậu quả pháp lý sau này.
Ông cũng đề nghị một hình thức khác hoạt động dưới mô hình Diễn đàn công lý.
“Ý kiến thứ hai mà tôi có thể đề nghị, đó là thay vì một cái tòa án lương tâm mình có thể thành lập một cái gọi là diễn đàn công lý để mình diễn đạt những cái ý kiến của mình hay là diễn đạt ý kiến của nhiều người về tội trạng của ông này hay là tội trạng của ông kia. Quan trọng là cùng một cái nội dung đó, nếu mà mình đứng dưới tên của một cái tòa án thì cái chuyện đó mình có thể gặp rắc rối với những đối tượng ở Việt Nam nhưng mà dưới một cái tên khác thì cũng giống như những bài viết về vấn đề đó.”
Theo ông, “Toà án lương tâm” hay “Diễn đàn công lý” cũng có tác động tương tự như là một phán quyết của tòa án nhân dân.
Trong đề nghị của mình, luật sư Võ An Đôn cho biết “Phiên toà nhân dân” sẽ sử dụng chính luật pháp Việt Nam để xét xử các quan chức phạm tội tham ô hay thực hiện các hoạt động vi phạm nhân quyền. Tư liệu để xét xử cũng dựa trên tài liệu điều tra của cơ quan công an Việt Nam cùng tư liệu từ truyền thông và điều tra bổ sung từ các nhân vật có liên quan.
Theo ông Tuấn, việc áp dụng luật Việt Nam hiện hành để xét xử các quan chức của chế độ là không dễ vì luật pháp Việt Nam được làm ra để áp dụng cho dân chúng còn đảng viên và quan chức chỉ chịu kỷ luật theo Điều lệ đảng. Họ chỉ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật sau khi đã bị khai trừ khỏi đảng.
““Nếu luật sư Đôn và những luật sư cộng tác thành lập một cái tòa án gì đó mà dựa trên luật lệ ở Việt Nam để mà xét xử các quan chức Việt Nam thì toà án này không có thẩm quyền vì luật pháp Việt Nam không nhằm xét xử Đảng và các đảng viên.”
Theo ông, ý kiến của luật sư Võ Văn Đôn là đề nghị hay và mới, đáng được khai triển nhưng cần chỉnh sửa để trở nên khả thi và người dân được hưởng lợi.
Cần mở rộng phạm vi của “Phiên toà nhân dân” Theo một luật sư nhân quyền ở Hà Nội, người không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, các luật sư đang tị nạn ở Hoa Kỳ cần mở rộng phạm vi hoạt động của “Phiên toà nhân dân” vì sự bất công trở thành hệ thống ở Việt Nam trong khi hệ thống tư pháp bị méo mó một cách nghiêm trọng.
Theo ông, nếu có một phiên toà hay hệ thống toà án như “Phiên toà nhân dân” thì không chỉ xét xử các quan chức mà còn ở nhiều lĩnh vực khác, bao gồm cả toà hành chính hay dân sự.
Ông cho biết người dân kiện cơ quan công quyền rất nhiều, tuy nhiên, tỷ lệ thắng kiện của người dân vô cùng thấp cho dù họ có đủ chứng cứ và dữ liệu có lợi cho mình.
Ông cũng cho rằng “Phiên toà nhân dân” sẽ gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin vì kết luận điều tra của cơ quan công an, cáo trạng của Viện kiểm sát, và thông tin từ truyền thông nhà nước không đáng tin cậy.
Còn luật sư Dương Vĩnh Tuyến từ Bình Phước cho rằng đề nghị của đồng nghiệp Võ An Đôn là không khả thi. Ông nói với RFA về “Phiên toà nhân dân” qua tin nhắn trong ngày 28/11:
“Không có tác dụng và không khả thi. Muốn hiệu quả thì phải có tôn chỉ, mục đích. Chỉ kêu gọi mà không nêu rõ tôn chỉ, mục đích thì cũng không khác gì những Youtuber khác, đã và đang làm, sau khi được định cư ở nước ngoài.
Nếu để khai trí mà thành lập phiên tòa nhân dân thì sai lầm. Muốn khai trí người dân thì anh phải biết người dân đang ở đâu? họ có ưu điểm gì, điểm yếu gì...? Thấy được ưu của họ thì mới có phương pháp làm cho ưu bộc lộ, phát triển. Thấy điểm yếu thì mới có cách thức làm cho họ khắc phục....”
Nhiều luật sư và người hoạt động xã hội, trong đó có hai luật sư đang tị nạn tại Hoa Kỳ, Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng, ủng hộ đề nghị của luật sư Võ An Đôn và cho rằng với tư cách là tác giả, Võ An Đôn cần hoàn thiện trước khi chính thức đưa ra bàn thảo để thực hiện
Theo RFA