Đêm nhạc hoành tráng tái hiện lịch sử để tưởng niệm 100 năm ngày sinh Văn Cao diễn ra ở Quảng trường trước Nhà hát lớn Hà Nội hôm 20/8 năm 2023
Trong lúc chính quyền Việt Nam tổ chức tưởng niệm Văn Cao, tác giả Quốc ca, một cách rầm rộ nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, bỗng nhiên có ý kiến nhắc lại những tủi nhục, đắng cay trong đời ông khi người nghệ sĩ tài danh này từng bị chính quyền cộng sản ghét bỏ.
Nghệ sỹ đa tàiSinh ngày 15/11/1923 tại Hải Phòng, Văn Cao được xem là một trong những nhạc sỹ lớn của nền tân nhạc Việt Nam với những ca khúc bất hủ như Buồn Tàn Thu, Thiên Thai, Suối Mơ, Cung Đàn Xưa, Đàn Chim Việt, Bến Xuân, Trương Chi, Tiến về Hà Nội, Mùa Xuân Đầu Tiên, Ngày Mùa, Làng Tôi, Đàn Chim Việt, Trường ca sông Lô, Bắc Sơn và Tiến Quân ca…
Buồn Tàn Thu, nhạc phẩm đầu tay của ông, được sáng tác vào năm 1939, khi Văn Cao mới 16 tuổi, và những sáng tác bất hủ khác sau đó của ông được ông viết khi mới 17-18 cho đến ngoài 20 tuổi.
Riêng bài ‘Tiến Quân ca’ được Văn Cao sáng tác vào năm 1944 khi ông mới 21 tuổi. Vào tháng 8/1945 tại chiến khu Việt Bắc, ca khúc này được ông Hồ Chí Minh lựa chọn làm Quốc ca cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sắp ra đời. Kể từ đó, nó là Quốc ca của nước Việt Nam theo chế độ cộng sản trong suốt gần 80 năm.
Ngoài ra, bài ‘Tiến về Hà Nội’ của ông với giai điệu hào hùng lâu nay vẫn được chính quyền dùng để tuyên truyền vào dịp kỷ niệm Ngày Tiếp quản Thủ đô.
Văn Cao đi theo Việt Minh từ khi còn rất trẻ, tham gia vào tổ chức Thanh niên Cứu quốc và sau đó là đội trừ gian của Việt Minh với nhiệm vụ ám sát những người bị phe cộng sản cho là Việt gian, bên cạnh viết các bài hát tuyên truyền, cổ động kháng chiến, chẳng hạn như bài Chiến sỹ Việt Nam, Không quân Việt Nam, Hải quân Việt Nam, Ca ngợi Hồ Chủ Tịch…
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trong một bài viết trong cuốn ‘Tôi là ai là ai’ được xuất bản lần đầu năm 2011 từng ví mình như là ‘một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi’ trên cánh đồng ca khúc trong khi Văn Cao ‘sang trọng như một ông hoàng’ với âm nhạc của ông ‘như thần tiền bay bổng’. Trong Hồi ký của mình, nhạc sỹ Phạm Duy nhìn nhận Văn Cao ‘tài hoa hơn tôi nhiều’.
Ngoài sáng tác âm nhạc, Văn Cao còn là một nhà thơ có tập thơ ‘Lá’ đã được xuất bản. Ông cũng có niềm đam mê lớn với hội họa, để lại nhiều tác phẩm và từng vẽ tranh minh họa cho nhiều tờ báo và hàng trăm bìa sách.
Ông mất vào năm 1995. Một năm sau, ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cao nhất dành cho văn học nghệ thuật ở Việt Nam, và ông là một trong những văn nghệ sỹ đầu tiên được trao giải thưởng này.
‘Trăm năm kỳ tài’Để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Văn Cao, hôm 20/8 một đêm nhạc hoành tráng vinh danh ông mang tên Đàn Chim Việt đã được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội với đại cảnh tái hiện lịch sử gắn liền với các ca khúc của ông bên ngoài nhà hát ở Quảng trường Cách mạng Tháng Tám.
Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo cho Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự.
Vào đúng ngày sinh Văn Cao, hôm 15/11, đã diễn ra hội thảo về thân thế và sự nghiệp của ông do Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam tổ chức. Trước đó một tuần, báo Nhân Dân đã tổ chức hội thảo khoa học mang tên ‘Thế giới nhạc, họa, thơ của Văn Cao’ dưới sự chủ trì của các ủy viên trung ương Đảng phụ trách tuyên truyền và văn học nghệ thuật để đánh giá ‘những di sản nghệ thuật lớn lao mà Văn Cao để lại cho đất nước’.
Ông Lê Quốc Minh, phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương kiêm Tổng Biên tập báo Nhân Dân, được báo chí trích dẫn lời nói tại hội thảo rằng ‘thời gian lùi càng xa thì tầm vóc nghệ thuật của Văn Cao càng lớn’.
Tờ báo ngôn luận của Đảng này cũng dành riêng một chuyên đề với hàng loạt bài báo phân tích, đánh giá và ca ngợi Văn Cao. Trong khi đó, tờ Tuổi Trẻ cũng đã đăng loạt bài ‘Văn Cao - trăm năm kỳ tài’.
Từng bị Đảng ghẻ lạnhMặc dù giờ đây nhạc sỹ tài danh này được tung hô, nhưng ông từng phải trải qua giai đoạn đen tối trong cuộc đời khi dính vào phong trào Nhân văn-Giai phẩm vốn chống lại sự kìm kẹp về chính trị và đòi được tự do tư tưởng trong sáng tác. Khi đó, ông bị coi là ‘thành phần chống Đảng’ và bị đưa đi lao động cải tạo, nhưng tránh được kết cục phải đi tù như những người khác.
Ông bị kỷ luật vào năm 1958 và đến năm 1988 thì mới được phục hồi, được phép xuất bản tập thơ và tập nhạc. Trong khoảng thời gian 30 năm đó, Văn Cao đã bị chính quyền hắt hủi, ghẻ lạnh, bị đưa ra đấu tố, trù dập; bị bạn bè xa lánh, khinh khi; sống cuộc sống chật vật, nghèo khó và chịu nhiều buồn tủi, đắng cay, theo lời kể từ gia đình và bạn bè của ông.
Những bài hát lãng mạn của ông không được hát ở miền Bắc trong suốt thời gian mà chính quyền cộng sản gọi là “kháng chiến chống Mỹ”. Thậm chí có lúc chính quyền còn muốn vứt bỏ bài Tiến Quân ca của ông để chọn một bài hát khác làm Quốc ca và còn tổ chức một cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới hồi năm 1981 nhưng bất thành.
Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, Văn Cao đã sáng tác ‘Mùa xuân Đầu tiên’ để mô tả cảm xúc về mùa xuân đầu tiên mà đất nước sống trong không khí thanh bình vào năm 1976. Bài hát này được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam rồi sau đó không còn được nghe thấy nữa. Mãi đến năm 2000, sau khi ông đã mất được 5 năm, Đài Truyền hình Việt Nam mới lần đầu tiên cho phát bài hát này.
Khác với những bài hát ca ngợi ‘chiến thắng năm 1975’ thường có giai điệu và lời ca hùng hồn, vẻ vang, ‘Mùa xuân Đầu tiên’ của Văn Cao có giai điệu nhẹ nhàng, êm ái, có phần thâm trầm, suy tư với lời điệp khúc ‘Từ đây người biết thương người/Từ đây người biết yêu người’.
‘Bi kịch’ của Văn CaoTrao đổi với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh, nhạc sỹ Tuấn Khanh nhận định rằng ‘Mùa xuân Đầu Tiên’ không chỉ là âm nhạc mà còn là ‘tiếng lòng của một người nghệ sĩ khao khát tự do’.
“Tôi cảm giác đó như là tiếng thở dài tiếc nuối cho cuộc đời của ông không thể tung hoành với khả năng của mình - một cuộc đời bị vặn vẹo từ một thanh niên bị ấn cây súng sát thủ vào tay, cho đến khi nói tiếng nói tự do thì bị chà đạp”, ông Khanh nói.
“Thử hình dung một Văn Cao năm 1954 đi cùng với Phạm Duy vào Nam thì ông ta sẽ làm được những gì và góp thêm bao nhiêu vào kho tàng âm nhạc tự do của Việt Nam?” nhạc sỹ Tuấn Khanh đặt vấn đề và cho rằng những trắc trở về chính trị trong cuộc đời đã khiến Văn Cao ‘không được thỏa sức sáng tác’.
Lý giải về hai thái cực trong các sáng tác của Văn Cao, từ lãng mạn, bay bổng cho tới quyết liệt, dữ dội, nhạc sỹ Tuấn Khanh cho rằng đó là do Văn Cao ‘đi tận cùng chân trời của chủ nghĩa lãng mạn và cũng mở hết lòng mình với những biến động trong thời đại của mình bằng lòng yêu nước’. Theo ông, bài ‘Tiến Quân ca’ dù có màu sắc ‘sắt máu và bạo lực’ nhưng ‘có giá trị trong giai đoạn lịch sử kháng chiến chống Pháp’.
Theo phân tích của ông Khanh, dưới chính quyền cộng sản, Văn Cao cũng như những người nghệ sỹ khác trở thành công cụ ‘phải phục vụ tận lực’ cho mục đích tuyên truyền của Đảng. “Mãi mãi trong cuộc đời Văn Cao cũng sẽ không bao giờ quay lại được những tư duy chủ nghĩa lãng mạn của mình”, ông nói.
Nhạc sỹ Tuấn Khanh nhận định rằng Văn Cao ban đầu đi theo Đảng vì ông ‘được thuyết phục hoặc tin rằng sẽ cùng Đảng Cộng Sản xây dựng một chế độ ước mơ’. “Nhưng những gì diễn ra sau đó với Cải cách ruộng đất, Nhân Văn-Giai Phẩm… đã khiến mỗi người chọn một hướng trong đời mình để tồn tại”, ông suy luận.
Ông Khanh đề cập đến giai thoại là mặc dù sống nghèo khổ, nhưng Văn Cao phải nghe theo chính quyền giả vờ có cuộc sống đàng hoàng để giữ thể diện quốc gia khi được Tổng thống Pháp François Mitterrand ghé nhà trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 1993. “Để có thể thở và sống như một người trí thức qua những ngày tháng như vậy, nó có cái gì đó còn đau hơn cả lòng tự trọng”, ông Khanh nhận xét.
‘Buộc phải nhìn nhận’Theo lời nhạc sỹ Tuấn Khanh, ở Văn Cao có hai điều khiến ông từng bị thất sủng với chính quyền, đó là ‘nói sự thật’ và ‘không thích cộng sản’.
“Văn Cao của Nhân văn-Giai phẩm đã là một tuyên ngôn bảo vệ sự thật, và cuộc đời ông chấp nhận đến cuối không van xin, không luồn cúi để mong được quay lại với hệ thống, điều đó đã bị coi là thành phản động, phản bội”.
Và sau khi chế độ ‘xô đẩy Văn Cao rất nhiều lần nhưng ông không ngã’, cuối cùng cho đến gần cuối đời Văn Cao ‘họ buộc lòng phải nhìn nhận ông’, vẫn theo quan sát của nhạc sỹ Tuấn Khanh.
“Lịch sử cho thấy, cái gì không thể diệt được thì thường họ (chính quyền cộng sản) sẽ nhận là của mình”, ông Khanh chỉ ra khi được hỏi nên nhìn nhận Văn Cao là công thần hay nạn nhân của chế độ.
Nhạc sỹ Tuấn Khanh đánh giá Văn Cao là một trong những tài năng ‘làm rực sáng kho tàng di sản văn hóa của người Việt’. Tuy nhiên, trước những biến động của lịch sử Việt Nam, ‘có những người phải thở dài về sự may rủi và trớ trêu của số phận’.
“Tôi vô cùng chia sẻ với những con người như nhạc sĩ Văn Cao, vốn phải gánh đôi bi kịch và hào quang trên lưng của mình đến tận ngày nhắm mắt”, ông nói.
Theo VOA