Sức mạnh quân sự Mỹ vẫn vô địch. Trong ảnh, hàng không mẫu hạm USS Dwight D.Eisenhower và các chiến hạm khác đi qua eo biển Ormuz vào Vịnh Ba Tư ngày Chủ nhật 26/11/2023 để răn đe Iran trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas. AP - Information Technician Second Class Ruskin Naval
Phân nửa cư dân Trái Đất đi bầu năm 2024Hơn phân nửa dân số thế giới sẽ đi bầu trong năm nay, và tính theo tỉ lệ tham gia gần đây, gần 2 tỉ cử tri của 70 quốc gia sẽ đến phòng phiếu. Nhiều cuộc bầu cử sẽ củng cố ngôi vị của các nhà cai trị phi tự do, tham nhũng hoặc bất tài. Và kỳ bầu cử quan trọng nhất là bầu tổng thống Mỹ sẽ phủ bóng lên chính trị toàn cầu, trong bối cảnh xung đột từ Ukraina đến Trung Đông.
Một số cuộc bầu cử chỉ là hình thức, như ở Belarus hay Rwanda câu hỏi duy nhất là tổng thống mãn nhiệm có thể đạt tỉ lệ 100 % hay không. Tại Nga, sau khi sửa đổi Hiến Pháp để xóa bỏ hạn chế về số nhiệm kỳ, Vladimir Putin chắc chắn sẽ tiếp tục làm tổng thống ba nhiệm kỳ liên tiếp (tính thêm thời gian đổi vai với Medvedev là năm).
Hầu hết lá phiếu là ở châu Á, với nguy cơ phi tự do càng cao. Tại Ấn Độ, Narendra Modi tận dụng thành công địa chính trị dù đàn áp Hồi giáo ; tổng thống Joko Widodo của Indonesia quyết củng cố triều đại, Bangladesh đã chuyển sang bước ngoặt độc tài. Châu Phi bầu cử nhiều nhất nhưng từ 2020 đã có 9 chế độ lên nắm quyền bằng cách đảo chánh. Tại Nam Phi, ba thập niên hậu apartheid, đảng ANC tiếp tục ngự trị trong một đất nước tham nhũng, tội phạm và thất nghiệp lan tràn.
Bầu cử Mỹ luôn là trung tâm chú ý của toàn thế giớiTin tức không phải hoàn toàn xấu. Mêhicô sẽ có nữ tổng thống đầu tiên vì hai ứng cử viên đều là phụ nữ. Cử tri Anh rốt cuộc sẽ có được sự chọn lựa giữa hai ứng viên có năng lực. Một số cuộc bầu cử có tác động ra bên ngoài biên giới như Đài Loan. Nếu Quốc dân đảng thắng, trước mắt sẽ giảm nguy cơ xung đột với Trung Quốc nhưng trong trung hạn có thể thúc đẩy Bắc Kinh phiêu lưu, dẫn đến sự đối đầu giữa hai đại cường.
Tuy nhiên không gì có thể so sánh với bầu cử tổng thống Mỹ, vừa ngoạn mục lại vừa tác động đến toàn thế giới. Lần này là giữa hai ứng cử viên đều lớn tuổi mà đa số cử tri đều không muốn họ ra tranh cử. Theo The Economist, một nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump có thể làm tăng xu hướng tự cô lập của Hoa Kỳ và gây thiệt hại cho Ukraina.
Chiến tranh Ukraina bế tắc, Putin không thể kéo dài mãiCuộc chiến tranh ở Ukraina có thể rơi vào bế tắc. Kiev muốn tổ chức tấn công vào mùa xuân nhưng không tập hợp đủ sức mạnh bộ binh, thiếu đạn pháo. Putin muốn có những chiến thắng biểu tượng như ở Avdiivka nhưng việc liên tục tung binh lính kém huấn luyện vào những trận đánh ác liệt khiến quân đội Nga yếu đi mà không thay đổi được gì trên chiến tuyến. Chiến lược của Kremlin rất đơn giản : tiếp tục cho đến khi nào các đồng minh của Ukraina chán nản. Nhưng Vladimir Putin không thể tài trợ cho cuộc chiến của mình mãi mãi.
Cho đến nay, tiền bạc không phải là vấn đề. Trong năm đầu tiên của cuộc xâm lăng, xuất khẩu của Nga đạt 590 tỉ đô la chủ yếu nhờ dầu khí, đến năm thứ hai có giảm nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 60 tỉ. Trung Đông loạn lạc khiến giá dầu bị đẩy lên, có lợi cho Putin. Nhưng nếu chiến tranh kéo dài, Donald Trump không quay lại Nhà Trắng và phương Tây tiếp tục viện trợ cho Kiev thì tổng thống Nga sẽ nằm trong thế khó. Trong quá khứ, mỗi lần tín nhiệm bị sụt giảm, Vladimir Putin lại giải quyết bằng cách phát động một cuộc chiến, nhưng lần này lá bài không còn xài được nữa.
Theo RFI