Các nữ tù nhân lương tâm Việt Nam. Photo Facebook.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, các tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích các nữ tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, đồng thời lên án sự đàn áp một cách có hệ thống và tùy tiện đối với giới bất đồng chính kiến của Hà Nội.
Có ít nhất 200 tù nhân lương tâm ở Việt Nam, trong đó có hơn 30 phụ nữ. Việt Nam cho rằng những phụ nữ này đã “đe dọa an ninh quốc gia” hoặc “gây tổn hại cho đất nước”, nhưng trên thực tế, họ bị bắt và truy tố “chỉ vì đấu tranh ôn hòa cho các quyền cơ bản, công bằng xã hội và môi trường trong sạch và lành mạnh”, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) cho biết trong thông cáo hôm 8/3.
Bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, Chủ tịch của VCHR, tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Paris, Pháp, chia sẻ với VOA về lời kêu gọi trên:
“Chúng tôi thấy có một số người phụ nữ Việt Nam rất trẻ, can đảm và nhiệt huyết đang bị cầm tù chỉ vì nói lên những ý kiến ôn hòa của mình. Các chị muốn xây dựng đất nước nhưng tiếng nói của những người dũng cảm này của Việt Nam đang bị bóp nát. Đây là điều rất tiếc”.
“Thông điệp là tiếng nói của những người phụ nữ này rất cần thiết cho đất nước Việt Nam. Họ không muốn lật đổ chính quyền mà chỉ muốn người Việt Nam có đời sống tốt đẹp hơn...Nhà cầm quyền Hà Nội phải lắng nghe họ và lắng nghe tiếng nói của người dân Việt Nam”, nữ chủ tịch của tổ chức VCHR cho biết thêm.
Bà Faulkner lưu ý trường hợp của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, người đang chữa bệnh ung thư nhưng vẫn bị giam cầm. “Chúng tôi kêu gọi trả tự do ngay tức khắc cho bà Nguyễn Thúy Hạnh để được chữa bệnh một cách đàng hoàng”.
Trong thông cáo, VCHR bày tỏ tri ân các phụ nữ “đang mòn mỏi trong các nhà tù của Việt Nam vì những hành động cho nhân quyền của họ”, cũng như hàng trăm “nữ anh hùng” - những người vợ, người mẹ và con gái của các tù nhân lương tâm, phải đối mặt hàng ngày với sự quấy rối và đe dọa của chính quyền và phải vật lộn để nuôi sống gia đình và thăm nuôi người thân yêu của mình, thường bị giam cách xa nhà hàng trăm dặm.
Tổ chức này nêu các trường hợp điển hình như tù nhân lương tâm Đinh Thị Thu Thủy, Trần Thị Tuyết Diệu, Ngô Thị Tố Nhiên, Hoàng Thị Minh Hồng, Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trần Thị Xuân.
Ngoài việc kêu gọi phóng thích họ, VCHR còn khuyến nghị chính quyền Việt Nam bãi bỏ các điều luật 109, 117, 331 của Bộ Luật hình sự, là những điều luật được dùng rộng rãi để bớt bớ những tiếng nói bất đồng.
Cũng hôm 8/3, tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) có trụ sở tại New York, Mỹ, bày tỏ sự can trường của nữ nhà báo Phạm Đoan Trang, cho rằng bà bị giam cầm “bất công” chỉ vì công việc làm báo của mình.
Ông Josef Benedict, nhà nghiên cứu thuộc tổ chức nhân quyền CIVICUS, hôm 8/3 cũng kêu gọi trả tự do cho bà Trang.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay khi VOA đưa ra yêu cầu bình luận về những lời kêu gọi này.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay không công nhận việc giam giữ tù nhân chính trị hay tù nhân lương tâm, nói rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”, đồng thời nói thêm rằng các quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí luôn được tôn trọng tại nước này.
Theo VOA