The Economist khẳng định « Cơn khát quyền lực của Tập Cận Bình làm tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc », và kỳ họp Quốc Hội chỉ là dịp biểu dương uy quyền của ông Tập. Trả lời L’Express, chuyên gia Hạng Tiêu (Xiang Biao) nhận thấy thanh niên Trung Quốc hiện nay bi quan hơn các thế hệ trước rất nhiều, « giấc mộng Trung Hoa » không nghĩa lý gì đối với họ.
Một cảnh nhìn trộm qua màn che tại Đại sảnh đường Nhân Dân, nơi Chính Hiệp (Quốc Hội) Trung Quốc họp ngày 07/03/2024. REUTERS - Florence Lo
Cơn khát quyền lực của Tập Cận Bình làm hại kinh tế Trung QuốcCũng tại châu Á, The Economist nhận định « Cơn khát quyền lực của Tập Cận Bình làm tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc », và kỳ họp Quốc Hội chỉ nhằm nhấn mạnh đến quyền uy của ông Tập. Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) đọc báo cáo một cách lạnh lùng, với giọng điệu biện hộ, khác hẳn với những người tiền nhiệm. Ông không hứa hẹn gì với nhiều triệu người đã trả tiền mua nhà nhưng không được giao, không an ủi các công ty bị thiệt hại vì ba năm phong tỏa, nhưng dành thì giờ để ca ngợi sự lãnh đạo của Tập Cận Bình.
Đảng dành nguồn lực khổng lồ để giám sát dư luận, và các thủ tướng thường được một ít tự do để trưng ra bộ mặt nhân văn của quan chức cao cấp. Ông Lý Khắc Cường (Li Ke Qiang) và trước đó là Ôn Gia Bảo (Wen Jia Bao) từng đến thăm những nơi bị thiên tai, và đôi khi tỏ ý tiếc khi chính sách của chính phủ bị thất bại. Dù « Ôn gia gia » có khi hứa mà không thực hiện, công chúng vẫn có cảm tình với họ. Trung Quốc đang bị khủng hoảng lòng tin, nhưng giới chóp bu không muốn nhìn nhận.
Tuần báo nhận thấy chính trị Trung Quốc đang mịt mờ hơn bao giờ hết, nhưng thông điệp thực sự thì không thể nhầm lẫn: kinh tế đang suy yếu, quyền lực tập trung vào tay Tập Cận Bình và ông ta đang nhất quyết lao vào cuộc chiến tranh lạnh với Mỹ. Nhiều người dân bình thường lo rằng con tàu đang chệch hướng, nhưng trong bão tố ai dám tranh cãi với người cầm lái vĩ đại ?
Giới trẻ Hoa lục bi quan hơn các thế hệ trướcCũng về Trung Quốc, trả lời L’Express, ông Hạng Tiêu (Xiang Biao), giám đốc Viện Max-Planck ở Hà Lan nhận xét « Thanh niên Trung Quốc bây giờ bi quan hơn trước rất nhiều ».Tình trạng kinh tế chậm lại ảnh hưởng đến giới trẻ nặng nề hơn so với những lớp trước. Những người này đã được hưởng lợi từ 40 năm tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc, sở hữu nhà cửa, có tiền tiết kiệm.
Lớp trẻ có học hiện nay lớn lên với những kỳ vọng lớn lao về tương lai, khoảng cách với thực tế khiến họ khó thể chịu đựng. Có ít việc làm hơn, ít cơ hội thăng tiến, và với những ai tìm được việc, điều kiện khó khăn hơn rất nhiều vì phải cạnh tranh dữ dội. Những ai sống trong các thành phố lớn, thích đi du lịch và hưởng lương cao ở Bắc Kinh, Thượng Hải phải từ bỏ giấc mơ ; nhưng nhờ cha mẹ giúp đỡ nên có thể từ chối những công việc như giao hàng ; người nghèo thì làm mọi cách để kiếm sống. Nhưng bối cảnh kinh tế ảnh hưởng đến tâm lý mọi tầng lớp xã hội. Thế nên dẫn đến số đám cưới giảm sút, số trẻ em sinh ra, lượng mua nhà đều giảm.
Đại dịch Covid là yếu tố quan trọng. Giới trẻ nhận ra họ hoàn toàn không có tự do, đôi khi cư dân cả một tòa nhà bị bắt đi cách ly chỉ vì một ca tiếp xúc. Cuộc khủng hoảng địa ốc cũng tạo tác động lớn : xưa kia người ta làm việc cật lực để mua được nhà, lập gia đình và sinh con. Nhưng nay sở hữu nhà trở thành vô nghĩa vì sụt giá, người trẻ chọn ở chung với cha mẹ, giải thoát khỏi áp lực trả nợ, một số chọn « thảng bình » - nằm dài không làm gì cả. Thái độ này rất xa với « giấc mơ Trung Hoa » của Tập Cận Bình, trở thành đại cường quân sự, kinh tế đối với họ chẳng nghĩa lý gì.
Theo RFI