Nhà Trần đã khởi nghiệp với năm vị vua liên tiếp đều là những bậc anh hùng. Mặt ngoài các ngài đã lập được những chiến công hiển hách, đẩy lùi được mấy cuộc xâm lăng của lũ cường khấu phương Bắc. Mặt trong các ngài lại giỏi việc văn trị, cố gắng lo cho muôn dân được sống trong cảnh no ấm, yên vui. Thời kỳ vinh quang, thịnh vượng đó đã kéo dài gần một trăm năm. Ngoài ra, các vua Trần còn khéo léo ngoại giao với Chiêm Thành để nới rộng cương thổ về phương Nam nữa. Nhưng đến khi vua Dụ tông (Hạo) lên cầm quyền thì Đại Việt bắt đầu lâm vào cảnh suy yếu, lụn bại.
Vua Dụ tông bất tài, bỏ bê việc nước, chơi bời xa xỉ đến nỗi quốc khố cạn kiệt. Bọn nịnh thần đã xúi giục vua tăng cao thuế má, bán tước mua quan để có tiền bạc tiêu xài. Nhiều chức tước đã được công khai định giá tương đương với số lượng thóc lúa của những nhà giàu hiến tặng cho nhà nước. Bởi tình trạng đó, hạng quan lại không tốt đã mọc lên như nấm. Trong nước nạn đói kém đã xảy ra khắp nơi. Ở đâu cũng có những đám lưu dân không đủ sức đóng thuế, phải trốn bỏ xóm làng đi chốn khác kiếm ăn.
Hồi ấy ở hương Thổ Hoàng thuộc phủ Hưng Yên có một ông họ Nguyễn, vốn giàu có từ nhiều đời, nổi tiếng ăn ở rộng rãi, hay giúp đỡ những kẻ thất cơ lỡ vận. Ngày kia có một gã đàn ông họ Dương dắt một đứa con nhỏ tên Khương đến xin ông một việc làm. Thấy hai cha con này đều có sắc đói, ông Nguyễn không nỡ làm ngơ, lại cũng là lúc đang cần người, ông thu nhận ngay. Không may mới làm việc được mấy ngày gã họ Dương lại lâm bệnh mà mất. Chuyện xảy ra quá bất ngờ khiến ông Nguyễn hết sức bối rối. Lúc thu nhận gã họ Dương, ông chưa kịp hỏi rõ lý lịch, quê quán của gã. Thằng bé Dương Khương mới bốn năm tuổi nhỏ quá chẳng biết gì hết. Không cách nào liên lạc với thân nhân của gã Dương, ông Nguyễn đành phải lo việc chôn cất kẻ xấu số và nuôi nấng thằng bé.
May là thằng bé Khương cũng dễ nuôi. Nó dễ bảo, biết vâng lời nên cả gia đình ông Nguyễn ai cũng thương. Càng lớn Dương Khương càng tỏ ra thông minh, lại có tài hát hay, múa giỏi. Nó cũng có thể nhại giọng, bắt chước bộ điệu của người khác y hệt khiến ai thấy phải tức cười. Chỉ tiếc một điều là chân trái của nó bị chút tật bẩm sinh, đi đứng hơi khó.
Thời bấy giờ ở nước ta nghề hát rong, diễn trò hãy còn mới lạ. Lâu lâu lại có một đoàn hát đến tận các vùng xa xôi để trình diễn... Ông Nguyễn thấy thằng Khương có vẻ thích hợp với nghề này nên thường nói với nó:
– Chân cháu bị chút khuyết tật, khó thích hợp với công việc nhà nông. Tuy vậy, cháu đã được thiên phú một giọng hát tốt, lại có khiếu diễn trò. Nếu theo được một gánh hát chắc cháu cũng được ấm no một đời. Nếu có dịp ta sẽ giúp cháu!
*
Mấy năm sau, có đoàn hát Bầu Lê đã đi lưu diễn qua vùng Hưng Yên. Tình cờ họ lại chọn hương Thổ Hoàng làm nơi trình diễn đầu tiên. Đã sẵn ý định giúp đỡ Khương, ông Nguyễn liền thân hành đến gặp người trưởng đoàn là Lê Hổ, ân cần mời đoàn về nhà ông tạm trú khi trình diễn quanh địa phương này. Tất nhiên ông trưởng đoàn Lê Hổ vui mừng nhận lời ngay. Người trong đoàn hát ai cũng muốn đỡ vất vả về việc tìm một nơi tạm trú. Thấy Lê Hổ dáng vẻ nho nhã, chừng ngoài bốn mươi, cũng trang lứa với mình, ông Nguyễn càng tỏ ra vui vẻ, mặn nồng hơn. Ông đã sai người nhà làm cơm thết đãi và sắp xếp chỗ nghỉ ngơi chu đáo cho cả đoàn hát. Ông lại đặc biệt mời ông Lê Hổ cùng dùng cơm với mình để chuyện trò. Lê Hổ rất cảm động, khi ngồi xuống bên mâm cơm, ông nói:
– Không biết phước đức nào đã khiến bọn tôi gặp được một vị ân nhân quá tuyệt. Đã giúp chỗ nghỉ ngơi, còn đãi đằng ân cần nữa. Nếu không, có thể giờ này bọn tôi còn vất vả lo tìm chỗ trọ chứ đâu đã được ngồi ăn uống thoải mái thế này.
– Đừng quan tâm chuyện đó! Quí huynh đệ đã chịu bao nhiêu khó nhọc để đem nguồn không khí vui tươi cống hiến cho đám bình dân ở tận hang cùng ngõ hẻm thế này là quí hóa lắm rồi! Tôi là dân địa phương, may sẵn có chút phương tiện nên muốn giúp quí huynh đệ dễ bề thực hiện công việc thôi, đáng kể chi! Lê huynh theo nghề này đã lâu chưa? Chẳng hay năm nay Lê huynh đã hưởng được bao nhiêu tuổi trời?
– Thưa ông chủ, tôi năm nay 45, theo nghề này đã gần hai mươi năm!
– Thú vị quá! Tôi cũng 45, vậy chúng ta là bạn đồng niên rồi. Mình nên coi nhau như huynh đệ đi. Hôm nào đoàn hát của Lê huynh còn diễn ở đây hay vùng phụ cận, cứ việc ở tạm nhà đệ cho thoải mái, đừng ngại! Bây giờ hai ta vừa ăn uống lai rai vừa nói chuyện nhé!
– Còn gì hân hạnh hơn! Cám ơn Nguyễn huynh lắm!
– Có gì mà ơn với nghĩa! Thật lòng đệ rất quí trọng cái nghề nghiệp của quí huynh đệ. Đệ còn mong được tiếp tay với quí huynh đệ nhiều hơn nữa cơ. Xem ra công việc của quí huynh đệ cũng nhọc nhằn vất vả lắm! Đệ từng nghe chuyện các đoàn hát lưu diễn phương xa thỉnh thoảng đã gặp những cảnh khốn đốn ra sao rồi! Nào gặp cảnh mưa bão bất ngờ, nào gặp cảnh trong đoàn có một vài thành viên bị bệnh thình lình! Thậm chí đôi khi có cả cảnh trong đoàn có người qua đời đột ngột! Đã khổ thế mà quí huynh đệ còn phải nghe những lời mỉa mai, khinh thị của những kẻ đạo đức giả nữa. Đệ thông cảm lắm. Đệ biết, nếu không có tấm lòng tha thiết yêu nghề quí huynh đệ đâu có chung thủy với nghề đến vậy!
– Đa tạ trời đất! Suốt mười mấy năm theo nghề, nay đệ mới nghe được một lời đầy hiểu biết và thông cảm sâu xa với cái nghề của mình do một vị trưởng giả nói ra!
– Đệ nói thật lòng chứ không phải nói đưa đẩy đâu! Dám hỏi, vì lẽ gì khiến Lê huynh đã chọn nghề xướng ca?
– Để trả lời câu hỏi của Nguyễn huynh, đệ xin phép dài dòng một tí. Trước kia đệ cũng từng trải qua một thời gian sách đèn khá dài, cũng ước mơ có ngày được mang hia đội mão lắm. Chỉ tiếc là đệ không có duyên với chốn quan trường, khoa bảng, thi khoa nào rớt khoa nấy. Nhà đệ vốn nghèo, một ít ruộng đất cha mẹ để lại cũng dần bán sạch. Trong khi muốn kiếm một công việc để sống đệ tình cờ gặp một người bạn cũ đang theo cái nghề mới mẻ này. Sau khi tìm hiểu, đệ thấy nghề này cũng rất lương thiện nên đã chọn nó làm nơi gởi thân... Lê Hổ vừa cười vừa nói tiếp:
– Không mang hia đội mão thật được thì mang hia đội mão giả cũng chẳng sao! Cái nghề mang hia đội mão giả này thế mà lương thiện thật đó! Đệ không nói bừa nói ngoa đâu! Có khi nó còn lương thiện hơn cả cái nghề của những người mang hia đội mão thật nữa kìa!
Ông Nguyễn khoái trá vỗ đùi cười ồ:
– Cái nghề của những kẻ mang hia đội mão giả có khi còn lương thiện hơn cái nghề của những kẻ mang hia đội mão thật? Không ngờ Lê huynh đã nói một câu hay quá!
– Nguyễn huynh thử nghĩ coi, nghề của đệ đâu có trộm cướp, giết người hay lừa dối, bóc lột ai? Điểm nào có thể gọi là thiếu lương thiện? Thật tình trên mặt nổi thiên hạ chỉ thấy bọn đệ cống hiến những trò vui mắt, những câu hát hay, những điệu múa lạ để mọi người thưởng thức cho sảng khoái tinh thần thôi, nhưng về mặt chìm công việc của bọn đệ còn ngầm chứa một ý nghĩa cao cả bổ ích cho xã hội hơn nhiều...
– Xin Lê huynh cho nghe tiếp về ý nghĩa cao cả của nghề đội mão giả...
– Như Nguyễn huynh đã biết, công việc của bọn đệ là diễn lại các tuồng tích xưa hay những chuyện xảy ra trong xã hội. Tuồng tích nào cũng gieo vào đầu óc người xem những ý niệm tốt hay xấu. Như tuồng Tôn Tẩn Bàng Quyên gieo vào óc người xem ý niệm kẻ gian ác phản bội như Bàng Quyên sẽ bị trời phạt, cuối cùng bị phân thây mà chết, kẻ thật thà trung hậu như Tôn Tẩn lại được trời thương, gặp nạn lớn mấy cũng có người cứu. Tuồng “Nhạc Phi” gieo vào đầu óc người xem ý niệm: Nhạc Phi một lòng trung quân ái quốc nên dù bị gian thần hãm hại đến chết, vẫn được ngàn đời sùng bái. Ngược lại Tần Cối, nhờ gian nịnh bán nước mà được giàu sang một thời, khi chết đã bị ngàn đời nguyền rủa. Các tuồng “Nhị Trưng Đuổi Tô Định”, “Ngô Quyền Đánh Giặc Nam Hán” hay “Trần Bình Trọng Thà Làm Quỉ Nước Nam Hơn Làm Vương Đất Bắc” vừa gieo vào đầu óc người xem một số kiến thức lịch sử, vừa kích thích tinh thần yêu nước, sẵn sàng chịu hi sinh vì sự sống còn của quốc gia, dân tộc v.v... Các tuồng sinh hoạt xã hội thì ngoài mục đích giúp vui còn cung cấp cho người xem bao nhiêu kinh nghiêm để khi gặp những hoàn cảnh tương tự họ sẽ xử trí khôn ngoan, hợp lý hơn... Đó chính là ý nghĩa cao quí trong công việc của các đoàn hát vậy! Rõ ràng cái nghề hát xướng cũng bổ ích cho xã hội, đất nước lắm chứ? Chính đệ nhờ biết chút chữ nghĩa đã nghiền ngẫm sưu tầm mà dựng ra những tuồng tích ấy, đâu phải dễ dàng gì? Những người đóng các vai trong tuồng cũng phải bỏ công sức luyện tập thường xuyên mới dám ra diễn cho thiên hạ xem. Cho nên khi bọn đệ bưng bát cơm của thiên hạ để ăn bọn đệ đâu có áy náy? Nói thật, đệ rất coi thường những lời ong tiếng ve châm chích cái nghề của mình.
Ông Nguyễn gật gù tán thành:
– Lê huynh suy nghĩ như thế là chín chắn lắm! Thế mà có người dám gán cho cái nghề này là “xướng ca vô loại”, thật quá đáng!
– Thật ra những kẻ ấy cũng có cái lý của họ. Ban đầu cũng do cái nghề này quá mới mẻ người ta chưa hiểu được. Họ chỉ dựa theo quan niệm cũ, vẫn quen xếp nghề nghiệp của người dân làm bốn hạng là “sĩ, nông, công, thương”. Nghề hát xướng mới ra đời họ không biết xếp vào hạng nào nên cứ cho là “vô loại” thôi. Về sau lại có một số người nại thêm những sự mâu thuẫn trong nghề như một anh diễn tuồng khi này sắm vai một ông quan tốt, khi khác lại sắm vai một tên nghịch tặc. Cũng có khi hai anh em lại sắm vai hai vợ chồng. Cũng có khi người con sắm vai ông vua mà người cha lại sắm vai một ông quan hầu. Chẳng qua vì thiếu nhân sự nên các đoàn hát phải ứng biến như vậy thôi. Nhưng những kẻ khó tính đã vin vào cái cớ ấy để bôi bác nghề xướng hát có những hành vi thương luân bại lý...
– Đệ rất đồng ý việc Lê huynh đã gạt bỏ ngoài tai những lời thị phi ấy. Nghe Lê huynh nói nghề xướng ca quá mới mẻ, chắc Lê huynh cũng rõ nó xuất hiện từ đời nào?
– Chỉ mới gần đây thôi. Trong cuộc xâm lăng nước ta lần thứ hai của quân Mông Cổ, quân nhà Trần ta đã giết được danh tướng của chúng là Toa Đô tại chiến trường Tây Kết. Trong số tù binh quân nhà Trần bắt được có một nghệ sĩ gốc Hán tên Lý Nguyên Cát, y được Toa Đô đưa theo trong quân để giúp vui quân sĩ. Trong thời gian bị ta bắt giữ, Nguyên Cát đã khéo trổ tài ca hát, nhất là việc diễn tuồng rất lạ mắt, hấp dẫn. Trước đó ở Đại Việt chưa hề có nghề diễn tuồng. Các vương hầu trong triều thích quá bèn lần lượt bảo lãnh Nguyên Cát đưa về phủ riêng nhờ y truyền dạy nghệ thuật này cho gia nhân. Nguyên Cát ngoài tài hát, tài diễn tuồng, lại còn khá am hiểu lịch sử nên đã tự tay soạn ra những tuồng tích rất hay... Chẳng bao lâu Nguyên Cát đã giúp một số vương hầu tổ chức được những đoàn hát nhỏ để họ giúp vui cho dân chúng trong các ấp phong của họ. Khi cuộc chiến chấm dứt, dù vua Trần đã thuận trao trả số tù binh đó lại cho nhà Nguyên, Lý Nguyên Cát đã xin ở lại Đại Việt. Từ đó, nghề diễn tuồng ở đất Việt bắt đầu phát triển...
– Rất cám ơn Lê huynh đã cho biết nhiều điều mới lạ. Giờ có một việc này đệ muốn làm phiền đến Lê huynh, hi vọng không trở ngại?
– Nguyễn huynh đã nhờ đến, trừ việc ở ngoài tầm tay của đệ, việc gì đệ cũng sẵn lòng.
Thế rồi ông Nguyễn đem trường hợp của Dương Khương kể ra và tỏ ý gởi gắm nó với Lê Hổ. Nghe xong, Lê Hổ mừng rỡ nói:
– Thế thì đệ phải cám ơn Nguyễn huynh mới phải chứ. Lâu nay đệ vẫn mong tìm được một đệ tử xứng đáng để truyền cái nghề mà đệ nghĩ là rất hữu ích cho xã hội này. Gặp được một đứa trẻ thông minh có tài như Dương Khương đệ còn mong gì hơn? Xin hứa với Nguyễn huynh, đệ sẽ tận tình nâng đỡ, dạy dỗ cho cháu!
Nghe tin Dương Khương sắp theo gánh hát Bầu Lê, một chị làm công ở nhà ông Nguyễn vội tìm gặp ông Bầu Lê và thưa:
– Thưa ông Bầu, con có đứa cháu con người chị đã mất mới 7 tuổi, tên Hạnh. Vì nó hơi gầy nên mọi người vẫn quen gọi là Bé Gầy. Nó siêng năng, dễ bảo và cũng có một giọng hát khá hay. Chồng con không may bị bệnh kinh niên. Hiện tại con đi làm công gắng lắm cũng chỉ nuôi đủ ba miệng ăn, khó dư dả được để lo thuốc thang. Ông Bầu làm ơn cho Bé Gầy theo gánh hát được không? Con xin biếu không thôi, chỉ cần cho Bé Gầy được ấm no là đủ. Nếu được vậy cháu Hạnh sẽ đỡ khổ mà con cũng dư chút ít để chạy chữa cho chồng... Xin ông ra tay tế độ, chúng con sẽ nhớ ơn ông mãi mãi...
Ông Nguyễn lúc ấy cũng có mặt ở đó nói:
– Con bé ấy cũng kháu khỉnh, lanh lẹ lắm!
Ông Bầu Lê nghe thế liền nói:
– Chị đem cháu lại đây tôi coi thử.
Ông Nguyễn liền bảo chị làm công về nhà dắt Bé Gầy đến gặp ông Bầu Lê. Khi cô bé được dẫn đến, ông Bầu Lê chỉ hỏi han vài điều rồi biếu chị một số tiền và nhận Bé Gầy vào gánh hát.
Nhờ ông Lê khéo huấn luyện, hai diễn viên mới của gánh hát Bầu Lê đã sớm xuất hiện trên sân khấu và chẳng bao lâu cả hai đều trở thành những nghệ sĩ nổi bật. Đoàn hát càng ngày càng ăn khách, được mời trình diễn nhiều hơn. Ông Bầu Lê càng yêu thương, càng quyết lòng vun bồi kiến thức, chữ nghĩa cho Dương Khương với hi vọng sau này Khương sẽ tiếp nối nghiệp vụ của mình. Đi đâu Bầu Lê cũng dắt Khương theo để tiện bề dạy bảo.
Những khi rảnh rỗi ông Bầu Lê thường hay kể chuyện xưa tích cũ cho các thành viên trong đoàn nghe. Lần ông kể đến chuyện “Lã Bất Vi Buôn Vua”, Bé Gầy đã lắng nghe từ đầu chí cuối ra vẻ thích thú lắm. Nghe chuyện xong Bé Gầy bỗng hỏi trổng:
– Đó chỉ là chuyện xưa chứ thời nay làm gì có?
Mọi người đều cười. Một người nói đùa:
– Xưa đã có thì nay cũng có chứ sao lại không? Mày cũng là ca nhi, cũng đẹp không kém ca nhi Triệu Cơ của Lã Bất Vi đấy. Biết đâu mày chẳng có cơ hội trở thành một vị thái hậu?
Mấy người khác cũng lao nhao góp vui:
– Biết đâu được! Nếu Bé Gầy trở thành thái hậu hẳn bọn ta được nhờ không nhiều cũng ít.
– Nhờ cái nỗi gì? Lúc đó ngày đêm nó cứ miệt mài vui say với gã thái giám giả hiệu Lao Ái còn thì giờ đâu để nhớ tới bọn mình?
– Ừ, cái khoản vui vẻ với Lao Ái cũng đã đời lắm!
Tiếng cười đùa càng râm ran...
– Đàn bà dễ được mấy tay như Triệu Cơ?
– Cái máu dâm đã làm bà ta quên cả thể diện của một vị quốc mẫu!
Ông Bầu Lê cũng cao hứng tiếp lời:
– Đó chỉ là chuyện thường tình thôi. Khi có điều kiện, có quyền lực, con người dễ đâm ra hư đốn lắm! Ả Triệu Cơ chưa có gì là ghê gớm lắm đâu. Trong lịch sử nước Tàu có một vị vua đàn bà là Thánh Thần hoàng đế Võ Tắc Thiên (624– 705) mới thật ghê gớm! Khi lên làm vua bà đã 67 tuổi, nghĩa là đã già lắm. Thế mà bà đã cho tuyển chọn rất nhiều thanh niên tuấn mỹ vào cung để hôm sớm vui vẻ. Trong số đó có hai cung nam nổi tiếng là Trương Xương Tôn và Trương Dịch Chi được bà cưng chiều đến nỗi hai tên này dựa hơi dám coi các đại thần như rác. Bà đã thẳng thừng tuyên bố “Tại sao một nam hoàng đế được quyền tuyển nhiều cung nữ để hưởng lạc mà một nữ hoàng đế lại không được quyền tuyển nhiều cung nam?”. Chuyện thật lịch sử đấy!
Không ngờ chỉ vài lời đùa cợt mua vui đỏ lại gieo vào đầu óc Bé Gầy một ước mơ mới mẻ. Nghề hát xướng cũng rèn luyện cho con người tính chất khôn ngoan, sắc sảo, bén nhạy. Mới mười bốn tuổi Bé Gầy đã như một thiếu nữ từng trải việc đời.
Một hôm ông Bầu Lê soạn được vở hát “Vương Mẫu Hiến Bàn Đào”, ông đã giao cho Bé Gầy sắm vai Tây Vương Mẫu. Đây là vở hát diễn lại bữa tiệc do bà Tây Vương Mẫu thết đãi quần tiên món “đào trường sinh” là một thứ quả ngon đặc biệt rất hiếm quí ở thượng giới. Bé Gầy đã đóng vai Vương Mẫu xuất sắc đến nỗi toàn thể khán giả lẫn người trong đoàn hát đều phải sững sờ. Ông Bầu Lê đã dẫn đoàn hát đi diễn nhiều nơi và ở đâu vở Vương Mẫu Hiến Bàn Đào do Bé Gầy giữ vai Vương Mẫu cũng là vở ăn khách, được khán giả tán thưởng nhất. Từ đó nhiều người cứ gọi đùa Bé Gầy là Vương Mẫu. Bé Gầy tinh khôn, sắc sảo tất nhiên ả cũng nhận biết cái giá trị thực tế của mình. Càng ngày ả càng trở nên kiêu hãnh, cao đạo và những mộng ước thầm kín, cao xa trong lòng ả ngày càng nẩy nở. Dần dần ả đâm ra ghét cái tên Bé Gầy mình đang dùng. Một hôm Bé Gầy nói với ông Bầu Lê:
– Thưa ông, ngày xưa cháu còn bé, vì gầy ốm nên mọi người gọi cháu là Bé Gầy. Nay cháu đã khôn lớn, không còn gầy ốm, cái tên Bé Gầy không còn thích hợp với cháu nữa. Xin ông đặt cho cháu một cái tên khác được không?
Ông Bầu Lê cười:
– Bé Gầy là tên gọi cũ và nó cũng thành nghệ danh của chảu luôn. Thật ra nghệ danh tức là cái tên đặt ra để gọi khi hành nghề có thể không cần phải tương ứng với bản thân người nghệ sĩ. Cái tên không quan trọng mà quan trọng là ở cái tài năng. Tuy thế, cháu đã không muốn dùng cái tên ấy nữa thì cứ đổi, khó gì? Ông nhớ hễ lần nào đoàn mình diễn tuồng Vương Mẫu Hiến Bàn Đào cháu đều sắm vai Vương Mẫu, luôn được khán giả hoan nghênh tặng tiền thưởng nhiều nhất. Chính vai diễn này đã giúp cháu nổi tiếng. Vậy ông chọn cho cháu cái tên Vương Mẫu cháu bằng lòng không?
Bé Gầy tươi cười hớn hở:
– Đội ơn ông, cháu không mong gì hơn nữa!
– Vậy, ngay chiều nay ta sẽ tổ chức một bữa tiệc nhỏ trong đoàn để chính thức đổi nghệ danh cho cháu là xong.
Kể từ đó tiếng tăm nghệ sĩ Vương Mẫu ngày càng lừng lẫy trong giới hát xướng. Càng ngày Vương Mẫu càng lộ rõ nét thiên phú của một giai nhân. Hai kiện tướng Vương Mẫu và Dương Khương đã giúp đoàn hát Bầu Lê càng ngày càng vang danh khắp chốn...
Một thời gian sau, ông Bầu Lê đã tác hợp cho Dương Khương và Vương Mẫu thành vợ chồng. Chừng một năm sau, ông Bầu Lê giao đoàn hát lại cho Dương Khương điều khiển rồi trở về quê cũ dưỡng lão.
Dù ông Bầu Lê đã từ giã đoàn hát, Dương Khương vẫn giữ tên đoàn như cũ. Đoàn hát Bầu Lê vẫn mỗi ngày mỗi tiến triển thêm. Danh tiếng của nó đã lọt đến tai các quan trong triều. Vua Dụ tông nghe tiếng liền cho đòi đoàn về Thăng Long trình diễn cho các quan và dân chúng ở kinh kỳ thưởng thức. Theo lệnh của vua Dụ tông, bộ Lễ đã cử một viên quan tên Lê Nhậm lo việc liên lạc, tiếp xúc và sắp xếp nơi ăn chốn ở cũng như địa điểm trình diễn cho đoàn hát.
Sau lần trình diễn ngay tại hí trường kinh đô, đoàn hát Bầu Lê đã được phép lần lượt trình diễn tại bốn địa điểm khác ở kinh thành. Trong suốt dịp này, cả đoàn hát Bầu Lê đều nỗ lực thi thố tài nghệ để giữ tiếng. Vương Mẫu, với sắc đẹp trời cho, với lối diễn xuất thần sầu đã làm khán giả chốn kinh thành xem đến mê mệt, ai cũng nức lòng ái mộ. Đặc biệt có một vị thân vương, bào huynh của vua là Cung Túc vương Nguyên Dục đã liên tục tham dự không bỏ qua một lần diễn nào. Cung Túc vương cũng bỏ ra một số tiền khá lớn để thưởng cho đoàn.
Qua gần một tháng tích cực trình diễn ở Thăng Long, đoàn Bầu Lê đã thu được một khoản tài chánh đáng kể. Các diễn viên của đoàn còn được một dịp may hiếm có là thăm viếng, thưởng ngoạn những thắng cảnh có tiếng ở kinh đô. Khi đoàn hát sắp sửa rời Thăng Long bất ngờ Lê Nhậm dẫn một viên nội thị của Cung Túc vương đến gặp Dương Khương bảo có việc quan trọng cần bàn. Dương Khương ngạc nhiên mời Lê Nhậm và viên nội thị vào phòng khách để nói chuyện. Sau khi trà nước đã được dọn ra, Dương Khương mở đầu:
– Xin mời nhị vị quan lớn dùng trà. Thưa, đã có thể bắt đầu câu chuyện chưa? Có điều gì xin nhị vị cứ dạy bảo, tiểu nhân sẵn sàng lắng nghe.
Viên nội thị nói như phân trần:
– Ông Dương đã từng trình diễn nhiều tuồng tích về các triều đại xưa chắc cũng đã hiểu rõ tình trạng có rất nhiều người tuy cũng mang danh là “ông quan” nhưng thật sự chỉ là hạng thiên lôi, cấp trên bảo gì làm nấy. Chính ta cũng chỉ là một viên quan như thế. Hôm nay ta đến đây để thi hành một sứ mạng mà chính ta cũng không thấy thoải mái khi mở miệng, mong rằng khi nghe ta nói ông Dương không thắc mắc...
Dương Khương hơi biến sắc nhưng gắng giữ vẻ bình tĩnh đáp:
– Tiểu nhân hiểu nhiệm vụ khó khăn của quan lớn, xin quan lớn cứ thẳng thắn chỉ dạy...
– Ông Dương đã hiểu như thế ta cũng đỡ ngại... Số là sau khi xem nàng Vương Mẫu trình diễn, Cung Túc vương rất hài lòng, thích thú. Vì thế, ngài muốn cưới nàng làm thứ phi nên sai ta đến lo việc này. Để đền bù lại sự thiệt thòi của ông Dương, ngài sẽ tặng một số vàng và đề nghị triều đình ban cho ông Dương một chức quan. Như thế, ông Dương có thể cưới một người vợ khác tùy ý muốn và sẽ sống một cuộc đời nhàn nhã, con cháu ông sẽ có cơ hội tiến thân hơn. Ta nghĩ đây cũng là một điều tốt. Ông Dương nên quyết định sớm để ta về báo lại với ngài.
Nghe viên nội thị nói xong Dương Khương toát mồ hôi, choáng váng mặt mày. Rõ ràng là một tai họa lớn đã ập đến với y! Những ngày sống gần gũi ông Bầu Lê, Khương đã từng được ông kể cho nghe bao nhiêu chuyện xưa tích cũ, Khương cũng đã từng trình diễn bao nhiêu tuồng tích, kinh nghiệm cho Khương biết rằng mình không thể nào cưỡng lại chuyện này được. Nếu không khéo xử sự Khương có thể mất mạng như chơi.
Trong khi Dương Khương chưa biết trả lời viên nội thị thế nào thì Lê Nhậm tiếp lời:
– Hiến Từ thái hậu yêu thương Cung Túc vương không bờ bến, lúc nảo ngài cũng sẵn sàng chiều ý vương. Khi vương đã muốn điều gì thì không ai ngăn cản nổi. Ngươi hãy suy nghĩ cho kỹ, chớ để phạm lỗi lầm mà phải ôm hận!
Khương càng hiểu vấn đề nhưng vẫn gượng chống chế:
– Bẩm nhị vị quan lớn, vợ của tiểu nhân giờ đã mang thai hai tháng, biết làm sao?
Viên nội thị cười:
– Ta cũng đã đoán biết điều đó và đã tâu với thái hậu nhưng ngài bảo không sao. Chỉ cần Cung Túc vương vui lòng là được rồi! Nếu con ông Dương trở thành con của Cung Túc vương tương lai nó sẽ có địa vị lớn, sẽ sung sướng hơn nhiều, chẳng lẽ ông Dương không muốn?
Thấy Dương Khương lộ vẻ sợ hãi, tuyệt vọng, viên nội thị tiếp:
– Việc này không còn gì để bàn cãi nữa. Đây là quyết định của thái hậu. Nếu ông Dương thương bà Vương Mẫu thì hãy khuyên lơn, phân tích sự việc để bà ấy khỏi lo buồn, khỏi sợ hãi là đủ. Được như thế thì tương lai của chính ông Dương cũng tốt đẹp hơn nhiều. Từ bây giờ ông Dương bắt đầu lo việc đó là vừa, ngày mai chúng ta sẽ trở lại...
Tiễn chân hai viên quan xong Dương Khương thẫn thờ trở lại phòng khách. Những người trong đoàn hát cũng lập tức theo nhau kéo vào. Vương Mẫu lộ vẻ nôn nóng hỏi:
– Họ nói chuyện gì có vẻ nghiêm trọng thế?
Dương Khương buồn bã nói với mọi người:
– Chuyện này chỉ liên can đến vợ chồng chúng tôi thôi. Xin anh chị em thông cảm lui ra cho chúng tôi tiện bàn bạc.
Mọi người nghe nói thế đều lui ra hết. Vương Mẫu thúc giục chồng:
– Người ta đi hết rồi còn chờ chi nữa mà chưa chịu nói?
Dương Khương thở dài:
– Tai họa đã đến với chúng ta rồi đó!
– Chuyện gì thế? Chuyện gì mà tai họa?
Vương Mẫu nóng nảy hỏi dồn. Dương Khương buồn bã đem đầu đuôi câu chuyện đối đáp giữa đôi bên kể lại cho vợ nghe. Bất ngờ Vương Mẫu cất tiếng cười khanh khách:
– Đáng gì chuyện nhỏ ấy mà phải lo sợ? Phải biết cách biến họa thành phúc chứ! Chàng không nhớ những chuyện cụ Bầu Lê đã kể trước kia sao? Nào gã lái buôn Lã Bất Vi đã cố tìm cách để đưa cái bào thai của y với ả ca nhi Triệu Cơ vào cung nhà Tần! Nào lão Tể tướng Hoàng Yết đã cố tìm cách để gởi cái bào thai của y với nàng Lý Yên vào cung nước Sở! Những hành động mờ ám ấy đều nhằm mưu cầu phú quí cho bản thân, cho dòng họ những kẻ đó cả. Những việc đó rất khó khăn, nguy hiểm có thể chết người mà người ta vẫn liều lẫn làm cho được! Còn ở đây trời đã trao cơ hội tốt cho mình, khỏi mắc phải tội lỗi gì với ai mà tự nhiên con cháu mình sẽ được hưởng cuộc sống sang quí chàng lại không muốn hay sao?
Dương Khương kêu lên:
– Nàng nghĩ sao vậy? Ta thật tình chỉ muốn để chút âm đức lại cho con cháu chứ không muốn dối gian lừa phỉnh người khác để tìm phú quí đâu. Nàng không thấy cái quả báo đã đến ngay với những kẻ có dã tâm làm những việc làm gian ác kia sao? Chính giọt máu của Lã Bất Vi khi trở thành Tần Thủy Hoàng nó đã quay lại ép Lã Bất Vi phải uống thuốc độc mà chết và tịch thu toàn khối tài sản to lớn của y! Còn giọt máu của Hoàng Yết khi trở thành Sở U vương cũng là khi thân xác của Hoàng Yết bị băm nhỏ cho vịt ăn vì tội phản vua hại nước! Đó không phải là trời đất đã không dung tha những kẻ có tâm địa gian ác ngay trước mắt sao?
Vương Mẫu vẫn hăng hái thuyết phục chồng:
– Những kẻ đó bị trời diệt vì họ chủ tâm cướp đoạt ngai vàng, chủ tâm phản bội, tiêu diệt dòng tộc của chính người đã cưu mang, tin tưởng mình. Còn ta có mưu tính, có ý định làm hại ai đâu? Chẳng qua là cơ hội tốt đó tự nhiên đến với ta, không phải là ý trời sao? Thiếp xin nói nhỏ, ai cũng biết chuyện Dụ hoàng (1) mắc bệnh không thể có con, nếu con mình trở thành con của Cung Túc vương tức là dòng chính của hoàng tộc, cơ hội ngai vàng của nhà Trần lọt vào tay con mình biết đâu chẳng đến? Đáng trách chăng là chàng đã quá thật thà đần độn đến nỗi khai báo với họ thiếp đã có thai hai tháng. Nhưng không sao đâu, chàng cứ yên chí!
Thấy thái độ vui mừng, hăm hở của vợ, Dương Khương ngao ngán thở dài:
– Thôi, bây giờ ta chỉ còn biết phó mặc mọi chuyện cho trời. Nàng muốn làm sao tùy ý. Chỉ mong nàng để ta được an thân là đủ.
Vương Mẫu tỏ vẻ đắc ý:
– Ít nhất chàng cũng phải biết điều như thế chứ! Đó là cách khôn ngoan nhất để giữ lấy mạng sống. Sau này nểu trở thành vương phi, thiếp nhất định không để chàng phải chịu thiệt thòi đâu!
*
Vua Trần Minh Tông tuy có nhiều con trai nhưng hai người con dòng chính (con của Lệ Thánh hoàng hậu) là Nguyên Dục và Hạo lại sinh hơi muộn. Khi thấy mình đã cao tuổi mà con dòng chính chưa sinh, vua Minh tông đã lập hoàng tử trưởng (dòng thứ) tên Vượng làm thái tử rồi sau đó truyền ngôi tức vua Hiến tông rồi lên làm Thái thượng hoàng. Lệ Thánh hoàng hậu được tôn thành Hiến Từ thái hậu. Bất ngờ năm 1341 vua Hiến tông lại băng. Hoàng tử Nguyên Dục là anh nhưng càng lớn càng lộ vẻ ngờ nghệch, càn rỡ nên Thượng hoàng không ưa mà lập hoàng tử Hạo làm thái tử rồi truyền ngôi tức là vua Dụ tông. Hoàng hậu Lệ Thánh thấy Nguyên Dục chỉ vì tật nguyền mà bị tước hết quyền lợi của một đích tử nên thương lắm. Nguyên Dục muốn gì bà cũng chiều, xin gì bà cũng cho. Về sau Nguyên Dục được phong tước Cung Túc vương.
Sau những lần xem đoàn hát Bầu Lê trình diễn, Cung Túc vương đã tỏ ra mê say nàng Vương Mẫu và đòi cưới nàng cho được. Tất nhiên triều đình phải chiều ý vương. Thế là Vương Mẫu trở thành thứ phi của Cung Túc vương. Dương Khương bị mất vợ quá buồn rầu, chán nản bèn giải tán đoàn hát rồi tìm chốn ẩn thân. Khi biết được tin này Vương Mẫu chỉ cười: “Mặc anh ta. Khôn thì nhờ, ngu ráng chịu!”
Về với Cung Túc vương chưa bao lâu Vương Mẫu đã sinh được một đứa con trai kháu khỉnh, khỏe mạnh. Cung Túc vương mừng quá, chính thức nhận đứa bé làm con và đặt tên là Trần Nhật Lễ. Nhật Lễ đã được Cung Túc vương và Vương Mẫu cưng quí như báu vật. Vì vậy mà cậu bé này càng lớn càng ham chơi, lười nhác, chẳng chịu học hành gì cả.
Mười bốn năm sau thì Cung Túc vương lâm bệnh nặng. Hiến Từ thái hậu đã đến thăm khi vương đang hấp hối, bà hỏi:
– Nếu không may bệnh chẳng qua khỏi, con có điều gì căn dặn mẹ không?
Cung Túc vương rưng rưng nước mắt thưa:
– Người hoàng tộc không mấy ai thích Nhật Lễ nhưng con coi Nhật Lễ như máu thịt của con. Xin mẫu hậu coi Nhật Lễ là “đích tôn” được không?
Hiến Từ thái hậu xúc động khóc oà:
– Thì Nhật Lễ là đích tôn của mẹ chứ còn ai nữa? Mẹ hứa.
Cung Túc vương lộ vẻ sung sướng thốt lên “Đa tạ mẫu hậu” rồi nhắm mắt qua đời. Từ đó Hiến Từ thái hậu cũng cưng chiều Nhật Lễ như đã cưng chiều Cung Túc vương trước kia.
Vào giữa năm Kỷ Dậu 1369, Dụ hoàng lâm bệnh nặng. Vốn không có con và cũng chưa lập ai làm thái tử nên gặp khi khẩn cấp Dụ hoàng đã truyền chỉ lập Trần Nhật Lễ lên nối ngôi. Đa số các vương hầu, các đại thần đều nghĩ Nhật Lễ không phải hoàng tộc chính thống nên đều muốn lập Trần Phủ là con thứ hai của vua Minh tông đã lớn tuổi và nổi tiếng là người hiền. Thế nhưng Hiến Từ thái hậu quá thương Cung Túc vương nên bà đã quyết liệt ủng hộ việc tôn lập Nhật Lễ. Cuối cùng Nhật Lễ đã được đăng quang lấy niên hiệu là Đại Định. Sau đó Nhật Lễ đã tôn Hiến Từ thái hậu thành Hiến Từ Tuyên Thánh thái hoàng thái hậu.
Vương Mẫu thấy con mình đã được làm vua cũng muốn được tôn làm hoàng thái phi nhưng bị triều đình, nhất là cánh tôn thất đã phản đối vì danh nghĩa không thuận. Bà rất phẫn uất vì vấn đề này. Ngoài ra, từ khi được đưa về vương phủ, ngày đêm bà an phận lo việc hầu hạ Cung Túc vương đã quen nếp. Nay vương đã khuất bóng, việc hầu hạ không còn nữa. Ngày ngày rảnh rỗi quá, bà đâu biết phải làm gì cho hết thời gian trống rỗng vô định này? Lại đang độ hồi xuân, tự nhiên bị lâm vào cái cảnh “no cơm ấm cật...” đầy nghiệt ngã, Vương Mẫu chỉ còn biết ngồi ôn chuyện Triệu Cơ, chuyện Võ Tắc Thiên hay nhớ lại người chồng cũ Dương Khương. Lúc này bà mới thấy thương người chồng thật thà, trung hậu ấy. Tại sao hồi đó mình đã đối xử tàn nhẫn với chàng như thế? Nhất định phải làm một cái gì để chuộc tội với chàng!