Đại diện Công đoàn nhà nước đang làm việc với một nhóm công nhân đình công ở Bình Dương.
AFP
Việt Nam dự kiến trong năm 2024 sẽ phê chuẩn Công ước 87 của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về “quyền tự do lập hội và bảo vệ quyền tổ chức”. Khả năng thành lập công đoàn độc lập cho người lao động sau khi Công ước 87 được phê chuẩn sẽ ra sao?
Cơ sở để thành lập công đoàn độc lập, nhưng… Thông tin Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 được Reuters dẫn nguồn giới chức ngoại giao tại Hà Nội; theo đó trong một cuộc họp với các chuyên gia nước ngoài vào tháng 12/2023, giới chức thuộc Bộ Lao Động Việt Nam cho biết việc phê chuẩn Công ước 87, dự kiến diễn ra vào tháng 10 năm 2024.
Bà Trịnh Khánh Ly, thạc sỹ Luật học, từng làm việc tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội nhận định khi Công ước 87 được ký thì sẽ là một cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam xây dựng các văn bản pháp luật, hướng dẫn một cách chi tiết về việc thành lập và hoạt động của các công đoàn độc lập, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được tự do lựa chọn tổ chức đại diện phù hợp với nguyện vọng và mong đợi của người lao động:
“Cho đến nay vẫn chưa có một tổ chức công đoàn độc lập được nhà nước chính thức thừa nhận để hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, song song với hệ thống Công đoàn trực thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Đồng thởi tất cả các cuộc đình công của người lao động cho đến nay đều tự phát, không được công đoàn tổ chức, lãnh đạo.”
Ngoài ra, theo bà Ly, Việt Nam hiện nay đã và đang tham gia một cách sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc Việt Nam ký Công ước số 87 của ILO về tự do hiệp hội cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp tham gia hợp tác sản xuất, kinh doanh với các đối tác nước ngoài, bởi vì Công ước số 87 là một trong những cấu phần quan trọng trong các chính sách về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của các công ty đa quốc gia.
Vẫn còn nhiều khó khănCho dù Việt Nam có chính thức ký Công ước 87, thì vẫn người lao động vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong việc thành lập một tổ chức độc lập đại diện cho quyền lợi của mình. Bà Khánh Ly cho biết:
“Việc xây dựng hệ thống pháp luật chi tiết để thi hành công ước này tại Việt nam sẽ được thực hiện như thế nào? Có bao nhiêu công đoàn được phép thành lập và hoạt động tại doanh nghiệp? nghĩa vụ của doanh nghiệp với các công đoàn này như thế nào? Công đoàn nào sẽ được phép đại diện cho người lao động trong việc thương lượng và ký kết các thỏa ước tập thể, lãnh đạo đình công … là những nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn cho người lao động và doanh nghiệp.”
Ông Nguyễn Tiến Trung, phó chủ tịch Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam (VIU), cũng không mấy kỳ vọng vào khả năng chính phủ Việt Nam sẽ nghiêm túc thực hiện các điều khoản trong công ước này.
Theo ông Trung, năm 2019, Việt Nam đã có một điều khoản cho phép công nhân được phép thành lập một tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở. Đến năm 2021, tổ chức Nghiệp đoàn độc lập đã gửi thư cho các bộ ngành của Việt Nam yêu cầu ra nghị định và thông tư hướng dẫn chi tiết cách thành lập nghiệp đoàn nhưng không có bất kỳ cơ quan nào trả lời:
“Chúng tôi không biết thông tư, nghị định được hướng dẫn như thế nào hết. Cho nên từ năm 2019 cho đến giờ này là năm năm thì công nhân Việt Nam vẫn chưa có chỗ nào để có thể thành lập được tổ chức đại diện cho người lao động ở cơ sở như nhà nước cho phép thành lập cả.
Tôi nghĩ là lần này nó cũng như vậy thôi. Một mặt là nhà nước Việt Nam cho phép công nhận công ước của LHQ, nhưng mà thực tế thì cũng sẽ tìm cách đàn áp, ngăn không để các tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi chính đáng của mọi người.”
Doanh nghiệp nước ngoài lo ngại Công ty Samsung ở Thái Nguyên. Ảnh: Reuters
Reuters dẫn lời ông ông Nguyễn Hùng, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Đại học RMIT Việt Nam, cảnh báo rằng “nếu việc phê chuẩn mang lại nhiều quyền lực thực sự hơn cho công đoàn, một số công ty có thể không hài lòng”, bao gồm cả Samsung, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Trong một bài phát biểu năm 2016 của cựu phó giám đốc Samsung tại Việt Nam, ông Bang Hyun Woo, nói quyền tự do thành lập sẽ “làm tăng tính vô trật tự của các công đoàn” và làm suy giảm các mối quan hệ lao động.
Theo quan điểm của bà Khánh Ly, chủ tịch công đoàn tại các doanh nghiệp phần lớn đồng thời là cán bộ quản lý doanh nghiệp. Ví dụ như ở tập đoàn Samsung, các Chủ tịch công đoàn Samsung Electronics Việt Nam tại Thái Nguyên đều là cán bộ, trưởng phòng nhân sự của các công ty này:
“Chính vì vừa là cán bộ quản lý, vừa là lãnh đạo công đoàn nên các công đoàn cơ sở hiện nay khó có thể thực sự đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong doanh nghiệp mình.
Việc ký kết Công ước số 87 sẽ là một cơ sở pháp lý quan trọng để người lao động trong doanh nghiệp lựa chọn tổ chức công đoàn độc lập với người sử dụng lao động, có khả năng thương lượng và ký kết các thỏa ước lao động tập thể phù hợp với lợi ích của người lao động nhưng lại gây bất lợi về lợi ích cho doanh nghiệp và tổ chức, lãnh đạo người lao động trong doanh nghiệp đình công.”
Ông Nguyễn Tiến Trung cho rằng quan điểm của cựu quan chức Samsung là hoàn toàn sai:
“Bản thân nghiệp đoàn là một tổ chức bảo vệ quyền lợi của người công nhân, chứ mục tiêu không phải là khuyến khích công nhân vô tổ chức hay là vô kỷ luật. Tôi nghĩ rằng đó là một cách hiểu rất sai trái về nghiệp đoàn.
Thực tế là những nước có nghiệp đoàn độc lập như nước Đức ,Pháp hay Mỹ thì công nhân của các nước đó vẫn có đình công, biểu tình để đòi hỏi quyền lợi nhưng mà năng suất lao động của họ vẫn rất là cao.”
Giảm nguy cơ tranh chấp thương mại?Cũng theo Reuters, động thái này của nhà nước cộng sản Việt Nam nhằm giảm nguy cơ tranh chấp thương mại.
Lý giải về khía cạnh này, bà Khánh Ky cho biết:
“Việt Nam hiện nay đang tham gia một cách sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, việc Việt Nam ký kết Công ước số 87 của ILO về tự do hiệp hội cũng là một biện pháp hiệu quả để tránh các tranh chấp thương mại quốc tế.”
Ngoài ra, theo bà Khánh Ly, các công ước cốt lõi của ILO, bao gồm Công ước số 98 về “quyền tổ chức và thương lượng tập thể” và Công ước số 87 là những cơ sở pháp lý quan trọng trong các Hiệp định thương mại tự do kiểu mới. Ví dụ như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA), được ký tại Hà nội vào tháng 6/2019.
Trong các Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu - EU với các nước đối tác có sự hiện diện của một Ủy ban hỗn hợp giám sát việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do này. Uỷ ban này gồm của đại diện của Chính phủ thành viên và nhóm dân sự, hay còn gọi là nhóm tư vấn trong nước (DAGs). Nhóm này bao gồm các đại diện cho các tổ chức phi chính phủ, công đoàn và doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA, hai nhóm tư vấn trong nước được thành lập, một bên là nhóm tư vấn trong nước của Liên minh Châu Âu (EU DAG) và một bên là nhóm tư vấn trong nước của Việt Nam (DAG Việt Nam). Thành viên của nhóm tư vấn trong nước này bao gồm đại diện của các tổ chức của người sử dụng lao động, công đoàn và các tổ chức xã hội dân sự khác nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chương 13 về Thương mại và phát triển bền vững của Hiệp định EVFTA.
Tuy nhiên, nhà báo Mai Văn Lợi và luật sư Đặng Đình Bách khi nộp đơn cho tổ chức xã hội dân sự của mình tham gia vào DAG Việt Nam thì lại bị bắt với cáo buộc trốn thuế.
Đến tháng 3/2022, Việt Nam đã thành lập được nhóm DAG Việt Nam, bao gồm 06 tổ chức thành viên. Ba tổ chức thuộc nhóm dân sự bao gồm Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS) và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Tuy nhiên, các tổ chức này bị cho là không “đủ độc lập” với nhà nước Việt Nam.
Về phía nhóm tư vấn trong nước, EU DAG đã nhiều lần bày tỏ ý kiến về các vấn đề liên quan đến các quyền của các tổ chức xã hội dân sự, nhân quyền, các vấn đề liên quan đến các quyền lao động cơ bản tại Việt Nam, ví dụ tại cuộc họp hỗn hợp vào tháng 11/2023, nhóm EU DAG đề nghị Việt Nam nên khẩn trương phê chuẩn Công ước số 87 của ILO; đồng thời thực hiện một cách hiệu quả và kịp thời Kế hoạch hành động về các quyền lao động, sớm ban hành Nghị định về đại diện cho người lao động và thương lượng tập thể.
Theo RFA
Sửa bởi người viết 11/03/2024 lúc 10:52:38(UTC)
| Lý do: Chưa rõ