Trụ sở Liên hiệp châu Âu (EU).
Liên hiệp châu Âu (EU) có thể sử dụng số tiền thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga để giúp Ukraine trong vòng vài tháng theo một kế hoạch mà trong đó bao gồm cả việc mua vũ khí cho Kyiv, Reuters dẫn lời các nhà lãnh đạo EU cho biết hôm 21/3.
Các nhà lãnh đạo của khối có 27 quốc gia thành viên đồng ý như trên tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels để tiếp tục thực hiện kế hoạch, được Ủy ban châu Âu, tức cơ quan hành pháp của EU, trình bày trong tuần này.
Ông Charles Michel, chủ tịch Hội đồng châu Âu gồm các nhà lãnh đạo EU, nói với các phóng viên: “Tôi tin tưởng rằng chúng tôi có thể hành động rất nhanh chóng”.
Mong muốn cấp bách của các nhà lãnh đạo phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về cuộc chiến ở Ukraine, trong đó, lực lượng của Kyiv thiếu đạn dược đang cố gắng kìm chân quân đội Nga và gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD cho Kyiv đang bị mắc kẹt tại Quốc hội Hoa Kỳ.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, nói rằng 1 tỷ euro (1,09 tỷ USD) đầu tiên từ chương trình này có thể được giải ngân ngay sau ngày 1/7.
Ủy ban châu Âu đã đề xuất chuyển 90% lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga sang một quỹ do EU điều hành dùng để tài trợ vũ khí cho Kyiv. 10% còn lại sẽ được dùng để hỗ trợ ngân sách cho Kyiv.
Ủy ban này ước tính lợi nhuận từ tài sản - nhiều loại chứng khoán và tiền mặt của ngân hàng trung ương Nga - có thể từ 2,5 tỷ euro (2,73 tỷ USD) đến 3 tỷ euro mỗi năm.
Ông Michel và bà von der Leyen cho hay ý tưởng sử dụng số tiền thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga để giúp ích cho Ukraine - bị Moscow xem như hành vi trộm cắp - nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các chính phủ EU.
Hai nước có tiếng nói nhiều trọng lượng trong EU là Đức và Pháp lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch này.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: “Số tiền thu được này trước hết nên được sử dụng để mua vũ khí và đạn dược mà Ukraine cần để tự vệ”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy kêu gọi EU tiến xa hơn nữa và hãy sử dụng chính tài những sản đó - điều mà khối này không xem xét.
“Nga phải cảm nhận được cái giá phải trả thực sự của chiến tranh và sự cần thiết của một nền hòa bình công bằng”, ông Zelenskyy nói với các nhà lãnh đạo EU qua đường truyền video.
Ông Zelenskyy cho rằng thật “mất mặt cho châu Âu” khi Ukraine không có đủ pháo binh trong cuộc chiến chống lại Nga, quốc gia xâm lược nước láng giềng vào tháng 2/2022.
Hôm 21/3, Nga cho biết sản lượng đạn pháo của nước này đã tăng vọt trong năm qua.
Trong khi đó, một số ngân hàng phương Tây đang vận động hành lang chống lại đề xuất của EU vì lo ngại nó có thể dẫn đến kiện tụng tốn kém, các nguồn tin trong ngành cho biết.
Theo VOA