logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 04/04/2024 lúc 04:27:59(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
UserPostedImage
Câu hỏi đặt ra, hiện nay ĐCSTQ có thực chất đang quản trị toàn TQ hay chỉ trên hình thức, thực tế có phải đang xảy ra hiện tượng độc lập nhất định ở một vài địa phương, TƯ nói nhưng địa phương không nghe lời?

Các nhà nghiên cứu và quan sát cho rằng, thế giới đang chứng kiến sự tuột dốc không phanh của nền kinh tế Trung Quốc, chưa nhìn thấy đáy, nhưng chưa thấy tín hiệu hy vọng cho sự tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.
Sau Đại hội 20 (ĐH20) của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tháng 10 năm 2022 với việc ông Tập Cận Bình (习近平) thay đổi Hiến pháp tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 trên cương vị Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân uỷ trung ương. Ngay sau ĐH20, Trung Quốc cũng chấm dứt chính sách Zero Covid kéo dài hơn 3 năm khiến các hoạt động kinh tế xã hội tê liệt. Người dân Trung Quốc và giới quan sát quốc tế hy vọng kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi và Trung Quốc mở cửa trở lại với thế giới. Tuy nhiên đến đầu năm 2024, sau gần 2 năm kinh tế Trung Quốc không hồi phục như kỳ vọng, thị trường bất động sản khủng hoảng nghiêm trọng, các lĩnh vực khác của xã hội không có nhiều dấu hiệu khả quan như thất nghiệp tăng cao, dân số giảm, quan hệ đối ngoại với các nước vẫn trong tình trạng căng thẳng.
Từ ĐH20 đến nay, TQ xảy ra nhiều hiện tượng bất thường. Thứ nhất, ông Tập Cận Bình phá vỡ thông lệ, tiếp tục nhiệm kỳ 3. Thứ hai, theo thông lệ, sau ĐH20 của ĐCSTQ, tháng 10 hoặc tháng 11 năm 2023 sẽ tổ chức Hội nghị TƯ3 (三中全会) để thảo luận về đường lối phát triển kinh tế của nhiệm kỳ lãnh đạo mới. Tuy nhiên, cho đến tháng 3/2024 Hội nghị TƯ 3 khoá 20 vẫn bị trì hoãn chưa tổ chức. Đây là hiện tượng bất thường, lần đầu tiên xảy ra từ năm 1978. Thứ 3, ngoại trưởng Tần Cương - Qin Gang (秦刚) và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc - Li Shangfu (李尚福), hai nhân vật thân tín được đích thân ông TCB chọn lựa vào hai chức vụ vô cùng quan trọng sau ĐH20, đột ngột biến mất và bị cắt chức từ giữa năm 2023 đến nay không rõ lý do. Thứ 4, cuộc họp báo thường niên của Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường - Li Qiang (李强) bị huỷ sau kỳ họp Lưỡng Hội (两会) vào đầu tháng 3/2024, đây cũng là lần đầu tiên sau 30 năm. Tuy nhiên, ngoại trưởng Trung Quốc ông Vương Nghị (王毅) vẫn tổ chức họp báo, nhưng chỉ trả lời câu hỏi của các hãng truyền thông trong nước và các hãng truyền thông quốc tế “thân” ĐCSTQ. Trong cuộc họp báo, ông Vương Nghị chỉ sử dụng tiếng Trung, không có phiên dịch tiếng Anh như thông lệ, với sự trở lại của ngôn từ “ngoại giao chiến lang”, chỉ trích Mỹ và các quốc gia khác.
Quan sát hai nhiệm kỳ của ông Tập, đại dịch Covid-19 cùng với chính sách phong toả đất nước Zero Covid trong 3 năm và đặc biệt những hiện tượng bất thường nêu ở trên từ sau ĐH20 của ĐCSTQ, tôi cho rằng Trung Quốc đang dẫn bước vào thời kỳ đóng cửa với thế giới, khủng hoảng kinh tế xã hội trong nước nghiêm trọng.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, với quyền lực gần như tuyệt đối nắm trong tay, đứng trước những thách thức to lớn đến từ bên ngoài và bên trong, điều gì khiến ông Tập quan ngại nhất hiện nay? Tôi cho rằng, ổn định chính trị nội bộ luôn là ưu tiên hàng đầu của ông Tập, cho dù phải trả giả bằng tăng trưởng kinh tế đất nước, đời sống của người dân hay quan hệ đối ngoại. Trong thời điểm hiện nay, quan hệ giữa trung ương với địa phương, hay nói chính xác quan hệ giữa ông Tập với quan chức các địa phương và nguy cơ ly khai có lẽ là điều ông Tập quan ngại nhất.
Từ năm 1949 năm 1978
Sau khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (中华人民共和国) ra đời vào năm 1949, Mao Trạch Đông (毛泽东) nhanh chóng làm suy yếu sức mạnh của các thế lực chính trị địa phương qua các cuộc thanh trừng. Cho đến khi cải cách mở cửa (改革开放) năm 1978, ĐCSTQ dần xây dựng và củng cố chính quyền trung ương tập quyền vững chắc, chính quyền địa phương phải phục tùng tuyệt đối mệnh lệnh của TƯ và chịu sự giám sát của TƯ. Quan chức các cấp của chính quyền địa phương do TƯ trực tiếp tuyển chọn, điều động, thăng chức hay giáng chức, qua đó chính quyền TƯ có thể khống chế chính trị địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền TƯ kiểm soát toàn bộ tài chính địa phương để kiểm soát chặt chẽ kinh tế địa phương.
Về chính trị, trong thiết kế tổ chức chính quyền của Mao, không có một không gian nào cho tiếng nói của địa phương trong các quyết sách của TƯ, nói cách khác không tồn tại khái niệm “quyền lực địa phương”. Chính quyền địa phương chỉ là những mắt xích trong bộ máy của Mao. Khi cần thiết, Mao thông qua các kênh phi chính thức lắng nghe ý kiến của địa phương, hay lợi dụng địa phương để triệt hạ đối thủ chính trị trong Đảng. Vào thập niên 60, khi Mao cảm thấy quan chức địa phương, đặc biệt cấp tỉnh thách thức quyền lực của mình, ông liền thay gần như toàn bộ bí thư thứ nhất của các tỉnh. Mao của thập niên 60-70 khác với Mao của thập niên 20, dập tắt từ trong trứng nước tư tưởng “chủ nghĩa địa phương” là nguyên tắc chính trị quan trọng nhất. Đối với Mao, một chính quyền TƯ lớn mạnh mới có khả năng duy trì và cai trị một đất nước TQ thống nhất.
Chế độ kinh tế dưới thời Mao là mô hình kinh tế kế hoạch tập trung, “吃大锅饭” (cả nước ăn chung 1 nồi cơm lớn). TƯ độc quyền sở hữu các nguồn lực kinh tế quốc gia và chi phối các hoạt động sản xuất và thương mại. Về lý thuyết, các doanh nghiệp đều là sở hữu toàn dân. Chính quyền TƯ giả định người lãnh đạo các doanh nghiệp đại diện cho toàn xã hội quản lý doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho toàn dân. Nhưng trên thực tế, sở hữu toàn dân đồng nghĩa không có tư hữu, các nhà hoạch định chính sách của TƯ không phải chịu trách nhiệm đối với các quyết định đầu tư hay hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, lãnh đạo và nhân viên các doanh nghiệp quốc hữu không có động lực sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài sản quốc gia, “cha chung không ai khóc”.
Do hiệu quả yếu kém của chính sách kinh tế kế hoạch tập trung, ĐCSTQ từng vài lần phân quyền cho chính quyền địa phương quản lý doanh nghiệp, phê duyệt các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, tự lên kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, chủ động trong thu chi tài chính. Tuy nhiên, trong 3 thập niên từ năm 1949 đến 1978, quan hệ giữa TƯ và địa phương luôn trong vòng xoay luẩn quẩn “phân quyền cho địa phương thì loạn, loạn lại tập trung quyền lực về TƯ, tập quyền kinh tế lại rơi vào bế tắc”. Trong giai đoạn này, giữa chính quyền các địa phương cũng có sự cạnh tranh gay gắt, nhưng là cạnh tranh nguồn tài nguyên phân phối từ TƯ. Vai trò của chính quyền địa phương chỉ đơn thuần là cơ quan đại diện của TƯ ở địa phương, không hoạt động như một bộ máy hành chính cấp địa phương, tương đối thụ động, không đóng vai trò điều tiết, kích thích kinh tế địa phương phát triển.
Đặc biệt sau phong trào Đại nhảy vọt (大跃进, 1957) và trải qua 10 năm Cách mạng văn hoá (文化革命,1966-1976), nền kinh tế quốc gia gần như tê liệt.
Từ năm 1978 đến 1994
Năm 1976 Mao Trạch Đông qua đời. Đặng Tiểu Bình sau khi củng cố quyền lực bắt đầu thực hiện công cuộc cải cách mở cửa vào năm 1978 bằng việc phân quyền cho các địa phương song song với thị trường hoá nền kinh tế, “分灶吃饭” (cho các địa phương ra ở riêng).
Để lý giải cho sự tăng trưởng thần kỳ của nền kinh tế TQ trong mấy thập kỷ sau năm 1978 dưới chế độ toàn trị của ĐCSTQ hay “mô hình TQ” (China Model), học giả trong và ngoài nước Trung Quốc đưa ra nhiều lý thuyết khác nhau, trong đó lý thuyết của Tiền Dĩnh Nhất - Qian Yingyi (钱颖一) và cộng sự rất có ảnh hưởng và là nền tảng cho các lý thuyết sau này.
Chủ nghĩa liên bang kiểu Trung Quốc (Federalism, Chinese Style) của Qian Yingyi và đồng sự: “tập quyền về chính trị - phân quyền về kinh tế”
Qian Yingyi là kinh tế gia nổi tiếng ở Trung Quốc. Năm 1981 ông tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành toán học tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc. Năm 1982 nhận bằng thạc sĩ thống kê tại Đại học Columbia, Mỹ. Năm 1984 nhận bằng thạc sĩ về khoa học quản lý tại Đại học Yale, Mỹ. Năm 1990 tốt nghiệp Tiến sĩ kinh tế học tại Đại học Havard, Mỹ. Năm 2006 ông được mời làm Viện trưởng Học viện quản lý kinh tế thuộc Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc.
Năm 1996, Qian Yingyi cùng với G.Montinola và Barry R.Weingast xuất bản bài báo mang tên “Federalism, Chinese Style: The Political Basis for Economic Success in China” (Chủ nghĩa liên bang kiểu Trung Quốc: Cơ sở chính trị cho sự thành công của nền kinh tế Trung Quốc) đăng trên tạp chí World Politics, phát triển từ bài viết của Weingast năm 1995 về chủ nghĩa liên bang bảo hộ thị trường (market-preserving federalism, MPF). Năm 1997, Qian và Weingast công bố bài báo “Federalism as a Commitment to Preserving Market Incentives” (Chủ nghĩa liên bang như lời cam kết thúc đẩy bảo hộ thị trường) đăng trên Journal of Economic Perspectives. Năm 2005, Qian cùng Jin Hehui, Weingast tiếp tục công bố bài viết “Regional Decentralization and Fiscal Incentives: Federalism, Chinese Style” (Phân quyền cho địa phương và những động lực của tài chính: Chủ nghĩa liên bang kiểu Trung Quốc) đăng trên Journal of Public Economics.
Trong các bài viết của mình, Qian cùng các đồng sự lý giải sự phát triển “thần kỳ” của nền kinh tế Trung Quốc trong mấy thập kỷ sau cải cách mở cửa từ năm 1978 với lý thuyết nổi tiếng “Chủ nghĩa liên bang kiểu Trung Quốc: tập quyền về chính trị - phân quyền về kinh tế” . “Chủ nghĩa tài khoá liên bang” (Fiscal Federalism) là một thuật ngữ trong ngành tài chính. Qian đã mở rộng khái niệm này ra toàn lĩnh vực kinh tế để giải thích mô hình kinh tế của Trung Quốc.
Sau 10 năm điên cuồng của cuộc Cách mạng văn hoá, nền kinh tế Trung Quốc kiệt quệ và tê liệt. Đặng Tiểu Bình ngay sau khi lên nắm quyền xác định mục tiêu hàng đầu là phát triển kinh tế, một trong những quyết sách quan trọng nhất là phân quyền cho các địa phương “分灶吃饭” (nói cách khác là cho các địa phương ra ở riêng, không còn bao cấp, cả nước không ăn nồi cơm chung). Phân quyền ở đây chỉ khoanh vùng trong phạm vi kinh tế, bật đèn xanh cho chính quyền các địa phương dựa vào tình hình thực tế của từng địa phương chủ động hoạch định chính sách, vận hành điều tiết kinh tế địa phương, thu chi tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, chi cho các dịch vụ công như giáo dục, y tế. Quan hệ kết nối giữa TƯ và địa phương về kinh tế theo “mô hình liên bang kiểu Trung Quốc”, không thể chế hoá, không được ghi trong Hiến pháp, mà như một quy định ngầm giữa TƯ và địa phương. Được TƯ cởi trói, chính quyền các địa phương bật đèn xanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt kèm theo đó là mức độ hài lòng tín nhiệm của người dân đối với ĐCSTQ nâng cao rõ rệt, củng cố tính chính danh của ĐCSTQ và sự ổn định chính trị.
Phân quyền về kinh tế, nhưng TQ vẫn là nhà nước toàn trị độc đảng, ĐCSTQ luôn kiên định nguyên tắc bất biến là tập quyền về chính trị. Trong cơ cấu tổ chức của ĐCSTQ, chính quyền địa phương chỉ là cơ quan đại diện của TƯ ở địa phương, chưa bao giờ là bộ máy hành chính độc lập đại diện cho các quyền lợi của người dân địa phương. Một trong những đặc trưng quan trọng của chế độ dân chủ là chính trị gia phải tranh cử để giành lá phiếu của cử tri. Nói cách khác, chi phối hành vi và quyết sách của chính trị gia là thu hút cử tri bầu cho mình. Đối với chế độ toàn trị ở Trung Quốc, vận mệnh chính trị của quan chức địa phương được quyết định bởi TƯ, không phải cử tri. Chính quyền TƯ thao túng thị trường chính trị, khống chế và giám sát các địa phương qua việc chi phối sinh mệnh chính trị của lãnh đạo địa phương, bổ nhiệm, thăng giáng chức lãnh đạo địa phương các cấp, vì họ đều là Đảng viên. Vì vậy, mọi tinh lực của quan chức địa phương chỉ tập trung vào xây dựng quan hệ với TƯ. Đa phần mục tiêu thăng tiến của quan chức địa phương là tiến về Bắc Kinh, được tấn phong ở vị trí cấp TƯ. Tiêu chuẩn chấm điểm thành thích chính trị của quan chức địa phương là hiệu quả tăng trưởng kinh tế của địa phương thông qua tỷ lệ tăng trưởng GDP. Vì vậy, sau cải cách mở cửa, giữa các địa phương ở TQ có cuộc chạy đua tăng trưởng kinh tế dựa vào GDP. Có thể thấy, lợi ích về kinh tế và chính trị là động lực kích thích tính tích cực chủ động của chính quyền địa phương phát triển kinh tế địa phương. Qian và đồng sự gọi tên hiện tượng trên là “Chủ nghĩa liên bang kiểu Trung Quốc: tập quyền về chính trị - phân quyền về kinh tế” .
Khi kinh tế của các địa phương ngày càng vững mạnh, cảm thức về địa phương tính (local identity), ý thức bảo vệ lợi ích địa phương dần phát triển thành chủ nghĩa địa phương (localism). Đặc biệt, sau hơn thập kỷ tiến hành cải cách mở cửa cho đến giữa thập niên 90 của TK20, quyền lực của chính quyền địa phương ngày càng phình to, các quyết sách của chính quyền địa phương dần thiên về bảo vệ lợi ích kinh tế xã hội của địa phương mình hơn là đặt lợi ích của TƯ lên hàng đầu. Địa phương nào kinh tế càng phát triển, địa phương tính trong cư dân của địa phương đó ngày càng cao, càng thúc đẩy xu hương địa phương hoá. Chính quyền địa phương từ vai trò là công cụ đại diện cho chính quyền TƯ ở địa phương, dần chuyển sang thực thể chính trị ngày càng độc lập với TƯ, khiến cho quan hệ giữa TƯ và địa phương luôn trong tình trạng căng thẳng. Xu thế này tất yếu làm suy yếu ảnh hưởng của TƯ đối với địa phương, đồng thời giảm nguồn thu ngân sách của TƯ. Đây là mối nguy cơ tiềm tàng mà thế hệ lãnh đạo nào của ĐCSTQ cũng không mong chờ.
Trong truyền thống chính trị của ĐCSTQ, quan hệ giữa TƯ và địa phương là cấp trên và cấp dưới, TƯ ra lệnh và địa phương phục tùng. Nhưng khi địa phương ngày một mạnh lên, TƯ dần ở thế yếu tiến tới thế quân bình “hai ta cần có nhau”, thì phương thức làm việc giữa hai bên là “đàm phán”. Không ai rõ cơ chế đàm phán giữa TƯ và địa phương, chỉ biết rằng phương cách và nội dung đàm phán với từng địa phương hay khu vực là khác nhau, mang đậm dấu ấn quan hệ cá nhân giữa lãnh đạo TƯ với từng lãnh đạo địa phương hay phe phái. Vì vậy, kết quả của những lần đàm phán dựa vào chất lượng mối quan hệ cá nhân hay thế lực của các phe phái ở địa phương với TƯ. Đối với các tỉnh thành giàu có ở vùng duyên hải đông nam Trung Quốc như Quảng Đông (广东), Thượng Hải (上海), Chiết Giang (浙江), Giang Tô (江苏) có nhiều ưu thế trong đàm phán nên thiên về đàm phán riêng lẻ với TƯ. Các tỉnh nghèo kém phát triển ở vùng tây nam như Tứ Xuyên (四川), Quế Châu (贵州), Vân Nam (云南), Quảng Tây (广西), Tây Tạng (西藏) luôn ở thế yếu nên thường hợp tác với nhau “đàm phán tập thể” với TƯ.
Phân quyền về kinh tế sau hơn 1 thập kỷ khiến quan hệ giữa TƯ và địa phương, giữa các địa phương dần trở nên căng thẳng. Khi mới mở cửa, Đặng Tiểu Bình chủ trương cho bộ phận địa phương, một bộ phận người giàu lên trước, dành nhiều chính sách ưu đãi phát triển cho các tỉnh duyên hải đông nam. Trong giai đoạn từ năm 1981-1989, trong tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của TƯ, khu vực miền đông chiếm 51%, miền trung 26.6%, miền tây 16.3%. Kết quả là kinh tế miền đông tăng trưởng nhanh chóng, trong khi kinh tế miền tây ngày càng yếu kém. Chênh lệch trong phát triển kinh tế vùng miền dẫn đến mẫu thuẫn, đặc biệt giữa miền trung và miền tây với miền đông.
Chính sách phân quyền, ưu tiên phát triển kinh tế không đồng đều khiến các địa phương ngày càng tách rời độc lập ít phụ thuộc lẫn nhau. Giao thương giữa các vùng trong nội địa giảm, các địa phương hình thành chủ nghĩa bảo hộ địa phương. Một số tỉnh, kim ngạch ngoại thương cao hơn nhiều kim ngạch nội thương. Hồ Nam (湖南) và Giang Tây (江西) cấm doanh nghiệp địa phương “xuất khẩu” lương thực sang Quảng Đông. Quảng Đông ngăn lao động ngoại tỉnh đến làm việc. Hồ Bắc (湖北), Cát Lâm (吉林), Liêu Ninh (辽宁) cấm “nhập khẩu” lương thực và sản phẩm công nghiệp nhẹ từ các địa phương khác. Cát Lâm, Hà Nam (河南), Liêu Ninh, Hồ Bắc quy định chỉ được tiêu thụ sản phẩm rượu, bột giặt, xe đạp, ti vi … do tỉnh mình sản xuất. Ngân hàng Thế giới nhận định, sự trỗi dậy của chủ nghĩa địa phương ở Trung Quốc khiến các địa phương có xu hướng vận hành như những “quốc gia độc lập”.
Chủ nghĩa bảo hộ địa phương cũng là căn nguyên khiến các địa phương không muốn nộp thuế nhiều cho TƯ. Các tỉnh giàu có chủ trương thà để dân địa phương giàu còn hợp nộp nhiều thuế cho TƯ. Họ càng nộp nhiều thuế, TƯ càng yêu cầu nộp nhiều hơn. Vì vậy, gánh nặng thuế của các địa phương giàu thường nặng nề hơn các địa phương khác. TƯ đành phải chọn phương pháp “đàm phán” với từng địa phương. Nhiều địa phương như Quảng Đông, Sơn Đông thậm chí còn tuyên bố, nếu TƯ áp dụng khoản thu thuế mới, phải hỏi ý kiến địa phương trước, không phải loại thuế nào địa phương cũng phải nộp theo ý nguyện của Bắc Kinh. Thách thức TƯ nhiều nhất thường đến từ các tỉnh giàu mạnh ở miền đông nam duyên hải, điển hình là Quảng Đông. Quyền lực của tỉnh Quảng Đông không chỉ bởi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao hơn rất nhiều so với các địa phương khác, mà còn đến từ khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài và quan hệ mật thiết với thế giới.
Năm 1989 xảy ra sự kiện Thiên An Môn (天安门事件). Từ năm 1989 đến 1993, Liên Xô và các quốc gia Đông Âu tan rã. Lãnh đạo ĐCSTQ và các nhà tư vấn chính sách lo ngại sự lớn mạnh và ngày càng có xu hướng độc lập của một số địa phương là mối nguy cơ tiềm tàng cho sự lãnh đạo của ĐCSTQ. Năm 1994, hai học giả Hu Angang (胡鞍钢) (khi đó là Giám đốc trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đương đại thuộc Đại học Thanh Hoa – Center for China Studies, Tsinghua University) và Wang Shaoguang (王绍光) viết bản Báo cáo năng lực quốc gia Trung Quốc (Wang Shaoguang and Hu Angang: A report of State Capacity in China) [1], cho rằng thập niên 80 sau khi TQ thực hiện phân quyền và khoán ngân sách cho địa phương, nguồn thu ngân sách của TƯ giảm mạnh, khả năng điều tiết nền kinh tế vĩ mô suy yếu, sẽ để lại hậu quả ngắn hạn và dài hạn. Tình trạng trên biến nhiều địa phương như những “nền kinh tế chư hầu” tồn tại như những chính phủ độc lập với TƯ. Hiện nay (1994) không có một đảng phái chính trị nào, một tổ chức xã hội nào dám thách thức ĐCSTQ, mà mối đe doạ chính của ĐCSTQ đến từ chính trong nội bộ, đến từ chính quyền các địa phương. Vì vậy, TƯ cần phải tập trung lại quyền lực, để tránh nguy cơ tan rã như những quốc gia Đông Âu. Bản báo cáo của Hu và Wang được truyền tay rộng rãi trong nội bộ lãnh đạo ĐCSTQ. Cùng năm (1994), ĐCSTQ quyết định thực hiện chính sách cải cách thuế, như một bước đi quan trọng thu lại quyền về TƯ.
Từ năm 1994 đến nay
Trải qua hơn thập kỷ cải cách mở cửa, tính tự chủ và chủ nghĩa địa phương đã trở thành nền móng khá vững chắc của chính quyền địa phương, cộng thêm truyền thống văn hoá, phong tục tập quán lâu đời, phương ngữ của từng địa phương tồn tại với tuổi thọ gấp nhiều lần tuổi đời non trẻ của ĐCSTQ, khiến cho việc chèo lái con thuyền đất nước của ĐCSTQ theo một hướng mới không hề là việc dễ dàng. Vì vậy, từ ngày 18/1 đến 21/2 năm 1992, Đặng Tiểu Bình khi đó đã 88 tuổi có chuyến đi về miền nam thị sát Vũ Xương (武昌), Thẩm Quyến (深圳), Châu Hải (珠海), Thượng Hải và đưa ra hàng loạt bài phát biểu quan trọng để tìm động lực mới cho cuộc cải cách kinh tế.
Trước thập niên 90, TƯ không có cơ quan thu thuế cấp TƯ, chính quyền các địa phương tự thu thuế ở địa phương mình và nộp lên ngân sách TƯ theo một tỷ lệ nhất định. Tỷ lệ này tuỳ từng địa phương, thông qua “đàm phán” giữa TƯ và từng địa phương. Sau khi tiến hành cải cách chế chế độ thuế, thuế được chia làm 3 loại: (i) Thuế TƯ: do cơ quan thu thuế của TƯ trực tiếp trưng thu, TƯ quản lý; (ii) Thuế địa phương: do cơ quan thuế các địa phương thu, chính quyền địa phương quản lý; (iii) Thuế cộng hưởng: do TƯ thu, rồi phân về cho các địa phương theo tỷ lệ nhất định.
Chính sách thuế mới làm tăng nguồn thu ngân sách cho TƯ, tỷ lệ nguồn thu ngân sách TƯ trong tổng thu từ 30% trước cải cách lên tới trên 50% sau cải cách, cộng thêm nhiều loại phí khác địa phương phải nộp cho TƯ.
Nhưng sau khi TƯ siết chặt kiểm soát cả chính trị và kinh tế, cũng lại xuất hiện nhiều vấn đề, chủ yếu là sau khi TƯ tập trung quyền lực kinh tế, nhưng lại không chịu trách nhiệm đối với các chính sách và hoạt động kinh tế ở địa phương. Ngân sách của các địa phương bị giảm đi nhiều, phải phụ thuộc nhiều hơn vào ngân sách TƯ, nhưng vẫn phải tự chi trả cho bộ máy hành chính công, xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp các dịch vụ công như y tế, giáo dục của địa phương, vì vậy tăng gánh nặng cho địa phương.
Để tháo nút thắt khó khăn cho địa phương, chính quyền TƯ bật đèn xanh cho địa phương khai thác nguồn đất đai và bất động sản (BĐS). Do đó, sau cải cách thuế năm 1994, chính đất đai và BĐS là nguồn thu chính của chính quyền địa phương. Đất đai ở TQ là sở hữu công, nên chính quyền các địa phương mạnh tay thu hồi đất (thường bằng phương pháp cưỡng chế) của người dân, đua nhau đô thị hoá, quan chức địa phương bắt tay với các doanh nghiệp bất động sản, vẽ ra các dự án xây dựng căn hộ, đường cao tốc, sân bay, tàu cao tốc. Số lợi nhuận khổng lồ thu được từ đất đai và bất động sản không được ưu tiên sử dụng vào nâng cấp hệ thống an sinh xã hội, tạo việc làm mới cho những người nông dân mất đất, nâng cao chất lượng y tế và giáo dục của địa phương, mà phần nhiều chảy vào túi của quan chức các cấp doanh nghiệp bất động sản và các nhóm lợi ích. Nhiều nhà quan sát cho rằng, chính sách cải cách thuế năm 1994 là căn nguyên của cuộc khủng hoảng bất động sản hiện nay ở Trung Quốc, chất dứt thời kỳ tăng trưởng kinh tế dựa vào bất động sản.
Đây chính là tử huyệt của cái gọi là “mô hình Trung Quốc” (China Model) mà nhiều nhà nghiên cứu và quan sát ở Trung Quốc và trên thế giới đã chỉ ra từ lâu và dự đoán sớm muộn mô hình này của Trung Quốc sẽ thất bại. Một nền kinh tế phát triển thần tốc nhưng chỉ mang lại lợi ích cho một số nhóm lợi ích trong xã hội, phát triển bề nổi tập trung vào cơ sở hạ tầng, mà không chú trọng phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của đại bộ phận của người dân, sẽ dẫn đến sự phát triển mất cân bằng với nhiều hệ luỵ mà hiện nay khó bề khắc phục như khủng hoảng thị trường bất động sản, dân số già hoá và tăng trưởng âm, ô nhiễm môi trường, sức mua tiêu thụ trong nước không tương xứng với quy mô dân số v.v…
Các nhà nghiên cứu và quan sát cho rằng, thế giới đang chứng kiến sự tuột dốc không phanh của nền kinh tế Trung Quốc, chưa nhìn thấy đáy, nhưng chưa thấy tín hiệu hy vọng cho sự tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.
Câu hỏi đặt ra, hiện nay ĐCSTQ có thực chất đang quản trị toàn TQ hay chỉ trên hình thức, thực tế có phải đang xảy ra hiện tượng độc lập nhất định ở một vài địa phương, TƯ nói nhưng địa phương không nghe lời?

Hà Nội, 4/4/2024
Ngô Tuyết Lan
Ngô Tuyết Lan là nhà quan sát Trung Quốc đương đại, nhà nghiên cứu văn hoá và lịch sử cận hiện đại Trung Quốc, từng tu nghiệp tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.

[1] Wang Shaoguang and Hu Angang, A Report of State Capacity in China, Hong Kong: Oxford University Press, 1994

Theo VOA



Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.229 giây.