Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài.
Chỉ hơn một năm sau cuộc đổi đời 1975, tiệm sách, quán cà phê, nhà cửa của Ba Mạ bị tướt đoạt trong khi Ba bị giam đâu đó trong rừng sâu nước độc. Dẫu trắng tay, Mạ vẫn tìm cách đưa dần các con vào Sài Gòn để các con có điều kiện thuận lợi tiếp tục việc học. Mạ biết, các con sẽ phải rất khốn đốn với trường lớp ở miền Trung, vì chính quyền địa phương rất khắt khe, thù nghịch.
Sau khi nhà cửa bị tịch thu, thật may mắn, một người tuy chưa quen, mà thật tốt bụng, thương cảm tình cảnh khốn đốn của gia đình, đã nhường cho Mạ quán cơm ở bến xe lam. Mạ cho tôi và hai đứa em trai vào Sài Gòn, vì tôi sẽ xong trung học trong 2 năm và hai đứa em trai có nguy cơ đi bộ đội khi đến tuổi. Em gái tôi, Hiền, đang học lớp Tám, cùng hai em đứa út, học trò mẫu giáo được ở lại Quảng Ngãi với Mạ. Đến trường, Hiền thường bị cô giáo dè bỉu, xỏ xiên. Cô cắt nghĩa tội ác Mỹ Ngụy thế này, thế kia và với vẻ hiểm độc, cô trỏ vào em nói: “Ví dụ như trò này là con nhà Mỹ Ngụy”. May thay, bạn bè trong lớp rất thương và binh vực Hiền. Hiền lên lớp Chín, chuẩn bị thi vào cấp III, tức là lớp 10. Hồ sơ dự thi, trong chế độ cộng sản, cần có bản khai lý lịch chi tiết với chứng nhận cư trú địa phương. Ông chủ tịch phường nhất định không chịu ký giấy cho em, vì lý lịch gia đình không “trong sạch”. Thế là Hiền phải học lại lớp Chín thêm một năm nữa.
Năm 1978, nghỉ ba tháng hè, Mạ cho Hiền vô Sài Gòn nghỉ ngơi sau một năm học căng thẳng, vì bị cô giáo “cách mạng” khủng bố tinh thần. Theo lịch thi chuyển cấp do nhà trường thông báo, kỳ thi được tổ chức vào cuối tháng Tám. Bất ngờ, nhà trường thay đổi chương trình, dời ngày thi sớm hơn hai tuần lễ. Mạ tức tốc nhờ người nhắn vô Sài Gòn, bảo Hiền về gấp. Ngày ấy, xe cộ ra vô miền Trung rất khó khăn. Đoạn đường khoảng 700 cây số mà xe đò chạy mất một ngày một đêm. Mua vé xe phải có giấy đi đường, phải chầu chực ở bến xe một hai ngày. Tình cờ, tôi biết, một người bạn đã mua được vé xe về đến Quảng Ngãi ngày 14.08. Người bạn sống ở Sài Gòn, chỉ về Quảng Ngãi để thăm họ hàng, nếu chậm một hai ngày chẳng sao. Nghĩ vậy, hai chị em tôi đèo nhau trên chiếc xe đạp cọc cạch, từ Phú Nhuận lên quận 5, tìm người bạn, năn nỉ hết lời, xin bạn nhường vé, để Hiền kịp về đi thi. Nhưng người bạn một mực từ chối. Chị em tôi vừa thất vọng, vừa buồn lo, đành quay về bến xe, thay phiên nhau đứng xếp hàng mua vé. Xe khởi hành từ 7 giờ sáng ở Sài Gòn và sẽ đến Quảng Ngãi khoảng 6, 7 giờ sáng ngày hôm sau, đúng vào ngày thi 15.08. Chúng tôi nhờ người bạn báo cho Mạ biết. Đã có nhiều lần trễ nãi, xe đò đến Quảng Ngãi vào buổi trưa, hoặc chiều. Cho nên, Mạ phải tính đến chuyện nhờ bạn bè đi thi thay thế, trong trường hợp Hiền về không kịp vào thi.
Vừa nghe người bạn nhắn tin, Mạ gởi quán cơm cho hàng xóm, đội nón vội vàng đi tìm người thi thế cho Hiền. Ngày ấy, tất cả thu nhập chỉ trông mong vào quán cơm, để Mạ nuôi bầy con và lo bới xách thăm nuôi Ba. Mạ đã phải giật gấu vá vai, phải tính toán khéo léo từng đồng, mới có thể sắp xếp ổn thỏa cho bao nhiêu món chi tiêu trong gia đình. Bởi vậy, bỏ thu nhập của một ngày không đơn giản. Nhưng trong lúc này, đối với Mạ, việc học của đứa con quan trọng hơn tất cả. Mạ hỏi thăm đám bạn của Hiền. Chúng cho biết, Vũ học rất giỏi. Thời gian ấy, Ba của Vũ, là giáo sư trung học trước năm 1975, không cho Vũ đến trường. Ông dạy con theo chương trình riêng của ông tại nhà. Mạ chạy xuống nhà Vũ, nói chuyện với cha mẹ của Vũ, nằn nì Vũ đi thi giúp cho Hiền. Vốn là bạn với nhau từ trước, Vũ đồng ý. Mạ mừng lắm. Mạ hỏi Vũ cần những gì. Mạ soạn bút viết của Hiền ở nhà. Mạ chạy ra chợ mua giấy ca-rô, thước kẻ. Mạ qua nhà hàng xóm mượn thêm com-pa. Đem giấy viết về, Mạ xếp giấy ngay ngắn và thử ngòi bút. Thấy ngòi bút hơi bị tòe, nét to, thô thiển, Mạ không hài lòng. Mạ lại nhờ người coi tạm quán cơm, lật đật ra chợ tìm mua ngòi bút khác nhỏ hơn. Mạ nghĩ, ngòi bút nhỏ, viết chữ đẹp, tạo ấn tượng tốt. Giám khảo chấm bài, có cảm tình, hy vọng sẽ được nhiều điểm hơn.
Tối 14 rạng sáng 15.08 Mạ không chợp mắt được. Mạ ở quán cơm gần cây xăng, trên quốc lộ số 1. Mỗi lúc nghe tiếng xe ngoài đường, Mạ choàng dậy, xem có phải xe đò Sài Gòn ra hay không. Đến 5 giờ sáng, Hiền vẫn chưa về tới. Mạ lựa bộ áo quần của Hiền, ủi thẳng thớm, xuống nhà Vũ, đưa Vũ mặc, đón Vũ đi thi. Cùng đi với Mạ, có Hạnh, con nhà hàng xóm. Mạ dắt Vũ vô tận phòng thi, dặn dò, nhắn nhủ. Mạ ra ngoài cổng trường, ngồi trên bệ thềm, bụng dạ rối bời, lắng nghe tiếng được, tiếng mất, thông báo các điều lệ thi cử qua loa phóng thanh của trường. Mạ dùng dằng, định ngồi đó cho đến khi học trò thi xong. Gần 9 giờ, Hạnh trấn an Mạ: “Bác ơi, mình về nhà được rồi. Không nghe nói, chắc là êm xuôi”.
Mạ về quán, chuẩn bị cơm nước để bán cho khách ăn trưa. Lòng Mạ vẫn bồn chồn, phập phồng lo âu. Mạ lóng ngóng ngó những chuyến xe đò tấp vào bến xe. Đang lúc Mạ bận rộn túi bụi, tay lo vần nồi cơm cho chín đều, sang tay qua bếp khác, làm nước màu cho nồi thịt kho, Mạ ngó xuyên qua các song gỗ của quán, nhìn ra đường Quang Trung, Mạ thấy Vũ đi về phía quán ăn. Mạ cảm như chân tay rụng rời. Mạ tưởng như khuỵu xuống, khi Vũ nói: “Lộ rồi bác ơi. Con bị đuổi ra khỏi phòng thi.” Vũ kể, Vũ đã ngồi yên trong phòng thi, tưởng mọi việc trót lọt. Bất ngờ, có đứa học trò khác, ở gần nhà Vũ, nhận ra Vũ, trò nói với thầy cô gác thi, tại sao Vũ vần V mà lại ngồi ở phòng thí sinh với vần H. Thế là thầy cô tới hỏi vài câu, buộc Vũ phải tức khắc ra khỏi phòng thi và tịch thu hồ sơ thi của Hiền.
Gần trưa, chuyến xe đò Hiền đi mới đến bến xe Quảng Ngãi. Nhưng đã quá trễ. Hiền bị cấm thi trong năm đó. Tức là sẽ phải lông bông thêm một năm nữa, mà chưa biết năm sau sẽ ra sao. Mạ buồn rầu, lo lắng, thương cho con, không biết con có còn cơ hội cắp sách đến trường được chăng. Mạ đổ bịnh, nằm liệt luôn cả tuần. Sau đó, dù rất muốn cho con gái út ở gần, Mạ vẫn quyết định cho Hiền vào Sài Gòn để có thể tiếp tục đi học.
Nhớ lại những ngày tháng cơ cực mấy chục năm trước, Mạ, một phụ nữ vừa ngoài năm mươi, một thân, một mình chèo chống lo cho chồng, nuôi bầy con. Mạ thức khuya, dậy sớm một tuần bảy ngày. Mạ đầu tắt, mặt tối một năm mười hai tháng, trừ một hai ngày tết Mạ vô Sài Gòn ở với mấy đứa con. Những năm xưa, Mạ mặc áo dài khoan thai trông coi tiệm sách. Chỉ vài năm sau cơn lốc đổi đời tàn khốc, Mạ lam lũ trong áo nâu, quần đen, tất tả ra chợ mua bút viết cho con. Tưởng tượng cảnh Mạ săm soi giấy bút, thử ngòi viết chuẩn bị đi thi. Ôi chao, thương Mạ kể sao cho xiết. Mạ làm tất cả với lòng mong muốn con được đi thi, được đi học. Lòng Mạ dành cho bầy con bao la như biển, vô bờ, vô bến. Còn tình thương nào cao cả hơn, sâu đậm hơn tình Mạ dành cho tụi con. Hình ảnh Mạ đi thi chẳng bao giờ phai nhạt trong tim của bầy con.
Mạ yêu quý của tụi con, Mạ xa tụi con đã bao nhiêu năm rồi. Nhưng tình thương của Mạ vẫn luôn gần gũi, ấm áp, vẫn luôn tỏa sáng trong tim của chúng con, Mạ ơi.
Hoàng Quân