Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa! Số là chú chưa bao giờ bàn đến chuyện vợ con. Cha mẹ chú có sốt ruột thúc hối kiểu gì chú cũng tỉnh rụi. Cũng chẳng thấy chú quen cô nào dẫn về cả. Có lần cô Kim Nhung em gái chú đã dẫn một cô bạn cũng cao ráo, trắng trẻo về làm mai cho chú. Sau buổi ra mắt, cả nhà xúm lại hỏi ý chú sao thì chú nói tỉnh bơ là:
– Cô ấy hai cái tay dài quá!
Thôi bó tay! Chê gì không chê lại chê cái tay. Vậy có nghĩa là chú không thích rồi nên có ép cũng chẳng được. Năm tháng trôi đi, trong nhà ai cũng nản rồi nên chẳng ai hỏi chú chuyện lập gia thất nữa. Nay đã đến tuổi ngũ tuần, đùng một cái nghe chú cưới vợ mà vợ chú lại trẻ đẹp phúc hậu nữa chứ! Cô Hân con nhà đàng hoàng ở bên An Cựu năm nay mới 27 tuổi. Vậy bà con mới mắt tròn mắt dẹt nể chú vô cùng.
Chú Nghĩa xuất thân con nhà khá giả, trong nhà có cả chục người làm. Con cái chỉ mỗi việc học mà thôi. Cuối tuần trong nhà mở những đêm nhạc, đàn hát khiêu vũ rất sành điệu. Chú học giỏi, thi đậu vào Trường Kỹ sư Phú Thọ, Sài Gòn. Chú học chưa xong thì bị bắt đi lính mấy tháng. Sau năm 1975, chú không học tiếp nữa, cũng chẳng có nghề ngỗng gì nhất định nhưng chú dễ thương, vui nhộn yêu đời. Nói tiếng Pháp như gió, văn thơ thuộc từ cổ chí kim. Chú có cách nói chuyện hài hước, dí dỏm đượm màu sắc trí tuệ. Câu chuyện đời thường lúc nào chú cũng chêm vào một câu nói nổi tiếng của một triết gia, tình huống trong một cuốn tiểu thuyết hay tên một bản nhạc nào đó. Chú lại có giọng hát hay mà lúc nào cũng chơi nhạc Pháp mới chịu. Nhỏ Lan là em cô cậu của chú, sinh sau chú đến ba chục tuổi nhưng nó lập gia đình trước chú. Bữa đám cưới nhỏ Lan chú lên hát một bản nhạc Pháp và một bản nhạc Việt. Bài nhạc Việt được mở đầu không thể ấn tượng hơn! Chú bước lên sân khấu, tay cầm một cái gói nho nhỏ, bọc bằng giấy màu rất nhiều lớp. Ai cũng chăm chú nhìn xem thử chú làm gì với cái gói ấy. Chú bắt đầu đưa tay mở gói và bóc lần lượt từng lớp, bóc hết lớp này đến lớp khác, đến lớp cuối cùng lộ ra một hòn đá và cũng là lúc chú cất lên bài hát: “Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời…” Với giọng hát truyền cảm đi vào lòng người của chú, tạo cho không khí bữa tiệc thêm phần thú vị.
Chiến tranh đi qua, với những thăng trầm dâu bể của đời người. Chú cứ vậy, sống hồn nhiên và vui với những điều mình thích: Đọc sách hoặc trầm tư thả hồn với cái máy đĩa từ thời Pháp thuộc để lại. Rồi chiều chiều lai rai vài ly rượu đế với những người bạn vậy thôi! Chưa hề nghe chú bàn nghiêm túc đến chuyện lập gia đình. Vì thế chuyện chú cưới vợ làm cho bà con trong họ đến lối xóm ai cũng ngạc nhiên nhưng cũng mừng cho chú. Hóa ra chú được ông Hành (em họ của ba chú) sắp đặt. Ông Hành là người sống có trách nhiệm, rất thương anh em và có uy tín trong họ. Ông đã gặp gia đình cô Hân thuyết phục thế nào để gia đình người ta thuận gả con gái cho chú – một người đã cứng tuổi lại không có nghề nghiệp ổn định mặc dù chú tính tình dễ thương và có kiến thức. Nhưng văn thơ, hát nhạc cũng chỉ giải trí cho vui vậy thôi! Vì thế nên ai cũng nể tài khéo ăn, khéo nói của ông Hành. Chả là mẹ cô Hân là người cùng tổ dân phố với ông Hành, cũng đều là tiểu thương bán ở chợ An Cựu với vợ ông. Đám cưới của chú cũng rình rang lắm! Một đoàn xe sang chảnh khoảng chục chiếc chạy một vòng khắp thành phố rồi mới rước dâu về. Sính lễ cô dâu mang vàng đầy cả cổ và hai tay. Có lẽ ai cũng mừng cho cô lấy chồng tuy có hơi luống tuổi nhưng về chỗ gọi là ấm thân. Chẳng là nhà chú ai cũng biết là nhà có nhiều Việt Kiều mà.
Chuyện xuất ngoại của em trai chú (chú Thiện) cũng là một chuyện vui ngoài sức tưởng tượng của gia đình. Vào một sáng tinh mơ, chú Thiện ngủ dậy đi xuống bờ sông Hương đánh răng như thường lệ (hồi này nước trong vắt chứ không đục như bây giờ. Người ta tắm giặt gì cũng xuống sông) chú Thiện đang rửa mặt thế, bỗng có chiếc thuyền từ đâu tới. Trên thuyền có vài chục người đi qua khúc sông, chợt tấp vô bến rồi hai người đàn ông lực lưỡng đưa tay kéo nhấc bổng chú Thiện lên thuyền rồi bảo:
– Ngồi im! Không được nhúc nhích.
Chú chẳng hiểu mô tê gì nhưng sợ quá nên cũng không dám la. Hóa ra gặp chiếc thuyền đi vượt biên, khi thấy có người ở bờ sông sợ bị lộ nên bắt cóc đi luôn. Đi qua một hòn đảo gì bên Mã Lai. Sau một năm cũng sang đến Úc. Sau đó tiếp theo trong nhà có người đi Mỹ theo diện HO, có người định cư theo gia đình vợ. Gia đình ông bán bớt mặt tiền căn nhà ở phố để lo cho con, ai muốn thì cho xuất ngoại. Thế là nhà chú bây giờ có đến bốn gia đình Việt Kiều chiếm phần nửa số thành viên trong gia đình. Chú Nghĩa sức khỏe không được tốt lắm nên thất nghiệp hoài hoài, thương em trai, có lẽ các nghi lễ cưới xin và nữ trang váy áo cô dâu thì xảnh Việt Kiều góp tay chung sức.
Nhưng chẳng biết sao mà sau ba ngày cưới thì thím Hân không còn một dấu vết vật nữ trang nào lưu lại trên người nữa. Chú thím buồn bã lắc đầu! Vàng đã trở về nơi xuất phát
Thím siêng năng làm lụng lo cho chồng, rất chịu thương, chịu khó. Rồi thím sinh được một thằng cu kháu khỉnh thông minh. Chú Nghĩa bằng chiếc wave Tàu cũ hằng ngày chở con đi học, chở vợ đi làm, hết giờ đón về. Thím Hân siêng năng, chăm lo chồng con. Em học giỏi, nay cũng đã gần xong đại học. Nhờ có thím mà chú bỏ bớt tật uống rượu. Trải qua nhiều trận ốm thập tử nhất sinh mà chú vẫn qua khỏi, sống bình an. Ai cũng nói nếu chú Nghĩa không có vợ thì nay chú cũng ra người thiên cổ rồi! Vì hồi trẻ chú đi lao lao lác lác cả ngày có khi không có hột cơm nào vào bụng mà chỉ có rượu nên dạ dày chú sinh bệnh. Ba mẹ chú cũng đã dìu nhau vào cõi Phật. Anh chị em trong nhà ai có gia đình nấy với những bận bịu riêng. Có lẽ vì thế mà ông Hành phải nhanh chóng kiếm vợ cho chú Nghĩa. Mừng cho chú mà chú cũng có phước thật! Gặp vợ hiền, lại đảm đang. Nhà cửa rộng rãi nhưng chú thím và em chỉ được sống trong một căn phòng nhỏ cũ kỹ. Có lần đứa cháu gọi bằng cậu về nó làm cho cái nền gạch hoa nên nhìn cũng sạch sẽ hơn! Gia cảnh túng thiếu vì lao động chính chỉ mình thím Hân. Thím làm hợp đồng bên ngành du lịch lương hướng chỉ đắp đổi qua ngày. Mỗi lần chú Nghĩa ốm đi bệnh viện là thím chạy về nhà mẹ đẻ mượn tiền mấy đứa em về lo cho chú Nghĩa. Rồi từ từ xin mấy anh em ở hải ngoại hỗ trợ cho đồng nào tốt đồng đó để trả lại. Thành Nguyên con thím học giỏi, năm nào cũng có học bổng con nhà nghèo vượt khó, đỡ tiền sách vở phần nào.
Bà con lối xóm ai cũng quý và thương thím Hân! Lấy chồng mang tiếng nhà Việt Kiều nhưng thực chất chẳng có gì, xét cho cùng anh em lai lo phận nấy. Gặp chồng lớn tuổi, thất nghiệp lại hay ốm đau mà còn chịu lời nặng nhẹ của các cô em chồng. Phải nói là thím khổ quá! Nhưng thím tự an ủi mình và lấy niềm vui là đứa con để mà vượt qua nghịch cảnh. Chăm chồng trọn tình, chăm con chu đáo.
Nhìn thím Hân vất vả, tôi cầu mong chú Nghĩa luôn khỏe mạnh để thím đỡ cực. Mong cho em Nguyên học xong xin được việc làm để đỡ đần mẹ. Thím Hân tuổi cũng đã về chiều. Nhìn hình ảnh ngày xưa thím 27 tuổi trẻ trung yêu đời trong chiếc áo cô dâu. Thoáng chốc, mấy chục năm trôi qua nhanh như gió thoảng. Dáng đi đã có phần mệt nhọc của người không còn trẻ khỏe nữa! Nhìn lại thím già hẳn đi trước tuổi bởi những ngày tháng nhọc nhằn.
Cũng mong sau này em Nguyên lấy được vợ hiền để thím có dâu thảo. Bù đắp cho thím hưởng phước tuổi già, mới đem lại công bằng cho thím.
Mong thay!
Hoàng Thị Bích Hà