Photo: RFA
Tình hình nhân quyền của Việt Nam trong năm 2023 được Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá là không có gì thay đổi so với các năm trước đó, trong khi báo cáo của các tổ chức nhân quyền quốc tế tiếp tục nhận định về tình trạng đàn áp nhân quyền ngày càng trầm trọng.
Các số liệu thống kê mà Đài Á Châu Tự Do (RFA) thu thập được trong năm 2023 cho thấy chính quyền tiếp tục kìm hãm sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, đàn áp người thuộc sắc tộc thiểu số như người Thượng ở Tây Nguyên, người Khmer Krom ở Nam Bộ; sử dụng các Điều 117 và 331 Bộ Luật hình sự để bắt giam và kết án tù những người cất tiếng nói một cách ôn hoà; thi hành án tử hình với tù nhân đang kêu oan.
/@@images/ba31a9aa-759b-4f1e-aee1-8206532a77c6.png[/img]
Theo Báo cáo Nhân quyền 2023 của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 22/4/2024, tính đến ngày 31 tháng 10 năm 2023, Việt Nam giam giữ ít nhất 187 người do các hoạt động cổ xúy cho nhân quyền; trong số này có 162 người bị kết án và 25 người đang bị giam chờ ngày ra tòa.
Các số liệu thống kê được RFA tổng kết trong năm 2023 cho thấy, có ít nhất 39 người đã bị chính quyền bắt giữ trong năm 2023 với các cáo buộc tội tuyên truyền chống Nhà nước, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, trốn thuế, gây rối trật tự công cộng, chiếm đoạt tài liệu của Chính phủ.
/@@images/48bb5f11-2032-4b4e-8104-36ce8966221c.png[/img]
Đàn áp người Thượng ở Tây Nguyên Rạng sáng ngày 11/6/2023, hai trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk bị một nhóm khoảng 40 người có trang bị súng đạn, dao tấn công. Vụ tấn công đã khiến chín người thiệt mạng, bao gồm bốn công an, hai cán bộ xã và ba người dân.
Một số những nhận định của người Thượng ở nước ngoài và các chuyên gia quốc tế đã từng có nghiên cứu về vấn đề người Thượng ở Tây Nguyên cho rằng nguyên nhân của vụ nổ súng là do kỳ thị sắc tộc, nghèo đói và bất công. Tuy nhiên, Chính phủ bác bỏ những cáo buộc này và cho rằng những người tấn công bị xúi giục, kích động chia rẽ giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số. Tổ chức FULRO lưu vong của người Thượng bị chính quyền cáo buộc đã kích động người Thượng trong nước, đòi thành lập Nhà nước Đề Ga.
Những người tình nghi tham gia vụ tấn công ở Đắk Lắk hôm 11/6/2023 bị bắt giữ. Ảnh: Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động
Toà án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk vào ngày 19/1/2024 đã tuyên án tù 100 người Thượng liên quan đến vụ tấn công (trong số này có sáu người đang ở nước ngoài).
Mười người bị kết án chung thân với cáo buộc “chủ mưu”. Cụ thể các mức án bao gồm, 53 người bị kết tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, 45 người bị khép tội “khủng bố”. Hai tội danh còn lại “tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép”, và “che giấu tội phạm”.
Ông Y Quynh Bdap, một trong số sáu người bị xét xử vắng mặt dưới cáo buộc phạm tội “khủng bố”, và bị tuyên án 10 năm tù giam, cho đài RFA biết sau khi phiên toà kết thúc:
“Đây là cáo buộc phi lý, họ không đưa ra bằng chứng nào mà lại cáo buộc tôi như vậy. Cái mức án mà họ đưa cho tôi là không đúng. Tôi đâu có tham gia vào vụ này mà họ lại xử tôi với mức án 10 năm.”
Áp dụng Điều 331 và Điều 117 Bộ luật Hình sự Hai Điều 331 và 117 của Bộ luật Hình sự tiếp tục được áp dụng chủ yếu trong các vụ bắt giam và kết án tù những người cất tiếng nói chỉ trích ôn hoà ở trong nước. Số người bị bắt vì hai điều này trong năm 2023 chiếm hơn một nửa tổng số tù nhân lương tâm bị bắt giữ trong năm. Tổng số năm tù của những người bị kết án theo Điều 331 trong năm 2023 là 39 năm, tổng số năm tù theo Điều 117 trong năm 2023 là 49,5 năm.
Số liệu thống kê mà RFA tổng hợp được cho thấy có ít nhất 24 người bị bắt giam trong năm 2023 theo Điều 331; 11 người bị kết án theo điều này.
Trong năm 2023, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ít nhất ba người Khmer Krom với cáo buộc vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Người Khmer Krom là một bộ phận của dân tộc Khmer sinh sống chủ yếu ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam và vẫn duy trì nét văn hóa cũng như tôn giáo đặc trưng của dân tộc Khmer.
Những người này đã bị kết án tù từ ba năm sáu tháng đến bốn năm tù trong các phiên toà vào năm 2024.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 1/4/2024 đã ra thông cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc kết án tù những người Khmer Krom này bao gồm các ông: Danh Minh Quang, Thạch Cương và Tô Hoàng Chương. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng những người này đã bị bỏ tù “vì cổ vũ một cách ôn hòa cho nhân quyền, bao gồm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam.”
Điều 331 cũng được sử dụng trong các vụ bắt giữ và kết án tù những người tranh cãi và nói xấu lẫn nhau trên mạng xã hội mà điển hình là vụ đôi co trên mạng xã hội giữa bà Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, Bình Dương) và những người khác từ năm 2021 đến năm 2022.
Bà Hằng sau đó đã bị bắt giam trong năm 2022 với cáo buộc vi phạm Điều 331. Trong năm 2023, ba người khác liên quan đến vụ đôi co này cũng bị bắt giữ theo Điều 331 là nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, hai luật sư Trần Văn Sĩ và Đặng Anh Quân.
Trong năm 2023, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ít nhất năm người và truy nã một người với cáo buộc vi phạm Điều 117 Bộ luật Hình sự - “tuyên truyền chống Nhà nước". Bảy người bị kết án tù theo điều này trong năm 2023, trong đó có blogger Nguyễn Lân Thắng của Đài Á Châu Tự Do.
Cả hai Điều 331 và 117 đều bị các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án là mù mờ và thường được dùng để đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Blogger Nguyễn Lân Thắng cùng vợ con tham gia cuộc biểu tình chống Formosa năm 2016. Ảnh: FB Nguyễn Lân Thắng
Đàn áp xã hội dân sự Tiếp nối những vụ bắt giữ và kết án hàng loạt các nhà hoạt động môi trường trong các năm 2021 và 2022, trong năm 2023, chính quyền tiếp tục bắt giữ thêm hai nhà hoạt động môi trường và một người trong tổ chức xã hội dân sự. Đó là bà Hoàng Thị Minh Hồng - sáng lập viên và giám đốc của Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), bà Ngô Thị Tố Nhiên - Giám đốc điều hành Tổ chức Sáng kiến về chuyển đổi năng lượng Việt Nam (VIETSE), và ông Nguyễn Sơn Lộ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển (SENA).
Bà Hồng (51 tuổi) vào cùng năm đã bị toà tuyên án ba năm tù về tội trốn thuế. Đây cũng là cáo buộc tương tự được áp dụng cho các nhà hoạt động môi trường khác bị xét xử trước đó.
Vụ bắt giữ bà Hồng và bà Nhiên trong năm 2023 đã đưa tổng số nhà hoạt động môi trường bị Hà Nội bắt giữ trong vòng bốn năm qua lên sáu người.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng (trái) và bà Ngô Thị Tố Nhiên. Ảnh: CIVICUS, Goethe Institute
Ông Nguyễn Sơn Lộ (sinh năm 1948) bị toà tuyên hai án tổng cộng năm năm tù với cáo buộc tội vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong năm 2023, Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội cũng tuyên án 28 tháng tù đối với ông Hoàng Ngọc Giao (sinh năm 1954) - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD). Ông Giao bị cáo buộc tội trốn thuế.
Án tử hình Vào sáng ngày 22/9/2023, tử tù Lê Văn Mạnh (sinh năm 1982) bị thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc bất chấp việc tử tù và gia đình đã kêu oan suốt 18 năm qua về những khuất tất trong việc điều tra vụ án và cáo buộc công an dùng nhục hình.
Việc thi hành án tử hình Lê Văn Mạnh đã khiến dư luận quốc tế chú ý. Báo cáo viên đặc biệt về giết người phi pháp của Liên Hiệp Quốc đã lên án vụ thi hành án và kêu gọi Việt Nam tuân thủ các cam kết với quốc tế về đảm bảo quyền lợi của tử tù và minh bạch trong việc thực hiện các án tử hình.
Trong thông cáo báo chí công bố hôm 2/10, báo cáo viên đặc biệt Morriz Tidball-Binz viết: “tôi quan ngại về việc thi hành án tử hình với Lê Văn Mạnh bất chấp những kêu gọi ân xá vào khi có những nghi ngờ về một phiên tòa công bằng và có những cáo buộc về tra tấn để lấy lời khai được dùng để chống lại anh ta và dẫn đến án tử hình này.”
Lê Văn Mạnh là một trong ba trường hợp tử tù kêu oan nhiều năm được dư luận và báo chí chú ý nhất trong các năm qua. Các trường hợp khác bao gồm tử tù Hồ Duy Hải và Ngô Văn Chưởng hiện vẫn chưa bị thi hành án.
Theo báo cáo của Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) về án tử hình công bố năm 2023, Việt Nam đứng thứ tám trong bảng xếp hạng các nước tuyên án tử hình nhiều nhất trong năm 2022 với ít nhất 102 người bị kết án. Năm 2021, nước này đứng thứ bảy với 119 người.
Số liệu thống kê mà RFA tổng kết theo báo Nhà nước cho thấy, trong năm 2023, các toà án tại Việt Nam đã tuyên án tử hình ít nhất 248 người.
Các tội thường bị kết án tử hình nhiều nhất là buôn bán, vận chuyển ma tuý; tội giết người.
Tuy nhiên, số liệu về việc thi hành án tử hình tại Việt Nam vẫn là bí mật quốc gia nên hiện không có thông tin chính thức về số người bị thi hành án tử hình tại Việt Nam trong thời gian qua.
Một bài báo trên báo Thanh Niên năm 2021 trích dẫn số liệu từ Viện trưởng Viện KSND tối cao giai đoạn 2016 - 2021 cho biết, có 1.644 trường hợp đang chờ thi hành án tử hình.
Chết trong đồn công an Có ít nhất năm người chết khi bị tạm giữ trong năm 2023, theo số liệu thống kê RFA tổng hợp từ các báo của Nhà nước. RFA đã phỏng vấn người thân của ba nạn nhân và đều được cho biết có những nghi vấn về khả năng người thân của họ có thể đã bị tra tấn dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, công an không thừa nhận có việc tra tấn những người này.
Tình trạng nghi phạm bị chết trong đồn công an đã gây chú ý trong thời gian gần đây khi báo chí và mạng xã hội tại Việt Nam thường loan tải tin và hình ảnh về các vụ việc này. Tuy nhiên rất hiếm trường hợp công an chịu trách nhiệm trong các vụ này phải ra toà và chịu án phạt.
Hồi tháng 1/2023, một trung uý công an tại TPHCM đã bị bắt tạm giam để điều tra về tội dùng nhục hình khiến một bị can tử vong.
Vào tháng 9/2023, một thượng uý cảnh sát hình sự ở tỉnh Bình Thuận bị tước danh hiệu Công an Nhân dân vì có liên quan đến cái chết của một nghi phạm trong đồn công an vào cùng năm.
Hồi tháng 3/2019, Uỷ ban Nhân quyền LHQ đã yêu cầu Việt Nam phải giải trình về vấn đề người dân chết khi bị giam giữ. Đại diện phái đoàn Việt Nam khẳng định phạm nhân cảm thấy “day dứt, dằn vặt về hành vi phạm tội của mình mà dẫn dẫn đến bị quan mà tự tử", lý do thứ hai được đại diện Việt Nam cho LHQ biết là do bệnh lý.
Theo RFA