Sáu chị em chúng tôi vẫn chưa tưởng tượng được mình đã xa Ba Mạ, anh Lam và Kanh Kem, xa thật xa. Quê hương xa lắc, xa lơ bên kia bờ đại dương. Chừ mới thấm, thế nào là cây xa cội, nước xa nguồn. Anh chị Hải Điền và cu Nam đón chúng tôi ở phi trường Düsseldorf. Mừng mừng, tủi tủi.
Trước khi qua Đức, chị em chúng tôi cẩn thận đặt đan những áo len dày. Nghe nói ở Đức rất lạnh, nhiều người “cố vấn” mua những mũ len trùm kín đầu phủ luôn cổ, có thể kéo lên che miệng, chỉ chừa hai con mắt để nhìn đời và một cái mũi để thở. Chúng tôi đến phi trường Đức vào một ngày tháng Giêng giữa đông lạnh giá. Rời phi cơ, mấy chị em áo mão cẩn thận, nhìn giống mấy cột nhà bọc len biết đi. Anh Hải ôm bầy em vào lòng. Rồi rất tế nhị, ghé tai chị Tâm nhắc nhỏ:
– Mấy đứa lấy mũ len xuống đi.
Chúng tôi không hiểu tại sao, nhưng lúc đó không thắc mắc. Về sau, chúng tôi mới biết, kiểu mũ đó giống thời trang... cướp nhà băng.
Anh Chất thông dịch viên cùng với một nhân viên người Đức đưa chúng tôi về trại chuyển tiếp ở làng nhỏ tên Unna Massen. Ở cái làng bé tí tẹo này, lần đầu chúng tôi biết được siêu thị Coop. Vào đó, khứu giác nhận ra ngay hương xưa. Mùi của của bánh kẹo, xà phòng, áo quần... Tây Đức. Đó mùi hương đã làm chúng tôi ngất ngây khi nhận những thùng quà từ Tây Đức anh chị Hải gởi về vào thời khốn khó của những năm cuối thập niên bảy mươi.
Giữa những thương nhớ ngút ngàn về gia đình ở Việt Nam, giữa những choáng ngợp của văn minh trời Âu, là rất nhiều ngỡ ngàng, ngờ nghệch về những tiện nghi xứ người. Anh Hải yên tâm khi biết có anh Chất với tư cách thông dịch viên, sẽ đảm nhận hoàn tất những thủ tục cần thiết để nhập trại, rồi sau đó về nhà mới. Dù vậy, trước khi ra về, anh Hải vẫn thảo một tờ sớ dài, ghi chú những điều cần thiết, cách xử thế của người văn minh trên xứ sở văn minh, và số điện thoại nhà cũng như số điện thoại hãng của anh.
Cùng ở trại với chúng tôi lúc đó có chị Minh, con của chị-bé Cún và một người chị gái. Chị Minh đến trước chúng tôi vài ngày. Đương nhiên chị thành lão làng. Chị rất vui vẻ, hướng dẫn, giải thích cho chúng tôi một chút về phong thổ, địa lý của làng. Chúng tôi tìm ngay bưu điện để gởi những lá thư rất nặng ký về Việt Nam. Tôi đã viết từng đoạn từ trên máy bay, ở phi trường Charles de Gaulle và hàng ngày khi ở trại. Chị Minh dẫn chúng tôi ra chợ Coop gần trại. Chúng tôi ngẩn người, khi thấy hàng chục loại sô-cô-la bày biện muôn màu, muôn sắc. Lúc còn ở Việt Nam, chúng tôi nghĩ, chắc chỉ có chừng hai ba loại chocolate. Cho nên, chúng tôi viết thư cho anh Hải, xin anh loại sô-cô-la giống như anh gởi lần vừa rồi (?), vì loại này ăn rất ngon, bán cũng được giá. Có lẽ ông anh không đoán được mấy cô em lẩn thẩn diễn tả cái gì. Tôi tưởng tượng giấc mơ ngọt ngào của mình sẽ thành sự thật: sẽ ngủ giữa sô-cô-la, để khi vừa mở mắt, được thưởng thức ngay hương vị tuyệt vời của sô-cô-la tan trong miệng. Chúng tôi mua nho tím, mà bao năm ở Việt Nam chúng tôi vẫn nhìn “đắm đuối” trong phim ảnh. Chúng tôi mua gà về luộc, chấm muối tiêu. Chúng tôi phát giác, gà ở Đức mềm hơn... bún. Sau này, chúng tôi mới biết, mua nhầm loại gà non để nướng. Chúng tôi lại hầm lâu, như hầm mấy con gà đá... thất trận, thì còn gì là gà. Anh Hải chuẩn bị cho một ít tiền xu, để chúng tôi gọi điện thoại khi cần. Chị Minh bảo tụi tôi, đi chợ có đồng 1 Đức mã nên giữ lại, để gọi điện thoại, nếu muốn nói chuyện lâu.
Chiều chiều, mấy chị em kéo nhau ra phòng điện thoại công cộng. Dự định thay phiên nhau nói chuyện, nên chúng tôi quyết định dùng đồng 1 Đức mã để gọi. Anh Hải đã hướng dẫn cụ thể: bỏ đồng tiền vào, quay số 020..., chờ nghe tín hiệu đường dây đã được nối... Chúng tôi vui mừng khi nghe anh chị nói chuyện. Thằng nhóc con cũng được mẹ nhắc cho bập bẹ mấy tiếng. Thỉnh thoảng, có vài trục trặc kỹ thuật nho nhỏ. Có lần, khi quay số xong, tôi nghe một tràng tiếng Đức nói lăng lăng, líu líu. Quýnh quáng, tôi lập cập một câu anh Hải đã dạy để phòng thân:
– Sprechen Sie bitte langsamer. Xin cô nói chậm một chút.
Bên kia, giọng nói vẫn không giảm tốc độ. Tôi vẫn run, ráng lấy hết sức tàn lập lại, giọng cố to và rõ hơn:
– Sprechen Sie bitte langsamer.
Người đầu dây bên kia vẫn không một chút nhân nhượng, cứ đều đều giọng. Tôi không còn chước nào khác, bèn bỏ cuộc. Gác ống điện thoại lên, tim đập thình thịch, tôi phóng như bay ra khỏi phòng điện thoại, như sợ người bên kia có thể qua điện thoại bắt gặp tôi quấy rầy họ. Về sau, tôi mới biết là mình đã quay nhầm số, và đã đối thoại... với một cái máy phát ngôn tự động. Hèn chi, tôi oán, người bên máy sao mà tàn nhẫn không nghe lời... nguyện cầu của tôi. Mấy lần chúng tôi gọi về anh Hải, có lẽ anh chị đi công chuyện nên không ai nhấc máy. Thế là chúng tôi đành mất tiền, mà không nói chuyện được. Chúng tôi tiếc ngẩn ngơ. Một hôm, chị Tâm và tôi đang ở trong phòng điện thoại, hai chị em cẩn thận quay số. Điện thoại reng thật lâu, chẳng ai nhấc. Xui quá, lại mất tiền nữa rồi. Hai chị em ráng chờ thêm một tí nữa. Không có ai ở nhà cả. Buồn 5 phút. Hai chị em thất vọng, gác ống điện thoại, bước ra. Ngoài cửa có một thanh niên Á châu đang đứng chờ. Nghe hai chị em nói chuyện với nhau, anh ta hỏi:
– Xin lỗi, mấy cô mới đến trại ở đây hả?
– Vâng. Chị Tâm trả lời. Anh cũng ở trại này?
– Ồ không. Tôi qua hơn một năm rồi. Tôi đã ra nhà riêng. Tôi là Tùng.
– Tôi là Tâm, đây là Thúy, em của tôi. Chúng tôi đến đây hơn một tuần rồi.
– Tôi ở gần đây. Nếu mấy cô không ngại, tôi sẽ ghé ngang trại. Tôi qua đây trước.
Nếu có biết gì hơn chút xíu, thì trao đổi thông tin. Chứ ai chẳng bỡ ngỡ thuở ban đầu.
Chiều tối đó, anh Tùng ghé lại. Anh đưa cho chúng tôi đồng 1 Đức mã. Nói, chúng tôi để quên trong máy điện thoại. Lúc đó chúng tôi mới vỡ lẽ. Mình đã mấy lần mất tiền, vì chưa biết văn minh xứ người. Đã dốt không biết, lại trách cái điện thoại bất nhân, cướp của người nghèo như chúng tôi. Sau đó, chiều chiều anh Tùng hay ghé lại. Anh nói chuyện với chị Tâm, chị Thành. Tôi bận coi phim hoạt họa Tom und Jerry với Hiền và Thạch Duẫn. Tụi tôi mê mẩn theo dõi con chuột Jerry tinh quái bày trò gạt con mèo Tom trong điệu nhạc... Vielen Dank, für die Blumen, vielen Dank, viel lieb von Dir... Sau này tôi biết là bản nhạc phim này do Udo Jürgens hát, một ca sĩ đã đoạt giải Eurovision Song Contest với nhạc phẩm Merci Chérie. Ở Việt Nam, có thời Jo Marcel nổi như cồn với bản nhạc dịch: Cám ơn người yêu dấu. Thật ra, lúc đó Udo Jürgens đại diện nước Áo đi thi. Bài hát có tựa đề tiếng Pháp, nhưng lời viết bằng tiếng Đức. Thuở xưa chúng tôi cứ tấm tắc khen bản nhạc Pháp nghe hay chết người. Lời Việt du dương lắm... Này em, lặng nghe lời anh, anh xin nói cám ơn em.
Hơn tháng sau, anh Chất hộ tống sáu chị em chúng tôi về căn nhà chính phủ Đức cấp cho mấy chị em ở Duisburg, đường Duisburgerstr. 149 A. Sở xã hội địa phương ngỡ sáu người là hai vợ chồng đi cùng bốn đứa con. Bởi vậy, chúng tôi nhận được căn hộ với phòng ngủ có giường đôi cho hai vợ chồng và phòng lớn có hai giường tầng cho bốn đứa con. Những tối lạnh quá sáu chị em cùng nhau chen chúc trong cái giường đôi dành cho vợ chồng. Ngôi nhà nằm ở tầng một của một tòa nhà có 3 tầng. Tầng dưới là một boutique bán áo quần phụ nữ. Tầng trên là một gia đình người Ả Rập. Bên cạnh là một hộp đêm với tên Klein Paris, có hình tháp Eiffel, chớp chớp xanh đỏ suốt đêm. Con đường Duisburgerstr. là trục lộ chính dẫn về trung tâm thành phố, xe cộ nườm nượp, có cả xe điện. Nhà gần ngã tư, đường không tráng nhựa, mà là loại đá xanh xếp sát nhau. Anh Hải thấy khá ồn. Nhưng đối với chúng tôi, xem ra rất yên tĩnh, khi so với Sài Gòn, so cổng xe lửa số 6, gần nơi ngôi nhà số 533/50 Nguyễn Huỳnh Đức của chúng tôi. Từ phòng ngủ lớn, tôi thấy một nhà thờ với vuông sân nhỏ, rất dễ thương. Nhà bếp ngó xuống một sân thượng, để phơi áo quần và nướng thịt vào mùa hè. Chúng tôi vui sướng, suy nghĩ xếp đặt nhà cửa. Anh Hải sợ nhà hơi lạnh, vì chỉ có một lò sưởi than trong phòng khách. Nhưng tụi tôi không nề hà gì cả. Những háo hức trong cuộc sống mới rộn ràng quá. Ban ngày chúng tôi quây quần trong phòng khách, quanh lò sưởi than. Trời đông băng giá, áo quần phơi ngoài sân đông đá cứng ngắc. Lò sưởi có thêm chức năng sấy áo quần. Lò sưởi này đã nướng mấy cái quần jeans của tụi tôi. Rõ nghèo lại gặp cái eo. Tối đi ngủ, mấy chị em rúc vào giường lớn, đầy đủ áo đơn, áo kép, quần trong, quần ngoài, thiếu đường đội cả nón len mà ngủ. Trùm mền rồi, mới phát giác ra mùi cá chiên ngạt ngào trong không gian. Phải rồi, hồi chiều khi chiên cá, mấy chị em cũng bộ cánh này. Nhưng bây giờ không lẽ ra thay áo quần. Thôi, đành ngủ hôi, mà ấm, còn hơn là thơm, mà lạnh.
Tôi đều đặn viết thư về Ba Mạ, anh Lam và Kanh Kem và một lô bạn bè. Tôi vẫn siêng năng tự học tiếng Đức, chờ ngày đi dự lớp Đức ngữ. Tôi vẫn dành thì giờ tập đàn. Tôi chưa tập thêm bài mới, chỉ ôn lại những bài cũ: My Way, Lágrima, Menuet No 1. Anh Hải có đem cho một radio. Dặn mấy chị em cứ để radio suốt ngày. Dù không hiểu nhưng tập nghe cho quen tai.
Anh Hải bắt đầu xét sơ yếu lý lịch của mấy ông bạn còn lẻ bóng của anh. Anh kể, khi nghe tin anh bảo lãnh 6 đứa em, trong đó có 4 cô em gái, đám bạn tài trai của anh cứ một hai đòi làm em của anh. Thủ tục xuất cảnh lâu quá. Thế là các anh bạn đành gạt lệ sang ngang, làm con rể của dân Âu châu. Sau cùng, anh Hải có dẫn đến một ông bạn, đương nhiên là còn độc thân (nhưng không biết có vui tính không?). Ông rất giỏi, là bác sĩ trưởng ở một bịnh viện. Anh Hải khen ổng rất thiệt thà. Mấy chị em tôi xác nhận điều đó là đúng. Ông đến chơi mấy tiếng đồng hồ, nhưng cả nhà không thể biết được ông nói giọng bắc, trung hoặc nam. Chiều cao khiêm nhường và nhan sắc trung bình của ông chẳng làm chúng tôi ngại. Có điều, tụi tôi không cách gì đoán được, sau cặp kiếng dày cộm, mắt của ông hướng về ai. Đề tài ông bác sĩ mau chóng đi vào quên lãng. Chịu thôi, tôi chẳng nhớ ông ta tên gì. Mấy chị em đành phải chờ người tài trai. Anh Hải cứ nỗi lo canh cánh bên lòng. Bốn cô em gái sàn sàn, như... kho mìn nổ chậm.
Chị Tâm nói tôi viết thư báo anh Tùng về địa chỉ mới của mấy chị em. Anh Tùng trả lời thư, sẽ thu xếp vào cuối tuần, đến tụi tôi chơi cho biết nhà. Anh đến, mấy chị em nấu nướng đãi khách rất xôm. Món bún bò, chỉ có mấy cái móng heo, xào chút bột cà chua, chẳng sả ớt gì ráo. Đến nước mắm cũng không. Bún bằng sợi spaghetti. Vậy mà, anh Tùng ăn cứ khen rối rít. Anh Tùng hỏi tôi thích nghe nhạc Việt Nam không. Tôi mắt sáng rỡ, nhưng không dám hét toáng lên rằng, tôi thích vô cùng, mà chỉ chừng mực: “Dạ có.” Rồi tôi quên bẵng đi. Mấy tuần sau, anh Tùng lại đến chơi. Anh mang theo một máy cassette nhỏ và cuộn băng: Tình Khúc Ngô Thụy Miên. Cả nhà vui mừng. Máy cassette làm việc gần như suốt ngày. Sáng thì... Mắt biếc năm xưa nay đâu. Chiều thì... Tóc em anh sẽ gọi là mây. Trời mưa thì... Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay... Trời nắng thì... Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát... Nhưng tôi vẫn một niềm bồi hồi khó tả khi nghe... Mưa đã rơi và nắng đã phai trên cuộc tình thơ ngây ngày nào… Chuyện ngày xưa đã thành chuyện kể, sao trong tôi vẫn còn lãng đãng những ngày vui của năm cuối ở trung học.
Sinh nhật của Hiền và tôi cách nhau hai ngày. Chị Tâm nói, sẽ tổ chức sinh nhật cho hai chị em. Tức là 6 chị em sẽ nấu nướng gì đó. Mua thêm ổ bánh đông lạnh, cắm thêm mấy cây đèn cầy. Chị Tâm đề nghị mời anh Tùng. Tôi lại viết thư. Chúng tôi đã đặt mua điện thoại, nhưng còn phải chờ. Cho nên, không biết là khách có đến được không. Không quan trọng, mấy chị em với nhau, vui quá trời rồi. Chị Thành “chơi sang”, ra chợ trời mua hoa hồng, trổ tài cắm hoa. Món quà sinh nhật cả nhà cho hai chị em là cái cân, nhất cử... lục tiện. Đó là ưu tư của chị Tâm. Mặc dù 6 chị em vẫn còn là hội viên hội người gầy yêu nước, chị Tâm bảo: “Phải có biện pháp kiểm soát kịp thời.”
Tôi bấm bụng bỏ cả gia tài, mua tặng cho Hiền tập nhạc của J. S. Bach: Ausgewählte Stücke für Gitarre (nghĩ rằng, đằng nào hai chị em sẽ xài chung). Tôi còn cả gan ghi lời chúc, rằng có ngày sẽ xách đàn cho ông Behrend. Anh Tùng đến, mang theo máy chụp hình. Anh tặng cho hai đứa hai món quà thật đẹp. Tôi không biết Hiền có thực sự thích món quà của Hiền không. Chớ tôi, vừa thấy món quà, đã thấy... ngã lòng... vào món quà. Một cuốn sổ nhật ký màu tím hoa cà. Hình như tôi chưa thấy hoa cà tím thật như thế nào. Màu tím của cuốn sổ dễ thương kinh khủng. Hình bìa có một cô bé mặt áo đầm, nhìn nghiêng, không rõ mặt. Bên dưới là hàng chữ: Fancy Flower... As I was walking up the garden. I met a little fairy. Fancy Flower... Bên hông cuốn sổ có một cái khóa. Tha hồ ghi chép những điều bí mật, mà không sợ những con mắt trần gian. Tôi đã được nhiều món quà rất hợp ý tôi. Nhưng cuốn nhật ký màu tím này đã mang đến cho tôi niềm vui vô kể... Tôi băn khoăn mãi, không biết mình đã đủ lời cám ơn đến người tặng chưa. Tôi nắn nót trên trang đầu của cuốn nhật ký với những lời chúc cho chính mình: “Hai mươi hai tuổi...”
Tôi vẫn đều đặn trải dài những suy tư của mình trong nhật ký màu tím. Luôn là những thương nhớ đến gia đình xa lắc xa lơ. Tôi buồn rầu, chưa nhận được giấy mời đi học Đức ngữ. Tôi không vui, thấy mình không tập trung tập đàn. Tôi giận mình, đã không làm đúng theo chương trình học Đức ngữ đã tự đặt ra cho mình. Tôi trách mình, có lúc lớn tiếng với em út, hờn dỗi các chị. Đâu đó là những băn khoăn của một ngày mai rất đỗi mơ hồ.
Anh Tùng thỉnh thoảng gởi vài dòng. Mỗi thư, anh kèm vài tấm hình anh chụp cho cả nhà hôm sinh nhật. Anh chụp hình rất đẹp. Tôi thay mặt cả nhà viết thư cám ơn, khen hình chụp đẹp. Anh gởi thêm cho mấy tấm, với lời phụ đề rằng không phải người chụp hình giỏi, mà do người trong hình đẹp. Khéo nói dữ, nghe êm tai ghê. Anh nói, tháng Tư là tháng hoa của Hòa Lan. Nếu mấy chị em thích xem hoa, anh sẽ đến đưa đi chơi. Mấy chị em rộn ràng hẳn lên. Chị Tâm nhường các em, đành ở nhà. Suốt ngày thứ Sáu, mấy chị em bận túi bụi, chuẩn bị thức ăn mang theo dọc đường. Chị Thành trổ tài món trứng tráng cuốn thịt bằm, một loại cao lương, mỹ vị. Nhưng vì sắp sửa xuất ngoại, thủ quỹ cũng vui lòng xuất ngân.
Sáng thứ bảy, anh Tùng đến. Vì tôi là người liên lạc với anh Tùng, chị Thành phân công tôi ngồi trước, nói chuyện với anh Tùng. Thật ra, tôi chẳng cần phải nói gì. Trên đường đi, anh giới thiệu phong này, cảnh nọ. Đối với chúng tôi, tất cả đều mới lạ. Ai nấy dỏng tai nghe, dương mắt nhìn.
Gần đến biên giới, anh Tùng ghé lại thăm một người chị họ. Chị Bích không phải ở tuổi đôi mươi. Nhưng tôi không đoán được chị bao nhiêu tuổi. Chị không phải là nhan sắc diễm lệ, nhưng có duyên ngầm. Chị nói chuyện cởi mở, tự nhiên. Chị qua Đức đã vài ba năm. Chị thao thao về những kinh nghiệm của người đi trước. “Mấy em biết không? Xứ này đàn bà rất được quý trọng. Đàn ông Đức họ rất lịch sự. Họ chăm sóc, săn đón phụ nữ hết mình.” Chị kéo dài giọng, đưa ra vài thí dụ điển hình tư cách hàng đầu của những người đàn ông Đức chị quen. Tôi thấy là lạ. Nhưng vẫn cứ dạ nhịp, cho chị khỏi cụt hứng. Sau cùng, chị xuống giọng ra vẻ đàn chị:
– Mấy em mới qua, cứ thong thả chọn lựa! Đừng thấy ai vồn vã tốt bụng mà lật đật xiêu lòng.
Chị liếc liếc qua, xem anh Tùng có theo dõi câu chuyện của chị hay không. Nếu anh biết, bà chị họ của anh có những lời răn bảo như vậy, chắc anh không ghé lại thăm, hoặc chờ hôm nào đi một mình mới ghé.
Anh Tùng nói:
– Mình đã qua khỏi biên giới Hoà Lan.
Chúng tôi háo hức hướng mắt nhìn hai bên đường. Uả, cũng như bên Đức thôi, cũng những cánh đồng, vài ba ngôi nhà. Xem kìa, cối xay gió, đây là Hòa Lan, đây là Hòa Lan...
Những hình ảnh về hoa uất kim hương từ trong sách vở, phim ảnh đang là những cảnh thật trước mắt chúng tôi. Những bãi cỏ rộng ngút ngàn. Tiết tháng Tư mà trời thật đẹp. Sau này ở lâu tôi mới biết, tháng Tư thường thời tiết xấu nhất. Trong ngày có thể vừa có mưa, nắng, gió, tuyết… Người ta ví tính tình quạu cọ như thời tiết tháng Tư. Sau khi đi dạo ở một công viên ngắm hoa, nghía cảnh, anh Tùng đưa chúng tôi đến một chợ trời. Ngoài các sạp hoa tươi, rau cải, chúng tôi dừng rất lâu ở các sạp bán quà lưu niệm. Thấy gì cũng muốn mua, chị Thành làm thủ quỹ, phát cho mỗi đứa mấy đồng. Tôi không biết nên mua cặp guốc gỗ đặc biệt của người Hoà Lan, nho nhỏ làm xâu chìa khóa, rồi mua thêm mấy cành hoa uất kim hương bằng gỗ cho chị Tâm hay không. Hiền chỉ cái đèn kéo quân hình cối xay gió. Ừ, đẹp ghê, nhưng tiền mấy đứa cọng lại cũng chưa đủ. Hay là bộ khăn lau chén có hình bản đồ và các danh lam thắng cảnh Hòa Lan. Thôi, kiếm cái gì để trong phòng khách. Mấy chị em bàn bạc lui tới. Cuối cùng quyết định mua một cái hàn thử biểu hình cối xay gió cho chị Tâm. Sắp sửa rời chợ, Hiền phát giác ra một quầy bán chén bát hột dưa. Mấy chị em ngạc nhiên lắm. Thì ra, xứ này người ta cũng xài đồ Tàu. Ba chị em gái lại lẩm nhẩm tính toán. Anh Tùng kiên nhẫn đứng đợi. Sau cùng ba chị em đồng ý mua 2 cái chén hột dưa. Tính toán khéo thiệt, nhà sáu người, mua 2 chén ai ăn, ai nhịn? Cả đám vui vẻ kéo nhau đi. Sắp đến giờ về rồi. Hiền được vinh dự xách túi chén. Cô nàng tung tăng quá, túi chén ủi vào mấy cột xi măng dọc bên dường. Cho nên, về đến Duisburg, đem chiến lợi phẩm trình làng, thấy bể mất một cái chén. Tiếc và cười cũng gần... đứt ruột.
Gần Duisburg, xe bị hư. Tôi không biết xe bị hư gì. Thấy anh Tùng dừng lại bên đường, vào xin nước ở một nhà gần đó. Đến nhà, đã hơn 6 giờ chiều. Cả đám ào ào chạy lên. Ai cũng muốn gặp chị Tâm trước, để kể chuyện. Chị Tâm ra mở cửa:
– Sao về trễ quá vậy? Anh Hải tới đây từ 4 giờ chiều. Anh lo lắng quá trời.
– Dạ, tụi em trở về sớm. Nhưng xe bị hư giữa đường.
Mấy chị em rón rén bước vô. Sau màn giới thiệu, anh Hải phỏng vấn anh Tùng. Chỉ có chị Tâm được ở phòng khách. Còn chị Thành, tôi và Hiền nhào vô bếp chuẩn bị cơm nước. Có lúc, anh Hải và anh Tùng cùng đi ra ngoài. Cơm nước xong, gần chín giờ tối. Anh Hải cẩn thận đưa anh Tùng ra cửa, rồi mới trở vô họp... tổ dân phố. Kể ra, mấy chị em biết bao nhiêu là trọng tội.
– Tâm là chị lớn trong nhà. Giao 5 đứa em cho người ta, mà không biết rõ người ta là ai.
– Dạ, Tùng cũng có đến đây chơi mấy lần. Thấy người hiền lành, tốt bụng.
– Tâm cũng không biết rõ là người ta chở em mình đi đâu!
– Đi Hòa Lan. Em nghe nói, không xa lắm. Có dịp, cho tụi nó đi cho biết.
– Gấp gáp gì đâu. Từ từ anh chị sẽ đưa mấy đứa đi chơi. Trời ơi, lúc nãy khi anh xuống coi xe cho Tùng, anh hỡi ơi. Đã vậy, lại còn chở sáu.
Tôi than thầm, anh Hải kỹ càng quá đó chứ. Có lẽ anh đi xa Việt Nam lâu quá, anh quên. Chứ hồi ở Quảng Ngãi, chiều chiều Ba vẫn chở bầy con đi sông Vệ ăn mì Quảng, hoặc ra sông Trà Khúc. Mà phải chở sáu đâu, chở bảy, chở tám lận.
– May mắn là không có gì xảy ra. Xa lộ ở đây, xe chạy nhanh lắm. Xe cộ phải cho chắc ăn, chớ không thì... Anh Hải chép miệng. Mấy đứa từ nay về sau, có ai rủ đi chơi, phải cho anh biết trước, nghe chưa.
Cả đám im thin thít. May, anh Hải không biết, suốt đoạn đường, Thạch ngồi đàng sau, cứ phải chồm ra trước, vịn chặt vai tôi, vì dây nịt an toàn đã bị hư, không gài được.
– Trước mắt, mấy đứa lo học tiếng Đức. Chuyện đi chơi, ngày dài tháng rộng, không phải cứ ai rủ là đi chơi. Thanh niên Việt ở đây, lúc nào chẳng tử tế với mấy cô...
Hên quá, anh Hải phải về, chấm dứt giờ công dân giáo dục. Chứ nếu còn thì giờ, ảnh phỏng vấn tiếp, anh Tùng đặc biệt quan tâm đến ai. Chắc người này ngó người kia, biết trả lời sao đây...
Tôi thay mặt cả nhà viết cho anh Tùng vài hàng, cám ơn chuyến đi chơi lý thú (dù bị anh Hải la cho một trận) và hy vọng hôm đó anh về nhà bình an vô sự.
Sau đó vài tuần, anh Đạt, một người bà con xa, bắn đại bác ba ngày chưa tới, hẹn gặp chúng tôi ở Bonn, khi chúng tôi đi biểu tình vào ngày 30.04. Trước đó, anh Đạt đến Duisburg thăm chúng tôi, và cũng để nhận quà từ Việt Nam, gia đình anh gởi nhờ chúng tôi mang qua Đức. Anh Đạt hẹn, sẽ dẫn chúng tôi về trường anh ở Wolfhagen. Ở đó, chúng tôi vào học lớp tiếng Đức với tư cách dự thính. Nghe được đi học, tôi mừng quá trời. Thế là mấy chị em họp hội nghị… Diên Hồng. Cuối cùng, cả nhà đồng ý, chọn chị Thành và tôi, gởi lên “tỉnh” học. Lý do là tôi ham học. Anh Đạt có vẻ như chú ý đến tôi. Vậy, gởi chị Thành theo... giữ chùa, cho chắc ăn. Trước ngày đi, chị Thành và tôi được chị Tâm cho phép lên phố Neu Hamborn sắm sửa hành trang để lên tỉnh. Chị Thành tậu một quần nhung sọc màu đỏ sậm. Tôi lựa cái quần ca rô xanh lợt, có hiệu Paddock. Mặc với cái áo thun sọc ngang xanh trắng. Người tôi lâng lâng, tưởng như mình thành người mẫu. Sau này, nhìn lại mình trong mấy tấm hình, thấy bộ vó mình là một sự kết hợp hài hòa giữa... Papillon – Người Tù Khổ Sai và danh hề Charlot trong phim Thời Đại Tân Kỳ.
Lên trường anh Đạt tôi vui vô kể. Dù học dự thính, tôi tiến bộ rất nhanh. Trường anh Đạt, 95% là nam sinh. Bởi vậy, hai chị em tôi có bao nhiêu chàng nộp đơn xin làm... sư phụ.
Tôi gọi điện thoại về nhà, báo tin cho biết chúng tôi đến nơi bình an và rất vui. Hiền kể, anh Tùng gọi, nói sẽ lên chơi vào cuối tuần. Tôi dặn Hiền, nhớ gởi trả anh Tùng máy cassette và băng nhạc. Tôi định sẽ viết thư cho anh. Nhưng nhịp sống ở Wolfhagen rộn ràng quá, tôi quên khuấy đi. Hiền tường thuật, anh Tùng đến, thiếu bóng hai chị, nên buồn hiu. Hiền đưa máy và băng gởi trả, anh nhận, ỉu xìu ra về. Hiền nói, ở nhà vắng vẻ. Vì thiếu hai chị và thiếu... nhạc Ngô Thụy Miên. Cuối cùng, tôi viết được vài chữ trên một tấm bưu thiếp của Wolfhagen gởi anh Tùng. Không nghe anh Tùng trả lời.
Lớp tôi dự thính chỉ có hai chị em tôi là người Việt Nam. Anh Đạt giới thiệu với thầy cô người Đức, rằng tụi tôi là “meine Schwestern”, em của anh. Chẳng ai buồn thắc mắc tại sao anh em khác họ. Thỉnh thoảng, các anh khác dụ hai chị em cúp cua. Ai tới, cũng nói với thầy cô, là cho gặp “meine Schwestern”, hai cô em. Sau nhiều lần như vậy, ông thầy Gerd H. hỏi móc họng, bộ cha mẹ hai cô có cả trăm đứa con trai sao. Tôi tiếc, tiếng Đức mình chưa đủ, để nói với ổng rằng, ít ra cũng 50 chục đứa con trai theo cha lên núi...
Tôi vẫn luôn có cuốn nhật ký màu tím bên mình. Nào là buổi picnic với lớp ở Twistersee. Nào là đi xem xi nê lần đầu ở Đức, phim gián điệp Die wilden Gänse kommen (The Wild Geese). Tiếng Đức võ vẽ vài chữ, cho nên gần như điếc. Khi anh Hùng thông báo về đêm disco hằng tuần của trường, hai chị em suy nghĩ lung lắm. Thứ nhất, trong mớ áo quần Hồng Thập Tự tặng, không có bộ nào thích hợp cho hai “vũ công” trong buổi dạ vũ. Thứ hai, hai chị em có biết nhảy nhót gì đâu. Anh Trung trấn an:
– Tới chơi cho vui. Nhảy như nhảy cò cò, chớ có gì đâu.
Ban đầu, thấy Phấn hoa khôi yểu điệu tango trong Lạnh lùng, hoặc Nga nhịp nhàng trong Black Magic Woman, Hường lả lướt trong Woman in Love hai chị em ngồi chết dí một góc. Mãi khi có bản Band on the Run, anh Hùng chạy lại kéo hai chị em ra sân, nhảy... cao, nhảy dài. Niềm vui đó cũng chiếm hết cả trang trong cuốn nhật ký màu tím của tôi.
Những ngày tháng tiếp đó luôn là những rộn ràng. Tôi không thể tập đàn nữa, vì khi xuống Wolfhagen không mang đàn theo. Tôi nhớ đàn. Kể cho anh Đạt nghe niềm tương tư của mình. Anh Đạt mượn đàn của Thu cho tôi chơi. Nhưng cây đàn đó không phải là tây ban cầm cho nhạc cổ điển, nên tôi đem trả lại. Thu yêu cầu (không chừng khách sáo, mà tôi tưởng thiệt). Tôi bèn ôm đàn, hát một bài không giống ai: Love Me with All Your Heart.
Năm 1982, lần đầu tiên tôi biết đến Giải Túc Cầu Thế Giới, World Cup. Không khí hào hứng, sôi nổi không thua gì xem trong sân vận động. Cả trường nội trú chỉ có một cái ti vi. Học trò trong trường đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Phe ta Việt Nam chuộng môn đá banh. Các nhóm sắc dân khác như Ba Lan, Kurden, Iraq chỉ thích coi phim Dallas, một bộ phim nhiều tập của Mỹ trình chiếu vào mỗi tối thứ Ba hàng tuần. Nếu tối nào trùng với thời gian thi đấu quốc tế, là có màn cãi cọ xô đẩy bàn ghế dành đài để coi. Học trò Việt khá đông, các anh lại làm ra vẻ ta đây có võ. Các dân khác rét, đành nhường ti vi. Thế là phe ta chiếm trọn phòng ti vi, coi đá banh. Hò hét cổ võ, đặt cược, vui ra phết. Hai chị em tôi ngơ ngáo. Không biết khi trái banh lọt lưới, ghi điểm cho đội nào. Cho dù đôi lần chúng tôi vỗ tay trật lất, mấy anh vẫn ưu ái kéo chị em tôi vào coi chung cho không khí cá độ có vẻ... lãng mạn.
Thời đó, cầu thủ nổi tiếng của Đức là Rummenigge. Các hãng ti vi mướn cầu thủ thượng hạng quảng cáo hàng hóa. Tôi thấy các tiệm bán máy móc điện tử, trưng bày nhiều ti – vi có ông cầu thủ nổi tiếng này dưới có hàng chữ Telefunken. Khi anh bạn chỉ ông cầu thủ hỏi biết ổng không, Tôi ngon lành, ta đây rành rẽ: “Ông Telefunken chứ ai!” May, lúc đó anh bạn đang “cua” tôi, anh không dám lăn ra cười. Tôi đem râu ông cầu thủ, cắm vào cằm hiệu hãng ti vi.
Tôi nhận được giấy mời đi học ở Heilbronn, miền nam Đức. Xa Wolfhagen, như xa miền yên vui. Tôi vẫn luôn có cuốn nhật ký màu tím trong hành trang của mình. Rời Heilbronn, cuốn nhật ký màu tím đã kín phân nửa. Sinh nhật tôi, Hiền tặng một cuốn nhật ký màu lá non, với hình thiếu nữ ngồi mơ mộng trên bãi cỏ xanh, điểm hoa vàng. Tôi bước sang tập nhật ký mới.
Xong lớp Đức ngữ, tôi về lại Duisburg. Trong thời gian chờ đi học tiếp, tôi tự tặng cho mình vài cuốn nhật ký nhiều màu khác nhau. Nhưng dường như chưa có cuốn nào làm tôi hài lòng như cuốn nhật ký màu tím.
Cuốn nhật ký màu lá non dở dang. Tôi chuyển qua cuốn màu xanh dương ca rô, như một cuốn sổ để ghi chép chuyện nhà, bếp núc. Cùng một lúc, tôi ghi ghi chép chép vào nhiều cuốn nhật ký nhiều màu, nhiều cỡ khác nhau. Mãi đến năm 1997, cuốn nhật ký màu tím mới đến trang cuối. Cuốn nhật ký màu tím trải dài 15 năm. Có vài năm, tôi chỉ ngoằn ngoèo hai ba chữ, mà lại nhạt nhòe. Những năm đó, tôi viết thư nhiều hơn... khóc trong nhật ký.
Đọc lại những hàng chữ trong cuốn nhật ký màu tím, tôi thấy mình ngày xưa như rất giòn cười, tươi khóc. Âm vực lúc bổng, lúc trầm trong dòng nhạc đời của tôi ngày xưa, rộng hơn bây giờ rất nhiều. Nhạc điệu của đời tôi càng lúc càng đều đặn. Nốt thật trầm ít đi. Những nốt cao vút không còn nữa. Tôi trở thành một bản nhạc rất dễ hát, không hay, không dở, một giọng đều đều. Âu, đó cũng là hạnh phúc, cho mọi người quanh tôi và cho tôi.
Nếu tình cờ tôi gặp lại anh Tùng, tôi sẽ nói lời cám ơn lần nữa. Rằng món quà anh tặng tôi nhân sinh nhật đầu tiên trên xứ người đã mang lại niềm vui cho tôi... rất lâu.
Hoàng Quân