Liên hoan phim Cannes và di sản từ phong trào công nhân Cuộc diễu hành của các ngôi sao màn ảnh tại Liên hoan phim quốc tế Cannes ở Pháp, ngày 08/09/1947. AFP/Archivos
Tại Cannes, những ánh đèn hào nhoáng chiếu trên thảm đỏ, những chiếc xe sang chở các ngôi sao điện ảnh quốc tế đã trở nên quá quen thuộc vào dịp Liên hoan phim Cannes mỗi năm, phản ánh sự cách biệt sâu sắc trong xã hội. Thế nhưng lịch sử hình thành sự kiện điện ảnh lớn nhất của Pháp lại được hỗ trợ từ phong trào công nhân.
Những năm gần đây, các buổi tập trung do giới công đoàn tổ chức bên lề Liên hoan phim Cannes không phải là hiếm. Họ bày tỏ bất bình đối với nghịch lý cuộc sống bấp bênh của những lao động bị trả lương thấp, với công việc không ổn định trong ngành điện ảnh, bên cạnh những cảnh hào nhoáng của các ngôi sao màn bạc, các buổi tiệc xa xỉ được tổ chức tại Cannes.
Sự hiện diện của giới công đoàn, đặc biệt là Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT) tại Liên hoan này không hẳn là phi lý, nếu xét về lịch sử, khi tổ chức công đoàn này đã góp phần sáng lập, duy trì một trong những sự kiện điện ảnh lớn nhất thế giới.
Liên hoan phim được xây dựng nhờ vào Cộng Sản ?Trong cuốn sách “Thảm đỏ và đấu tranh giai cấp” (Tapis rouge et lutte des classes), nhà sử học Tangui Perron mô tả một “nghịch lý”, về vẻ hào nhoáng của Liên hoan phim Cannes ngày nay, lại từng là di sản được gây dựng từ giai cấp vô sản.
Sắp đến Liên hoan lần thứ hai, năm 1947, theo đài France Culture, Cung liên hoan phim (Palais Croisette) vẫn chưa hoàn thành vì vấn đề tài chính. Lúc đó, thị trưởng của thành phố là Raymond Picaud, thuộc phe xã hội, vị bác sĩ của người nghèo ở La Bocca, cũng là cựu chiến binh kháng chiến chống quân Đức, chống phát xít, và giao du với nhiều người Cộng Sản và được công đoàn CGT ở Cannes hỗ trợ nhiều. Ông đánh cược rằng “sự thịnh vượng của Cannes phụ thuộc vào dự án liên hoan phim này”. Raymond Picaud đã huy động toàn thành phố : từ các công đoàn giới chủ, trong ngành khách sạn, nhà hàng, thậm chí cả các tiệm bánh,… để quyên góp tiền tổ chức liên hoan phim.
Với sự giúp đỡ của Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT), ngay cả các công nhân, lao động, đã chung sức, góp thời gian và tay nghề, « trên tinh thần tự nguyện », cùng hoàn thành Cung liên hoan phim Cannes (Palais Croisette), trong chưa đầy 4 tháng. Trong vòng chưa đầy hai năm, thành phố biển Cannes, sau Đệ Nhị Thế Chiến, dù ít bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, nhưng đã có diện mạo mới : sân bay được mở rộng, Cung liên hoan phim được xây dựng (Palais Croisette), các khu vườn và nơi đi dạo, cạnh bãi biển được quy hoạch để tiếp đón công chúng điện ảnh từ khắp nơi trên thế giới.
Theo nhà sử học Tangui Perron, trả lời tạp chí Nouvelobs, « di sản chính trị mà ông Philippoe Raymond để lại quá nhiều », khiến giới chính trị gia cánh hữu ở Cannes khó có thể chấp nhận.
Lịch sử Liên hoan phim Cannes gắn liền với tư tưởng chống phát xítLiên hoan phim Cannes lần đầu tiên diễn ra vào năm 1946, thế nhưng ý tưởng tổ chức một liên hoan điện ảnh quốc tế đã có từ trước đó. Trong chuyến đến Ý, dự Liên hoan phim quốc tế Venise (Mostra de Venise), vào năm 1938, nhà sử học, Philippe Erlanger, phụ trách trao đổi nghệ thuật quốc tế của Pháp đã tỏ ra bất bình vì giải thưởng được trao cho một bộ phim tài liệu tuyên truyền cho phát xít, dưới áp lực từ nhà độc tài Mussolini. Lúc đó Philippe Erlanger đã nghĩ đến việc tổ chức một liên hoan phim « tự do, không phải chịu bất cứ áp lực nào ». Ý tưởng này đã được bộ trưởng Giáo Dục Pháp lúc đó là Jean Zay phê chuẩn và chọn Cannes làm địa điểm tổ chức Liên hoan phim, dự trù được mở ra từ 01-20/09/1939.
Tuy nhiên, ngày 01/09/1939, Đức tấn công Ba Lan, không khí chiến tranh dần bao phủ khắp châu Âu. Ban tổ chức ban đầu dự tính chỉ hoãn sự kiện này nhưng cuối cùng đã phải hủy bỏ vì ngày 03/09, Pháp tuyên chiến với Đức Quốc Xã, theo hiệp ước phòng thủ với Ba Lan. Sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, vào năm 1945, nhà ngoại giao Phillipe Erlanger đề xuất lại sáng kiến này, cho phép mở ra Liên hoan phim Cannes mùa đầu tiên từ ngày 20/09 đến 05/10/1946, tại Casino của thành phố, trong lúc chờ đợi xây dựng Cung liên hoan, trong bầu không khí thời hậu chiến nhiều khó khăn.
Vai trò của công đoàn CGTSử gia Perron cho biết, vào năm 1939, ngành công nghiệp điện ảnh Hoa Kỳ ủng hộ liên hoan phim Cannes, nhưng đến năm 1946, 1947 (khởi đầu Chiến tranh lạnh), họ lại tỏ ra do dự khi ý tưởng này được nhắc lại. Lúc đó, chính công đoàn CGT và đảng Cộng Sản Pháp đã thay thế các nhà sản xuất Hoa Kỳ, ủng hộ sự ra đời của Liên hoan điện ảnh Cannes. CGT cũng là một trong những nhà sáng lập và trở thành một trong những thành viên của ban giám đốc Liên hoan phim Cannes.
Tại Liên hoan mùa thứ hai năm 1947, hầu hết các bộ phim tranh giải đều được chiếu ở bên trong Cung liên hoan phim Cannes, vừa mới khánh thành không lâu. Trong đêm khai mạc, thị trưởng thành phố đã tôn vinh đội ngũ công nhân, những người tham gia xây dựng công trình này. Theo Nouvelobs, họ đã được yêu cầu mặc trang phục mầu sẫm, áo sơ mi trắng, thắt cà vạt « để không cảm thấy xấu hổ khi đứng cạnh những người mặc các trang phục đắt tiền ». Sử gia Perron cho biết một số dân cử hoặc thành viên của công đoàn, đã bị từ chối đến dự sự kiện, vì mặc trang phục không phù hợp.
Điện ảnh cũng là thú vui của giới công nhân ?Tại Pháp, phong trào công nhân ban đầu tỏ vẽ miễn cưỡng trước « thú vui điện ảnh », vì lo sợ mọi người xao nhãng mục tiêu chính trị, nhưng cuối cùng lại nồng nhiệt đón nhận nền nghệ thuật thứ bảy. Ngay từ năm 1905, những phòng chiếu phim dành riêng cho công nhân đã xuất hiện, do công đoàn CGT ở Nord-Pas de Calais tổ chức. Nhiều phòng chiếu phim cũng được dựng lên ở các nơi khác tại Pháp, giữa hai cuộc chiến tranh thế giới.
Theo France Culture, điện ảnh trở nên phổ biến trong giới lao động, đến nỗi mà vào năm 1911, rạp chiếu phim lớn thứ hai của Pháp (chỉ sau Grand Rex Paris), nằm tại thành phố công nghiệp Limoges. CGT cũng tham gia vào sản xuất phim.
Nhà sử học Tangui Peron gọi Liên hoan phim Cannes là « đứa con quá cố của Mặt trận dân tộc » - Front national của Pháp. Bộ phim « La bataille du rail » của đạo diễn René Clément, là một trong những tác phẩm trong danh sách trao giải của Liên hoan phim Cannes lần đầu tiên vào năm 1946. Bộ phim tôn vinh sự kháng cự của các công nhân ngành đường sắt, chống lại chế độ Vichy và quân xâm lược.
Di sản điện ảnh từ cánh tả Sau khi Liên hoan phim Cannes được thành lập, dấu ấn cánh tả vẫn hiện hữu trong thế giới điện ảnh trong vài thập kỷ sau đó.
Để sự kiện này diễn ra hàng năm, chứ không phải hai năm một lần (luân phiên với Liên hoan phim quốc tế Venice) thì cũng phải kể đến cuộc vận động chính trị của giới công đoàn, nhằm “bảo vệ điện ảnh Pháp”. Phải kể đến một luật được thông qua vào tháng 9 năm 1948, quy định mức thuế 10,07 % áp dụng đối với vé tại các rạp chiếu phim. Khoản thuế này sẽ được chuyển cho Trung tâm điện ảnh và hình ảnh động quốc gia của Pháp (CNC), chuyên hỗ trợ các dự án làm phim. Theo France Culture, luật này (đã nhiều lần sửa đổi), góp phần lớn cho việc duy trì sự tồn tại của các rạp chiếu phim ngày nay.
Theo RFI