Nhà báo thạo tin nội bộ đảng CSVN. Huy Đức (Trương Huy San, Osin Huy Đức) và Luật sư Trần Đình Triển, chuyên bênh vực Dân oan bị bắt tạm giam, theo tin chính thức của nhà nước CSVN ngày 07/06/2024.
Luật sư Trần Đình Triển sinh năm 1959, nhà báo Huy Đức Trương Huy San sinh năm 1962. Luật sư Triển nổi tiếng bênh vực trọng vụ án Cù Huy Hà Vũ trong khi Huy Đức nổi tiếng trong và ngoài nước với Tác Phẩm “Bên thắng cuộc”, viết về hệ lụy của 30 năm chiến tranh Việt Nam. Hai ông bị cáo đã “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Tội này sẽ “bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
ĐIỀU 331 NÓI GÌ?
Điều 331 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” như sau:
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Như vậy, đối với tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì mức phạt tù cao nhất lên đến 07 năm.
Nhưng “Thế nào là quyền tự do dân chủ?”
Quyền tự do dân chủ của công dân được quy định tại Điều 24, 25 Hiến pháp 2013 như sau:
- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
- Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
- Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Oái oăm của Điều luật này là mấy chữ “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.” Như vậy rõ ràng “Luật” đã ngồi lên Hiến pháp, và Nhà nước lợi dung khe hở này để áp dụng Luật tùy tiện có lợi cho mình.
Việc này chứng minh Việt Nam không tôn trọng Hiến pháp năm 2013 và công khai chà đạp quyền “tự do tư tưởng”.
TÔ LÂM-PHẠM MINH CHÍNH
Đáng chú ý là vụ án Huy Đức - Trần Đình Triển xẩy ra vào lúc đảng CSVN tổ chức các Đại hội đảng địa phương để chuẩn bị Đại hội đảng thứ XIV tổ chức vào tháng 1/2026. Đại hội này sẽ chọn người thay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu ở tuổi 80, sau khi đã làm Tổng Bí thư 3 nhiệm kỳ, từ năm 2011.
Sau khi hai ứng viên sáng giá Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị cách chức vì dính đến tham nhũng hay không kiểm soát được kẻ dưới quyền lộng hành thì hai ông Tô Lâm và Phạm Minh Chính nổi lên có khả năng thay ông Trọng. Tuy nhiên giữa ông Tô Lâm và Phạm Minh Chính lại có những kinh nghiệm khác nhau. Tô Lâm chuyên về an ninh và từng giúp ông Trọng chống tham nhũng trong chiến dịch “đốt lò”. Ông Lâm giữ chức Bộ trưởng Công an từ ngày 9/4/2016 đến ngày 22/05/2024, và được biết đến là người có lập trường cứng rắn với vấn đề an ninh nôi bộ. Vụ bắt Huy Đức và Trần Đình Triển là hành động chính trị đầu tiên của Tô Lâm, trong vai trò Chủ tịch nước.
Trong khi ông Phạm Minh Chính được nói là người thân Trung Quốc khi giữ chức Bí thư tỉnh ủy Tỉnh biên giới Quảng Ninh. Ông Chính từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an từ 8/2010 đến 8/2011, nhưng ôn hòa hơn ông Tô Lâm.
So với uy tín trong đảng thì hai ông ngang nhau, nhưng nếu đe dọa của Trung Quốc không thay đổi thì Tô Lâm có ưu thế hơn.
06/024
Phạm Trần