Bộ Thương Mại Hoa Kỳ hôm nay vừa thông báo rằng Việt Nam vẫn chưa hội đủ điều kiện để được xếp loại là một nền kinh tế thị trường sau gần một năm cứu xét lại theo lời yêu cầu chính thức của chính quyền Việt Nam vào tháng 9, 2023.
Bộ Thương Mại Hoa Kỳ tuyên bố trong thông báo: “Bất chấp những cải cách thực sự của Việt Nam được thực hiện trong 20 năm qua, sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế Việt Nam làm biến đổi giá cả và chi phí.”
Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đã nhận được hơn 36,000 trang ý kiến từ các ngành công nghiệp và các nhà lập pháp của Hoa Kỳ cũng như Chính Phủ Việt Nam. Quyết định của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ được dựa trên tất cả các ý kiến được gửi tới.
Quyết định ngày hôm nay của Hoa Kỳ có nghĩa là hàng xuất khẩu của Việt Nam qua thị trường Mỹ sẽ tiếp tục được đối xử khác biệt trong các cuộc điều tra chống bán phá giá (dumping) và chống trợ cấp (subsidies) của Hoa Kỳ. Giá thành sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục không được ghi nhận. Thay vào đó, giá cả của nước thứ ba sẽ được sử dụng để tính mức độ bán phá giá/trợ cấp và thuế nhập cảng của Hoa Kỳ.
Bộ Công Thương Việt Nam cho biết việc nâng cấp thị trường Việt Nam sẽ là một động thái khách quan và công bằng. Việt Nam đã tỏ ra thất vọng trước quyết định của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ:
“Việt Nam lấy làm tiếc rằng mặc dù gần đây nền kinh tế Việt Nam có nhiều cải thiện tích cực nhưng Bộ Thương mại Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.”
Hầu như không ai từng theo rõi quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngạc nhiên về quyết định này của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ. Vấn đề kinh tế thị trường đã được bàn thảo sâu rộng kể từ khi Hoa Kỳ coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường vào năm 2002 vì nhà nước Việt Nam can thiệp vào thương mại, giá cả và tiền tệ. Liên Hiệp Âu Châu cũng xếp loại Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường.
Việt Nam hiện nay đã được 72 quốc gia công nhận có nền kinh tế thị trường bao gồm Vương quốc Anh, Canada, Mexico, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Tân Tây Lan.
Nền kinh tế thị trường là một hệ thống kinh tế trong đó các quyết định sản xuất, giá cả hàng hóa và dịch vụ được định hướng chủ yếu bởi sự tương tác tự do giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, nghĩa là dựa trên quy luật cung cầu, chứ không phải chính sách của chính quyền trung ương, được phép xác định những gì có sẵn và ở mức giá nào.
Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam bị thao túng bởi các nhóm lợi ích gồm sự cấu kết giữa quan chức chính quyền và doanh nghiệp sân sau nhằm trục lợi. Chủ trương kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa và những vụ án kinh doanh bất chính và tham nhũng hiện nay tố cáo kinh tế Việt Nam không phải là kinh tế thị trường.
Việt Nam có khu vực công ty quốc doanh đáng kể - thuộc hàng lớn nhất thế giới - bao gồm hơn 2,200 doanh nghiệp quốc gia, chiếm hơn 25% tổng sản phẩm quốc nội, một triệu việc làm và 30% doanh thu của chính phủ, trong đó có 550 doanh nghiệp lớn, hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước. Việt Nam chưa có nghiệp đoàn tự do. Thứ hai, chống đối mãnh liệt của các nghiệp đoàn công nhân Hoa Kỳ.
Ngoài Việt Nam, 12 quốc gia khác cũng bị Hoa Kỳ xếp loại là những nền kinh tế phi thị trường bao gồm Trung Quốc, Nga, Bắc Hàn, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Georgia, Kyrgyztan, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan, và Uzbekistan.
Nguyễn Quốc Khải
_____________
THAM KHẢO
(1) Lê Trung Khoa, Nguyễn Quốc Khải, "Việt Nam: Một nền kinh tế bị thao túng, không phải là kinh tế thị trường," Hoa Thịnh Đốn Việt Báo, May 25, 2024.
(2) A. Anantha Lakshmi, "US rejects Vietnam’s bid for ‘market economy’ status in blow to trade ties," Financial Times, August 2, 2024.
(3) David Brunnstrom and Phuong Nguyen, "U.S. keeps Vietnam as a non-market economy, despite efforts to woo Hanoi," Reuters, August 2, 2024.