Phiên thảo luận Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024 tại Geneva. Photo UN Web TV.
Nhóm công tác về Kiểm điểm định kỳ phổ quát thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vừa công bố bản báo cáo tổng hợp với 320 khuyến nghị từ 133 quốc gia nhằm giúp cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Báo cáo tập hợp các khuyến nghị được nêu ra tại kỳ Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5 tại Geneva và yêu cầu chính quyền Việt Nam phản hồi trước khi diễn ra kỳ họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền, dự khiến diễn ra vào ngày 9/9 sắp tới, theo một thông cáo cáo chí của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào cuối tuần trước.
Hàng chục quốc gia đề nghị Việt Nam xóa bỏ án tử hình, trong đó có Pháp, Thụy Sĩ, Iceland, Malta, Uruguay, Bồ Đào Nha, Canada, trong khi một số nước khác đề nghị Việt Nam nên giảm áp dụng hình phạt này.
Liên quan đến hình phạt an ninh quốc gia khiến nhiều nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam bị giam cầm như Điều 117 Bộ luật Hình sự quy định về tội “tuyên truyền chống nhà nước”, và Điều 331 quy định về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, các quốc gia như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Hà Lan, Thụy sĩ, Bỉ... khuyến nghị Việt Nam nên sửa đổi hai điều này của bộ luật. Ngoài ra, Đức còn khuyến nghị Việt Nam nên sửa đổi Điều 109 quy định về tội “lật đổ chính quyền”.
“Chúng tôi khuyến nghị trước hết phải xóa bỏ những điều khoản rất mơ hồ về an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam... Những điều luật này của Việt Nam không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế”, bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, Chủ tịch của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR), tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Paris, Pháp, chia sẻ quan điểm với VOA. Bà là người đã vận động chính phủ các nước trong Liên hiệp châu Âu (EU) và tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ở Geneva để Việt Nam xóa bỏ các điều luật 117, 331, và 109.
Liên quan đến các nhà hoạt động đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm, chính phủ Mỹ khuyến nghị Việt Nam nên “trả tự do cho những người bị giam giữ vì thực hiện nhân quyền, và hãy điều tra các cáo buộc về việc các quan chức xâm phạm thân thể những người này, đảm bảo quyền được đối xử công bằng cho họ”.
Tương tự, Thụy Sĩ khuyến nghị Việt Nam “trả tự do cho những người bị giam giữ vì thực hiện quyền của họ về tự do ngôn luận, lập hội hoặc nhóm họp”.
Slovakia khuyến nghị Việt Nam tăng cường môi trường hoạt động của xã hội dân sự và xem xét trả tự do cho những người bảo vệ nhân quyền bị kết án.
Trong khi đó, Cộng hòa Czech nói rằng quốc gia Đông Nam Á này nên “tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức xã hội dân sự độc lập, quyền tự do ngôn luận trực tuyến và ngoài đời, và sự độc lập của truyền thông”. Các nước Italy, Phần Lan, Romani, và Hàn Quốc cũng đưa ra khuyến nghị tương tự.
Chính phủ các nước Áo, Bỉ, Canada, Đức khuyến nghị Hà Nội sớm phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức.
Nước láng giềng Campuchia đề nghị Việt Nam thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong Hội đồng Nhân quyền về cơ sở tôn trọng và hiểu biết để đảm bảo mọi quyền con người.
Trong các khuyến nghị của mình, Trung Quốc đề nghị Việt Nam “tiếp tục nỗ lực xây dựng đất nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách”.
Dự kiến tại kỳ họp 57 này, chính quyền Việt Nam sẽ trình bày quan điểm của mình đối với 320 khuyến nghị trên, theo thông cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.'
Bấm vào để nghe xem
https://voa-video-ns.aka...42-2a8c-08da1413b6b7.mp4Truyền thông Việt Nam dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt, người dẫn đầu phái đoàn của chính phủ Việt Nam gồm 22 quan chức và 2 thông dịch viên dự kỳ UPR hồi tháng 5, cho biết rằng hầu hết các khuyến nghị “đều có nội dung tích cực và Việt Nam có thể chấp nhận”. Tuy nhiên, ông Việt cho rằng một số vấn đề cần được xem xét thêm về tính tương thích với luật pháp, chính sách, nguồn lực và khả năng thực thi của Việt Nam.
Nhà ngoại giao Việt Nam còn nói thêm rằng “đối với những khuyến nghị chưa thực sự phù hợp và dựa trên những thông tin không chính xác” về bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức đối thoại, cung cấp thông tin cho các nước để họ hiểu rõ hơn về tình hình thực tế ở Việt Nam.
Trong báo cáo của mình, phái đoàn Việt Nam nói họ chấp thuận 241 trong tổng số 293 khuyến nghị mà các quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ đưa ra trong Cơ chế UPR chu kỳ III hồi năm 2019. Phái đoàn cho biết rằng trong số 241 khuyến nghị đó họ đã “hoàn thành thực hiện có kết quả” 209 khuyến nghị.
Theo VOA