Đấu tố ca sĩ hát dưới cờ vàng - đợt thanh lọc XHCN toàn diệnMột buổi diễu hành kỷ niệm ngày 30/4/1975 do người Việt thực hiện mang theo lá cờ vàng của VNCH tại Washington DC hôm 30/4/2005. AFP
Myra Trần, hồi cuối tháng 7, bị Đài truyền hình TPHCM (HTV) cắt sóng trong chương trình “Anh trai say hi” và thay thế bằng một ca sỹ trẻ khác. Nguyên do là vì nữ ca sỹ đã hát tại đám tang của ông Lý Tống - một quân nhân Việt Nam Cộng Hòa - hồi năm 2019. Đến ngày 15/8, nữ ca sỹ này phải đăng tâm thư xin lỗi trên trang Facebook cá nhân. Cô giãi bày rằng vì sự thiếu hiểu biết nên đã tham gia vào một số sự kiện không phù hợp trong quá khứ; Đồng thời khẳng định “không có tư tưởng chống phá gây hại đến an ninh quốc gia”. Cô xem đây là bài học lớn và cam kết sẽ cẩn trọng hơn trong tương lai.
Tiếp sau đó, một loạt các nghệ sỹ khác như Phạm Khánh Hưng, Phan Đình Tùng, Tóc Tiên, Việt Hương… cũng bị các trang Facebook thân chính phủ đào lại những hình ảnh, video clip họ đã biểu diễn ở Mỹ mà có hình ảnh lá cờ Việt Nam Cộng Hòa.
Việt Hương, diễn viên chính trong bộ phim điện ảnh “Ma Da”, hiện được trình chiếu tại các cụm rạp khắp Việt nam cũng phải xin lỗi vì đã xuất hiện trên sân khấu cạnh một biểu ngữ in cờ vàng và cờ Mỹ. Việt Hương nhận hoàn toàn trách nhiệm đối với những sự việc đã diễn ra trong quá khứ và cũng “xin chủ động làm việc với cơ quan có thẩm quyền để nhận trách nhiệm và thực thi quyết định của các cơ quan”.
Nhạc sỹ Trúc Hồ, người từng tổ chức nhiều chương trình ca nhạc quy mô ở Mỹ ủng hộ nhân quyền Việt Nam, khẳng định rằng lá cờ vàng với ba sọc đỏ là biểu tượng của cộng đồng người Việt tị nạn Cộng sản ở nước Mỹ. Do đó, việc các chương trình có treo lá cờ này là hoàn toàn bình thường:
“Họ đâu cần phải xin lỗi cái chuyện gì, không hiểu họ xin lỗi vì cái gì. Ở đây là những người Việt Nam tị nạn, có những buổi trình diễn cho các hội đoàn thì họ có lá cờ vàng là chuyện bình thường thôi.”
Ca sỹ Nguyên Khang, hiện đang sinh sống tại tiểu bang California, chia sẻ với RFA rằng Đảng và nhà nước luôn khuyến khích Việt Kiều về nước cống hiến, xây dựng đất nước,hoà hợp hoà giải. Tuy nhiên:
“Liệu việc cho phong sát những người nghệ sĩ từng sống hoặc đang sống ở Mỹ quyết định về Việt Nam sinh sống và hoạt động văn nghệ có cần thiết hay không?
Nếu nói về việc họ đứng trình diễn ở một sân khấu hải ngoại mà có treo lá cờ vàng ba sọc đỏ là một cái tội thì tôi tin chắc có đến 2/3 ca nghệ sĩ đều đã từng đứng dưới lá cờ này, vì đó là lá cờ đại diện cho cộng đồng người Việt hải ngoại.
Còn về việc các đồng nghiệp của tôi phải lên tiếng xin lỗi vì đã từng đứng dưới lá vàng thì tôi thấy tiếc cho họ, nhưng tôi không phải là họ nên không có ý kiến gì. Tôi tin là họ phải có lý do để chọn lựa, và có trách nhiệm với quyết định của mình.”
Nghệ sỹ cần có kiến thức chính trị?Dường như việc các nghệ sỹ xin lỗi công khai không làm làn sóng chỉ trích giảm đi. Ngày 24/8, báo Công an Nhân dân đăng bài viết với tiêu đề “Đằng sau một lời xin lỗi” tiếp tục tấn công ca sỹ Myra Trần. Bài viết cho rằng không thể lấy lý do trẻ dại thiếu hiểu biết để biện minh cho hành động của mình. Bài viết cho rằng kể cả có sơ suất, chưa kịp tìm hiểu đi nữa, khi nhận thấy hiện trường sự kiện có xuất hiện những hình ảnh như cờ, quân phục khác lạ - ý nói các biểu tượng của Việt Nam Cộng hòa - thì một người có ý thức sẽ biết từ chối ngay lập tức.
Mạng báo Đại Đoàn Kết cũng đăng tải một bài về sự kiện này cho rằng “thay vì xin lỗi thống thiết, các nghệ sĩ muốn làm người nổi tiếng thì trước tiên phải học tập, trau dồi, biết việc gì được làm biết việc gì không, biết phân biệt đâu là màu cờ Tổ quốc”.
Khi quan sát diễn biến của sự kiện này, một nhà báo độc lập, hiện đang ở trong nước, yêu cầu giấu danh tính vì lý do an toàn, cho rằng nếu yêu cầu nghệ sỹ sang các cộng đồng người Việt tự do ở hải ngoại phải trau dồi kiến thức như báo chí Nhà nước vừa nêu thì toàn bộ giới kinh doanh Việt Nam cũng hoàn toàn dốt nát như vậy khi xe VinFast vẫn phải quảng cáo bên cạnh lá cờ vàng ba sọc đỏ; gạo và nước mắm trong nước xuất khẩu sang các siêu thị người Việt hải ngoại cũng đều xếp trên kệ nằm trong tòa nhà có cắm cờ vàng ba sọc đỏ.
“Tát nước theo mưa là một thủ thuật thông dụng nhưng đôi khi, tát lố thì nước sẽ đẫm ướt chính bộ mặt của mình.”
Cũng theo nhà báo giấu tên, xã hội lúc này có vẻ như mọi thứ đang như vào một đợt thanh lọc xã hội chủ nghĩa toàn diện rôm rả trên bề mặt, nhưng thực chất mọi thứ càng rầm rộ thì lại càng thiệt hại cho bộ mặt của Nhà nước Việt Nam:
“Bởi, nó không được kiểm soát bằng luật pháp mà bị kiểm soát bằng những làn sóng hung hãn ngôn từ, và đời sống thì bị thao túng bằng tư duy cực đoan, duy sát chí chính trị. Một xã hội hỗn loạn phiên bản Trung Cộng như vậy, mà không có sự kiểm soát đúng mực từ phía nhà cầm quyền, thì dễ bị đánh giá thấp bởi các đối tác và các quốc gia văn minh đang có mối ngoại giao với Việt Nam.”
50 năm chưa thể hòa giảiNhạc sỹ Trúc Hồ cho rằng đây là sự việc đáng buồn khi đã gần 50 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc mà các nghệ sỹ trong nước vẫn bị tấn công, đấu tố bởi những chuyện vô lý như vậy:
“Năm tới là 50 năm rồi mà tới giờ này mình vẫn còn thấy chuyện đấu tố nhau trên online. Thật là đi ngược thời gian. 50 năm rồi mà vẫn đấu tố những cái chuyện vô lý như thế này thì rất là buồn cho người Việt Nam ở trong nước, họ vẫn còn phải bị đối xử như vậy.”
Nhà báo giấu tên nhận định sự kiện này khiến người ta có thể hình dung rằng có bàn tay của ban Tuyên giáo muốn đi đến một chuyện là nhuộm đỏ toàn Việt Nam cho cột mốc 50 năm cưỡng chiếm miền Nam 30/04/1975.
Theo nhà báo, những nạn nhân đầu tiên là những văn nghệ sĩ. Giới văn nghệ sĩ trong nước có mối quan hệ với các cộng đồng người Việt tự do sẽ đối mặt với sự cảnh cáo trong làn sóng cực đoan lúc này. Còn riêng với văn nghệ hải ngoại xin phép về diễn Việt Nam thì sẽ không có những nhân vật mới, và đơn xin sẽ bị xét nét khó khăn hơn dù hầu như người nào ở hải ngoại về Việt Nam để biểu diễn rồi thì cũng rất "kỹ càng" trong việc đi diễn ở Mỹ, để tránh bị công an bắt bẻ:
“Theo một công an viên giấu tên tôi cho biết, sẽ khó có ca sĩ người Việt ở bên ngoài nào nữa về trình diễn ở Việt Nam sắp tới, nếu không có cam kết cắt đứt với cộng đồng ngoài Việt Nam mà họ đang sinh sống.”
Theo RFA