“Luật Phòng Chống tham nhũng ở Việt Nam năm 2005 nêu rõ: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi.” (Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 24/01/2013)
Điều này khẳng định ở Việt Nam “chỉ có những kẻ có chức, có quyền mới có thể tham nhũng”. Như vậy nếu nói đảng cầm quyền Cộng sản đã và đang nuôi ăn những đảng viên tham nhũng cũng không sai.
THAM NHŨNG-QUYỀN LỰC
Bài viết của Tạp chí đảng viết: “Tham nhũng chủ yếu vẫn thông qua các hành vi tham ô, hối lộ, lộng quyền, lộng hành, sách nhiễu gây khó khăn cho người khác, dùng quyền lực để mưu lợi cá nhân, bao che cho hành vi vi phạm pháp luật, dùng tiền thao túng quyền lực, chiếm đoạt quyền lực.”
Vì vậy, đảng nhìn nhận: “Một trong những vấn đề gây khó khăn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam là tệ tham nhũng - quốc nạn của nước ta.”
Chữ “quốc nạn” được công khai từ thời Tổng Bí thư Đỗ Mười, hơn 20 năm trước, chứng tỏ tình trạng tham nhũng ngày càng nghiêm trọng và phức tạp, như nhìn nhận của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tạp chí Cộng Sản kể: “Số liệu thống kê khoảng 10 năm trở lại đây (từ 2002 đến 2011) cho thấy tình trạng tham nhũng ở nước ta ngày càng có xu hướng tăng lên. Trong xã hội ta hiện nay, việc “bôi trơn”, quà cáp, đã trở thành một thói quen có tính “quy luật” mà hầu như ai cũng ít nhất một lần nghĩ đến và thực hiện để được thiên vị, ưu tiên, “thuận buồn xuôi gió”. Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản về phòng, chống tham nhũng, nhưng cho đến nay vẫn chưa đẩy lùi được tham nhũng.”
Nhưng 12 năm sau, khi còn giữ chức Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm đã báo cáo với Quốc hội: “Tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%.” (báo Chính phủ, ngày 22/11/2023)
THAM NHŨNG PHỔ BIẾN
Thừa nhận của tướng Tô Lâm, nay là Tổng Bí thư đảng, cũng được Bách khoa toàn thư (BKTT) nói rõ hơn: “Tham nhũng tại Việt Nam là một vấn đề phổ biến và lan rộng do cơ sở hạ tầng pháp lý còn yếu, các khoản tài chính đột xuất và việc ra các quyết định quan liêu mâu thuẫn và tiêu cực. Các cuộc khảo sát cho thấy rằng trong khi tham nhũng vặt đã giảm nhẹ trên toàn quốc, thì tham nhũng ở các quan chức cấp cao lại gia tăng đáng kể do lạm dụng quyền lực chính trị.”
“Trong cuộc điều tra năm 2005, Ban Nội chính Trung ương công bố danh sách liệt kê 10 cơ quan tham nhũng phổ biến nhất Việt Nam. Trong đó ba cơ quan dẫn đầu là: Địa chính nhà đất, Hải quan/quản lý xuất nhập khẩu và Cảnh sát giao thông.”
SÂU BỌ TỪ ĐẢNG BÒ RA
Tài liệu của BKTT cũng không quên kể lại: “Nhắc đến tham nhũng trong khi tiếp xúc cử tri Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5 năm 2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu: "Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cả đất nước này.”
Nhưng “đám sâu” này từ đâu bò ra? Bài của BKTT trả lời: “Ông Nguyễn Đăng Quang một cựu đại tá ngành Công an cho biết ý kiến: "Theo tôi cơ chế này ở Việt Nam đẻ ra tệ nạn tham nhũng và bọn tham nhũng lại ra sức bảo vệ cơ chế này. Do vậy nếu giao phó cho Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền chống tham nhũng thì tham nhũng càng phát triển."
PHẢN BÁC CÁI GÌ?
Sâu bọ tham nhũng nằm trong Đảng nhiều như thế mà Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan tuyên truyền của đảng, vẫn cảng cổ cãi lấy được, Bài viết ngày 7/3/2023 của Tạp chí Tuyên giáo đã cao giọng : “ Quan điểm cho rằng tham nhũng, suy thoái là phổ biến, là bản chất của đội ngũ cán bộ trong Đảng và Nhà nước ta là hoàn toàn sai trái, phản động, vô căn cứ. Cần đẩy mạnh đấu tranh, phản bác quyết liệt hơn nữa những luận điệu sai trái trên nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo vệ danh dự, phẩm chất, uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái hiện nay”.
Phản ứng yếu ớt của Tuyên giáo không chữa được căn bệnh tham nhũng kinh niên của cán bộ, đảng viên. Ngược lại chỉ tăng cường xác định “tham nhũng là của đảng, do đảng và vì đảng” mà thôi .
10/024
Phạm Trần