Bà Bùi Thị Minh Hằng tham gia một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày 17/7/2011 tại Hà Nội.
Láng giềng “4 tốt” với “16 chữ vàng” (1) cái gì, mà nhằm ngay lúc Tổng bí thư-Chủ tịch nước người ta vừa sang Mỹ về được một ngày, cũng là cách hai ngày tới Quốc khánh nước mình, lại diễn trò côn đồ – vừa xâm phạm chủ quyền, vừa cướp phá ngư cụ, đánh đập dã man ngư dân nước người ta?
Đó là hành động của phía Trung Quốc vừa xong với ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa (2).
“Giao thiệp”Được cái, lần này có vẻ Bộ Ngoại giao Việt Nam mau mắn, mạnh dạn hơn trước, ngay ngày 2/10/2024 đã có … “giao thiệp nghiêm khắc” để “mạnh mẽ phản đối” (3).
Nhưng người ta có thể thắc mắc, lâu nay hiếm khi thấy phía Việt Nam có công hàm phản đối, rồi triệu đại sứ Trung Quốc tới, mỗi khi nước này gây hấn trên Biển Đông. Trong khi nhìn sang nước bạn Philippines, cùng cảnh ngộ, thì trái ngược hẳn, có năm họ có tới hơn 300 công hàm phản đối Trung Quốc (4).
Rồi mỗi lần “giao thiệp” kiểu này, chả hiểu diễn ra ở đâu (không lẽ ở … khách sạn?).
Cũng có thông tin, rằng thì là ta cũng có công hàm, cũng triệu đại sứ Trung Quốc tới, vấn đề là báo không đưa rõ thôi. Nếu đúng vậy, sao không công bố, lại đưa tin kiểu lờ mờ khó hiểu? Hay là lại kiểu đóng cửa bảo nhau? Đó đích thị là thứ quan hệ giữa hai “đảng anh em”, đâu phải giữa hai quốc gia, là chuyện chủ quyền quốc gia.
Còn “giao thiệp” là gì? Theo Từ điển tiếng Việt, thì nó là việc “tiếp xúc, có quan hệ xã hội với người nào đó, thường là trong công việc làm ăn” (5).
Vậy đây dễ bị coi là “quan hệ xã hội” chứ không phải quan hệ quốc gia.
Và, khi thêm cái khái niệm “nghiêm khắc” vào nữa, thì quả thật khó nhịn cười. Tức là “tiếp xúc” “nghiêm khắc”?
Đó là chưa nói tới, trong lời lẽ gọi là “nhấn mạnh” của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam (không hiểu bà “nhấn mạnh” với ai, ở đâu?), lại không hề đề cập tới việc phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Luật Biển của Việt Nam (ban hành đã hơn chục năm trước), không đòi hỏi nước này “phải chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại do tàu thuyền”, nhân viên công vụ của họ gây ra cho ngư dân Việt Nam, như Điều 28 quy định (6).
Người phát loa
Những năm tháng xa xưa, ở xứ sở này từng có những cuộc biểu tình rầm rộ phản đối Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông. Đặc biệt những cuộc quanh Hồ Gươm, có một người phụ nữ đeo loa phóng thanh, cầm trịch hô những khẩu hiệu đanh thép, rồi hàng trăm người hô theo. Thật là mạnh mẽ!
Có những cuộc biểu tình, người tham gia bị bắt bớ, đưa đi tập trung tại cơ sở của công an, họ vẫn tiếp tục biểu tình trên xe buýt, tại chỗ giam giữ. Và người phụ nữ này cũng vẫn tiếp tục bắt nhịp hô khẩu hiệu cho mọi người.
Xin được đặt cho bà danh xưng “Người phát loa”; rất bình dân, ít ai biết đến, nhưng xứng đáng là của nhân dân anh hùng (7).
Tuy dùng công cụ là cái loa, nhưng đó đích thị là ngôn luận của dân, ở một đất nước vẫn tự cho mình là nơi người dân có đủ các quyền tự do cơ bản, phổ quát của nhân loại (8).
Rồi biểu tình yêu nước không còn nữa. “Người phát loa” thì nhiều lần bị bắt, giam, bị đi tù. Nhưng bà lại từng được Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc vinh danh và kêu gọi trả tự do (9).
Người phát ngônNgười này mới thực là quan trọng, bởi là nhân vật của Nhà nước. Nếu nhìn sang nhiều quốc gia khác, cũng có những nữ phát ngôn viên như vậy, họ sải bước ra trước cuộc họp báo, trước bao nhiêu ống kính máy ảnh, quay phim, dõng dạc trả lời những câu hỏi của báo chí.
Còn với Việt Nam, “ngoại giao cây tre” nó phải khác (có lẽ nó mềm mại như tà áo dài, làm liên tưởng tới … cây liễu – “Ngoại giao cây liễu”?).
Hiếm khi dân Việt được thấy hình ảnh động của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước mình. Cứ là các báo rập khuôn một đoạn văn, đưa lên bức ảnh (có khi ảnh chụp từ đời tám hoánh). Có khi thì đưa tin là “họp báo”, rồi “trả lời câu hỏi của báo chí” (chả biết báo nào, “họp” kiểu gì). Tất tần tật, nội dung trả lời lần nào cũng na ná lần nào, như thể các ca sĩ “hát nhép” (10).
Tuy không sinh động, mạnh mẽ như “Người phát loa” nhưng nó lại có vẻ xứng đáng được gọi là “phát loa” hơn.
Những “Người phát ngôn” này lần lượt lên thứ trưởng, người khác lên thay, vẫn kiểu đó.
Phải chăng đất nước này không cần đến vạn triệu dân lên tiếng, “phát loa” bảo vệ chủ quyền biển đảo; tất cả đã có một người “phát ngôn” làm thay rồi?
Không lẽ phải nhắc lại Luật Biển, trong đó Điều 5 quy định “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển kinh tế biển”.
Không lẽ phải đề nghị hoán đổi danh xưng cho hai nhân vật này, cho nó xứng hợp?
Để có Người-phát-loa Bộ Giao-thiệp …?
Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh
Theo VOA
________________
Ghi chú:https://toquoc.vn/khong-...ng-va-4-tot-99124137.htmhttps://kinhtedothi.vn/t...uong-tich-day-nguoi.htmlhttps://dangcongsan.vn/t...dao-hoang-sa-679510.htmlhttps://plo.vn/bien-dong...a-ba-dau-post683969.html https://vi.wiktionary.org/wiki/giao_thi%E1%BB%87phttps://thuvienphapluat....iet-Nam-2012-143494.aspxhttps://www.youtube.com/watch?v=5fQmpNmwwXshttps://pbgdpl.moj.gov.v...i%20-%20Tieng%20Viet.pdfhttps://www.voatiengviet...-on-bi-chan/3721233.htmlhttps://vi.wikipedia.org...=Nh%C3%A9p%20m%C3%B4i%20(ti%E1%BA%BFng%20Anh%3A%20lip,%C4%91%C3%B3ng%20phim%20hay%20thu%20%C3%A2m.