Thiện là hành động, lời nói hay ý nghĩ tốt, thường mang lại an vui cho người, cho mình có khi là cho cả hai phía và cho tất cả mọi người xung quanh. Thí dụ việc là của cơ quan Médecin du Monde, luôn cứu giúp tài chánh cho những người nghèo khó, hoạn nạn ở khắp năm châu lục. Việc làm gần đây của thầy Minh Thiền ở Đức Hòa Dĩ An, thầy và các phật tử đi cứu trợ thiên tai bão lụt Yagi ở miền Bắc Việt Nam, ở Lào Cai, Yên Bái và các vùng, miền người thượng, miền cao do bão lũ gây ra. Họ đói, khổ, lạnh, mất người thân. Phái đoàn chùa Đức Hòa tới tận nơi, lội nước bì bõm ngang bụng mang tặng nạn nhân mì gói, áo quần, tiền và lời vấn an cho những người còn sống sót, đem lời cầu nguyện vãng sanh cho những người đã bị nước lũ cuốn đi, A Di Đà Phât. Người làm việc thiện luôn mang lại niềm vui hạnh phúc và dĩ nhiên được mọi người thương mến, thích gần gũi.
Trái với thiện, ác là những hành động, lời nói hay việc làm gây tai họa, khổ đau, buồn lòng người khác cho nên ác thường bị mọi người xa lánh, vì nó hay mang lại hậu quả khó lường. Thí dụ: vụ lường gạt bán vaccin covid giả hay kém chất lượng ở Việt Nam trong những năm đại dịch vừa qua, hay việc thế lực khủng bố Hamas tấn công sang Israël tháng 10-2023 bắn hỏa tiễn tàn sát người vô tội và bắt nhiều con tin về giam giữ trong các địa đạo, cho họ chết lần chết mòn, rồi hậu quả là chiến tranh Trung Đông ngày càng ngày, càng dữ dội, đe dọa an nguy toàn thế giới. Việc ác làm mọi người ghê sợ và xa lánh.
Tuy được phân biệt rõ ràng như vậy, nhưng ranh giới giữa thiện và ác nhiều khi không rõ rệt và có lúc bị hiểu lầm.
Thí dụ: thầy nhiều khi quá nghiêm khắc, bị cho là ác, dù chủ ý của thầy là mong trò tiến bộ mau. Xưa có lúc nói là giáo đa tất oán, ngược lại, có những lời nói ngọt ngào xu nịnh cố ý dụ người đối diện làm hư việc, gọi là mật ngọt chết ruồi, do vậy, cái ranh giới thiện ác vẫn mập mờ. Muốn nhận xét đúng hơn, cần có trí tuệ để phân biệt tâm ý con người đó muốn gì khi hành động, khi phát ngôn hay suy tính một việc nào đó.
Cũng còn có những thiện ác trái chiều, như ở xã hội này, ở tôn giáo này, điều A là thiện. Sang một xứ sở khác, tôn giáo khác, việc A lại là không chấp nhận như việc sát sanh hay việc phá thai nhi, ở mỗi hoàn cảnh, ở mỗi đức tin, cũng có điểm dị biệt, thiện và ác có lúc rối tung, khó lần gỡ. Vậy có khi phải tùy hoàn cảnh, tùy lòng tin và tùy đạo hiếu sinh mà phán xét.
Ngày xưa, khi được quy y với bổn sư truyền giới, thầy Thích Thông Bửu, chúng tôi luôn dậy rằng người làm việc thiện nhiều như cát sông Hằng, mà người ta không bao giờ đếm xuể, người làm việc ác cũng nhiều như tinh tú trên bầu trời bao la mà con người mình không nhìn rõ, khi làm điều thiện mà sẵn sàng tha thứ cho những người khác, như đã từng nhiều lần tha thứ cho chính bản thân mình, thì cảnh giới thiên đàng, niết bàn, cực lạc chính là đang có nơi đây. Trong kinh pháp cú, có dậy rằng:
Lấy ân báo oán
Oán nghiệp chập chùng
Lấy ơn báo oán
Oán nghiệp tiêu tan.
Qua lời kinh điển, phật tử hiểu rõ là chủ đích của chánh pháp là muốn chuyển hóa nghiệp ác thành nghiệp thiện, thanh lọc tâm ý thanh tịnh chuyển đổi nước đục thành nước trong. Và không hề có ý tiêu diệt những kẻ ác.
Đạo là từ bi, luôn khuyên nhủ chúng sanh:
Tránh làm điều ác
Nên làm hạnh lành
Giữ tâm thanh tịnh
Muốn giữ được tâm ý thanh tịnh, mọi chúng sanh cần cố gắng vượt qua được sự phân biệt và cố chấp thiện, ác: không ca tụng việc thiện quá sức, không dè bỉu việc ác quá tệ, không phải là con người ngu si mà không biết thiện và ác đối nghịch. Nhưng vượt qua được sự cố chấp thiện ác, tức là mình thoát khỏi sự trói buộc của thiện nghiệp và ác nghiệp.
Người lương thiện là một bồ tát thuậnduyên nghịch duyên đó là những người hay nói hay làm những điều trái ý, đốp chát với ta, ngược với ta. Bảo là họ ác với ta? Có khi đúng mà có khi không, vì cái bản ngã đối chọi, căn cơ, tánh tình nghịch tặc, luôn thúc đẩy họ không đồng ý mọi điều với mọi người xung quanh. Kệ đi.
Thí dụ: Trong chùa, có tượng ngài hộ pháp và cũng còn có tượng ngài Tiêu Diên Đại Sĩ, như để đe dọa, nạt nộ và canh chừng.
Nói chung, vơi lòng từ bi và lòng kham nhẫn ba la mật, chư phật chư tổ luôn khuyên chúng sanh chấp nhận và biết ơn cả hai vị thuận duyên và nghịch duyên. Cả hai bên đều là những phương tiện giúp chúng sanh tiến bộ trên đường tu tập thường hằng, để luôn luôn đến gần chánh pháp và sống trong chánh pháp.
Trở lại chuyện kẻ ác và người thiện, đạo không tiêu diệt kẻ ác, chỉ dốc lòng hoán chuyển ác thành thiện, đó là chủ trương giáo dục bằng từ tâm, một tác giả phương tây, cũng có ý nghĩ gần như vậy:
« Ne cherchez pas à être sage à tout prix
La folie aussi est une sagesse
Et la sagesse, une folie
Fuyez les préceptes et les donneurs de leçons,
Faites ce que vous voulez
Et ce que vous pouvez
Rien n’est très important
Tout ce que nous aimons mourra
Et je mourrai moi aussi
La vie est belle.
Jean d’Ormesson
Trong cuộc đời hành đạo của đức phật, có một câu chuyện sinh động, được nhiều người biết đến, và một khi biết đến thì không thể nào quên, đó là câu chuyện đức phật cảm hóa tướng cướp Angulimala được ghi lại trong trung bộ kinh. Câu chuyện kể lại rằng, ở nước Kosala, do vua Pasénadi trị vì, có một tên cướp khét tiếng giết người tên là Anguli, là một tay thợ săn tàn bạo, giết người như giết thú, khiến cho dân làng rất lo sợ. Từ khi có tên cướp xuất hiện, khắp xóm làng, quốc độ người dân không còn sống yên ổn.
Một buổi sáng nọ, như thường lệ, đức phật đắp y, mang bình bát vào làng Savatthi khất thực. Sau khi khất thực và dùng bữa xong, ngài quay trở về và có ý đi trên con đường mà tên cướp hay qua lại. Người đi đường và những người chăn bò hết lòng ngăn cản ngài, nhưng đức phật vẫn giữ im lặng và ngài tiếp tục đi.
Thấy phật đang rong ruổi đi một mình, Anguli liền xuất hiện, y mừng rỡ và khởi tâm giết ngài. Y chỉ chờ có vậy và y lấy kiếm, cung, tên ra sẵn sàng và đi sau phật từ một khoảng không xa.
Thế rồi đức phât biết có Anguli theo sau, ngài dùng thần thông khiến cho Anguli dẫu cho có đi với tất cả tốc lực cũng không thể bắt kịp ngài, dù ngài vẫn đi bình thường.
Anguli chợt nghĩ, lạ thiệt, trước đây ta có thể đuổi kịp con voi, con ngựa, con nai và cả những chiếc xe đang chạy mau, mà sao bây giờ ta không đuổi kịp Sa Môn Cồ Đàm?
Anguli liền hô hoán lên:
Hãy dừng lại, Sa Môn!
Hãy dừng lại, Sa Môn!
Đức phật khoan thai đáp lời:
Này Anguli, ta đã ngừng rồi, và ngươi, ngươi hãy ngừng lại.
Tên cướp Anguli biết rõ Sa Môn Cồ Đàm không bao giờ nói dối điều gì. Vậy là sao? Hắn liền hỏi:
Sa Môn, ông đang đi mà nói ngừng rồi. Còn tôi ông biểu tôi ngừng đi là sao?
Đức Phật liền giải thích chậm và rõ ràng:
Với mọi chúng sanh, ta bỏ kiếm cung xuống.
Còn ngươi, ngươi không tự kiềm chế mà vẫn giết người, gây ra bao sự chết chóc đau đớn và hận thù, nên ta nói ta đã ngừng mà ngươi chưa ngừng… hãy ngừng lại! Ngừng lại!
Khi đức phật nói lời này, Anguli đứng lặng im, trầm tư suy nghĩ. Dường như lời nói nhẹ nhàng đánh động tâm thức tên cướp bạo tàn. Rồi Anguli từ tốn thưa:
Này thưa Samôn, tội lỗi của tôi thật tầy trời. Tôi có thể quay đầu bằng cách nào?
Thấy Anguli như đã chuyển tâm ý, ray rứt với việc làm của mình, đức phật liền mở ra một cơ hội cho người biết quay đầu sám hối. Ngài bảo quay đầu là thấy bờ, và sẽ nhận Anguli vào tăng đoàn để Anguli có thể làm mới lại cuộc đời, từ bỏ sự tàn ác, gột rửa tâm ý thanh sạch, từ đó đi dốc lòng làm các điều lành.
Nghe xong, Anguli liền quăng bỏ kiếm cung khí giới xuống vực sâu, quỳ gối đảnh lễ đức phật và xin xuất gia theo ngài.
Sau này, khi trở thành tu sĩ, Anguli đi khất thực, rất nhiều lần bị người quanh vùng đánh đập đau đớn nhưng ông hiểu rằng đó là những ác nghiệp phải trả. Đức phật trông thấy, ngài tự tay băng bó các vết đau cho Anguli. Ngài băng bó những vết thương thân xác và đồng thời băng bó luôn cả những vết thương trong lòng phạm nhân, chữa lành tâm linh cho kẻ phạm tội sát nhân đã biết quay đầu từ bỏ cái ác mà hướng thiện.
Giáo hóa được một tên sát nhân, từ bỏ ác nghiệp quay đầu vào bờ, ít ai tin, nhưng Sa Môn đã giáo hóa thành công Anguli. Điều làm cực kỳ khó, đến ngài phải dùng thần thông giáo hóa lúc đầu, sau, dùng oai lực tâm từ mà đánh động tâm thức phạm nhân.
Ít ai tin rằng một người cực ác có thể quay đầu 180° để thành người tốt. Sự thay đổi tận gốc của một kẻ cực ác thường là điều không tưởng, thế mà tên cướp ác độc Anguli đã làm được việc ấy, việc khó tin ấy.
Là nhờ vị thánh tăng rất từ bi cảm hóa, việc này khơi dậy lòng tự tin của tất cả mọi người.
Quay đầu là bờ, đáo bỉ ngạn, nếu chúng ta nỗ lực vượt bực, dùng nội lực làm lực đẩy để quay 180°, ta sẽ thấy bờ, hướng đến bờ và bơi vào bờ.
Nếu tự tin để vượt qua mặc cảm tội lỗi của mình.
Nếu tự tin để vượt qua sự nghi ngại của người ngoài ta.
Ta sẽ biết cách lội ngược dòng một cách ngoạn mục để về đích.
Không bao giờ là muộn đối với người biết quay đầu hướng thiện. Một tên cướp giết người còn biết quay đầu, huống chi người thường chúng ta, chúng ta đôi khi có lỗi lầm mà chưa tột cùng như Anguli! Chư phật khuyên chúng sanh nên thay đổi thái độ với người khác qua câu chuyện Anguli. Các ngài khuyên phật tử có cái nhìn tích cực vào nỗ lực hoàn thiện là quyết tâm làm mới, làm lành lại của tất cả mọi người xung quanh và của cả chính ta.
Thái độ cố chấp khắc kỵ không đem lại lợi ích gì cho ai cả.
Một khi thay đổi nhận thức, hành vi nương đó mà thay đổi theo. Anguli làm được, thì mọi người khác đều cũng có thể.
Kinh Angulimala, trung bộ kinh 86, ghi lại rằng: sống trong hạnh phúc, tha thứ, chấp nhận là được giải thoát.
Thưa, đạo phật không chủ trương lấy thiện diệt ác. Đạo phật mong chuyển hóa ác thành thiện. Không ghét người ác vì không có người ác, chỉ có ý niệm ác là xấu.
Đạo chủ trương chuyển hóa ác nghiệp thành thiện nghiệp chuyển hóa ba nghiệp chưa thanh tịnh thành ba nghiệp thanh tịnh.
Đạo phật mong muốn đem lại niềm an lạc cho cá nhân, hạnh phúc cho gia đình và hòa bình cho xã hội.
Đạo phật, thưa đạo nói chung, mọi chúng sanh, mọi tín đồ, đều không muốn gây hận thù và không muốn có kẻ thù.
Chỉ có từ bi và trí tuệ để yêu thương và cảm thông.
Thưa, tất cả đều có sẵn trong cuộc đời này, và cùng với tấm lòng bác ái sát liền bên.
A Di Đà Phật
Paris mùa biến động
của chiến tranh ào ạt
Chúc Thanh