Thành viên của lực lượng an ninh Hà Nội đặt biển cấm quay phim, chụp hình gần Đại sứ quán Trung Quốc vào ngày 18/5/2014 khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra
AP/ Na Son Nguyen
Trong khi Thủ tướng khẳng định công tác về nhân quyền cần sự lãnh đạo của Đảng, các nhà hoạt động lại cho rằng điều này là không thể chấp nhận.
Trong Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người tổ chức vào sáng 11/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phát biểu cho rằng, bảo vệ và giáo dục quyền con người là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia của người dân.
Một giảng viên đại học, người không muốn công khai danh tính vì lo ngại về an toàn, cho rằng quyền con người là phổ quát, do vậy việc giáo dục nhân quyền không thể đặt dưới sự lãnh đạo của bất cứ đảng nào, dù đảng cầm quyền. Người này lý giải:
"Đây chính là một hình thức hạn chế quyền con người theo ý chí của đảng. Như vậy là sai trái, đi ngược lại sự phổ quát của quyền con người.”
Trong nhiều năm qua, khi quốc tế chỉ trích Việt Nam về hồ sơ nhân quyền tồi tệ, Chính phủ Việt Nam thường đưa các thành tích phát triển kinh tế để biện hộ. Trong hội nghị trên, ông Chính nói: “Nhân quyền lớn nhất của Việt Nam là làm sao để hơn 100 triệu người dân được sống trong tự do, ấm no và hạnh phúc, an ninh, an toàn, an dân.”
Cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Thị Tố Nga cho rằng dù nền kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng cao, nhưng đời sống tinh thần của người dân chìm trong ngột ngạt do lực lượng công an tăng cường xử phạt và đàn áp những tiếng nói bất đồng, bị cho là có hành vi chống phá.
Một giảng viên đã nghỉ hưu của Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho rằng nếu chính phủ thực lòng muốn bảo vệ và giáo dục quyền con người thì chế độ cần khẩn trương đưa vào chương trình giáo dục để mọi công dân đều nhận thức được các quyền con người phổ quát.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) trong phúc trình hồi tháng 10/2024 cho biết Hà Nội đang cầm tù hơn 160 tù nhân chính trị chỉ vì thực thi các quyền con người cơ bản.
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng, người bị kết án sáu năm tù vì các hoạt động cổ suý nhân quyền và dân chủ, nói rằng ông chỉ tin vào việc nhân quyền sẽ được bảo đảm tại Việt Nam khi mà có luật pháp cụ thể để bảo vệ nhân quyền, và những người thực thi nhân quyền không bị sách nhiễu hay bị bỏ tù.
Ông cho rằng đa số Đại biểu Quốc hội hiện nay là Đảng viên, đã và đang thông qua những đạo luật có những điều khoản bóp nghẹt nhân quyền.
Theo RFA