Ngày 24 tháng 1 năm 2025, Bộ Ngoại giao Mỹ ra lệnh ngưng các chương trình viện trợ trong 90 ngày, theo ý Tổng thống Donald Trump – trừ các món cứu trợ thực phẩm khẩn cấp và viện trợ quân sự cho Israel và Egypt. Các khoản viện trợ cho Ukraine và Đài Loan không được nhắc tới. Theo nhật báo South China Morning Post (SCMP), dân chúng Đài Loan rất lo lắng, dù trợ giúp quân sự của Mỹ vẫn.tăng lên trong mấy năm gần đây.
Theo báo SCMP xuất bản ở Hồng Kông, Bộ Ngoại giao chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã trấn an dư luận, nhấn mạnh rằng chính phủ Mỹ chỉ tạm ngưng chứ không chấm dứt các hành động trợ giúp quân sự cho hòn đảo. Đại diện Đài Loan tại Mỹ (trên nguyên tắc không được gọi là Đại sứ) cho biết chính phủ Mỹ đã bảo đảm không có gì thay đổi, và hai bên đã thông cảm.
Tuy nhiên, một quyết định khác của Tổng thống Trump, ngưng phần lớn các chương trình trợ giúp của USAID, đã khiến nhiều đại biểu quốc hội Đài Loan lo lắng. Vì thấy đó là một dấu hiệu chứng tỏ chính phủ Mỹ không còn quan tâm đến thế giới bên ngoài như trước nữa. Cơ quan USAID, United States Agency for International Development, đã yểm trợ các chương trình phát triển tại rất nhiều quốc gia Á, Phi trong 64 năm qua, nhằm tạo cảm tình và tăng uy tín cho nước Mỹ. Khi USAID giảm bớt hoạt động, Trung Quốc sẽ có cơ hội tranh thủ dư luận ở những nước nghèo, qua những khoản cho vay lãi suất thấp để xây dựng hạ tầng cơ sở, theo chương trình “Nhất Đới Nhất Lộ” (Một Con đường, một Vòng đai) mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát khởi từ 12 năm qua.
Ông Tập Cận Bình vẫn theo đuổi mục tiêu nâng cao địa vị của Trung Quốc trên thế giới, thay thế vai trò của Mỹ. Trung Cộng đang chạy đua với Mỹ trong các cuộc chiến thương mại, ganh đua kỹ thuật; hai bên vẫn bất đồng ý kiến về Đài Loan. Bang giao sẽ căng thẳng hơn trong nhiệm kỳ thứ nhì của Tổng thống Donald Trump. Bắc Kinh có thể đoán rằng chủ trương “Nước Mỹ Trước Hết” của ông Trump sẽ khiến Mỹ bớt lo việc trợ giúp những nước nghèo, tạo cơ hội cho Trung Cộng lấp vào khoảng trống đó.
Một quy tắc của Tổng thống Trump là tương quan ngoại giao đều phải “có đi có lại” như mọi giao dịch thương mại khác. Nếu tiếp tục nhận viện trợ quân sự thì đổi lại, Đài Loan sẽ làm gì cho Mỹ?
Trước đây, ông Trump đã ngỏ ý nếu muốn được giúp đỡ thì Đài Loan phải tăng ngân sách quốc phòng lên đến 10 phần trăm Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP). Hiện nay, Đài Loan đang muốn Mỹ tiến hành nhanh chóng việc chuyển giao các vũ khí đã được chấp thuận từ chính phủ trước nhưng đã bị trì hoãn nhiều lần – khiến việc tổ chức phòng thủ hòn đảo khó khăn hơn. Đài Bắc không biết chính phủ Mỹ có bắt đầu cung cấp vũ khí trở lại như cũ, sau thời hạn 90 ngày tạm đình hoãn hay không.
Nếu Tổng thống Trump giảm bớt viện trợ vũ khí cho Đài Loan, đó sẽ là một tín hiệu không lành cho các nước ở phía Đông châu Á và cả vùng Thái Bình Dương. Dù không nói rõ ra, các nước như Philippines, Indonesia, Nam Hàn và Việt Nam đều mong muốn Mỹ đóng vai trò ngăn chặn kế hoạch bành trướng của Cộng sản Trung Quốc. Ông Trump vẫn sử dụng món võ “thuế nhập cảng” (quan thuế, tariffs) nhưng chỉ đánh thuế 10% trên các món hàng từ Trung Quốc bán vào Mỹ; trong khi ông dọa đánh thuế nặng hơn, 25% khi mua từ Canada và Mexico.
Phản ứng của Bắc Kinh sau quyết định quan thuế 10% của Tổng thống Trump cũng rất nhẹ nhàng. Bắt đầu từ tuần lễ thứ ba của tháng Hai, Bắc Kinh sẽ đánh thuế nhập cảng từ 10% đến 15% trên các món dầu, khí và dầu thô mua của Mỹ. Giá trị của tất cả các thứ được nhập cảng này chỉ lên tới $14 tỷ mỹ kim. Trong khi đó, Mỹ sẽ đánh thuế quan trên các món mua từ Trung Quốc, tổng số lên tới $525 tỷ, theo ước tính của Goldman Sachs, một ngân hàng đầu tư. Ngoài món đòn thuế quan, Bắc Kinh cũng hạn chế việc bán các thứ “khoáng chất hiếm” sang Mỹ, và mở cuộc điều tra “chống độc quyền” trên công ty Google – một hành động mang tính tượng trưng.
Sau khi Tổng thống Trump đắc cử lần thứ nhì, Trung Cộng tỏ ý muốn hoàn tất việc thi hành bản thỏa ước thương mại “Đợt Thứ Nhất” mà hai nước đã ký kết vào tháng Giêng năm 2020 khi ông Trump còn tại chức; trong đó họ cam kết sẽ nhập cảng thêm $200 tỷ mỹ kim hàng hóa của Mỹ. Nhưng sau đó không làm gì cả. Họ cũng tỏ ý sẵn sàng thảo luận tiếp về một thỏa ước “Đợt Thứ Hai,” trong đó Trung Cộng phải cam kết sẽ cải tổ cơ cấu kinh tế, giảm bớt vai trò của các xí nghiệp quốc doanh, cho thích hợp hơn với kinh tế thị trường. Ông Tập Cận Bình có vẻ sẵn sàng nói những điều mà ông Trump muốn nghe, nhưng hành động rất chậm chạp.
Trong khi đó, Trung Cộng tiếp tục tấn công chung quanh nước Mỹ, trên khắp thế giới, bằng những thỏa ước thương mại với các nước khác.
Tạp chí Foreign Affairs ghi nhận trong thời gian gần đây Trung Cộng nhiều lần tỏ ý muốn tham gia tổ chức CPTPP gồm 12 nước Á châu Thái Bình Dương để mở rộng giao thương, bù lại tình trạng bị ngăn chặn khi muốn bước vào thị trường Mỹ. Trước đó, một thỏa ước tương tự ra đời do Tổng thống Barack Obama chủ xướng, đã cố ý gạt Trung Cộng ra ngoài dù họ muốn được tham dự. Thỏa ước được ký năm 2016 nhưng chưa bao giờ có hiệu lực vì Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp ước này năm 2017. Mỹ vắng mặt, những nước còn lại quy tụ dưới một tên mới: Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership. Theo điều lệ của CPTPP, Trung Quốc chỉ được tham dự nếu chấp nhận cải tổ cơ cấu kinh tế quốc doanh, là điều ông Tập Cận Bình không thể làm được vì sẽ khiến uy quyền của đảng Cộng sản suy yếu.
Vì thế, Trung Cộng đã tìm con đường khác, là ký kết những hiệp ước song phương với nhiều nền kinh tế khác. Các mục tiêu quan trọng là Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.
Tháng Chín năm ngoái, Bắc Kinh tuyên bố sẽ xóa bỏ lệnh cấm nhập cảng hải sản của Nhật Bản, ban hành từ năm 2023, đề phòng nhiễm chất phóng xạ sau vụ nổ nhà máy nguyên tử. Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Shigeru Ishiba vào tháng 11 khi ông qua dự Á Vận Hội mùa Đông
Tháng Mười vừa qua, Bắc Kinh đã đồng ý ngưng chiến trong vùng Ladakh đang tranh chấp với Ấn Độ. Phó Thủ tướng Hàn Chính (Han Zheng, 韩正) đã tiếp ông Ajit Doval, Cố vấn An ninh Quốc gia của thủ tướng Ấn Độ. Trung Cộng cũng đơn phương quyết định giảm thuế cho hàng nhập cảng từ Australia, cho các công dân nước này được du lịch trong 30 ngày không cần visa nhập cảnh.
Trước những biện pháp đánh quan thuế của chính phủ Mỹ, nhiều xí nghiệp Trung Quốc đã chuyển cơ sở và đưa vật liệu qua các nước khác lắp ráp, hàng hóa thành hình sẽ qua Mỹ dễ dàng hơn mặc dù tất cả đều làm ở Trung Quốc. Hậu quả là trong năm 2023 Trung Quốc tăng số tiền đầu tư vào Việt Nam thêm 80%. Số đầu tư vào Mexico cũng tăng lên tới $3 tỷ đô la vào năm 2022. Giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam đã lên tới $260 tỷ mỹ kim, nhiều hơn cả những trao đổi với Nga là nơi cung cấp dầu khí cho Trung Quốc. Trong số $260 tỷ này, một số lớn là các bộ phận và nguyên liệu để lắp ráp tại Việt Nam. Tất cả đều do muốn xuất cảng sang Mỹ nhưng không mang nhãn hiệu “Made in China.”
Nhờ đi qua cửa sau, Trung Cộng vẫn xuất cảng nhiều như trước, số thặng dư mậu dịch năm 2024 vẫn lên tới một ngàn tỷ mỹ kim. Những nước đứng trung gian như Brazil, và Indonesia, Malaysia, Thailand, trong vùng Đông Nam Á được hưởng lợi trong cuộc chiến kinh tế giữa Mỹ và Trung Cộng. Nhưng ai cũng biết chỉ có nước Mỹ mới có thể giúp các nước này chống đỡ trước chiến lược bành trướng lâu dài của Bắc Kinh.
Ngô Nhân Dụng
Theo VOA