
Cờ Nga trên những ngôi mộ quân nhân Nga chết trong cuộc chiến Ukraine, ở Saint Petersburg, Nga, tháng Hai, 2025. Hình minh họa.
Có thể đặt ra những câu hỏi giả tưởng: Bao giờ Cộng sản Trung Quốc sẽ đánh Đài Loan? Bao giờ Mỹ đưa quân xuống Panama đòi lại quyền kiểm soát con kênh đào mà cố Tổng thống Jimmy Carter đã trả lại cho họ? Nếu hỏi mua đảo Greenland mà Denmark không chịu, liệu Mỹ có dùng đến quân đội để dành quyền kiểm soát hay không? Thử nhớ lại mấy bài học lịch sử để rút kinh nghiệm.
Năm 1939 Hitler đột ngột tiến quân vào Tiệp Khắc, thành công vì chính phủ ở Praha đã khôn ngoan đầu hàng ngay cho dân khỏi chết vô ích. Đánh qua Pháp cũng vậy, tuy phải chờ lâu hơn. Nhưng khi Quân Phiệt Nhật mở rộng cuộc chiến ở Trung Quốc thì Mỹ nhảy vào. Cuối cùng cả Đức và Nhật thất trận. Trong thời đại chúng ta, Tổng thống George W. Bush quá lạc quan khi quyết định tấn công Iraq, kết quả là nước Mỹ sa lầy hàng chục năm. Vladimir Putin đang sa lầy ở Ukraine vì ảo tưởng mình có thể nuốt chửng nước láng giềng.
Chính phủ các nước thường phân tích lợi hại trước khi dùng vũ lực đối với những nước khác. Các ông Putin, ông Bush chắc đã suy nghĩ kỹ trước khi hành động, nhưng khi tính toán vẫn có thể sai lầm. Làm sao để tránh bớt sai lầm?
Có thể nghe ý kiến của Phật Thích Ca.
Năm Phật đã 80 tuổi, ngài trở lại thị trấn Rajagaha xứ Magadha (Ma Kiệt Đà) thì ông vua Bimbisara (Tần Bà Sa La) đã bị con là Ajatasatthu (A Xà Thế) lật đổ. Ajatasatthu biết địa vị mình không chính đáng, muốn thăm dò ý kiến Đức Thích Ca, sai Tể tướng Vassakara đến thăm. Vassakara tới núi Linh Thứu, thưa với Đức Phật rằng Ajatasatthu đang tính sẽ đem quân qua đánh Vajjis, một nước láng giềng rất mạnh.
Đức Thích Ca biết rằng ông vua thoán nghịch không cần báo tin cho ngài biết những toan tính của ông ta, mà chỉ muốn thăm dò phản ứng của Phật về vụ cướp ngôi mà thôi. Thay vì nói chuyện với khách, ngài quay sang hỏi một đệ tử về nước Vajjis: “Ananda, con có nghe nói trong nước Vajjis người ta thường vẫn tập họp dân chúng, rất đông người đến dự hay không?” Ananda xác nhận.
Đức Phật lại hỏi: “Con có nghe người dân nước đó hội họp trong hòa thuận, quyết định trong hòa thuận và làm bổn phận của mình trong hòa thuận, tuân thủ các luật lệ do họ đặt ra trong hòa thuận; họ tôn kính những người hiểu biết và kinh nghiệm; họ không để cho đàn bà con gái bị sách nhiễu; họ tôn trọng tự do đối với các tín ngưỡng khác hay không?” Ananda nói, “Đúng như vậy.”
“Nếu người Vajjis tiếp tục sống như thế thì, Ananda, nước đó sẽ không dễ khuất phục. Nước đó sẽ vững vàng, không suy yếu.”
Câu chuyện trên, trong Theo Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya), cho thấy Đức Phật nghĩ rằng một nước người dân sống hòa thuận với nhau thì sẽ mạnh. Một nước sống theo tinh thần tự do dân chủ thì các nước lớn khó xâm lăng. Nhưng ngài còn nêu thêm nhiều chi tiết khác đáng chú ý. Trong nước Vajjis dân chúng được hội họp, được quyết định; họ có quyền đặt ra luật lệ; họ tôn trọng những người yếu thế như đàn bà con gái; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng. Đó chính là những đặc tính của một xã hội tự do dân chủ - trong hoàn cảnh lịch sử trước đây 25 thế kỷ.
Từ khi loài người thí nghiệm các thể chế dân chủ thì các cuộc chiến tranh chỉ xảy ra giữa các nước độc tài, hoặc có ít nhất một chế độ độc tài tham chiến. Những nước tự do dân chủ thường không đánh nhau. Có lẽ lý do giản dị nhất là nếu người dân được tự do lựa chọn, họ không bỏ phiếu cho những ứng cử viên muốn gây chiến. Nếu tránh được, không ai muốn chết vì chiến tranh. Hoàng đế Napoleon nói một câu nổi tiếng, “Lòng ái quốc là đức tính cao quý nhất.” Hiển nhiên, ông muốn khích động tình yêu nước của các thanh niên, để họ hăng máu chạy theo ông đi chinh phục các nước khác.
Đức Thích Ca đã gặp vua Bimbisara từ lâu, sau khi một đạo sĩ thành công, nổi tiếng, lớn tuổi hơn ngài, là Đại Ca Diếp (Maha Kassapa) xin được Phật nhận làm đệ tử - một biến cố chấn động dư luận đương thời. Bimbisara, lúc đó chưa bị con trai bỏ tù, hỏi Phật rằng “một ông vua lý tưởng phải thế nào?” Phật nói, “Phải làm sao dân chúng được an lạc. Cai trị dân theo đức công chính, không dùng quyền lực và vũ khí.” Sau đó, Phật giải thích cho ông vua hiểu rằng mọi hành động, thiện hay bất thiện, đều do nhiều nhân duyên đưa đẩy; rằng người dân có thể phạm pháp vì tham, sân, si; cần giáo dục họ cũng như dùng hình phạt, vân vân. Chống sát sinh, ngài cũng không chấp nhận án tử hình. Nhân nói chuyện với ông vua, Phật bàn thêm về hệ thống chính trị.
Bimbisara hỏi thêm, “Một ông vua lý tưởng có cần thuộc đẳng cấp “Kshatriya” (Sát Đế Lỵ), theo truyền thống hay không?” Ngài nói “không.” Tại Ấn Độ thời đó có bốn đẳng cấp chính, “Kshatriya” là đẳng cấp gồm những người chỉ huy về chính trị hoặc quân sự, đứng thứ nhì sau đẳng cấp Bà La Môn lo về tín ngưỡng. Đức Thích Ca là một hoàng tử, cũng thuộc đẳng cấp Kshatriya trước khi xuất gia. Ngài cho biết trong danh hiệu vị vua đầu tiên trong lịch sử, “Mahasammata,” chữ “Maha” nghĩa là lớn, và “sammata” nghĩa là được mọi người cùng chấp nhận.
Phật giải thích thêm: Mahasammata được đa số kính trọng, tôn lên làm ông vua đầu tiên vì đức công bình, lương thiện và vô tư, và được đa số dân chúng đồng ý. Nhưng, Phật hỏi, “Mahasammata được dân chọn có phải vì ông ta thuộc đẳng cấp Kshatriya hay không?” “Không,” vua Bimbisara nói, “Vì trước đó không có đẳng cấp này, ông ta là người Kshatriya thứ nhất, những ông vua sau đều thuộc dòng dõi của ông.” Phật giải thích, “Một người “Kshatriya” được quyền chỉ huy là do những hành động của họ, vì họ giữ đức công chính, chứ không phải vì sinh ra trong một gia đình thuộc đẳng cấp đó.
Cho nên, người lên ngôi vua không phải nhờ cha truyền con nối mà vì được đa số dân chúng chấp thuận. Không ai có quyền cai trị những người khác nếu không được dân chấp nhận. Khi một người được lên làm vua thì phải làm sao tất cả dân chúng được no đủ và hạnh phúc, chứ không phải chỉ lo cho những người thuộc nhóm đa số ủng hộ mình. Chỉ tha thiết lo cho những người ủng hộ mình mà ghét bỏ những người khác thì không phải là một ông vua tốt.
Nghe lời Phật xong, vua Bimbisara tán thán, xin được ngài nhận làm một đệ tử, dâng tặng các ngôi nhà mới xây dựng trong khu Rừng Trúc làm nơi cư ngụ cho cả tăng đoàn. Câu chuyện này cũng được kể trong Trường Bộ Kinh bản chữ Pali (Digha Nikaya 3, trang 58-79).
Trong thế kỷ đó, ở Trung Quốc, Đức Khổng Tử cũng thấy đối với một ông vua thì lòng tin tưởng của dân là điều kiện quan trọng nhất. Trong Luận Ngữ, thiên Nhan Uyên, Tử Cống hỏi về đạo trị nước, Khổng Tử nêu ba điều kiện: “Túc thực, túc binh, dân tín chi hĩ” (Dân đủ ăn, đủ quân đội, và được dân tin tưởng.” Tử Cống hỏi, nếu không thực hiện được cả ba thì có thể giảm bớt thứ gì? Khổng Tử nói, “Quân đội” (Khử binh). Lại hỏi, “Trong hai điều còn lại, nếu cần thì giảm bớt thứ nào?” “Bớt lương thực!” Dân có thể đói, nhưng mất lòng tin của dân thì mất nước.
Vậy Trung Cộng có nên đánh chiếm Đài Loan hay không? Không nên. Kinh tế Đài Loan đang thịnh vượng. Dân chúng tin tưởng vào thể chế dân chủ, họ có quyền tự do thay đổi chính phủ. Đánh khó lắm, sẽ hao tốn rất nhiều mà kết quả không chắc chắn. Còn Panama và đảo Greenland thì sao? Panama chắc cũng khó nuốt, vì dân chúng nước này cũng không muốn mất chủ quyền. Họ có thể tập kích phá hoại cả con kinh đào để không ai dùng được, mực nước của Đại Tây Dương và Thái Bình Dương cao thấp khác nhau, điều động việc lưu thông rất phức tạp. Và các nước đang sử dụng thủy lộ nối liền hai đại dương này cũng không ai muốn một cường quốc chiếm độc quyền. Và Greenland, dân chúng ở đó đã tỏ thái độ chống mọi cuộc xâm lăng. Tấn công hòn đảo này là gây chiến với Denmark, các nước Âu châu sẽ hợp sức chống lại. Cũng khó nuốt, không khác gì Putin đang như “cá mắc cạn” ở Ukraine.
Tấn công một nước quen sống dân chủ tự do rất khó. Đó là lời khuyên của cả Đức Phật cũng như Đức Khổng Tử.
Ngô Nhân Dụng
Theo VOA