logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 22/02/2025 lúc 11:02:25(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,366

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Lòng ta chôn một khối tình

Tình trong giây lát mà thành thiên thu

Khái Hưng



Mon âme a son secret, ma vie a son mystère

Un amour éternel en un moment conçu

Sonnet d’Avers





Nhân dịp ngày lễ tình yêu, nhắc đến tình yêu, hẳn ta nhớ ngay đến bài thơ tình già, tả cuộc tình chắc nich của cụ Phan Khôi :



Hai mươi bốn năm xưa

Một đêm vừa gió lại vừa mưa

Dưới ngọn đèn mờ

Trong căn nhà nhỏ

Hai mái đầu xanh kề nhau than thở



Ôi đôi ta thương nhau hẳn đà tình nặng

Mà lấy nhau hẳn đà không đặng

Đến nỗi lòng tính trước phụ sau

Chi bằng sớm liệu mà buông nhau

Hay, nói mới bạc làm sao chớ

Buông nhau làm sao cho nỡ



Thương được chừng nào hay chừng nấy

Chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy

Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng

Mà tính chuyện thủy chung.



Hai mươi bốn năm sau

Tình cờ đất khách gặp nhau

Hai mái đầu đều bạc, nếu chẳng quen lung

Đố có nhìn ra được?

Ôn chuyện cũ mà thôi, liếc đưa nhau đi rồi

Đôi mắt còn có đuối…

Thơ mới Phan Khôi


Thưa bạn, chuyện tình yêu là vậy, là xa xưa như trái đất, và vẫn luôn luôn là mới, vì con người sống cần tình yêu, con người mà không có tình yêu thì quá mộc mạc đến u tối, như một bầu trời không trăng sao. Tình yêu có nhiều thay đổi, tùy theo tuổi, theo hoàn cảnh và tùy theo mỗi người.



Khi ta còn trẻ, tình yêu tuổi đôi mươi nồng cháy hăng say, “yêu là yêu không bờ bến rồi…”



Qua tuổi trung niên, tình yêu ấm áp, phong kín và đậm đà đầy kỷ niệm khó phai nhòa.



Tình yêu với thời gian, đi vào tuổi lão niên, nếu còn sống đó là những sợi tơ hồng thừng, chão bền chặt, khó rời.



Có những cụ ông cụ bà 70, 80 tuổi còn sống bên nhau, nương dựa lẫn nhau, không phải là họ chỉ cậy nhờ nhau miếng cơm ly nước, mà họ nương tựa vào sự có mặt bình yên của nhau rất nhiều, bà khỏe thì ông khỏe, ông vui thì bà vui theo, một cánh hoa tàn thì cánh hoa kề bên sẽ rung rung.



Tôi xin kể hầu bạn nghe câu chuyện tình yêu khá đặc biệt của cha mẹ nuôi tôi, là ông Quách Vĩnh Sanh và bà Võ Thị Chanh.



Lý do tôi khăng khít liên hệ với họ cũng rất tình cờ, hồi đấy ông chồng tôi đi xa, bận công việc, tôi ở lại nhà một mình hai ba tháng, đặng coi chừng nhà, vì có lúc xã hội quá bất ổn.



Ở nhà một mình, tôi tự do coi T.V tối ngày, ra vô internet coi tin tức và đi du lịch quảng cáo hà rầm, riết cũng chán, mỏi mắt, hôm ấy đẹp trời, tôi quyết định ra ngoài.



Tôi ra siêu thị Auchan gần nhà, ô vui quá, siêu thị giáp dịp lễ Noël cuối năm rộn rịp người mua sắm, đầy hàng hóa đủ màu long lánh tươi vui, nhộn, rộn ràng. Đi rảo rảo mỏi cẳng, tôi ra băng ghế ngồi nghỉ, uống nước và đọc sách. Chỗ đấy có một quầy sách tự do, ai muốn coi cứ lấy coi, coi xong tự nhiên để lại chỗ cũ. Rồi đang coi sách dậy nấu ăn, tự nhiên có một chị đồng hương ghé ngồi xuống kế bên và ngỏ lời:



Chị ơi, chào chị, chị là Việt Nam hả? Chào chị và cho mình làm quen nhe, chị cũng ở gần đây?



Chào bồ, oui, tôi, Việt Nam, tôi ở gần đây thôi, tôi tên Mai, rất vui được quen bạn.

Em ở ngay dẫy nhà sau siêu thị, residence de nénuphar, em tên Liên, 55 tuổi, em còn làm việc cho banque Société Générale. Em có chồng và hai con đã lớn. Em còn có một mẹ già 95 tuổi, đang ở với em cùng nhà.



Mình hơn bạn 10 tuổi, vừa nghỉ hưu, nên rảnh rang và như lúc này thư thả ra đây đi dạo chợ Noël. Ngồi cạnh nhau thủ thỉ tâm tình được khoảng nửa giờ, thì cô Liên mới làm dạm hỏi:



Chị ơi, chị có biết ai là người Việt mình, mà muốn đi nuôi một bà già Việt Nam không? Mách dùm em, đó là nuôi, canh giữ má em đó. Bả còn tỉnh táo lắm, chỉ cần người giúp đỡ khi bà ăn uống, thay áo quần, giúp làm vệ sinh và canh chừng bả trong nhà thôi.



Tôi nghe Liên kể một lô công việc, liền nheo nheo mắt:



Nè, mướn mình đi, mình đang muốn làm việc nè!



Ok, vậy được quá, cám ơn chị, em đưa chị về nhà gặp má em nhe, má em tên Chanh, gọi là má Chanh!



Tôi rảo bước đi theo Liên về gặp má Chanh… chẳng biết cụ như thế nào, chanh hay quất đây, nhưng tôi tự nhủ sẽ cố gắng chiều và săn sóc cụ… vì tôi mồ côi, thiếu mẹ từ thời thơ ấu. Tôi thích có mẹ lắm.



Nhờ thế tôi được gặp má của Liên, đó là một cụ già gần 100 tuổi, 95, nói cho đúng. Cụ già rồi mà còn sạch sẽ chu đáo gọn gàng. Cụ đẹp người, mặt sáng như gương và rất tình cảm, cụ gọi tôi là con gái ơi, và tôi cũng kêu bà là má cho tiện việc thưa gởi.



Mỗi ngày tôi đến 8 giờ sáng, coi chừng má Chanh cho Liên yên tâm đi làm, chiều lối 7 giờ, Liên về nhà và tôi về nhà tôi. Liên trả tôi một phong bì tượng trưng 20 euros mỗi chiều và một phần ăn tối.



Liên có một ông chồng Tây rất dễ mến, cởi mở và lịch sự. Louis vui vẻ với má và cả với tôi nữa.



Vậy mà một tuần lễ sau, má nói má sắp về nhà má, thì con gái có đi theo coi chừng má nữa không? Ok để xem, thì ra má thu dọn về nhà má, cũng gần đó thôi, ở phía bên kia siêu thị, nhà của nhà nước cho mướn, nên không đẹp sang trọng như cái villa của vợ chồng Liên ở.



Tôi đưa má về nhà má, mẹ con đi bộ, cũng không có gì nhiêu khê ngoài hai giỏ sách gọn ghẽ. Lúc chia tay Liên tâm sự với một chút bực bội:



Chị Mai à, thôi về bển, chị vẫn đến săn sóc má như ở đây nhe, em vẫn trả tiền sòng phẳng như vậy, ở bển cũng như ở đây vậy.



Tôi lơ mơ không hiểu lắm thì Liên kể lể tiếp:



Má không muốn ở với tụi em lâu, chỉ chừng vài ba bữa là má đòi về bển, ở bển, má sống với cậu tư, cậu là chồng đầu tiên, chồng sau đó và chồng bây giờ của má! Liên nói lung tung không rõ lắm. Nhưng sau khi đưa má về bên nhà housing, gặp cậu tư, thì tôi hiểu rõ hơn hoàn cảnh của má.



À, là có vậy, cậu tư là chồng má Chanh, là ông Quách Vĩnh Sanh thân quý, mà những ngày tiếp theo đó, tôi coi ổng như cha nuôi của tôi vậy và kêu ổng bằng ba Sanh.



Ba Sanh tánh tình rất hào hiệp, cởi mở thân ái với tất cả mọi người xung quanh, từ đứa con nít chạy giỡn đâm sầm vào ông tới cả người facteur. Ông tướng người cao ráo phương phi, mặt mũi sáng láng, rất xứng đôi với má Chanh.



Khi rảnh rang, ông ra ngoài vòng rào siêu thị, lượm ba món đồ còn tốt như quạt, nồi cơm điện, tv, mà người ta xài chán quăng bỏ, ông mang chúng về lau chùi, tu bổ lại, khi thử điện xong, thấy vận hành tốt, ông ghi vô là: en bonne qualité, xong bao bọc mang bỏ để ngoài hành lang siêu thị, coi ai có cần hay nghèo túng thì cứ tự nhiên khuân về mà xài, c’est gratuit!



Ngoài cửa sổ hành lang nhà, ông trồng đủ loại bông hoa rất vui, đẹp rực rỡ. Quý nhứt là những chậu bông giấy đủ màu đỏ, tím, trắng, vàng. Có những chậu hoa lan đã tàn mà ông khéo tu bổ tưới tắm, chúng lại trổ bông nhiều lắm, rất dịu dàng.



Tôi chỉ có thể đứng trước dậu mà ngắm ngó, nhưng chẳng dám mở lời khen, vì lỡ khen thì ông cụ hối:



Lấy đi, lấy vài giò mang về nhà cô đi, trồng cho vui! Chúng tôi tự nhiên đi tới chỗ thân tình rất mau vì ba Sanh đã kể là, khi xưa ông ở trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, ông cứ nói vắn tắt, dân V.B ấy mà! Tôi thắc mắc vặn hỏi V.B là cái gì? Ông cười xòa, võ bị ấy mà, võ bị Đà Lạt. À ra thế. Ông ở trong quân đội, tôi nhỏ hơn nhiều tuổi và cũng ở trong hàng ngủ giáo chức thể chế VNCH.



Ngày ấy, trước 1975, tôi dậy học ở Nhơn Trạch, Biên Hòa. Nghe nói vậy, ông mừng rỡ vì ông có một người bạn chí thiết là đại úy Long, làm quận trưởng quận Nhơn Trạch đồng thời.



Ông cứ kể đi kể lại tới hai ba lần là cái ngày đình chiến theo hiệp định paris 27-01-1973, ông về quận Nhơn Trạch thăm yếu khu thành Tuy Hạ, thăm quận trưởng Long rồi nhơn dịp đó, có quân nằm vùng mặt trận mang cờ hai màu ra căng ở bìa rừng cao su để giành dân chiếm đất ông tức tối rủ đại úy Long chở đại bác ra phía ngoài bìa rừng, lên đạn nhắm thẳng cờ mặt trận bắn, đoàng đoàng đoàng cho lá cờ cộng sản của chúng chạy biến mất vô rừng cây cao su rậm rạp…



Ông cũng từng tâm sự về mối tình tha thiết của ông và bà má… “Ba biết má lúc má còn con gái, ở Trung Lương Mỹ tho, má còn trẻ, đẹp lắm với tuổi ngoài đôi mươi, má đẹp dịu dàng trong sáng rất khả ái. Khi đó, ba có 16, 17 tuổi ba đã nhìn thấy và thầm yêu cô Chanh. Ít năm sau, má đi lấy chồng, má lấy ba Hiếu, là ba ruột của cô Liên đó và Liên có một em trai tên là Thảo. Nghe nói em trai Thảo đã mất khi còn nhỏ. Sau khi họ đã có hai con, chẳng may ba Hiếu bạo bệnh mà mất đi lúc tuổi còn rất trẻ. Người ta đồn má Chanh có số sát phu; sát gì sát, ba vẫn thường yêu trộm nhớ cô Chanh.



Sau khi chồng chết, má Chanh buồn bỏ lên Saïgon, buôn buôn bán bán, rất khấm khá, vào thời buổi người Mỹ đổ vào Việt Nam khá đông. Còn ba thì gia đình hối thúc lên Saïgon học thi tú tài, sau đó, may, thi vô được quân trường VB Đà Lạt.



Vô được trường VB, ba vùi đầu học quân sự và dùi mài kinh sử để quên đi tình yêu day dứt buổi đầu.



Sau bốn năm học, về đơn vị tác chiến, ba đi hành quân nhiều nơi thấm mệt thấm vui mà ba vẫn không quên người cũ.



Trong một lần về Saïgon bát phố, lang thang qua các đường Lê Thánh Tôn, Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực, rồi đường Tự Do, tình cờ dòm qua những cửa kính những mặt hàng sang trọng, ô, ngớ ngẩn, mà ba loáng thoáng thấy ai như cô Chanh ẩn hiện lấp ló giữa một lố cửa kính, ba định thần nhìn kỹ và mạnh dạn bước vô một cửa hàng, vô rồi, ba thấy má Chanh con thiệt, bằng xương bằng thịt, bà như rớt từ trên trời xuống trước mặt ba, bà đó, bả đứng bán trong một cửa hàng mỹ phẩm Coty sang trọng ở thương xá Passage Eden. Ba vô chào và hai người nhận ra nhau… cùng quê Mỹ Tho đã 9 năm trước. Từ đó, thấu rõ hoàn cảnh đơn thân của cô Chanh, nên về được thành phố, là ba lui tới đó hoài hoài. Y là má Chanh cũng ưng ý ba… nên vui lắm mỗi lần gặp nhau. Hồi đấy, như là ba cũng khá bảnh bao.



Nhưng, cái gì cũng nhưng, là gia đình bên ba phản đối dữ dội không cho ba cưới cô Chanh, viện lẽ trai tơ không lấy gái nạ dòng!



Nhưng ba rất yêu và nhứt định cưới cô Chanh làm vợ chánh thất, ba giận má ba và không kể họ hàng, ba tự lo làm đám cưới trong quân đội và ba có mời cho được cô Mai Lệ Huyền và ca sĩ Hùng Cường tới hát giúp vui… đám cưới nhà binh, vui, hùng hậu, rôm rả lắm… cô dâu thì đẹp não nùng… và may thay hôm đấy đấy, cái tụi VC nó không pháo kích ùng oàng…



Sau đó, ba có nơi dừng chân ở Saïgon mỗi lần về phép, ba má sống êm đềm bên nhau, rồi mỗi lần được ra ngoại quốc như qua Mỹ hay qua Mã Lai học về tác chiến cận chiến, đi và về thì ba mang theo hai valises chất đầy mỹ phẩm, hàng deluxe cho má con bán… xen kẽ là những đồ lót đắt tiền. Nói thiệt ra lương nhà binh, ba đâu có nhiều nhặn gì tiền mà giúp má nuôi Liên và em Hùng mà má mới sinh ra sau này.



Nhưng, lại nhưng nữa, là khi má buôn may bán đắt, bạo tay kiếm tiền lớn, thì mất Miền Nam, ngày 30-04-1975, ngày đại nạn dân Miền Nam ta.



Ba không về kịp nhà một lần, ba bị bắt ngay trong đơn vị tác chiến, ba là tù binh bị đẩy ra Bắc ngay. Mịt mù tin tức, mãi ba năm sau, mới hay tin má Chanh đã xoay sở nhờ cậy một người bạn hàng ở pháp làm mai mối cho má một ông Tây già, để làm hôn thú đặng má xuất cảnh mà mang theo các con ra ngoại quốc. Ở nước ngoài má phải sống với người chồng Tây 5 năm trời, hầu hạ săn sóc ổng và khi ổng ra đi vĩnh viễn. Má Chanh lại lần mò quay về Việt Nam.



Về lại quê hương tù tội, má lặn lội đường xá xa xôi thăm ba, sau lo liệu làm lại hết giấy tờ hồ sơ bảo lãnh kịp mười năm sau, khi ba được thả về, má lo cho ba cùng sang đây.



Con coi, tình thì nặng, nghĩa thì đầy, mà sao Liên hay kiếm chuyện cằn nhằn má nó và ba hoài!”



Ba để đó con, con lo vụ này, con sẽ giải thích cho Liên nó hiểu là: con nuôi cha không bằng bà nuôi ông và ngược lại ông nuôi bà cũng vậy, đó là phong tục Việt Nam, lại nữa, má ở bên đó, trong ngày, hai đứa nó đi làm suốt, nhà vắng hoe, buồn hiu…



Mà này, ba cũng 86 tuổi rồi, lúc này coi má Chanh run run yếu, lo cho má ba có mệt không?



Thì có ngày ba cũng mệt cầm canh, nhưng ba hạnh phúc sống bên má. Quê hương đã mất rồi, mất tất cả rồi… ba còn một chút hạnh phúc nhỏ nhoi tuổi già bên bả. Tội nghiệp, ông nói thế đó rồi xúc động, đưa Kleenex lên chậm chậm mắt lèm nhèm.



Mà ổng thương yêu bà hết lòng, bà thích ăn bánh cuốn hay bánh tôm, ông lật đật làm hay có tiệm bán đâu đó, tìm mua về cho bả ăn. Trước là vụng, sau lần khéo và ngon, hai người vừa ăn vừa ngỏn ngoẻn ngó nhau cười y hai đứa con nít nhỏ.



Khi thấy trên mặt bà có lẩn mẩn vết thâm thâm, ông vội tìm crème mỹ phẩm về thoa thoa nhẹ nhàng, xóa xóa những vết nám trên da bà. Ông nói bà không phải là bà già mà bà là bà trẻ của ông. Thiệt ra bà nằm hơi nhiều trong ngày! Có lần Liên bất chợt nhìn thấy ông đang lau mặt thoa kem cho bà, nó đưa tay lên trời, cằn nhằn: “đúng là hai con khỉ già!”



Tuy bà trẻ của ông thiệt mà bà đã phải mang couches và ông luôn chằm hăm rình xem thứ ba nào siêu thị bán hạ giá couches, ông vội đi mua ngay về cho bà 2,3 lố bự… đặng thay luôn cho dễ chịu.



Đêm đêm bà ngủ mơ ngủ mớ, kêu và gọi, làm ông lại hô mệt cầm canh! Ban ngày, khi ở đó, tôi hối ông đi ngủ một buổi chiều đặng lấy lại sức khỏe… có lần đó, ông kể ban đêm rồi, bà mơ và gọi lớn: Hiếu ơi, Thảo ơi… bảo rằng nằm mơ thấy người trong gia đình đã mất từ lâu là điềm gở… nhưng rồi ông đứng lên tập vài động tác thể dục nhẹ và rót nước uống ngay.



Một lần đó, bà nói bà bị đau ran ran bên mạn sườn. Tôi trấn an là không sao, chắc là bị gaz dồn ép, nên đi khám bác sĩ. Nhưng mà ông không tin, ông phản bác:



Không phải tại gaz đâu, với má, có thể là chuyện khác, độ xưa là xưa, má con buôn bán đồ lót đắt tiền, có lúc bà cần biểu diễn, và bà đã lỡ đi sửa ngực, nay tuy đã lâu rồi, cũng phải đi kiểm tra lại. Ba nghĩ như ngày đó, cỡ minh tinh màn bạc cũng ít có hàng hiệu mà uốn éo như bả đâu . Bả uốn éo thử qua thử lại trước gương coi có duyên lắm! Y con nít làm điệu.



Bẵng đi một tuần bận công chuyện riêng, một ngày bất ngờ tôi trở lại khuôn viên Auchan, vừa đi ngang vòng quay xe ngựa voi giải trí của trẻ em, tôi thấy ông ba ra ngồi tò ho một bên cổng siêu thị, bên cạnh có 3,4 lô couches bự che khuất nửa người.



Tôi dáng chừng tò mò hỏi: bữa nay siêu thị bán đại hạ giá couches sớm quá hả ba?



Ông không trả lời, chỉ nhìn lên bóng đèn và ứa nước mắt: rồi thều thào:



Đây không phải đồ mua, đồ nhà, ba mang ra đây đặng mang đi cho, đi biếu, c’est gratuit… ai cần cứ lấy!

…..



Ờ… mang đi biếu, không xài nữa, bị má mất rồi…

…..



Má Chanh mất rồi, đưa vô bệnh viện bị má khó thở, rồi bà đi rất mau, đi ngay trong phòng khám.



Ông nói một hơi rồi lặng lẽ khóc… khóc ấm ức, nghẹn!

Cứ nhìn ông già khóc vợ nghẹn lời, mà nhớ lại nhiều lần ông còn như muốn kể lể:

Cuộc tình của ba với má Chanh gián đoạn rồi kết nối nhiều lần mà không đáng buồn vì là cuối đời ba vẫn yêu quý má, má vẫn yêu thương ba như ngày đầu mới gặp…



Thiệt là tái hồi Kim Trọng ba hả? Ba may mắn lắm đó. Ông già nhà binh hết thời, vẫn nhẹ tênh, trả lời hỉ hả ra chiều tâm đắc:



Ôi trời! Cám ơn! Trong mọi hoàn cảnh, mà vẫn nghĩ tốt về nhau, lo lắng, cư xử với nhau thâm tình thâm nghĩa là tình yêu tuyệt vời… còn như cái miệng thế gian toàn mơ hồ vẩn vơ:



“Buông luông thì cũng chẳng mòn

Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ”

Ngày lễ Tình Yêu / 2025

nhớ về gia đình ba má Sanh

Chúc Thanh

Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.423 giây.