
Các nhà hoạt động tham gia biểu tình gây quỹ hỗ trợ thiệt hại và mất mát tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ COP28, vào ngày 6/12/2023. Hoa Kỳ vừa rút ra khỏi hội đồng quản trị của quỹ này.
Hoa Kỳ đã rút ra khỏi hội đồng quản trị quỹ thiệt hại khí hậu của Liên Hiệp Quốc, vốn được dành để giúp các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương đối phó với các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra, theo một bức thư mà Reuters xem được.
Việc rút khỏi hội đồng này là một trong nhiều bước đi của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm chấm dứt sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Động thái này diễn ra trong bối cảnh quốc gia giàu nhất thế giới đang rút khỏi nhiều sáng kiến đa phương.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, chính quyền của ông Trump đã dừng việc tham gia của các nhà khoa học Mỹ vào các đánh giá khí hậu toàn cầu, rút khỏi các thỏa thuận tài trợ giúp cho các quốc gia giảm sử dụng than và một lần nữa đưa Mỹ ra khỏi thỏa thuận khí hậu Paris.
Gần 200 quốc gia đã đồng ý ra mắt quỹ “tổn thất và thiệt hại” tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 của Liên Hiệp Quốc vào năm 2023, trong một chiến thắng cho các quốc gia đang phát triển, vốn đã yêu cầu trợ giúp trong nhiều năm do các sự kiện thời tiết khắc nghiệt gia tăng.
“Cả Thành viên Hội đồng của Hoa Kỳ và Thành viên Thay thế của Hoa Kỳ sẽ từ chức, và không thay thế bằng đại diện Hoa Kỳ”, Rebecca Lawlor, đại diện của Mỹ trong hội đồng quản trị của quỹ, cho biết trong một lá thư ngày 4 tháng 3 gửi cho đồng chủ tịch quỹ Jean-Christophe Donnellier.
Việc rút lui có “hiệu lực ngay lập tức”, lá thư nói thêm.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ không trả lời lập tức yêu cầu bình luận.
Quỹ thiệt hại về khí hậu do Ngân hàng Thế giới quản lý, có chủ tịch do Hoa Kỳ bổ nhiệm. Lá thư của Mỹ không đề cập đến bất kỳ thay đổi nào đối với thỏa thuận quản lý hoặc không làm rõ liệu việc rời khỏi hội đồng quản trị có dẫn đến việc rút hoàn toàn khỏi quỹ hay không.
Tính đến ngày 23/1, các quốc gia giàu có đã cam kết tài trợ 741 triệu đô la cho quỹ, theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc, trong đó Hoa Kỳ đóng góp 17,5 triệu đô la. Không rõ liệu bây giờ Mỹ có thực hiện lời cam kết đó hay không.
Quỹ này dự kiến sẽ bắt đầu tài trợ cho các dự án trong năm nay, hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương đã phải chịu thiệt hại không thể khắc phục được do hạn hán, lũ lụt và các tác động khác của khí hậu, chẳng hạn như đất nông nghiệp trở nên cằn cỗi.
Nhà hoạt động Harjeet Singh nói việc Hoa Kỳ rút khỏi quỹ không giải thoát quốc gia này khỏi trách nhiệm giải quyết thiệt hại do khí hậu.
“Là quốc gia phát thải lớn nhất trong lịch sử, Hoa Kỳ phải chịu một phần trách nhiệm đáng kể về những bất lợi về khí hậu ảnh hưởng đến các nhóm dân số dễ bị tổn thương trên toàn thế giới”, ông Singh, giám đốc của Tổ chức phi lợi nhuận Satat Sampada Climate Foundation, nói.
Theo VOA