logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 26/04/2025 lúc 09:04:13(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,476

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Biển đêm như vô thức một màu đen mênh mông, nhưng biển chứa toàn bộ lịch sử con người từ lúc còn là tế bào phôi sống cho đến khi biến thành DNA, rồi từ thú vật tiến lên con người. Lịch sử đó đầy ngập dữ liệu nhưng chôn sâu dưới đáy nước. Hồi tưởng chỉ là những con sóng nổi dập dìu, cho dù sóng lớn dữ dằn trong bão tố vẫn không mang được hết đáy nước lên trên mặt. Vì vậy, biển lúc nào cũng bí mật.

Vô thức cũng bí mật. Càng gây thêm khó khăn để chứng minh sự thật vì vô thức có khả năng biến đổi dữ liệu hồi tưởng. Chỉ những người thiếu bản lãnh mới tin vào trí nhớ của mình và của người khác. Nhưng toàn bộ nhân loại sống và tạo ra ý nghĩa hầu hết dựa vào bộ nhớ. Một số ít người hiểu rõ điều này, nhưng không làm gì khác hơn, vì hồi tưởng tự động và tự nhiên xuất hiện dù không đầy đủ, kể cả, khi con người kêu gọi ký ức đến, nó cũng đến trên xe lăn, hoặc chống nạn, hoặc bò lết như kẻ tàn tật. Trí nhớ về bất kỳ chuyện gì cũng thiếu sót và biến dạng theo sở thích của chủ nhân. Vậy mà, bộ nhớ tạo ra tiểu sử và lịch sử. Một phương tiện duy nhất mà con người vịn vào để tìm biết mình là ai, lại là phương tiện không chính xác.

Ông già ngẫm nghĩ như vậy trong đầu nhưng không nói ra vì ông trung niên và cậu thanh niên chưa chắc đã hiểu.

Chiếc thuyền câu đã tắt máy, lênh đênh giữa biển, đêm không trăng, nhiều mây, có sương mù. Những cần câu lớn nhỏ cắm xung quanh vách thuyền, tạo hình ảnh con nhện đi ăn đêm.

- “Đêm nay sóng êm quá. Thế nào cũng bắt được nhiều cá. Chiều nay, đài khí tượng cho biết, thời tiết bình thường cho đến tuần sau mới có mưa lớn.” Anh thanh niên cầm con dao bén lóc một một miếng cá thu tươi, chấm vào tương, rồi cho vào miệng.

Ông già: - “Ăn uống chẳng mỹ thuật gì cả.” Ông dùng con dao cá nhân nhỏ, cắt một miếng cá hình chữ nhật, gọn gàng, vắt lên vài giọt chanh, kẹp vào mấy miếng rau, dùng một lá rau lớn cuốn miếng cá vuông vức, cắt bỏ hai đầu lá, bấy giờ, miếng cá trông như một miếng nem nhỏ. Từ tốn kẹp đôi đũa, không quá mạnh, vừa đủ gắp lên, chấm vào tô tương rồi rút lại thật nhanh, đưa chén lên hứng, chờ nước tương chảy ráo, bỏ vào miệng, ngậm lại, chưa nhai, tưởng chừng chờ nó tan ra, rồi chậm rãi di động hàm dưới, ngừng lại, thở mùi thưởng thức ra lỗ mũi, mặt chu lên, ngon quá.

- “Bố cháu nói, ăn để sống, không phải sống để ăn. Đúng là châm ngôn của nước nghèo. Có ăn ngon sống mới sướng. Ăn nhiều mới đã. Nhưng ăn quá sức chậm. Chừng nào mới hết con cá. Chứng tỏ bác không đói bụng.”

-“Răng tốt, răng mạnh, ăn để sống. Răng đau, răng rụng, sống để ăn. Răng cứng nhai nhanh. Răng lung lay nhai chậm. Sinh hoạt thay đổi theo tuổi tác, và ý nghĩa đời sống cũng thay đổi theo. Khi nào lớn tuổi, cậu sẽ hiểu. Châm ngôn phát biểu những kinh nghiệm chung, mà kinh nghiệm riêng của mỗi thời đại chưa chắc đúng. Dường như châm ngôn có khuynh hướng phát biểu những mơ ước khó thực hiện hoặc không tưởng của người đời trước. Cậu trẻ, như cậu đã biết, khi đói bụng, có thức ăn, cứ ăn, không phải vì để sống, không phải vì để ăn, mà vì đói. Đơn giản chỉ như vậy.”

Ông trung niên đang cài bánh lái tự động, lên tiếng: - “Phức tạp quá. Bọn trẻ không hiểu đâu.” Xưa kia, khi còn ở Thái Lan, ông là đệ tử của ông già, theo học nghề lái thuyền đánh cá. Học kinh nghiệm hiểu thấu lòng biển của sư phụ. Không cần máy dò, ông già cũng biết những luồng cá đi trong mỗi tuần trăng, mỗi mùa thay nước. Biết nơi nào có vũng xoáy, có dòng ngầm, có hố tụ tập tôm cá. Ông già là tay lão luyện giang hồ, tốt bụng, hào sảng tứ chiến với anh em, nhưng mắc tật say rượu. Mỗi khi ông quá chén, thường sinh ra nhiều hành động, lời lẽ để hối hận về sau.

Hối hận? Ở đời ai chẳng có hối hận. Cũng như nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột: cùng một hối hận đối với người này, nhỏ; đối với người kia, lớn. Trong tâm hồn chai đá, hối hận chỉ như cái mụt ghẻ, sưng mủ, đau nhứt một thời, vỡ mủ sẽ lành, dù để lại sẹo, không còn đau, chỉ còn câu chuyện, nhớ lại, kể lại, để biện minh cho bản thân. Trong tâm tình nhạy cảm, hối hận như mảnh sắt ghim vào chỗ hiểm, không thể mổ lấy ra, đau nhứt suốt đời. Nhưng trong tâm tư hiểu biết sâu sắc, cảm thông hậu quả của hối hận, chấp nhận chuyện hối hận đã là quá khứ, không thể thay đổi, thì hối hận trở thành ánh đèn đường soi trong đêm, trở thành hải đăng để tìm phương hướng ngoài biển tối, thậm chí, có thể trở thành Sao Hôm và Sao Mai.

Cho dù tác động của hối hận ra sao, nó luôn luôn là điều ám ảnh.

Ông trung niên cùng gia đình rời Thái Lan qua cư trú ở Cà Mau một thời gian dài, rồi vượt biển, sang xứ người, vẫn tiếp tục làm nghề đánh cá. Những ngày nghỉ thường đưa anh thanh niên ra khơi. Anh là người học thức, giám đốc một chi nhánh tài chánh, giàu sang và rộng rãi, có sở thích câu biển. Ông trung niên có hai đứa con gái vào lứa tuổi lấy chồng. Ra khơi là dụng ý kén rể.

Điện thoại cầm tay reo. Đường vô tuyến đặc biệt từ vệ tinh của công ty chứng khoán, dành riêng cho những nhân viên cao cấp. Thấy tên của một người trong nhóm cố vấn phân tích thị trường, anh thanh niên bắt máy:

- “Có tin quan trọng?
- ”Vâng, thị trường Á Châu đang tụt dốc trầm trọng. Ở Trung Quốc đang có cuộc chỉnh lý chính trị, tin này chưa được kiểm chứng, nhưng thị trường phản ứng. Lát nữa thị trường Âu Châu sẽ rơi và kéo theo thị trường New York. Ông có chỉ thị gì không?”
- “Cố gắng bán toàn bộ những chứng khoán có độ nguy hiểm cao. Mua lại những chứng khoán có độ an toàn trung bình. Chờ tình hình ổn định, sẽ có kế hoạch mới.”
- “Ông không sợ lỗ quá nhiều sao?”
- “Tất nhiên, nhưng sẽ lấy lời từ những chứng khoán mới mua khi thị trường trở lại. Quan trọng hơn, phải có mua bán chúng ta mới có tiền, có hoa huê hồng, có hoạt động để trình bày trong sổ sách. Cứ khăn khăn bảo vệ tài khoản của khách hàng, chừng nào mới có tiền. Họ đầu tư dài hạn, còn lương bổng của nhân viên, của chúng ta thì đến hàng tháng.” Anh tắt điện thoại. Cười với ông trung niên, đang theo dõi câu chuyện. Nụ cười tự tin khiến ông trung niên vui lây và hài lòng. Tưởng chừng anh ta đã là đứa con rể tài ba.

Đêm chìm vào im lặng. Chỉ nghe tiếng nước vỗ vào mạn thuyền. Ngoài ba người ra, hình như còn có người thứ tư đang đứng ở mũi thuyền, chìm trong bóng tối, nhồi lên hạ xuống theo nhịp sóng. Hình dạng mập mờ. Không ai quan tâm đến ai. Mỗi người đang bận rộn với suy nghĩ riêng.

Không ai có thể ngừng suy nghĩ. Hình ảnh, lời lẽ, câu chuyện, câu hỏi, câu trả lời… cứ liên tục từ lúc thức dậy cho đến khi vào chiêm bao, nơi suy nghĩ nhường chỗ cho loại ý tưởng ngẫu nhiên khác. Ông già luôn luôn suy nghĩ. Thế giới của ông mãi mãi quay cuồng với việc truy lùng một câu trả lời nào đó hoặc trăn trở những chi tiết đã được lý luận nhưng chưa vừa ý… Nhìn vào dãy sương mù lơ lãng trên đầu sóng, ông thấy hàng trăm hình ảnh tạo theo nhiều câu chuyện. Hầu hết người già đều nghĩ chuyện quá khứ. Nếu nghĩ đến tương lai, ba mươi phần trăm nghĩ đến cái chết, năm mươi phần trăm nghĩ đến bệnh hoạn, hai mươi phần trăm còn lại cho những điều vớ vẩn. Quá khứ của ông chia làm hai phần. Tương tựa như một tài tử chính đóng hai phim trong hai vai trò hoàn toàn tương phản. Vai trò lúc trẻ là một tên cướp, vô học, vô lương tâm, hành động tội lỗi một cách vô tư, hành động để sống. Vai trò thứ hai, sống để hành động. Một người tu thân, dưỡng trí, hiểu biết, hành động tử tế vì thẩm thấu hiệu quả của tình thương.

Phải là một tài tử đa năng mới kiêm được hai vai trò đối nghịch. Đóng phim không phải hoàn toàn giả vờ hoặc kịch cợm, ngược lại gần như phải sống thực trong vai trò đã định, mới thành công.

- “Cậu xem ông già kìa, đang biến mất khỏi trần gian.”
- “Ông ấy suy nghĩ nhiều quá. Lại im lặng. Đôi khi, có cảm tưởng ông giống một khối thịt tê liệt.”
- “Tôi theo làm đệ tử cho ông ta từ khi còn trẻ hơn cậu bây giờ. Trước kia, ông hoạt bát, năng động, giang hồ lừng lẫy cả xóm cá. Một số người gọi ông là “kình ngư say” vì ông thường xuyên uống rượu. Đa số gọi ông là “thủy phụ” vì kính trọng tài năng đi biển của ông. Nhưng sau cái đêm khủng khiếp đó, nghĩ lại vẫn còn rùng mình, ông đã thay đổi. Sau một thời gian ngắn lang thang, vất vưởng, ông biến mất. Khi gặp lại ở bên này, ông đã hoàn toàn thay đổi. Một biến đổi kỳ lạ. Từ một tướng cướp đã trở thành thầy tu. Từ một ao nước đen đã trở thành mây trắng. Điển hình này, tôi học từ ông.”

Sự biến đổi kỳ lạ này, bên nhà Chúa gọi là ơn trên khai trí, bên nhà Phật gọi là ngộ, trong nhãn quan của khoa học, đây là sự đột phá của nhận thức và siêu nhận thức vượt qua giới hạn hiểu biết của một người, đồng thời vượt qua cảm tính của tâm tình gắn liền với sự hiểu biết đó. Có thể ví như một người vượt ra khỏi tầm sức hút của trái đất, lọt vào chốn chân không, bất chợt, sống một đời sống khác.

Thay đổi? Ai mà không thay đổi. Sống là thay đổi. Sống lâu càng thay đổi nhiều lần. Vấn đề còn lại là mức độ thay đổi. Một hôm ra khơi, khi giải thích chuyện này với ông trung niên, ông già đã nói: “Bất cứ nước bùn đen nào cũng có thể bốc hơi thành mây trắng. Nước biển tuy mặn, nhưng sau khi thành mây, mưa xuống, nước lại ngọt.”

Ông trung niên không hiểu thấu bằng luận lý, nhưng cảm được sức siêu nhiên trong câu nói và ông đã thuộc lòng. Đôi khi, ông nhìn bà vợ hung dữ đang lớn tiếng phiền trách ông và con cái, ông tự hỏi thầm, không biết bao giờ bà mới bốc hơi để mưa xuống những giọt hiền từ?

Sự biến đổi lớn phải do một hành trình tiệm tu lâu ngày hoặc một biến cố xảy ra có khả năng phá vở rào cản bao bọc nhận thức và siêu nhận thức. Trong trường hợp của các cao tăng, các linh mục, các nhà tư tưởng, phần lớn là do khả năng tu thân. Trường hợp của ông già là do biến cố.

- “Cháu thấy ông già này có nhiều tâm sự. Ông ngồi đó mà dường như vắng mặt. Khi lên tiếng, thì mông lung, mơ hồ, khó hiểu. Không biết ông có bị bệnh tâm thần hay không?”

- “Chẳng có bệnh gì. Chỉ có một quá khứ không vừa ý. Ông đã từng nói với tôi, ai có một quá khứ nặng nề, nếu không cắt đứt, tương lai sẽ bị kéo chìm xuống. Có lẽ là vậy. Tôi không rõ.”

- “Khi còn trẻ ông già sống ra sao?”

- “Ông là lính chiến. Trong một trận đánh khốc liệt, tiểu đoàn ông tan vỡ, ông chạy trốn quân thù, lạc qua biên giới Thái Lan, rồi thay hình đổi dạng, ở lại luôn. Cưới cô vợ Thái trong xóm cá. Ông có khiếu đi biển. Trở thành người giỏi nhất trong xóm chài. Đi lưới với ông lúc nào cũng chở cá về đầy thuyền. Vợ chết sớm, ông sống đời giang hồ độc thân, sống ngang tàng và khi nhậu say, trở nên ngang ngược.”

- “Nghe không giống ông ta bây giờ một chút nào.”

- “Đúng, ông đã hoàn toàn thay đổi. Những ngày đầu tiên, khi gia đình tôi vượt biển đến đây, sống tạm bợ nhờ một nhóm người thiện nguyện giúp đỡ. Tôi gặp lại sư phụ qua nhóm người này. Từ đó, sư phụ đã dìu dắt gia đình chúng tôi hội nhập đời sống mới. Ngay cả, nghề câu, thuyền câu, tập đoàn chài, đều do sư phụ chỉ dẫn và giúp tôi được như ngày hôm nay.”

- “Bố cháu nói, giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Muốn thay đổi tính tình của một người không phải dễ. Theo cháu biết, tâm lý của một người như con sông, có nguồn từ lúc mới sinh ra, và chảy càng dài thì càng rộng, càng sâu. Về già, tâm lý không chảy ra biển mà đọng lại thành ao hồ, nơi con người soi mặt hàng ngày. Hình ảnh này do các triết gia lập luận. Cháu thấy đúng, vì bố cháu trước khi qua đời, thường xuyên thao thức với tâm tình của ông. Cháu có cảm giác, khi tâm lý bị ứ đọng, người già thường chết chìm ở đó.”

- “Những chuyện này tôi không biết. Tâm lý?… Có phải là lý lẽ của tâm hồn?... Chuyện thay đổi quả thật không phải dễ. Tôi chỉ muốn bỏ hút thuốc lá mà trầy trật cả năm rồi vẫn chưa bỏ được.”

- “Cháu cũng chỉ biết qua sách vở. Tâm lý dường như là nơi chứa đựng những tổn thương của đời người để biến thành chất sống. Ông Freud cho rằng, bất kỳ đời ai cũng bị tổn thương, không nhiều thì ít, không sâu thì cạn. Cháu nghĩ, có lẽ, sẽ không bao giờ có tâm lý lành mạnh. Đó chỉ là ước mơ. Ông già cũng vậy, có lẽ tâm lý của ông bị thương tích trầm trọng.”

Đêm càng đêm, sương càng dày. Ánh đèn le lói giữa mịt mù, sáng mập mờ một khoảnh nhỏ bé giữa màn đen mênh mông, nhìn cảnh này, cảm giác thật lắng đọng, hoang vắng, bao la, tịch mịch. Sự trống trải trong tâm tư mời gọi hồi tưởng. Chợt ông già mường tượng có cái bóng ai đó đang đứng ở mũi thuyền, đang giống như cảm lạnh, run rẩy. Nhìn không rõ, nhưng ông có thể cảm giác cái bóng là một cô gái, có mái tóc dài nhưng không thấy bay trong gió hoặc vì đêm quá tối không thấy tóc bay? Hoặc đó là hình ảnh ngẫu nhiên của sương mù.

- “Ông già đã từng nói với tôi, ông cắt đứt quá khứ không phải như cắt đứt sợi dây neo, mà cắt đứt một hành trình dẫn đến nơi hối hận. Tất cả mọi hành vi hiện tại đều là kết quả của một chuỗi dài hành động trong quá khứ. Chuỗi hành động này liên tục tiến tới để tạo ra hiện tại. Ông giải thích, nếu dây hành động quá khứ xấu, không thể có hành vi hiện tại tốt. Hiện tại không tốt, làm sao có tương lai tốt. Muốn thay đổi, phải quyết tâm chặt đứt dây hành động này, để bắt đầu một chuỗi hành động khác theo ý muốn. Tôi thực sự hiểu ý của ông vì chính bản thân ông đã chứng minh với tôi việc đó. Ông hoàn toàn khác hẳn ông ngày xưa, như nước bùn thành mây trắng. Tôi không đủ học thức nhưng cũng cảm được điều ông nói.”

Anh thanh niên chạnh lòng.


Chuỗi hành động quá khứ kết thành hành vi tương lai? Anh giật mình. Như bất thình lình có ai đưa chiếc gương soi ra trước mặt trong lúc anh đang chạy nhảy múa máy hăng say biểu diễn đời sống của một người trẻ thành công, và đang tìm mọi cách để hưởng thụ tận tình. Cái khuôn mặt trong gương giống anh, nhưng không giống anh bên ngoài.

Nó gần giống đầu lâu hơn khuôn mặt. Tóc phủ xuống thay vì chải tém ra sau. Da sậm màu chì thay vì rám nắng, bóng láng vì dầu bảo vệ da. Gân đỏ nổi lên đầy trán thay vì chân tóc cao lộ vẻ thông minh. Ánh mắt âm hiểm, nhất là đôi môi xám không hồng tươi và nụ cười không phải giao tế lịch sự mà chờ đợi nhai miếng thịt sống.

Nó nhìn anh, bỗng dưng, trí nhớ mở ra, những hình ảnh bị giam giữ túa lên, phun tứ tán, những mảnh, những đoạn quá khứ vội vã chồng chất lên nhau. Nhanh như vậy mà anh lại thấy rõ, nhớ hết, như một người chưa thọc tay vào túi quần đã biết mình có những gì bên trong.

Cậu bé ấy đã dùng cây ná mọi bắn chết những con mèo hàng xóm. Bây giờ, còn nghe được tiếng kêu la, tiếng giãy giụa của con mèo bị trúng tên xuyên qua đầu. Mèo sống dai và rất mạnh, nếu không bắn vào đầu, nó sẽ mang tên đi tưới máu khắp hàng xóm. Cậu bắn luôn cả chó, những con chó hoang tụ tập chơi bời ở khu đất trống. Bụp. Mũi tên xuyên qua cả hai con chó đang chồm lên nhau. Chúng dính chặt, cố tháo ra, thoát thân, đau đớn, kêu la, nhưng dễ gì khi cây tên đã móc vào xương sườn và xương chậu. Cả hai ràng buộc, nhảy cà tưng, dằn co, cho đến khi kiệt sức hoặc may mắn rời nhau. Một con mang mũi tên chạy mất hút. Con còn lại thường kém may mắn bò lết hoặc hấp hối. Cảnh tượng này ít mấy ai được chứng kiến. Bụp. Lần này cậu bắn trúng con chó cái đang có bầu. Nó gục chết tại chỗ. Khi biết nó mang thai, cậu vô cùng hối hận. Từ đó, vất bỏ ná và cung vào xe chở rác. Con chó cái lông đen, cái bụng no tròn căng da trắng.

Cậu thiếu niên dễ thương, mặt mày sáng sủa, con nhà gia thế, học giỏi. Cậu có đủ điều kiện để sờ mó các cô gái cùng lứa ở trong phố và trong trường học. Đôi khi, cậu được ít cô gái lớn nâng niu, nhắm mắt chiều chuộng, hoặc vài bà góa phụ khoe khoang những cảnh đẹp trong công viên đã đóng cửa.
Một khi cậu đã đủ can đảm và đam mê xông xáo trên toàn bộ thân thể của người khác phái, ai mà cản được. Đó cũng là một trong số lý do người trẻ xa lánh đạo. Cậu xông tới, xông lui, bò bên đông, lăn bên tây, tháng ngày đó đầy tràn những niềm vui thương tích. Những tấn công chớp nhoáng, những rút lui vội vã, bỏ lại chiến trường những tàn tích ái tình.

Rồi cậu dang díu với một cô gái trẻ bán hàng ngoài chợ. Cô rất đẹp và có hấp lực như máy hút. Giao tình đó không lâu, cậu phải rời phố tỉnh để vào thủ đô tiếp tục chuyện học. Một tháng sau, nghe tin cô bị xe cam-nhông cán chết khi băng qua đường. Bất chợt, một niềm tin khẳng định hiện ra, cậu biết cô đã tự tử vì tình. Một lần nữa cậu hối hận.

Hối hận suông mà không có hành động gì sửa chữa, sẽ giống như bị ngứa, gãi vài cái rồi quên. Mụt sẽ tiếp tục mọc. Hối hận là lời cảnh cáo, mà mỗi người phải đưa vào luật lệ. Khi có luật pháp riêng để tuân theo, thì người đó mới có cơ hội trở thành công dân tốt.

Khi vào đại học, lẽ ra, anh ta sẽ là một tay chơi bời hào hoa đầy kinh nghiệm, nhưng anh lại ngán ngẫm chuyện qua cầu rút ván. Muốn có những mối tình thơ mộng. Những mối tình không cần xông xáo. Từ tốn thôi. Nhẹ nhàng thôi. Trong vừa vừa. Sạch sơ sơ. Không có tổn thương vật chất.

Hối hận chỉ xuất hiện ở những tâm tư còn tử tế. Hối hận nhiều hay ít, nặng hay nhẹ, tùy vào phẩm chất và cường độ của tử tế. Đời người không cần phải từ thiện, phải thương người như thể thương thân, nhưng cần sự tử tế. Tử tế là một phần của lương thiện nhưng không khờ khạo. Ông già nghĩ như vậy trong im lặng.

Câu biển không phải là bộ môn anh thích thú, tuy không thể không công nhận anh thích ăn cá tươi, nhất là ăn cá sống theo kiểu người Nhật. Ra khơi chỉ vì anh muốn làm ông trung niên hài lòng để anh được gần gũi với hai cô con gái. Anh biết rõ ông trung niên muốn gì, nhưng anh chưa có ý định lấy vợ. Anh còn đang xông pha trên bãi sự nghiệp đầy gai góc. (Nhìn từ bên ngoài, nhiều người nghĩ như vậy, nhưng tôi giả vờ cho mọi chuyện sắp xếp được hữu lý. Thật ra mục tiêu tôi muốn là cái rương chứa đầy vàng của ông. Trong lúc tâm tình với cô gái út, tôi biết được, ông có sẵn ghe thuyền và thủy thủ nên tổ chức thầu các cuộc vượt biển, đến lần cuối cùng, ông và gia đình đi theo. Mỗi đầu người lên ghe phải trả từ năm đến mười lượng vàng, cái giá đi tìm tự do chưa chắc đến được nơi bình yên. Mỗi chuyến ghe trung bình từ 40 đến 50 chục người. Hiện giờ, ông là người canh giữ một kho tàng vàng thẻ đồ sộ, không biết chôn ở đâu? Tôi muốn thuyết phục ông đầu tư số vàng vào chi nhánh công ty tài chánh. Một số huê hồng lớn cho tôi, một số lời lớn cho ông. Cả hai đều có lợi. Nhưng trước hết phải làm sao cho ông tin tôi như tin người con rể tương lai tốt bụng.)

- “Chú có biết lý do tại sao ông già thay đổi hay không?”

- “Biết, nhưng cậu nên hỏi ông ta thì hơn. Tôi học hành ít ỏi, không đủ khả năng hiểu sư phụ. Có nhiều chuyện ông dạy, tôi chỉ nhớ thuộc lòng. Ông nói, không cần phải hiểu hết mọi chuyện. Đến một lúc nào, tự nhiên sẽ hiểu thôi. Người cố sức hiểu hết mọi chuyện là người dốt.”

- “Đôi khi ông nói, cháu cũng không hiểu. Nhưng ông ấy nói đúng. Ở mỗi tuổi đời, sẽ hiểu thêm một số chuyện khó hiểu. Hiểu sớm quá, có khi sai. Cháu đã có kinh nghiệm đó về phụ nữ.”

- “Đi hỏi ông ta trước khi sương mù tan, tôi sẽ lái thuyền đến hố cá, chúng ta sẽ bận rộn.”

Anh thanh niên đi đến gần ông già. Vẫn lặng lẽ vắng mặt. Không phải, ông đang quan tâm đến cái bóng. Sương mù sắp sửa tan dần, sẽ thấy rõ hơn. Đáng lẽ, ông có thể đứng lên, xách cái đèn bão đến xem, hoặc rọi đèn pin từ chỗ ngồi, nhưng để làm gì? Tìm lại quá khứ? Nếu đúng là cô gái đó, thì sao?
Ông đã học cách đối phó với quá khứ khi còn lưu lạc ở am Ông Tám. Chặt đứt dây hành động quá khứ, đông lạnh hiện tại lúc đó. Bắt đầu dây hành động mới với hiện tại mới tạo ra tương lai mới. Nhưng ông không khỏi quan tâm xem xét cái bóng. Nếu đúng là cô ấy, thì dây hành động quá khứ bị chặt đứt, bằng một cách nào đó, vẫn tự động nối lại.

- “Cháu muốn hỏi bác chuyện này.”
- “Đừng nói. Hãy im.” Ông chỉ tay về hướng mũi thuyền. “Cậu có thấy gì không?”
- “Sương mù.”
- “Nhìn kỹ xem. Có thấy bóng đen không?”
- “Không. Không thấy rõ.”
- “Đừng soi đèn. Nhìn lại thật kỹ. Thấy bóng cô gái không?”
- “Mờ quá. Ai vậy?”
- “Đừng soi đèn. Cô ta sẽ bỏ đi.”
- “Ai vậy?”
- “Cô này tự tử vì mất trinh.”
- “Hả?”
- “Chỉ có cô này mới theo đến đây.”

Hối hận, ngoại trừ là lời cảnh cáo, còn là lời nhắc lại những hành vi xấu trong quá khứ. Không giống như cuốn băng đã thâu sẵn, vì mỗi lần nhắc lại là mỗi lần khác nhau, mỗi lần sẽ nhắm vào điểm nào đau đớn nhất. Điểm đau đớn luôn luôn bị lý luận biện minh, nỗ lực hòa giải, hoặc làm mờ nhạt. Nhưng điểm đau đớn khác sẽ hiện lên, như con chuột đất, ủi cát từng đụn, chạy trốn khi bị vây bắt. Anh thanh niên lom khom nghiêng đầu qua lại, cố nhìn xuyên thủng sức tối tăm của sương mù. Dường như có điều gì bất ổn.

- “Cháu không tin có ma.”
- “Nếu có, ma quỉ cũng không rảnh rỗi để đi nhát người.”
- “Cháu thấy được rồi. Cái bóng con gái.”
- “Tóc dài hay ngắn?”
- “Tóc dài.”

Bất chợt, anh thanh niên quỵ xuống. Đúng là mái tóc của cô gái bán hàng ngoài chợ. (Tôi thực sự không hiểu biết. Lúc còn trẻ, tình yêu chỉ là những chiến công, để tự hào khả năng tán gái và chiếm đoạt. Không ai ngờ đến tai hại. Tại sao em không đi lấy chồng khác? Tại sao lại tự tử. Tôi vô cùng hối hận khi nghe tin em bị tai nạn. Tôi biết em cố ý. Em đã từng nói, em sẽ chết nếu tôi bỏ em. Sao em dại dột như vậy. Hay là em đã …) Thình lình, hình ảnh con chó cái lông đen bụng tròn màu trắng hiện ra, anh bàng hoàng, chảy mồ hôi lạnh. Thấy anh thanh niên quỳ gối nhìn sửng phía trước, ông già đỡ anh đứng lên. – “Mệt hả? Coi chừng trúng gió. Cậu vào khoang nằm nghỉ.”

- “Cháu không sao? Chỉ bất ngờ nghĩ đến chuyện xưa.”
- “Chuyện xưa! Hồi tưởng! Cậu còn trẻ, ký ức chưa được bao nhiêu. Già như tôi, ký ức có thể nói, nếu kể lại, phải sống thêm một đời nữa. Tôi biết cô gái ấy. Thật đáng tiếc. Cậu có muốn nhìn mặt cô không?”
- “Không. Cháu không dám.”
- “Trong mọi trường hợp, dù ghê gớm như thế nào, cũng phải đối diện với quá khứ. Phải nhìn. Phải nghe lại. Phải đau đớn lại. Phải xấu hổ. Như vậy mới có can đảm tiếp tục làm người và không tái phạm.”
- “Cháu không dám.”

Chiếc thuyền quay vào bờ sớm vì không còn ai muốn đánh cá nữa. Ông già ngồi trên bờ cát nhìn ra buổi sáng trên biển còn trong bào thai bóng tối. Cách đó không xa, ông trung niên và anh thanh niên ngồi uống cà phê, mang theo trong bình thủy. (Tôi hiểu rồi. Hối hận là hình phạt. Một bản án chung thân, mang theo suốt đời người. Hối hận nhỏ, hối hận lớn, chúng vây xung quanh trong không gian, ẩn trú trong tâm hồn, khi đúng lúc sẽ đọc lại lời tuyên án. Con chó mang mũi tên không chạy quá xa, nó quanh quẩn đâu đây. Con chó cái lông đen cùng bào thai nằm lẫn khuất đâu đó. Tiếng kêu quái gỡ của con mèo, tiếng khóc của các cô gái, tiếng rên la sung sướng của da thịt, tiếng thì thầm dối trá của tình yêu… tất cả vẫn xuyên qua xuyên lại như những con thoi, dệt tấm màn hối hận.)

- “Ông già có dạy chú khi hối hận phải làm gì không?”

- “Có. Một lần, tôi làm việc có lỗi, không thể giữ lời hứa với người bạn thân. Khiến bạn tôi vì lời hứa này mà thiệt mạng. Tôi vô cùng hối hận, nhưng chẳng biết làm sao. Tôi hỏi ông. Câu trả lời thật ngắn gọn. Ông nói, ‘Sau cùng hết của hối hận là phải tự tha thứ cho mình.’ Tôi chưa hiểu rõ, hỏi thêm. Ông giải thích, ‘Sống chứa đựng nhiều chuyện lỗi lầm. Bất kỳ là ai cũng có chuyện ân hận, hối tiếc. Nếu không tự tha thứ cho mình, làm sao có thể kéo dài phần đời còn lại cho được bình an? Tự tha thứ là kinh nghiệm để tha thứ cho người khác.
Hối hận là lời đòi hỏi một hành động đáp trả tương xứng. Tha thứ là câu trả lời.’ Ông nói tiếng Anh pho-gét gì đó, rồi giải ra, tha tội nhưng không quên tội.”

- “Câu đó là ‘Forgive but not forget’. Hay thật. Làm sao tập được an nhiên tự tại như ông già?”

- “Mất hơn mười năm ông mới được như vậy. Tôi theo ông đã lâu, chẳng học được bao nhiêu.”

- “Cháu đã hỏi lý do khiến ông thay đổi, nhưng ông không kể, ông chỉ trả lời: Tôi vẫn thường nghĩ rằng phải chặt đứt quá khứ xấu để xây dựng tương lai tốt. Nhưng đứt không có nghĩa là mất sợi dây, dù nó đã thành rác. Gió thổi, rác bay. Gió mạnh thổi rác tứ tán bốn phương, ai biết sẽ về đâu? Nhưng chắc chắn, sạch chỗ này sẽ dơ chỗ khác.”

- “Khó hiểu. Ông ấy vẫn nói mông lung, lơ mơ như vậy.”

- “Nhưng chắc chắn chú biết lý do tại sao ông già thay đổi. Ý ông muốn nói, gió mạnh, thay đổi lớn, rác bay mất, chỉ sạch chỗ này, tuy thay đổi, nhưng làm dơ chỗ khác.”

- “Tôi biết. Đêm hôm đó…

Đám trai tráng chúng tôi ăn nhậu từ buổi trưa, chờ đêm xuống sẽ ra khơi. Tôi chỉ được mười sáu tuổi, mới theo học nghề đánh cá. Ông già lúc bấy giờ là một thanh niên lực lưỡng, đầy tín nhiệm. Uống rượu như hủ chìm. Nốc từng ly xoay vòng không chồn tay. Trước khi ra thuyền, ông có lẽ ông đã uống mấy lít rượu đế. Sau khi thuyền ra khơi, các thanh niên khác lo lái thuyền về các hố cá, tìm luồng cá, ông thủ lãnh vẫn ngồi trong khoang uống rượu tì tì.
Chưa đến nửa khuya, thuyền bắt gặp một ghe nhỏ chở người tị nạn. Đám dân chài Thái Lan lúc này nổi tiếng là dân cướp biển vì thường xuyên chận các ghe tàu tị nạn người Việt để cướp bóc và hãm hiếp. Vàng, hột xoàn, kim cương, đô la, giàu gấp trăm lần ghe đầy cá. Đêm hôm đó chuyện này đã xảy ra.
Tôi sợ hãi không dám tham dự. Nghe kể cảnh cướp của, giết người khiến tôi núp lại trên thuyền và bị giao cho công việc cầm bánh lái dù đã thả neo nổi. Thuyền cặp sát vào chiếc ghe. Đám thanh niên Thái nhảy xuống, dùng dây cột chiếc ghe dính vào bên hông thuyền. Ông già say ngà ngà, hung hăng nhập bọn. Họ ở trên ghe nhỏ suốt đêm, rồi kéo lên thuyền lúc gần sáng. Sau khi cắt dây cột cho ghe trôi xa. Họ nằm ngủ như chết. Chỉ còn tôi cầm bánh lái.

Không biết chuyện gì đã xảy ra, chỉ đoán chừng vì nghe tiếng la hét, khóc lóc, cười cợt, la mắng, rên xiết, van lạy. Hồi đó, tôi không biết tiếng Việt, chỉ nghe tiếng Thái. ‘Nó giấu vàng trong vách ghe’. ‘Tất cả có bốn cái răng vàng.’ ‘Bà này già quéo.’ ‘Cho thằng đó một dao rồi thảy xuống biển.’ ‘Con nhỏ chị này ngon quá.’ ‘Con em cũng được rồi.’ ‘Có hột xoàn tụi bay ơi.’ ‘Bắt tụi nó đi ỉa, coi chừng chúng nó giấu trong ruột.’ ‘Banh bà già ra, coi chừng nhét trong đó.’… tiếng đánh đập, giãy giụa, tiếng vật nặng quăng xuống nước… đến khuya gần sáng, những âm thanh đó mới giảm dần rồi tắt ngúm.

Ông già dậy sớm hơn ai hết. Ra đứng bên hông thuyền rửa mặt, hít thở khí trời. Chợt thấy ông hốt hoảng khi nhìn xuống hông thuyền. Tôi chạy đến, một phần dây cắt còn lôi theo xác của một cô gái trẻ, khoảng tuổi của tôi. Cô trần truồng và méo mó. Làn da trắng nhấp nhô lúp xúp dưới nước còn in những dấu tím bầm. Tóc dài bung ra quấn vào khúc dây.

Từ lúc đó trở đi, ông già không nói năng gì. Im lặng. Đăm chiêu. Từ đó, ông không uống một giọt rượu nào. Đám thanh niên kể lại, chính ông già đã hãm hiếp cô gái ấy suốt đêm. Lúc gần sáng, khi ông ngủ say, cô xổng dây trói, đã nhảy xuống biển tự tử.”

Ngu Yên
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.377 giây.