Là người đến sau nhưng sẽ còn có người sau nữa, không là người đến trước nhưng còn có người trước nữa. Mỗi người chỉ là một giọt nước trong dòng sông thời gian bất tận, không đầu không cuối và cũng chặng giữa bao giờ.
Tôi về chơi Hoa Thịnh Đốn vào một ngày tháng tư, khi mà cả cộng đồng người Việt hải ngoại đang tất bận chuẩn bị cho lễ kỷ niệm năm mươi năm ly hương. Phật giáo Việt Nam tưng bừng kỷ niệm ngày Phật đản sinh và 50 hoằng pháp ở hải ngoại ngay tại công viên JKF Hockey Field. Đây là một công viên rộng lớn bao bọc bởi những tượng đài tưởng niệm Abraham Lincoln, Jefferson, đệ nhị thế chiến, chiến tranh Viet Nam…
Hoa Thịnh Đốn là thủ đô chính trị quyền lực của nước Mỹ và cũng là của thế giới. Có đến Hoa Thịnh Đốn thì mới có thể hình dung được phần nào sức mạnh Hoa Kỳ. Nếu người Trung Quốc có câu: “Có đến Bắc Kinh thì mới biết chức quan của mình nhỏ như thế nào” thì bây giờ ta cũng có thể nói: “Chưa đến Hoa Thịnh Đốn thì chưa biết thế nào là Mỹ”. Quả thật như thế, thật sự choáng ngợp với những công trình kiến trúc thuộc các cơ quan đầu não trung ương của chính quyền Mỹ. Nếu tượng đài tưởng niệm Washington Monument (dân Việt thường gọi là tháp bút chì) làm trung tâm thì bốn hướng tỏa ra là những cơ quan trọng yếu như: Bạch Cung (White House), Tòa nhà quốc hội, tòa nhà bộ ngân khố, Tòa nhà làm việc của phó tổng thống… Rồi nối tiếp đó là những đài tưởng niệm tổng thống Jefferson, tổng thống Lincoln… Có rất nhiều những viện bảo tàng quanh vùng. Có thể nói là quá nhiều những tòa nhà to lớn nối tiếp nhau, dày đặt những địa chỉ mang tính lịch sử.... Ta tha hồ mà đi, nhìn ngắm đến no nê con mắt, thõa cái ý muốn tìm hiểu tò mò.
Việt Nam, Trung Hoa và Nhật bản có cái khái niệm đường thần đạo, nghĩa là từ cổng chính cho đến huyền cung là một trục thẳng, hai bên có những kiến trúc đối xứng nhau. Ngay tại Hoa Thịnh Đốn tôi cũng thấy “đường thần đạo”. Nếu tính từ tòa nhà quốc hội là điểm đầu chạy thẳng đến đến đài tưởng niệm tổng thống Jefferson là điểm cuối, giữa chặng đó có đài tưởng niệm tổng tống Abraham Lincoln, đài tưởng niệm đệ nhị thế chiến. Hai bên có đài tưởng niệm chiến tranh Triều Tiên và đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, ngoài ra có những kiến trúc và cảnh quan tự nhiên khác. Đây chỉ là một sự liên tưởng thôi, một sự so sánh có phần chủ quan.
Trước Bạch Cung và các công viên quanh đây lúc nào cũng đông đảo du khách từ các tiểu bang đổ về. Du khách từ các nước khác kéo đến và dân cư địa phương thì chạy bộ, chơi thể thao khắp mọi nơi. Ngày tôi đến, thấy có những nhóm nhỏ người Uyghur, người Tây Tạng biểu tình lên tiếng về sự đàn áp của Trung Cộng. Cảnh sát và lực lượng giữ gìn an ninh hoàn toàn tôn trọng họ, thậm chí có thể bảo vệ họ (nếu bị ai đó tấn công). Những người biểu tình giăng cờ xí và biểu ngữ để nói lên tình trạng nhân quyền hết sức bi đát trên quê hương của họ.
Tôi ngồi bên hồ nước trước tòa nhà quốc hội, lòng ngổn ngang những tâm sự không đầu không cuối. Những hình ảnh đám đông bạo loạn tràn vào đây cách đây mấy năm hiện ra như thể cuốn phim chầm chậm chiếu lại. Tòa nhà của cơ quan lập pháp là biểu tượng danh giá của nước Mỹ. Bạo loạn của đám người cuồng mê đã làm hình ảnh của nước Mỹ bị hoen ố. Nước Mỹ với nền dân chủ mấy trăm năm bị tấn công một cách thô bạo. Nước Mỹ với cơ chế tam quyền phân lập là một mẫu hình của dân chủ đã bị tổn hại nghiêm trọng.
Buổi chiều ngồi trước tòa nhà quốc hội trong bóng hoàng hôn. Trong tôi bao cảm xúc trào dâng thật khó tả bằng chữ hay nói bằng lời. Sóng lòng dồn dập cuộn lên như vô số cơn sóng đang lay động trong hồ nước. Quanh tôi rất nhiều du khách đang làm dáng chụp hình, người da trắng, người da đen, người da màu… cùng hòa đồng vui vẻ với nhau. Để có được điều nầy, năm xưa ngài tổng thống Abraham Lincoln đã trả giá bằng chính mạng sống của mình. Ngài đã xóa bỏ chế độ nô lệ, giải phóng nô lệ. Việc giải phóng nô lệ đã khiến cho những kẻ kỳ thị điên tiết và chúng đã ám sát ngài. Ngài đã đặt tiền đề cho sự bình đẳng mà sau này chúng ta thọ hưởng. Nhìn tòa nhà quốc hội lại thấy thấp thoáng bóng dáng của viện nguyên lão La Mã xa xưa. La Mã đã từng có một thể chế dân chủ, một chế độ cộng hòa trong lịch sử. Thể chế dân chủ La Mã xưa là nền móng, là mẫu hình của nhiều thể chế dân chủ ngày hôm nay. Văn minh phương Tây có nguồn gốc từ nền văn minh Hy Lạp, La Mã cổ đại là vậy.
Hoa Thịnh Đốn quá rộng lớn và tươi mát, đứng bên ngoài Bạch Cung nhìn vào tự nhiên liên tưởng đến dinh Độc Lập ở Sài Gòn, tiếc rằng dinh Độc Lập Sài Gòn yểu mệnh vì vận nước. Bạch Cung thì vẫn thản nhiên trên thảm cỏ xanh mấy trăm năm nay. Nhìn những đoàn xe the đặc biệt chở những nhân vật tai to mặt lớn vào ra nhưng tuyệt nhiên không có hụ còi inh ỏi hay chớp đèn nhức mắt như những nhân vật tai to mặt lớn của xứ mình. Bạch Cung là cơ quan hành pháp, điều hành mọi công việc của quốc gia. Khi chưa đến đây cứ ngỡ Bạch Cung to lớn hay uy nghiêm, lạnh lùng, thực tế không phải vậy. Bạch Cung cũng là một tòa nhà lớn nhưng không quá cao, rất hài hòa với thảm cỏ và cây xanh chung quanh. Bạch Cung rất đẹp và lãng mạn chứ không lạnh lùng hay đe nẹt như cái danh xưng tòa nhà trung tâm quyền lực của Mỹ và thế giới. Thậm chí Bạch Cung còn có thể ví như những lâu đài trong các truyện cổ tích (fairytales). Dĩ nhiên cái đẹp của kiến trúc, của cảnh quan là một chuyện còn việc gìn giữ an ninh là chuyện khác. Cảnh sát rất nhiều, tuần tiễu xung quanh và cớm chìm thì du khách không thể nhận ra.
Các tòa nhà chung quanh khu vực Bạch Cung hầu như đều là những tòa nhà của chính phủ. Những công viên xen kẽ giữa các dãy nhà hay các lốc đường, các khu vực này đều xanh mướt cỏ cây. Dân địa phương kéo đến vui chơi, tập thể thao và cả những cuộc biểu tình ôn hòa… xen lẫn với khách du lịch bốn phương. Cuộc sống con người ở đây sao thanh bình quá, sung túc quá, cuộc sống như thế này mới đáng sống làm sao. Không biết người Hoa Thịnh Đốn nói riêng, người Âu – Mỹ nói chung sao mà nhiều phước báu như thế! Còn dân nước mình sao khổ vậy? Tôi thầm ước ao sao cho dân mình cũng hưởng được cái phước như người Âu – Mỹ. Tuy ước mơ vậy nhưng khó mà có cửa; hạ thấp một vài bậc, chỉ cần có được thịnh vượng, tự do, dân chủ như người Singapore, người Hàn, người Nhật… đã là khó thì nói chi đến giàu có, văn minh, dân chủ như người Âu – Mỹ. Dù biết là khó, dù biết không biết đến bao giờ nhưng tôi vẫn thầm cầu mong cho dân mình sẽ có một ngày…
Tiểu Lục Thần Phong