Cứ khoảng hai tháng một lần, bà Thanh Mỹ Nguyễn ở Fairfax, Virginia, lại đến cửa hiệu Ross, Walmart, hoặc Macy’s để mua xà bông, bình nước, bút, vở… những dụng cụ cần thiết cho sinh hoạt của một gia đình có con nhỏ để gửi về Việt Nam. Mặt hàng nào giảm giá, bà mua nhiều hơn. Nhiều năm qua, mấy đứa cháu của bà ở Sài Gòn đến trường với niềm vui không hề nhỏ này. Mấy đứa em của bà cũng đỡ gánh nặng phần nào khi được chị lo giúp một phần nhu cầu trong cuộc sống.
Bây giờ bà phải gói ghém, thu nhỏ những niềm vui đó lại. Không phải tại vì bà không thương gia đình nữa, mà vì vật giá đã khác, vì “sơn hà đổi chủ.” Và vì yêu cầu từ tổng thống của bà, rằng một đứa nhỏ chỉ nên có ba con búp bê, năm cây bút chì. Nhưng đứa trẻ đang sống ngay ở Mỹ mà còn phải tiếp nhận yêu cầu này, nói chi đến mấy đứa cháu của bà bên kia đại dương.
Hôm 30/4/2025, ngay trong buổi họp nội các tại Bạch Ốc, một phóng viên đã hỏi Tổng thống Trump rằng Ông có cuộc đàm phán với Chủ tịch Tập Cận Bình về thương mại không? Câu trả lời của Trump đưa ra là “các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc đang gặp khó khăn vì mức thuế quan mới.” Trump nhận xét rằng, do lệnh áp thuế của chính quyền ông ta đưa ra cho hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc, trẻ em Mỹ có lẽ chỉ có hai búp bê thay vì 30. Trump thừa nhận mức thuế mới sẽ khiến Hoa Kỳ ít sản phẩm hơn và mắc hơn, “nhưng thay vào đó thì Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn từ cuộc chiến thương mại” – Trump nhấn mạnh.
Vài ngày sau, ngày 4/5/2025, trả lời NBC News trên chiếc Không Lực Một, Trump xác nhận lại ông ta chỉ nói rằng “trẻ em không cần phải có 30 búp bê, chỉ cần ba thôi. Chúng không cần phải có 250 cây bút chì. Chỉ có 5 cây là đủ rồi.”
Chi tiết cần lưu ý trong câu trả lời của tổng thống không chỉ là số lượng 30 búp bê, hay 5 cây bút chì, mà là cách Trump nói về những người ông ta gọi là “trẻ em Mỹ.”
“Những gì tôi đang nói là, một cô gái trẻ (young lady), cô gái 10 tuổi, cô gái 9 tuổi, cô gái 15 tuổi, không cần 37 con búp bê. Cô ấy có thể rất hài lòng với một hoặc ba hoặc bốn hoặc năm.”
Người dẫn chương trình nổi tiếng John Oliver trong chương trình Last Week Tonight đã nói: “Tôi thật sự ‘nổi da gà’ mỗi một lần người đàn ông này đề cập đến những bé gái. Nhưng cũng muốn nghe ông ấy tiếp tục nói để xem ông ấy có thể kể bao nhiêu lần khác nhau về độ tuổi và con số. Liệu ông ta có bao giờ gặp một thiếu nữ (girl) 15 tuổi chưa? Ồ tôi đã hỏi một câu ngu xuẩn. Dĩ nhiên là ông ấy đã từng gặp’. Ông ta là bạn rất thân của Jeffrey Epstein.”
Người dày dặn kinh nghiệm và thấu hiểu những “khủng hoảng” của các chính trị gia xuyên suốt lịch sử Mỹ như John Oliver dĩ nhiên sẽ “bắt” ngay được điểm yếu của Donald Trump, như cách Trump dẫn chứng về độ tuổi mà ông ta cho là “trẻ em.” Còn những tầng lớp lao động trung lưu trở xuống, họ quan tâm điều gì? Họ không có nhiều cơ hội để nhìn thấu thêm những lời “nổi da gà” đó. Họ bận phải quan tâm đến nhu cầu tối thiểu và cơ bản trong cuộc sống của họ đang bị đe dọa: búp bê và bút chì.
Greg Sargent trong chương trình Podcast The Daily Blast đặt vấn đề: “Donald Trump, một người mà con cháu của ông ta được nuôi lớn trong sự huy hoàng lộng lẫy theo nghĩa đen, thì không đủ tín nhiệm để thuyết giảng cho người Mỹ về việc chấp nhận tình trạng khan hiếm do chính sách của ông tạo ra.”
Donald Trump, người đã thừa hưởng ít nhất $413 triệu từ cha của ông ta dưới hình thức vay, tặng và thừa kế. Sự hỗ trợ tài chính lớn này đóng vai trò quan trọng trong việc Trump xây dựng và mở rộng các hoạt động kinh doanh địa ốc, sòng bài, truyền thông giải trí trước khi trở thành tổng thống. Những năm gần đây, Trump “mở rộng” hoạt động kinh doanh. Ông ấy có thể sản xuất và rao bán bất kỳ sản phẩm nào, từ giày, thẻ Pokemon, đồng tiền vàng, cho đến cả kinh thánh và Gold Card – tấm Thẻ Vàng để trở thành công dân Mỹ. Tất cả những sản phẩm đó đều có hình ảnh của Donald Trump.
Ai có thể mua những sản phẩm đó? Chắc chắn không phải là bà Thanh Mỹ tẩn mẩn mỗi hai tháng đi gom hàng giảm giá, trong đó có những món đồ chơi rẻ tiền, những cây bút chì, bút màu để gửi về cho gia đình. Chắc chắn không có những gia đình lao động, những di dân cặm cụi trong hãng xưởng tìm đồng lương cơ bản để nuôi gia đình và trả thuế cho chính phủ. Đó là những đồng lương để mua về cho con của họ một con búp bê hoặc những cây bút chì mới.
Mới đây, nhà sản xuất búp bê Barbie Mattel đã thông báo rằng họ sẽ tăng giá một số sản phẩm tại Hoa Kỳ để bù đắp cho mức thuế quan của Trump. CEO Ynon Kreiz của Mattel nói với CNBC: “Khi cần thiết, chúng tôi sẽ có hành động định giá tại Hoa Kỳ.” Ông cũng nói ông không mong các nhà máy dây chuyền sản xuất đồ chơi của họ chuyển sang Hoa Kỳ, dù đây là một trong những lý do mà Trump đã sử dụng cho cuộc chiến thương mại.
Không ngạc nhiên khi sau đó, Trump tấn công CEO Ynon Kreiz: “Được thôi. Để ông ta làm như thế, và chúng ta sẽ áp 100% thuế lên những món đồ chơi của ông ta, và ông ta sẽ không bán được một món hàng nào ở Mỹ, thị trường lớn nhất của họ.”
Lời đề nghị những đứa trẻ ở Mỹ nên hài lòng khi có hai, ba búp bê để chơi, năm cây bút chì để làm bài tập, đồng nghĩa với việc giới hạn, thu hẹp quyền cơ bản của một Giấc Mơ Mỹ dưới thời Trump gọi là Thời ‘Hoàng Kim’. Trong lúc đó, ông tổng thống muốn một phiên bản mới, tiện nghi hiện đại hơn, lộng lẫy hơn của chiếc Không Lực Một. Trump muốn ngay, ngay lập tức. Trump thẳng thắn nói món quà là “một hành động tuyệt vời từ Qatar và ngu gì mà từ chối.”
Trump không thế giấu được sự thèm khát chiếc 747 giá trị $400 triệu mà Qatar đề nghị tặng. Trump muốn chiếc phi cơ đến mức bỏ qua việc các đạo luật liên quan đến quà tặng từ nước ngoài mà Quốc Hội đã thông qua. Trump bỏ qua cả nguy cơ bất an về an ninh mà lẽ ra ông ta phải là người am tường nhất ở vị trí lãnh đạo quốc gia. Trump muốn đến mức liên tục than phiền về chiếc Không Lực Một hơn 40 năm tuổi đã cũ kỹ.
Từ khi Donald Trump đặt chân đến Trung Đông, hình ảnh, video về chuyến đi của ông ta được truyền khắp thế giới, từ truyền thông báo chí đến truyền thông mạng. Từng bước đi, từng cái bắt tay, từng ánh mắt, Trump không thể giấu được sự ngưỡng mộ, choáng ngợp tuyệt đối trước sức giàu có của các nước chủ nhà Ả Rập. Khi bước vào bên trong cung điện Amiri Diwan cấu trúc bằng đá cẩm thạch trong cung điện Qatar, ánh mắt của Trump không rời khỏi trần nhà và những cột đá lấp lánh. Những lời phát biểu của Trump ở các quốc gia Ả Rập như một cậu bé đang dùng hết sức mạnh và sự tập trung để đập vỡ rào rản ngăn cậu ta với tới một món đồ mình ưa thích.
Chiếc phi cơ 747 giá trị $400 triệu mà Qatar “hứa” tặng không phải là một đàm phán kinh tế hay chính trị mang lại lợi ích quốc gia. Nó là một thỏa thuận cho Donald Trump.
Hôm thứ Năm 15/5, tổng giám đốc Walmart ông Doug McMillon đã cảnh báo Walmart phải tăng giá một số sản phẩm trong tháng này vì thuế quan của Mỹ đối với các nước khác. Không lâu nữa, khách hàng phải tốn tiền nhiều hơn.
Tổng thống Trump hôm thứ Bảy 17/5 ngay sau đó đã cảnh cáo Walmart hãy “tự nuốt thuế quan đi.”
“Walmart nên ngưng lấy thuế quan làm lý do tăng giá khắp hệ thống siêu thị này,” Trump viết trên mạng xã hội Truth Social. “Giữa Walmart với Trung Quốc, họ nên, như người ta nói, ‘tự nuốt thuế quan đi,’ chứ đừng tính tiền quý khách hàng bất cứ thứ gì.”
Có vẻ như tổng thống đang đứng về phía khách hàng, bênh vực cho quyền lực của khách hàng để cảnh báo các nhà bán lẻ. Nhưng Trump không phải người cung cấp sản phẩm hàng hóa cho Walmart, mà Trump chính là người quyết định vật giá bằng chính sách điều hành quốc gia của ông ta.
Một đứa trẻ chỉ nên có ba con búp bê, năm cây bút chì, giá trị chưa đến $20. Donald Trump có một phi cơ riêng sơn tên của ông ta trên đó. Với tư cách là tổng thống, hiện ông ta có hai chuyên cơ, Không Lực Một và một chiếc nhỏ hơn để phù hợp với những nơi có sân bay nhỏ, chưa kể chiếc trực thăng Marine One. Đó là ba chiếc phi cơ Trump sở hữu. Đó cũng là con số búp bê mà Trump đề nghị một đứa trẻ ở Mỹ nên có.
Mùa Giáng Sinh năm nay, có lẽ các bé gái cháu ngoan của Bác Trump cũng đừng nên mong chờ những món quà rực rỡ dưới cây Noel nữa.
Kalynh N