logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 31/08/2013 lúc 05:21:54(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Trên thế giới, hầu như nước nào cũng có chuyện đọc thơ biểu diễn trước công chúng. Riêng đối với thơ bi kịch Hy Lạp cổ hoặc thơ cổ điển Pháp, người đọc thơ vừa đọc vừa diễn vai, nên được xem là diễn xướng. Người Tây phương đọc thơ có lên giọng và xuống giọng theo cấu tạo đa âm và theo ngữ điệu của lời phát ngôn một cách diễn cảm, nhưng nó chỉ dừng lại là việc đọc mà thôi, chứ không có nghệ thuật ngâm thơ như ở Việt Nam.
UserPostedImage
Hồ Điệp đang diễn ngâm với các bạn nghệ sĩ
Nghệ sĩ tài tử Đặng Xuân Mai thường xuất hiện trên các sân khấu của các hội đoàn tại miền Nam và Bắc California, trong vai trò nghệ sĩ ngâm thơ, hát ca trù, quan họ... chia sẻ với người viết rằng:
“Có thể nói, ở các nước khác, không có động từ ngâm thơ, nên ngâm thơ thường được dịch là hát (kể) thơ (chant or recite a poem). Người Việt Nam chúng ta có thể tự hào rằng nghệ thuật “ngâm thơ” là một nghệ thuật riêng biệt của Việt Nam. Nguyên cả Á châu và cả nhiều nước trên thế giới, chỉ có đọc thơ với giọng trịnh trọng, chứ không có ngân nga lên xuống như Việt Nam. Nếu quý vị nghe người Việt ngâm thơ mà có cảm giác như hát, là vì người Việt phát triển thể điệu ngâm thơ trên một bát độ, lên xuống nhịp nhàng.”
Nghệ sĩ Đặng Xuân Mai đã từng theo học ngâm thơ với nghệ sĩ Nguyễn Thanh Hùng (sinh ngày 15- 6- 1932, mất ngày 25- 11- 2009 tại Dallas) cách đây nhiều năm trước khi ông mất. Ông là nghệ sĩ ngâm thơ rất quen thuộc với khán giả trên làn sóng phát thanh tại Sài Gòn trước 1975 trong chương trình Thi Văn Tao Đàn. Ông được xem là người Việt duy nhất ở hải ngoại biết ngâm theo điệu thơ cổ, chiêu hồn hay Lẩy Kiều. Ông cũng là người rất rành về ca dao tục ngữ và dân ca Việt Nam, đặc biệt là dân ca miền Bắc. Ông còn là một nhà thơ nổi tiếng, ký tên Nguyễn Thanh.


Vẻ độc đáo của nghệ thuật ngâm thơ
Nhận xét về vẻ đẹp của nghệ thuật ngâm thơ Việt Nam, nghệ sĩ tài tử Đặng Xuân Mai cho rằng: “Ngâm thơ, dẫu sao, vẫn là trao cho bài thơ một đời sống thứ hai. Đời sống thứ nhất của bài thơ, khi tác giả sáng tạo ra, là đời sống độc nhất vô nhị. Và kể từ đây, bài thơ sẽ có rất nhiều đời sống thứ hai. Khi được ngâm lên, bài thơ vẫn là bài thơ, nhưng có thêm một đời sống khác, dính liền với người ngâm thơ. Nếu hát một bài tân nhạc, thì người nhạc sĩ viết đúng những nốt nhạc quy định, người ca sĩ chỉ theo đó mà hát. Khác với người hát tân nhạc, người ngâm thơ không phải tuân theo một kỹ thuật xướng âm khuôn phép, ngoại trừ một số quy phạm ấn định do ngôn ngữ. Những quy phạm này cũng gắt gao, nhưng hoạt động của người ngâm đủ rộng để chứa nghệ thuật và xúc cảm riêng, cho người ngâm có nhiều cách để thể hiện sự sáng tạo. Khi đọc một bài thơ, người ngâm có quyền lựa chọn cách ngâm phù hợp, để làm sao nổi bật được bài thơ đó lên. Có khi bài thơ ngâm lên, tác giả không còn nhận ra nó nữa, hoặc tối thiểu, nghe lạ tai. Nó đã khác. Nó không còn nằm trong vòng kiểm soát của tác giả, mà trong khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ ngâm thơ.”
Theo nghệ sĩ tài tử Đặng Xuân Mai, tiếng Việt vốn đơn âm nhưng nhiều thanh, khiến cho phát âm giàu nhạc tính. Ngay trong một chữ, không dấu hoặc có dấu, người ngâm vẫn có cách phát âm riêng để diễn cảm. Cách phát âm này thường là một kỹ thuật và nghệ thuật “giáng hóa” hoặc “thăng hóa” một âm bình thường trong âm điệu nhiều hơn trong âm thanh. Thông thường là “giáng”. Vì tính “giáng” dễ thể hiện những tình cảm như nuối tiếc, nhớ nhung, bàng hoàng, hờn tủi, e ấp, xót xa.... Đây là một cách đè ém ngôn ngữ, bắt ngôn ngữ bật cảm xúc.
Người ngâm thơ tiếng Việt có thể uốn giọng, luyến láy như âm thanh đàn bầu và đàn Hạ uy cầm (Đàn có xuất xứ từ quần đảo Hawaii, gọi là guitar Hawaiien), vào bất cứ chỗ nào trong câu thơ: giữa hai chữ, đầu câu, cuối câu. Ngoài ra còn có hơi ngân dùng để lót cho câu thơ mà người ngâm vay mượn ở thể câu hò.
Ngâm thơ, ngoài những yếu tố kỹ thuật, còn đòi hỏi tính nghệ thuật mang tính chủ quan từ người nghệ sĩ ngâm. Nghệ thuật này bao gồm trình độ tri thức của nghệ sĩ đối với ý nghĩa của bài thơ, từ đó chọn điệu ngâm, phân phối tiết nhịp, và nhất là trình độ cảm thụ của nghệ sĩ để từ đó luyến láy, phát âm, tách âm. Người nghệ sĩ ngâm bài thơ theo hai tiết nhịp chính: tiết nhịp dọc từ câu đầu đến câu cuối, và tiết nhịp ngang theo chuyển động võng nôi từ đầu câu thơ đến cuối câu thơ.
Ngâm thơ thật hiệu quả khi người nghệ sĩ thể hiện các thể thơ truyền thống, như thơ tứ tuyệt, thơ thất ngôn... và đặc biệt là thể thơ lục bát. Chỉ riêng thể thơ lục bát, ở Việt Nam đã có nhiều cách ngâm khác nhau, "Truyện Kiều" của cụ Nguyễn Du có một kiểu ngâm riêng, điều ấy chứng tỏ ngâm thơ ở nước ta phong phú đến chừng nào! Ngâm thơ là một cách hát thơ, nhưng nó khác hát các ca khúc ở chỗ người ngâm tự tạo lấy nhạc điệu và tiết tấu.
Trong một bài viết khác, sẽ trình bày chi tiết hơn về những thể ngâm trong thơ Việt Nam.



Nghệ thuật ngâm thơ của người nghệ sĩ
Người ngâm thơ thường điều độ âm điệu và tiết điệu của câu thơ, căn cứ vào giọng nói Bắc, Trung, Nam khác nhau theo miền.
Thơ lại có nhiều loại, thơ hùng, thơ vui, thơ khẩu khí, thơ trữ tình..., có nhiều thể: Đường luật, lục bát, năm chữ, tự do.... Giọng nói và thể loại cấu tạo yếu tố khách quan làm nên kỹ thuật cho ngâm thơ.
Những nghệ sĩ có giọng “ngâm thơ Đường”, thường trầm bổng đầy cảm khái.
Có giọng “ngâm sa mạc” thì dàn trải theo điệu “cò lả”. Người miền Trung có khuynh hướng ngâm theo “giọng Bình Nghệ”, như là giọng không riêng biệt một tỉnh miền Trung mà bao quát cả miền Trung. Có một thể loại trình diễn bài hát và bài thơ “giao duyên” mà người thưởng thức gọi cách ngâm thơ ấy là “ngâm Tao đàn”, như giọng truyền cảm của cố nghệ sĩ Hồ Điệp (1930-1988), giọng ngâm thơ tuyệt vời của Ban Thi Văn Tao Đàn.
Giọng ngâm của nghệ sĩ Hồ Điệp rất trong trẻo, sang trọng, yểu điệu và cổ kính, ảnh hưởng nhiều điệu cổ nhạc miền Bắc, với chuỗi ngân rất đặc biệt, thường có pha thêm điệu lẩy Kiều. Giọng ngâm của bà từng thể hiện rất thành công nhiều bài thơ, nhưng riêng bài "Chiêu Hồn Thập Loại Chúng Sinh" của thi hào Nguyễn Du, được xem là chưa có nghệ sĩ nào diễn tả vượt qua nữ nghệ sĩ Hồ Điệp. Với bài này, giọng ngâm của nữ nghệ sĩ Hồ Điệp vẫn được xem là tuyệt đỉnh.
Được biết Hồ Điệp là biệt danh do thi sĩ Đinh Hùng đặt cho bà trong chương trình Thi Ca Tao Đàn của đài phát thanh quốc gia từ 1954. Sau biến cố tháng 4 năm 1975, bị kẹt lại tại quê hương, vào năm 1988, bà đã vượt biên bằng đường bộ rời xa tổ quốc qua ngả Cao Miên, nhưng đã vĩnh viễn không thể đến được bến bờ tự do, mà đã mất tích trong chuyến vượt biên này. Tại hải ngoại, đã từng có rất nhiều chương trình tưởng niệm đến nữ nghệ sĩ Hồ Điệp do những bằng hữu của bà tổ chức và được đông đảo đồng hương đón nhận, dù nay bà đã không còn nơi dương thế, nhưng giọng ngâm vàng ngọc của nữ nghệ sĩ Hồ Điệp vẫn mãi lưu dấu trong ký ức của những khán giả năm xưa.

Sự giao duyên của âm nhạc dân tộc cùng với thi ca

Trong các loại nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, “ngâm thơ” là một hình thức nghệ thuật độc đáo, mà trong đó giai điệu của thơ thường chan chứa những nỗi niềm mượt mà sâu lắng. Ít loại hình nghệ thuật nào cô đọng, hàm súc như thơ, tựa hồ mọi cảm xúc như được dồn nén vừa khít trong từng ấy con chữ. Có những bài thơ khiến nhiều thế hệ độc giả luôn mãi tấm tắc ngợi khen, bởi “ý tại ngôn ngoại.” Sức quyến rũ của thơ ca không chỉ nằm trên trang giấy, mà còn ở trong giọng đọc, giọng ngâm của người nghệ sĩ.

Nếu đọc thơ đơn thuần là đọc lên bài thơ với giọng đọc diễn cảm lên giọng và xuống giọng, còn bình thơ được nhấn mạnh hay kéo dài những chữ quan trọng với tiết tấu chậm rãi, trau chuốt hơn. Thì ngâm thơ ra đời như một cách tiếp cận thơ qua thanh điệu, âm nhạc, để hiểu rõ và thẩm thấu trọn vẹn ý nghĩa của từng lời thơ. Ngâm thơ thường không có tiết tấu, mỗi chữ trong câu thơ được ngân nga, lên cao xuống thấp, trầm bổng nhịp nhàng. Phải chăng vì nhạc điệu linh hoạt trong ngôn ngữ Việt, với đặc tính ngôn ngữ và quy ước về vần điệu, nên thơ Việt Nam có thể được diễn ngâm và chỉ ở Việt Nam mới có nghệ thuật ngâm thơ độc đáo, đã ra đời từ đó đến nay hơn mười thế kỷ.
Ngâm thơ còn tùy theo thanh giọng của người ngâm. Nếu ý thơ vui, rộn ràng thì người ngâm phải ngâm giọng xuân, ngược lại thì phải dùng giọng ai hoặc giọng oán để người nghe cảm nhận được nỗi buồn trong thơ. Điều này đòi hỏi người nghệ sĩ ngâm thơ phải khéo léo tài tình. Họ phải phát âm cho rõ ràng câu chữ, không làm sai lệch ý nghĩa lời thơ mà vẫn lên bổng xuống trầm, ngân nga theo đúng làn điệu, giọng xuân hay ai, oán.
Có thể nói ngâm thơ chính là sự giao duyên của âm nhạc dân tộc cùng với thi ca. Ở nơi nào trên thế giới cũng có thơ, bài thơ nào cũng có thể tìm được người tri kỷ dù có phải vượt qua rào cản ngôn ngữ, nhưng nghệ thuật ngâm thơ như của người Việt thì dường như ít nơi đâu có được.



Những thể điệu trong nghệ thuật ngâm thơ

Nghệ thuật ngâm thơ của Việt Nam có nhiều cách ngâm với cấu trúc âm thanh đặc trưng cho từng vùng miền mà mỗi làn điệu đều có nét tinh tế, duyên dáng riêng. Được biết nghệ thuật ngâm thơ Việt Nam có khoảng 60 thể điệu ngâm thơ. Có những thể điệu dùng để ngâm những bài thơ cổ như điệu Cổ Phong, điệu Bình Văn, Nhà Nho, Tráng Sĩ Hành... Sa Mạc (Ngâm theo thang âm xừ - xang - xê - cống - liu - ú), Bồng Mạc (với thang âm hò - xang - xê - cống - liu ), hay Đường Thi, Lẩy Kiều và Tao Đàn dùng để ngâm thơ mới....
Còn ngâm theo thể điệu Đường Thi thì lối ngâm này không kéo dài, phải dùng giọng mũi khi ngân nga, có âm hưởng dân ca miền Bắc, lối ngân nga hao hao theo điệu hát chầu văn, hát ả đào, hát quan họ Bắc Ninh, hát trống quân... tùy theo ý mà dùng các điệu dân ca rồi lồng vào thơ.
Để giúp độc giả rõ hơn về nét độc đáo của nghệ thuật ngâm thơ Việt Nam, người viết xin được trích dẫn nhận định của Giáo sư Tiến sĩ Trần Quang Hải, là một chuyên gia về âm nhạc châu Á người Việt Nam sống tại Pháp (là con trai trưởng của giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê) , đã được ông phổ biến trên trang nhà của ông trên mạng lưới toàn cầu.
Giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải đã phân loại thể điệu ngâm thơ Việt Nam theo 3 miền, Bắc- Trung- Nam.
Theo ông, ở miền Bắc có 4 loại ngâm thơ: ngâm sa mạc, ngâm Kiều hay lẩy Kiều, ngâm thơ theo hát ru, ngâm thơ theo hát nói.
“Riêng với Ngâm Sa Mạc, ông nhận xét thang âm sa mạc rất đặc biệt, có sự hiện hữu của quãng ba trung, nghĩa là quãng ba ở chính giữa hai quãng ba thứ, và quãng ba trưởng. Thang âm như sau: Do, Mi trung, Fa, Sol, Sib, Do. Người ngâm phải biết thể luật ngâm theo điệu Sa Mạc. Tất cả chữ chót của câu thơ bằng dấu huyền như “làng , buồn, tình, đời, v.v.” thì phải ngâm ở nốt DO. Còn chữ chót của câu thơ bằng không dấu như “thương, yêu, tôi, anh, em” thì ngâm ở nốt MI trung.
Còn ngâm Kiều hay Lẩy Kiều, thì theo giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải, ai là người Việt cũng đều biết tới truyện Kiều. Nhưng cách ngâm Kiều không phải là ai cũng biết. Thang âm gần giống như thang âm Sa mạc nhưng không có quãng ba trung mà là quãng ba thứ và được trình bày như sau: Do, Mib, Fa, Sol, Sib, Do. Khi ngâm ngừng ở chữ dấu huyền ở cuối câu thơ thì phải ngâm ở nốt DO. Khi chữ chót của câu thơ là không dấu thì phải ngâm ở nốt FA. Do đó tạo sự khác biệt giữa Sa Mạc và lẩy Kiều.”
Nếu ngâm thơ theo Hát Ru. Vì Hát ru là điệu ru con miền Bắc, dựa trên thang âm: Do, Re, Fa, Sol, La, Do. Nên chữ có dầu huyền ở cuối câu thơ phải ngâm ở nốt DO, và nếu chữ chót không dấu thì phải ngâm ở nốt FA. Gọi là ngâm thơ chứ thật ra là hát ru, vì không có hát... à á a ời ! à á a à ơi !... như trong hát ru.
Với thể điệu Ngâm thơ theo hát nói. Do hát nói là một thể loại trong Ca Trù được dùng vào cách ngâm thơ miền Bắc. Thang âm rất đặc biệt: Do - Fa - Lab- Do. Chữ chót của câu thơ là dấu huyền thì phải ngâm ở nốt DO, và nếu chữ chót là không dấu thì ngâm ở nốt FA, chứ không thể ngâm ở bất cứ nốt nào. Người nào muốn ngâm theo thể Hát nói, thì phải có căn bản về Ca Trù , nếu không thì sẽ ngâm sai.”
“Ở miền Trung có ngâm thơ Huế tức là dựa trên thang âm miền Trung (được nghe lúc hát hò mái nhì, hò mái đẩy). Thang âm gồm có những nốt nhạc như: Do, Re (hơi thấp), Fa (hơi cao), Sol, La (hơi thấp), Do. Nốt cuối câu có thể ở nốt DO hay nốt FA tùy theo người ngâm muốn dừng ở đâu.
“Ở miền Nam có nhiều cách ngâm thơ. Ở lục tỉnh người ta đọc thơ Vân Tiên (truyện Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu). Thang âm: Do , Mib, Fa, Sol, La, Do. Chữ chót là dấu huyền thì phải ngâm ở nốt DO. Nếu chữ chót là không dấu thì phải ngâm ở nốt FA.
Ngâm thơ theo điệu Hò thì cũng dựa trên thang âm đặc biệt miền Nam như thang âm dùng trong đọc thơ Vân Tiên.
Còn riêng về cách ngâm thơ Tao Đàn đặc biệt của miền Nam, theo giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải, thể điệu này do nhà thơ Đinh Hùng (người miền Bắc) tạo ra sau hiệp định Genève năm 1954 chia nước Việt ra hai miền Bắc- Nam. Nhà thơ Đinh Hùng có làm một chương trình ngâm thơ trên đài phát thanh Saigon “Ngâm thơ Tao Đàn.” Trong chương trình này có cách ngâm thơ đặc biệt, và khán giả nghe quen gọi là ngâm thơ theo điệu Tao đàn. Thang âm hoàn toàn miền Nam: Do, Mib, Fa, Sol, La, Do. Chữ cuối câu thơ nếu là dấu huyền thì ngâm ở nốt DO. Còn nếu không dấu thì ngâm ở nốt FA hay có thể ngừng ở nốt SOL.
Lúc trước 1975, ở miền Nam, trong chương trình “ngâm thơ Tao Đàn” ngoài Đinh Hùng , còn có nghệ sĩ Hồ Điệp (trước khi di cư vào Nam, từng là cô đầu hát ca trù rất hay), Tô Kiều Ngân, nữ ca sĩ Hoàng Oanh, v.v....”
Thông thường khi thưởng thức một bài diễn ngâm của nghệ sĩ ngâm thơ, người thưởng thức luôn để cho cõi lòng mình thật tĩnh lặng thì sẽ có một sự đồng cảm và đón nhận trọn vẹn những gì mà ý thơ muốn chuyển tải. Nghệ thuật này hay không chỉ từ giọng ngâm, cách diễn ngâm của người nghệ sĩ, từ nội dung của bài thơ, mà còn quyến rũ người nghe bởi tiếng đàn, tiếng sáo minh họa, giúp nghệ thuật ngâm thơ được thăng hoa. Tiếng đàn còn có tác dụng mở màn và kết thúc bài ngâm, đỡ lời cho người nghệ sĩ nghỉ lấy hơi hay chuẩn bị làn hơi để giọng ngâm ngọt ngào, tinh tế hơn.
Giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải cho rằng lúc khởi đầu vào đầu thế kỷ 20, đệm cho nghệ sĩ ngâm thơ chỉ có tiếng sáo, đàn tranh, đàn bầu. Về sau có thêm đàn nguyệt (hay đàn kìm theo miền Nam).
“Từ khi có thể điệu ngâm thơ Tao đàn thì lại có thêm piano. Lúc trước 1975 ở Saigon, GS Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi là người đàn piano để đệm ngâm thơ rất được ưa chuộng. Sau này ở hải ngoại, những người ngâm thơ được đệm chánh là tiếng sáo, tiếng đàn tranh, và đôi khi đàn bầu. Sự giới hạn nhạc khí là do bởi ở hải ngoại hiếm có nhạc sĩ đàn kìm.”
Người nghệ thuật ngâm thơ muốn chạm được đến trái tim người thưởng thức khi diễn ngâm, thì không thể chỉ cần vững vàng về kỹ thuật mà rất cần có sự rung cảm sâu sắc trước một tác phẩm thơ và truyền đạt nó bằng cảm xúc. Người nghệ sĩ diễn ngâm, muốn thể hiện đúng tinh thần bài thơ, phải hiểu tác giả định nói gìtrong tác phẩm, âm điệu, nhạc điệu của bài thơ để thấu hiểu hồn thơ. Cốt lõi là phải cảm được hồn thơ. Bởi có hiểu hồn thơ mới có thể cất lên thành khúc ngâm truyền cảm, lay động lòng người.
Ngâm thơ là một cách hát thơ, nhưng nó khác hát các ca khúc ở chỗ người ngâm tự tạo lấy nhạc điệu và tiết tấu. Sự sáng tạo của người nghệ sĩ diễn ngâm rất cao, trước mỗi bài thơ cần ngâm, người diễn ngâm sẽ xem bài thơ này hợp với thể ngâm nào, bồng mạc hay sa mạc... có khi là một giai điệu do nghệ sĩ cảm thụ mà sáng tạo. Câu nào ngân lên, đoạn trầm đoạn bổng là đâu, ngắt câu nhả chữ, luyến láy ở đâu...
Hiện nay ngay tại trong nước, vẫn chưa có một trường lớp chính quy nào dạy cách ngâm thơ như các trường thanh nhạc. Bản thân người nghệ sĩ ngâm thơ phải tự mày mò tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước thông qua truyền khẩu. Nghệ thuật ngâm thơ là một kho tàng quý giá mà dân gian Việt Nam đã để lại cho con cháu. Nếu thế hệ tiếp nối không tiếp tục giữ gìn môn nghệ thuật độc đáo này thì thật hoài phí và có lỗi với người xưa biết bao.
Băng Huyền
Theo báo Viễn Đông
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.164 giây.