Kính tặng các đồng đội tôi, những người bị bắt trong mùa thu 2008...
Mười một tháng chín năm 2001 không chỉ là ngày tồi tệ trong lịch sử nước Mỹ mà còn trở thành biểu tượng về nỗi kinh hoàng cho nhân loại. Trong khi cả thế giới đang tưởng niệm bẩy năm ngày xảy ra “sự kiện 11 tháng 9” thì một chiến dịch khủng bố khác đã được thực hiện. Vụ khủng bố không xảy ra ở nước Mỹ, thủ phạm không phải Osama Bin Laden và không có ai bị chết. Mười một tháng chín năm 2008, chính quyền cộng sản đã tiến hành một chiến dịch bắt bớ với quy mô lớn nhằm vào những nhân vật đấu tranh cho Nhân quyền và Dân chủ ở Việt Nam.
Trong số những nhân vật đầu tiên bị bắt đi vào ngày 11 tháng 9 là các ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Văn Trội, Nguyễn Văn Túc. Lần lượt những ngày kế tiếp là các nhân vật tranh đấu khác gồm: Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Tính, Ngô Quỳnh, Vũ Hùng, Trần Đức Thạch, Nguyễn Kim Nhàn và tôi, Phạm Thanh Nghiên. Hơn bốn mươi năm tù là “phần thưởng” dành cho chúng tôi, dành cho khát vọng Tự do và những giá trị tốt đẹp của Con người.
Ngày hôm nay, 11 tháng 9 năm 2013, tròn 12 năm kể từ ngày khủng bố mười một tháng chín trên đất Mỹ. Và cũng đã năm năm kể từ ngày cộng sản tiến hành “chiến dịch bắt bớ mùa thu 2008”, chúng tôi đều đã lần lượt ra tù. Nhưng có một người vẫn còn nằm lại, ở một trong những nhà tù khắc nghiệt nhất của hệ thống nhà tù cộng sản: nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, người nhận bản án nặng nề nhất trong số chúng tôi.
Trong năm năm qua, nhà văn của chúng ta đã trải qua bốn nhà tù. Không ít lần trong thời gian năm năm ấy ông đã bị biệt giam, bị phân biệt đối xử, bị nhốt trong buồng kỷ luật với lý do “vi phạm nội quy trại giam” mà trên thực tế là một hình thức trả thù hèn hạ vì ông đã đấu tranh để phản đối sự vô nhân đạo của cai tù áp đặt lên ông và những người tù khác. Sự tàn bạo của chế độ nhà tù cộng sản không còn là điều xa lạ nhưng chúng ta vẫn không khỏi ngỡ ngàng nhận tin ông bị cùm chân ngay trên giường bệnh hồi cuối năm 2012. Khí phách và sự khẳng khái của một nhà văn yêu nước không chỉ làm cho chúng ta xúc động, khâm phục mà còn khiến những tên cai tù máu lạnh đang lăm lăm chiếc cùm sắt phải chùn tay, lùi bước: “Nếu các anh cùm chân tôi, thì tôi sẽ chọn cái chết ngay trên giường bệnh này!”
Cách đây không lâu, sự kiện Blogger Điếu Cày tuyệt thực trong tù trở thành một trong những sự kiện khiến công luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Người ta đếm từng ngày anh tuyệt thực và gọi đó là “lịch Điếu Cày”. “Lịch Điếu Cày” chỉ dừng lại ở con số 36 khi anh ngừng tuyệt thực đồng nghĩa với việc cai tù buộc phải đáp ứng những yêu cầu chính đáng của một người tù lương tâm bất khuất. Người đã bất chấp hiểm nguy để báo tin Điếu Cày tuyệt thực chính là ông, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa. Dùng từ “hiểm nguy” không quá vì đối với một Tù nhân lương tâm, khi trao đổi với người thân trong những cuộc thăm gặp thì dù là thông tin liên quan đến bản thân mình còn bị cho là cấm kỵ. Huống hồ đó là thông tin về một Tù nhân lương tâm khác, nhất lại là thông tin vào diện “nhạy cảm”.
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Nga, vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa thì khi vừa thông báo tin này cho bà biết, “ông Nghĩa lập tức bị công an bịt mồm, lôi đi xềnh xệch” và đương nhiên, cuộc gặp bị hủy bỏ. Ngay sau đó, ông Nghĩa được chuyển từ buồng tập thể sang buồng giam chỉ có hai người. Không phải ngẫu nhiên Trần Văn Tiến, tên tội phạm làm gián điệp cho Trung Quốc, lại từng có “thành tích” đánh người (trước đó đã đánh một Tù nhân lương tâm khác là ông Nguyễn Kim Nhàn) được bố trí để ở chung với nhà văn, một người rất quyết liệt trong đấu tranh chống bá quyền Trung Quốc. Vào lần thăm gặp gần đây, bà Nga cho biết chồng bà không chỉ bị tên Tiến đánh, mà còn liên tục bị đe dọa và xúc phạm đến nhân phẩm. Hắn từng ngang nhiên tuyên bố: “Mày (Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa) sẽ chết trước khi kịp bước chân vào nhà”. Lời đe dọa nghe giống với thông điệp của chính quyền gửi đến “kẻ chống đối” hơn là của một người tù nói với một người tù.
Năm trong số sáu năm tù nhà văn đã trải qua với bao nhiêu hiểm nguy và thử thách. Một năm còn lại, có thể những hiểm nguy và thử thách sẽ nhiều hơn nhưng chúng ta tin, một con người luôn hướng đến tương lai như ông sẽ vượt qua tất cả để trở về trong chiến thắng.
Những Tù nhân lương tâm khác đều sẽ trở về trong chiến thắng. Vì tương lai là của chúng ta.
Hôm nay, để kỷ niệm năm năm ngày nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và các đồng đội của ông bị bắt, xin được tặng lại quý độc giả bài thơ “Cầu xin đau cả loài người” ông viết hồi tháng 9 năm 2007, một năm trước khi bị bắt. Bài thơ - như ông tâm sự - là để “kính viếng hương hồn những người dân Myanmar đã ngã xuống trong cuộc biểu tình chống chế độ quân phiệt cuối tháng 9 năm 2007”.
“Người đã ngã trên đường Yangon
Tôi sẽ ngã trên đường Hà Nội”.
Không lâu sau khi tôi, ông và nhiều anh em khác bước chân khỏi căn nhà quen thuộc của mình để đối mặt với cuộc sống ngục tù thì đường phố Yangoon đã không còn thêm những xác người. Người dân Miến Điện đã được Tự do. Một kết thúc có hậu cho một Dân tộc từng trải qua nhiều đau thương, mất mát.
Việt Nam có thể phải rất lâu hoặc có thể không bao lâu nữa để có một cuộc xuống đường như mong muốn. Trong số những người “sẽ ngã” có thể có ông - nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa - có tôi, bạn hay bất cứ một người dân Việt Nam nào. Nhưng, chúng ta sẽ ngã cùng với nụ cười nở trên môi: Nụ cười Việt Nam. Nụ cười chiến thắng. Nhưng, trước mặt chúng tôi đã có đoàn người vững vàng tiến tới và đang ca bài Chiến thắng.
Cầu xin đau cả loài người
Nguyễn Xuân Nghĩa
Người đã ngã trên đường Yangon
Ngực áo cà sa đang thủng
Tiếng súng độc tài vang trên xứ sở chùa chiền
Sao người bên ấy giống mẹ tôi,
Người giống bố tôi.
Con trâu lưỡi cày chung gốc
Cây lúa, cây ngô một hạt phân cành
Sao đất nước của người giống đất nước của tôi
Hoa văn mái chùa chung nét
Tiếng chuông phương Nam, tĩnh hồn phương Bắc
Gốc Bồ Đề, tràng hạt cầm chung.
Kẻ cầm quyền bên người sao giống bên tôi
Viên đạn giống nhau ngôn từ cũng giống
Cái người mất là cái tôi đang mất
Tiếng thét bên kia nghe ở bên này
Người đã ngã trên đường Yangon
Tôi sẽ ngã trên đường Hà Nội.
Giọt máu trộn chung, đỏ hai mảnh đất
Cầu xin đau cả loài người.
Phạm Thanh Nghiên (Danlambao)