Chính trường Việt Nam từ khoảng giữa năm 2011 đến nay đã hình thành 2 phe rõ rệt “tuy một (đảng) mà hai (phe)” trong nội bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam: Phe Đảng gồm các ông Nguyễn Phú Trọng, trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng vv.., và Phe Chính Phủ gồm rất nhiều nhân vật tai to mặt lớn ở các bộ (kể cả một vài nhân vật trong Bộ chính trị), đứng đầu là đương kim thủ tướng chính phủ Việt Nam hiện nay – Nguyễn Tấn Dũng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hình thành hai phe, Đảng và Chính Phủ, nhưng chắc hẳn sẽ có nhiều người đồng ý rằng, đó là sự chia rẽ do phân chia quyền lợi chứ chẳng phải vì những điều cao quý như “vì công bằng xã hội” hay là “vì lý tưởng Cộng Sản” gì hết ráo!
Sự kiện ông Nguyễn Sinh Hùng nhận xét thẳng thừng về báo cáo tình hình chống tham nhũng của chính phủ, trước diễn đàn quốc hội ngày 18/9/2013 rằng:“Nếu không tham nhũng thì quan chức lấy tiền đâu đi nhậu, đi chơi này đi chơi kia, chạy chức vụ này chức vụ kia, không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy,” và” Có tham nhũng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng không?”. Cần nhắc lại cho rõ rằng, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng ban Phòng chống Tham nhũng Trung ương nhiều năm qua cho tới tháng 2/2013 mới thôi. Vậy đây là bằng chứng ông Hùng nhằm “chỉ mặt” ông Dũng chứ không phải là ai khác!
Trước đó bà Nguyễn Thị Doan, phó chủ tịch nước cũng mạnh mẽ lên tiếng trong phiên họp quốc hội ngày 11/9/2013, gọi những kẻ tham nhũng, làm càn, là“bộ phận không nhỏ” và kêu gọi cán bộ “hãy chấp hành tốt pháp luật”. Để nhấn mạnh sự tha hóa biến chất của cán bộ công quyền (hành pháp do thủ tướng lãnh đạo) bà Doan đã cay đắng nhận xét: “Tôi càng đi càng thấy buồn, người ta ăn của dân không từ một cái gì”.
Còn nhớ, sau Hội nghị Trung ương 4, khi tiếp xúc với cử tri tại Hà Nội, ông tổng Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu rằng: “Một bộ phận không nhỏ, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp, thoái hóa hư hỏng, đe dọa sự tồn vong của đảng và chế độ!”. Ngay lúc ông Trọng phát biểu người ta còn bán tín bán nghi rằng chưa rõ ông nói ai, nhưng về sau này, ai cũng hiểu đó là câu nói ám chỉ ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng!
Mạnh hơn, ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước, còn gọi ông Dũng là “đồng chí X” và trước đó, khi tiếp xúc cử tri Sài Gòn hồi tháng 5/2011 ông ta còn phát biểu: “Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này. Không ai khác, “đồng chí X” và “một bầy sâu”, là những từ ngữ chỉ đích danh Nguyễn Tấn Dũng và bộ sậu của ông ta.
Mặc dù bị bêu riếu nặng nề nhưng sau Hội nghị 4 và thậm chí cả sau hội nghị 5; 6 của Đảng Cộng Sản Việt Nam đến nay, ông Nguyễn Tấn Dũng đã không hề có bất cứ một phát biểu nào mang tính chất trả đũa Phe Đảng. Về tâm lý, sự im lặng của địch thủ bao hàm cả nghĩa khinh thường, không chấp, và tất nhiên đằng sau đó phải là những toan tính có chiều sâu. Nếu để ý một chút thì sẽ thấy tử huyệt của Phe Đảng, cụ thể là của Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang chính là “bài thuốc bỏ phiếu tín nhiệm” mà Phe Thủ Tướng đã nắm chắc trong tay.
Dường như Phe Đảng không có được vị thế tốt như Phe Chính Phủ. Theo tâm lý chung, những kẻ lớn tiếng kêu gào, la lối, rủa xả, đều là kẻ yếu, cần sự trợ giúp từ những người xung quanh. Suy luận theo cách này thì thấy rõ, hiện nay Phe Chính Phủ đang chắc thắng.
Những phát biểu mạnh miệng của bà Doan và ông Hùng lại đúng vào lúc ông Dũng đang chuẩn bị có chuyến công du quan trọng đến những nước “đối tác chiến lược” như Pháp (ngày 23/09/2013) và sau đó có thể là Mỹ. Họ cố ý hạ uy tín của ông Dũng nhằm mục đích gì, hay đây chỉ là khúc dạo đầu cho một cuộc ra tay đảo chính mềm nhằm lúc ông Dũng đã ra nước ngoài giống như trường hợp thủ tướng Thái Lan – ông Thaksin Shinawatra – bị hất cẳng năm 2006?
Mới ít ngày qua, bất ngờ ông Nguyễn Thiện Nhân, phó thủ tướng lại bị điều chuyển sang phụ trách Mặt trận Tổ quốc – một tổ chức hữu danh vô thực, tất nhiên là không có bất cứ quyền lực gì. Liệu đây có phải là hành động của Phe Đảng muốn “cắt” bớt chân tay của Phe Thủ Tướng hay không, hay Phe Thủ Tướng loại bỏ một kẻ bất tài thân Phe Đảng? Có vẻ như đây chính là đòn của Phe Thủ Tướng chứ không phải là ngược lại. Còn đối với nhân vật Nguyễn Sinh Hùng sẽ vẫn còn là ẩn số vì ông ta đã chịu nhiều ơn của ông Nguyễn Tấn Dũng nhưng sao nay lại nghiêng về Phe Đảng?
Sẽ là một thiếu sót nếu bỏ quên nhân vật Nguyễn Bá Thanh trong Phe Đảng. Nhưng những gì ông Thanh làm sau các tuyên bố hết sức giật gân “bắt nhốt hết” cho thấy đó chỉ là trò đánh võ mồm nhằm mục đích sơn phết cho vị trí cá nhân ông ta mà thôi. Ngày 23/09/2013 tiếp xúc cử tri Đà Nẵng, ông Thanh mặc dù vẫn nói “sắp tới pháp luật sẽ hoàn thiện để xử lý những người đứng đầu có dính đến tham nhũng” nhưng giọng điệu đã chùng hẳn xuống, khi thừa nhận Đà Nẵng có sai sót trong vụ thất thoát 3400 tỉ đồng thời ông này còn đang làm bí thư thành ủy “thành phố (Đà Nẵng) sai đến đâu thì xử lý đến đó”.
Là một thủ tướng, trong hơn 7 năm qua ông Dũng đã vấp phải vô số những sai lầm nghiêm trọng về mặt hành pháp. Nhưng những sai lầm của cá nhân ông Dũng đều có hình bóng Đảng Cộng Sản trong đó, vì nguồn gốc mọi sai lầm, về lý, đều là do sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản mà ra. Chúng ta hãy xem những văn bản quan trọng cấp nhà nước do ông Dũng ký duyệt và chỉ đạo như thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước, ký khai thác Bauxite, ngăn cấm việc hình thành phe đối lập vv.., đều phải thông qua Bộ chính trị cả…
Đối với vấn nạn tham nhũng cũng có nguyên nhân sâu xa của nó. Trong một thể chế độc tài, độc quyền thì vấn đề trục lợi là điều đương nhiên, bè cánh ô dù phe đảng là không thể tránh khỏi. Cán bộ không tham nhũng mới là chuyện lạ, còn tham nhũng mà có pháp luật che chở, nếu bị phát giác thì thí vài con tốt hay về hưu, thì chẳng ai dại gì mà không vơ vét “của chùa”…
Tình hình kinh tế, chính trị xã hội ở Việt Nam lúc này như một cái nồi hơi quá áp. Các tập đoàn kinh tế sẽ sụp đổ, mặc dù chính phủ vẫn chưa khai tử những tập đoàn đang sống thực vật như Vinashin, Than Khoáng Sản, Dầu Khí vv.., nhưng một khi nó được cộng hưởng bởi trái bong bóng bất động sản chính thức phát nổ, hàng loạt các ngân hàng mất thanh khoản, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ trở về “thời kỳ đồ đá”… Chỉ còn cách thay đổi chính trị để cứu nền kinh tế đang chờ sụp xuống và đã hoàn toàn mất phương hướng. Đây có thể cũng là cách sửa sai tốt nhất cho ông Dũng.
Trước sự phẫn uất ngày một gia tăng trong dân chúng bằng việc liên tục nổ ra các vụ chống đối chính quyền (thậm chí là đã có những vụ xả súng nhằm vào cán bộ nhà nước), trước sự lên tiếng của người dân khắp nơi, đặc biệt là những tiếng nói bất bình của các cán bộ đảng viên lão thành cách mạng, các nhân chí sĩ đã xả thân trong chiến tranh, các cựu tướng lĩnh, các nhà trí thức, nhà quản lý kinh tế, các nhà hoạt động xã hội như “Nhóm kiến Nghị 72” hay mới nhất là Tuyên bố của 108 nhân sĩ trí thức và công dân Việt Nam trong và ngoài nước, bản thân không ít những cái đầu bảo thủ trong Bộ chính trị cũng phải nghĩ đến một sự thay đổi.
Đối với đại chúng nhân dân, họ mới chính là người mong mỏi nhất cho một sự thay đổi, vì sự thay đổi thể chế sẽ hứa hẹn mang lại cho họ tự do và chất lượng sống cả về tinh thần lẫn vật chất. Nếu như nhân dân nổi giận và bảo nhau làm một cuộc cách mạng thì đó là con đường tốt nhất, loại bỏ chế độ Cộng Sản – khối u ác nghiệt, hòn đá cản đường cho sự phát triển đi lên của đất nước – nhưng điều đó có vẻ còn xa vời khi người dân còn có tư tưởng chờ người khác “dọn cỗ” giúp mình…
Vậy nếu người dân, vì tính ỷ nại của mình mà không nghĩ đến việc ra tay làm một cuộc đổi dời vĩ đại, thì nếu họ phải chọn một trong hai phe đang hiện hữu trong bộ máy quyền lực hiện nay, họ sẽ chọn Phe Đảng hay Phe Chính Phủ? Tin chắc rằng đại đa số sẽ chọn Phe Chính Phủ vì họ biết rằng nếu ông Nguyễn Tấn Dũng lên làm tổng thống thì có thể đất nước sẽ có một Lý Quang Diệu hay một Putin Việt Nam. Dẫu sao thì vẫn tốt hơn là Phe Đảng gồm toàn những kẻ ngu dốt và lạc hậu cầm quyền…
Gần đây báo Nước Đức Mới của Đức, báo Korea Herald của Hàn Quốc và báo Le Point của Pháp đã trực tiếp hoặc gián tiếp ca ngợi ông Nguyễn Tấn Dũng, bản thân ông Dũng cũng được quốc tế đánh giá cao về bài phát biểu tại diễn đàn Shangrila vừa qua. Và với sự tín nhiệm đó, ít nhiều ông Dũng cũng có những thuận lợi nhất định về mặt quan hệ quốc tế khi là một vị tổng thống Việt Nam. Tất nhiên chuyện đó nếu xảy ra sẽ khó tránh khỏi cơ cấu gia đình trị. Nhưng chắc chắn sẽ tốt hơn việc quyền lực cứ mãi nằm trong tay Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Trước những đòn tấn công đôi khi là khá ngộ nghĩnh và hài hước của Phe Đảng, nhất là từ cuối năm 2011 đến nay, dẫu nó không đủ để hạ bệ một người có thực quyền và có chân rết chắc chắn tại tất cả các bộ ngành từ trung ương đến địa phương, nhất là Bộ quốc phòng và Bộ công an, nhưng những chuyện kêu gào la lối của Phe Đảng cũng đã làm rát mặt thủ tướng. Đây có lẽ là thời điểm để ông Nguyễn Tấn Dũng thể hiện mình. Nếu bỏ qua bên chuyện cá nhân thì đây hoàn toàn là vấn đề hướng tới một sự phát triển theo khuynh hướng dân chủ. Vậy người dân sẽ theo Phe Thủ Tướng mà không bao giờ theo Phe Đảng!
© Lê Nguyên Hồng (Danchimviet)