Báo Pháp luật trong nước ngày 12/9/2013 đưa tin anh Đặng Ngọc Viết ở thị xã Thái Bình đã nổ 7 phát súng Colt vào đoàn cán bộ của Trung tâm phát triển quỹ đất của tỉnh Thái Bình, giết chết ông Vũ Ngọc Dũng, phó giám đốc của trung tâm này, và làm bị thuơng 2 cán bộ khác. Sau đó anh Viết phóng xe gắn máy về chùa Đông ở huyện Kiến Xương quê anh, cầu nguyện trước tượng Phật Bà Quan Âm rồi chĩa súng vào ngực tự sát sau khi nói với nhà Chùa:«Tôi đòi công lý cho bà con ta».
Anh Viết mới 32 tuổi, là một lao động từ nước Nga trở về, có 2 con nhỏ. Anh có mảnh đất 220 m2 bị thu hồi 180 m2, được đền bù theo giá cưỡng bách. Anh đã gửi 5 đơn khiếu nại, nhưng không được trả lời. Khi bị đoàn cán bộ tỉnh về thúc ép việc giải tỏa vùng đất này, anh Viết coi đó là biểu tượng của sự tàn ác của chính quyền không phải đối với riêng anh, mà còn đối với tất cả mọi nông dân và mọi công dân lương thiện của đất nước này.
Đã có bao nhiêu nạn nhân mất đất một cách oan ức, bao nhiêu gia đình sạt nghiệp vì bị đất ruộng trưng mua, trưng thu, thu hồi một cách vô lý, bất công như anh Đặng Ngọc Viết.
Đã có cả một đội quân dân oan, hàng ngàn, hàng vạn người đi kêu oan, kiện cáo khắp nơi. Theo các báo trong nước như Tuổi trẻ và Pháp luật, đã có không ít người tự thiêu vì bị mất đất như anh Phạm Anh Nam ở Lâm Đồng, tự treo cổ như anh Nguyễn Viết Thành ở Đà Nẵng ngày 12/9 vừa qua.
Có tiếng nói nào có trọng lượng về ruộng đất hơn chính kiến của chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân và nguyên Thứ trưởng Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ. Cả hai ông đều cho rằng sở hữu toàn dân là điều cực kỳ phi lý và tệ hại, cần dứt khoát quay trở lại với chế độ đa sở hữu về ruộng đất từ ngàn xưa. Hai ông đã nhiều lần phát biểu trên blog của mình và trên báo Diễn đàn Doanh nghiệp (tháng 8 và tháng 9) lập trường nên trả lại sở hữu đất cho người nông dân như trước đây.
Chế độ ấy minh định ở mỗi làng xã có địa bạ công khai, có bản đồ cụ thể từng thửa ruộng, từ ruộng công do chính quyền xã quản lý thu hoạch dùng cho lễ hội, cúng bái Thành hoàng, dự trữ lương thực phòng đói kém, khuyến học trong xã, rồi ruộng sở hữu tư nhân của từng hộ (chiếm phần lớn nhất diện tích đồng ruộng, ao, hố), rồi ruộng của các hội tập thể, từ ruộng đất chung của các dòng họ, của nhà chùa, nhà thờ, hội từ thiện, hội khuyến học (còn gọi là tự điền, học điền…).
Một sự trùng hợp đáng chú ý là việc giết người rồi tự sát của anh Đặng Ngọc Viết đã xảy ra khi Luật đất đai (sửa đổi) sẽ được Ban Chấp hành Trung ương đảng CS và Quốc hội thảo luận để thông qua vào tháng 10 này.
Điều hay nhất là trong các phiên họp này, Ban Chấp hành Trung ương đảng và Quốc hội nên có những việc làm như sau:
Mặc niệm những nạn nhân gần đây nhất của chế độ «sở hữu toàn dân về đất đai», công dân Đặng Ngọc Viết và cán bộ Vũ Ngọc Dũng, cũng như tất cả những oan hồn đã chết do bất công xã hội về ruộng đất, bị tước quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất tồn tại tự ngàn xưa.
Long trọng tuyên bố long trọng hủy bỏ chế độ «sở hữu toàn dân», thiết lập lại chế độ sở hữu đa hình thức: sở hữu công, sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể. Hiến pháp và luật pháp sẽ được sửa đổi theo tinh thần đó. Vì chính cái sở hữu toàn dân do đảng CS tạo ra là kẻ giết người hàng loạt cần bị vạch mặt, kết tội và xóa bỏ không thương tiếc.
Những bổ sung sửa chữa vụn vặt sẽ không có tác dụng gì, chỉ là xoa bóp căn bệnh ung thư đã di căn.
Nếu lãnh đạo đảng CS một mực duy trì chế độ phi lý «sở hữu toàn dân» họ sẽ tự cô lập hơn nữa với nông dân còn chiếm 70% số dân nước ta, với một khối trí thức đông đảo đang thức tỉnh và nổi giận, với tuổi trẻ am hiểu thời cuộc và thời đại.
Họ sẽ có nguy cơ bị hóc trong vụ Luật đất đai sắp tới. Ít nhất cũng sẽ là nuốt khó vào, nhả khó ra, vì lòng tham họ không muốn nhả ra cho phải lẽ. Rồi nếu việc gia nhập khối kinh tế Xuyên Thái Bình Dương TPP cũng hỏng và hóc nốt thì sẽ là tận cùng tai họa cho nhóm bảo thủ giáo điều.
Thế lực giáo điều bảo thủ sẽ chuốc lấy búa rìu của dư luận còn lớn hơn, quyết liệt hơn.
Theo Blog của Nhà báo Bùi Tín