Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Khóa họp thứ 68 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 27/09/2013. Ảnh minh họa.
REUTERS/Mary Altaffer/PoolTrong khuôn khổ chuyến ghé New York tham dự khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 27/09/2013, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã được hãng tin Mỹ Bloomberg phỏng vấn trong khoảng một tiếng đồng hồ. Bên cạnh các hồ sơ kinh tế, người đứng đầu chính phủ Việt Nam còn nhắc lại một yêu cầu của Hà Nội đối với Washington trong lãnh vực quân sự : bãi bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Theo bản tin của hãng Bloomberg ngày 28/09, trả lời nhà báo Al Hunt ông Nguyễn Tấn Dũng đã xác định rằng Việt Nam hoan nghênh sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại châu Á. Theo ông Dũng : “Hoa Kỳ là một cường quốc toàn cầu và cũng là một cường quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một sự hiện diện thích hợp của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ đóng góp vào hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải.”
Trong bối cảnh quan hệ quân sự, quốc phòng Mỹ-Việt phát triển đồng thời với quan hệ kinh tế, thương mại, Thủ tướng Việt Nam cho rằng Washington nên bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Hà Nội, vì cấm vận này vừa “không hợp lý” vừa mang tính chất “phân biệt đối xử”.
Phát biểu với nhà báo Mỹ, ông Nguyễn Tấn Dũng thẩm định : “Điều đó thể hiện một thái độ thiếu tin tưởng… Nói thật với quý vị, ngay cả khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận này, chưa chắc là chúng tôi sẽ mua vũ khí từ Hoa Kỳ, nhưng điều đó (bãi bỏ cấm vận) là một vấn đề thể hiện sự tin tưởng lẫn nhau.”
Theo hãng Bloomberg, đà tăng cường quan hệ quân sự Mỹ-Việt vào năm ngoái đã được nêu bật với sự kiện Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào khi ấy là ông Leon Panetta đã trở thành quan chức chính phủ cao cấp nhất của Mỹ tới thăm Vịnh Cam Ranh kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhân một chuyến thăm vào tháng Sáu năm 2012.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ thăm Việt Nam năm 2014Đà thắt chặt quan hệ giữa hai nước cựu thù sẽ được tiếp tục với chuyến công du Việt Nam vào năm tới 2014 của đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Nhân một cuộc tiếp xúc với đồng nhiệm Việt Nam Phùng Quang Thanh cuối tháng Tám 2013 tại Brunei, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), ông Chuck Hagel đã nhận lời mời sang thăm Việt Nam vào năm tới.
Trong bản thông cáo báo chí ngày 28/08/2013, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ George Little cho biết thêm là Bộ trưởng Hagel còn nhắc lại cam kết tăng cường quan hệ quốc phòng song phương Mỹ-Việt, và nêu bật tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nơi đang có tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam với năm nước khác trong đó có Trung Quốc.
Theo Bloomberg, trong một bản nghiên cứu cho Quốc hội Mỹ công bố tháng Bảy vừa qua, ông Mark Manyin, một chuyên gia về châu Á đã ghi nhận rằng các quan chức trong chính quyền Obama từng xác định Việt Nam là một trong những đối tác mới mà Hoa Kỳ cần tranh thủ trong khuôn khổ chủ trương tái cân bằng chiến lược và kinh tế qua vùng châu Á.
Đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam rất hoan nghênh khả năng đó : “Chúng ta từng là kẻ thù, nhưng bây giờ chúng ta là bạn hữu… Chúng tôi sẵn sàng gác lại quá khứ và cùng nhau làm việc hướng tới tương lai vì mục tiêu chung của chúng ta là hòa bình, hữu nghị và hợp tác trên cơ sở bình đẳng để hai bên cùng có lợi và cùng phát triển.”
Theo RFI