Đại tướng Võ Nguyên Giáp
AFP/ VNATheo báo chí chính thức ở Việt Nam hôm nay, 05/10/2013, Văn phòng Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa thông báo là tang lễ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được tổ chức theo nghi thức quốc tang trong hai ngày 12 và 13/10.
Thông báo cho biết linh cữu tướng Giáp sẽ được quàn tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng vị tướng quá cố sẽ bắt đầu tại đây từ 7 giờ 30 ngày 12/10 và lễ truy điệu sẽ diễn ra từ 7 giờ ngày 13/10.
Thể theo ý nguyện của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyện vọng của gia đình, lễ an táng ông cũng sẽ được tổ chức cùng ngày tại quê nhà (tỉnh Quảng Bình). Lễ truy điệu và an táng tướng Giáp sẽ được truyền thanh và truyền hình trực tiếp.
Cũng theo thông báo nói trên, trong hai ngày để quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và mọi hoạt động vui chơi giải trí phải ngừng lại.
Danh sách ban Tang lễ cũng vừa được công bố, gồm 30 vị, đứng đầu là bốn lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam : Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, trưởng ban tang lễ, chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần vào lúc 18 giờ 9 phút hôm qua tại Viện quân y 108 ở Hà Nội, nơi ông được chăm sóc đặc biệt từ mấy năm qua. Nhưng đến hôm nay, Thông tấn xã Việt Nam và tờ Quân đội Nhân dân mới đăng thông tin trên mạng, còn tờ Nhân Dân cho tới cuối chiều nay mới đăng Thông cáo đặc biệt của Ban chấp hành Trung ương về tang lễ của tướng Võ Nguyên Giáp.
Những nhận định về tài năng quân sự của Tướng GiápTrả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, Phó giáo sư Hà Minh Hồng, trưởng khoa lịch sử Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Sài Gòn nhận định về vai trò và tài năng quân sự của tướng Giáp với tư cách lãnh đạo đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam:
Tải để nghe PGS Hà Minh Hồng -Sài Gòn Tuy nhiên, một số cựu tướng lĩnh phương Tây trên trang web của báo New York Times hôm qua thi cho rằng những chiến thắng quân sự của tướng Võ Nguyên Giáp có đượclà vì ông bất kể sinh mạng của binh lính. Tướng William Westmoreland, tùng chỉ huy lực lượng Mỹ ở Việt Nam từ năm 1964 đến năm 1968 nói: "Bất cứ tư lệnh Mỹ nào để thiệt hại nhân mạng nhiều như tướng Giáp đều sẽ bị cách chức sau ba tuần".
Tờ New York Times cũng nhắc lại, lúc sinh thời tướng Pháp Marcel Bigeard (qua đời năm 2010) đã từng nói với Peter Macdonald, một trong những người viết tiểu sử tướng Giáp, rằng: "Ông ây rút ra bài học từ những sai lầm và không lặp lại những sai lầm đó. Nhưng đối với tướng Giáp, sinh mạng một con người không có nghĩa lý gì."
Do các số liệu của Việt Nam không đáng tin cậy, nhưng sẽ khôgn bao giờ biết được chính xác tổn thất nhân mạng của các chiến thắng của tướng Giáp là bao nhiêu. Trong chiến tranh Đông Dương, khoảng 94 ngàn lính Pháp đã bỏ mạng ở Việt Nam, còn về phía phía Việt Nam, con số tử trận được thẩm định là khoảng 300 ngàn người. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, phía Mỹ mất khoảng 58 ngàn lính, trong khi tổng số tử vong của cả hai miền Nam-Bắc là khoảng 2,5 triệu người, trên tổng số dân lúc đó là 32 triệu người.
Theo RFI