Viết về chiến tranh, hầu như tác giả nào cũng ghi lại ít, nhiều cận ảnh hiện trường những trận đánh…hào hùng. Ngay cả khi tác giả đó không hề có mặt. Đinh Phụng Tiến khác hơn. Bối cảnh cả hai truyện-vừa “Hòn bi” và “Cơn Lốc” của ông, đều là đời sống của một người lính bình thường. Hiểu theo nghĩa rất người. Lại nữa, thay vì mô tả hiện trường những trận đánh, ông lùi lại phía sau. Có khi rất xa. Để bằng đôi mắt người chứng và, sự điềm tĩnh của một nhà văn, ông dẫn độc giả bước vào những góc khuất. Những nơi chốn không hề có cảnh súng nổ, máu đổ, thịt rơi hoặc, mịt mù thuốc súng. Nhưng ở đó lại có những những cuộc đời vẫn phải sống tiếp! Sống cùng những viên đạn, những miểng bom vô hình, đã găm sâu trong tâm hồn họ!
Bìa sau truyện Hòn Bi của Đinh Phụng Tiến
Tôi muốn nói tới “hậu-hiện-trường” một trận chiến. Tôi thấy, dường không một trận đánh nào ngưng bặt tiếng súng! Nếu hiểu âm vang của đạn bom có khả năng tàn phá khốc liệt hơn cả khi trận chiến đang diễn ra, trên những mảnh đời liên hệ, còn lại…
Trong truyện “Hòn bi”, nói về một thiếu nữ, sớm trở thành gái bán dâm, họ Đinh viết:
“… Vào khoảng năm 1954, cha Lệ tập kết ra Bắc. Và đúng ba năm sau, mẹ Lệ tự coi như thời gian để tang chồng đã xong và bà kết hôn với một người tá điền ở xã Hoài Thanh.
“Sau Lệ còn có hai đứa em nữa. Nhà nghèo và chật chội nên Lệ ngủ vói người cha ghẻ. Người đàn ông rất thương lệ. Tuổi thơ của Lệ được xoa dịu phần nào những thiếu hụt vật chất và tinh thần.
“Năm mười sáu tuổi, một cơn lốc dữ dội đem vào đời nó nỗi đau rùng rợn: Người cha ghẻ làm tình với nó vào một đêm tiếng súng nổ ào ạt trong làng (…)
“Cuộc đời Lệ rẽ qua một khúc quanh tàn khốc từ đêm ấy.
“Sáng hôm sau nó cuốn gói ra đi để khỏi nhìn người cha ghẻ, khỏi phải nhìn mẹ và em. Khỏi nhìn nỗi ân hận, dằn vặt khôn nguôi.
“Nó đến Bồng Sơn và lấy một người lính mang lon Hạ sĩ làm chồng (…)
“Một buổi chiều, người ta mang từ mặt trận trở về những xác chết, trong đó có chồng Lệ. Nước mắt chưa kịp khô. Đời sống của Lệ hết sức khó khăn với số tiền trợ cấp ít ỏi không đủ làm vốn liếng sau đám tang chồng. Tám tháng sau, Lệ lấy một người lính vốn dưới quyền chỉ huy của chồng (…) Nhưng lần này Lệ để tang thực sự là vĩnh viễn. Chồng Lệ dẫm phải mìn và chết co quắp bên kia đường tầu, lối đi Tam Quan, lối về Hoài Thanh (…)
“- Và bây giờ em làm gái điếm đó anh.
“Con Lệ nói với tôi trong vùng nước mắt nghẹn ngào…” (3)
Nếu sân khấu diễn biến bi kịch đời “con Lệ” là một khu gia binh thì, trong “Cơn lốc” bi kịch lại diễn ra ở một nơi rất xa tầm vói của bom đạn. Một thôn quê lặng lờ những phận đời mờ nhạt… Nhưng không vì thế mà định mệnh không tìm đến, hăm hở vung khăn tang lên nhiều mái đầu:
“…Nhà anh Hà nằm đó, bên một con mương, cửa liếp tre trống trải.
“Tôi và ông Liên gia trưởng đẩy cửa bước vào. Bên trong là một khung cảnh đầm ấm: Bữa cơm tối muộn màng, manh chiếu trải trên nền đất. Tôi thấy một cụ già đầu tóc bạc, người đàn bà trẻ và ba đứa nhỏ.
“Khi tôi và ông Liên gia trưởng bước vào thì cả cái gia đình ấy đều tỏ ra rất đỗi ngạc nhiên. Cụ già và người đàn bà trẻ tuổi đứng dậy chào chúng tôi. Mâm cơm họ đang ăn dở và tôi nhìn thấy có đĩa rau luộc, hai tô nước và vài con cá nướng. Ông Liên gia trưởng lên tiếng trước:
“- Chị Ba nè, có ông ở Long Khánh về đưa tin cho chị đó.
“Chị Ba, người đàn bà trẻ bước tới mà tôi đoán ngay đó là vợ anh Hà. Tôi không biết phải nói thế nào khi tôi nhìn thấy bụng chị khá to. Tôi độ chừng chị có thai khoảng bốn, năm tháng. Không khí trong nhà lặng đi trong chốc lát. Ông Liên gia trưởng lên tiếng:
“- Chị bình tĩnh chưa?
“Rồi ông quay lại phía tôi:
“- Ông Hai nói đi. Nói đi.
“Tôi ngập ngừng mất ít giây rồi lên tiếng:
“- Thưa chị, tôi là…bạn anh Hà.
“Người thiếu phụ ấy đáp ngay bằng một giọng khô khan:
“- Dạ, tôi…vừa nhận thư và ‘măng đa’ tiền lương của ảnh gửi về hồi chiều nay.
“Nói đoạn, chị lật đật móc trong túi áo ra đưa cho tôi coi tấm ngân phiếu hai ngàn năm trăm đồng. Tôi nói nhanh:
“- Tôi là bạn cùng đơn vị với anh Hà, ở…
“- Dạ…Gia Ray…
“Tôi nói nhanh:
“- Tôi báo tin buồn chị hay…anh Hà mất hồi sáng hôm qua. Ngày mai, xác sẽ về tới nghĩa trang quân đội ở Dĩ An. Vậy gia đình lên đó mà nhận xác, kẻo lộn.
“Không khí trong nhà chợt khô.
“Phút chốc, và cùng một lúc, nhiều tiếng khóc la òa vỡ. Chị Hà nắm lấy tay tôi, lắc đi lắc lại nhiều lần cùng với tiếng gào thét của chị:
“-Sao? Sao? Thầy có cùng đánh trận với chồng tôi không?
“Tôi gật đầu, trong khi chị Hà òa lên với tiếng gào và tiếng khóc lẫn lộn, Sao thầy không chết mà chồng tôi lại chết? Anh Hà ơi, chiều nay mới nhận được thư anh báo sắp lên Trung sĩ nhất, mà giờ anh ở đâu? Anh ở đâu?
“Chị Hà chợt nấc lên vừa khi tôi nhìn thấy tấm ngân phiếu hai ngàn năm trăm đồng vuột ra khỏi tay chị…” (4)
Thản hoặc, trong truyện của họ Đinh cũng có đôi chỗ mô tả hậu-hiện-trường, hay “cánh gà” của sân khấu một trận đánh vừa chấm dứt. Tuy nhiên, như đã nói, không một trận đánh nào ngưng bặt tiếng súng! Nếu hiểu âm vang của đạn bom có khả năng tàn phá khốc liệt hơn, khi chiến trường được thu dọn, kết toán:
“…Tôi kêu hiệu thính viên báo cáo về tiểu khu và gọi thêm vài tiểu đội nữa ở ngoài vào trong đồn để thu dọn các xác chết. Những xác này cần phải thu lại để chờ sáng sẽ tính. Những xác chết ấy được để nơi sân cờ. Nhưng một tiếng nổ lớn chợt phát ra từ phía cuối sân. Có nhiều tiếng la thét ở phía ấy. Tôi chạy tới thật nhanh. Hai binh sĩ nằm trên vũng máu, bên cạnh một xác chết. Tôi hỏi, cái gì thế? Một người nào đó nói, tụi nó gài lựu đạn dưới lưng xác chết (…) Cái bẫy này xưa như trái đất nhưng chúng tôi vẫn bị. Mỗi lần khiêng một xác, binh sĩ phải cột giây vào tử thi rồi giật tới giật lui thăm dò xem có chất nổ hay không (…)
“…Nắng đã lên làm tan sương mù của buổi mai. Một chiếc phi cơ quan sát loại L.19 nghiêng cánh từ xa. Chúng tôi liên lạc được với họ rất tốt. Chiếc máy bay ấy bay trên đầu chúng tôi với một vòng tròn nhỏ trên bầu trời quang đãng. Chúng tôi liệng một trái khói để đánh dấu vị trí của mình. Người phi công xà thấp xuống, bay vụt qua sân đồn và qua chiếc cửa số bé tí, người quan sát viên thò tay ra vẫy vẫy (…) Anh bảo sẽ có một ‘thằng’ đến thế chỗ cho chúng tôi trong vòng vài giờ đồng hồ nữa. Trực thăng tản thương sắp tới để ‘bốc’ hai người lính bị thương hồi đêm. Thật may mắn cho chúng tôi, những người lính bị thương sẽ qua khỏi. Ít khi tôi có được một niềm vui như thế. Những người lính của tôi sẽ được cứu mạng đúng lúc…” (5)
“Ít khi tôi có được một niềm vui như thế”, đó là một cụm từ trong trích đoạn trên của Đinh Phụng Tiến. Một cụm từ bình thường thôi! Không chút văn hoa, bóng bẩy, mới lạ nào! Nhưng tôi lại thấy nó phản ảnh một cách chân thật nhất, cái ý nghĩa thâm sâu của tình đồng đội và, rộng hơn: Nghĩa đồng bào!
Du Tử Lê.
(Còn tiếp một kỳ).
____________
Chú thích:
(3) “Hòn bi”, Nđd. Trang tr. 71, 72 và 73.
(4) “Cơn lốc”, Nđd. Trang 9, 10 và 11.
(5) Nđd. Trang 121, 122 và 123.