Đoàn người H’mong về Hà Nội khiếu kiện tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng sáng ngày 19/10/2013. Courtesy danchimvietMột đoàn người dân tộc H’mong từ vùng núi phía Bắc kéo xuống Hà nội hơn một tháng để kêu oan về việc họ bị chính quyền địa phương đàn áp. Ngày 23/10 họ đã bị lực lượng công quyền bắt dồn lên xe và chở đi. Tiếp theo phần tường trình của Gia Minh về sự kiện này, Kính Hòa điểm lại những vấn đề liên quan đến sắc tộc và tôn giáo trong những năm gần đây.
Những người H’mong ở vườn hoa Mai Xuân ThưởngVườn hoa Mai Xuân Thưởng tại thủ đô Hà nội đã trở thành nơi tập trung những người nông dân đòi đất từ khắp nơi đổ về trông chờ những cấp cao nhất của hệ thống quyền lực Việt Nam xem xét những oan ức của cuộc đời họ. Những ngày trung tuần tháng mười năm nay vườn hoa này lại xao động hơn với một đoàn người đến từ rất xa, ăn mặc khác với những nông dân vùng đồng bằng, họ là những người H’mong, gồm 118 người, đến từ vùng núi cao Tây bắc để kêu than rằng họ bị giới chức chính quyền địa phương đàn áp, và bị đàn áp vì lý do tôn giáo.
Chính quyền lập tức đóng cửa vườn hoa Mai Xuân Thưởng, nhưng những người H’mong này tiếp tục kéo qua vườn hoa Lý Tự Trọng và chờ đợi ở đấy.
Một người H’mong trong nhóm người này nói với đài Á châu tự do,
“Bởi vì trên chính quyền xuống đàn áp, đánh đập bà con tàn nhẫn quá, không cho bà con chúng tôi theo cái phong tục mới, cấm bà con theo phong tục mới, nên bà con phải xuống đây kêu oan.”
Người H’mong là một sắc tộc lớn tại vùng Đông Nam Á, riêng số cư trú tại miền Bắc Việt Nam đã hơn một triệu người. Họ chưa từng thành lập một nhà nước, ít nhất theo những ghi nhận của lịch sử cận và hiện đại. Tuy vậy căn cước sắc tộc của họ rất mạnh mẽ với ngôn ngữ và tập tục riêng biệt. Chính vì thế một lo về một sự ly khai luôn đè nặng lên các nhà cầm quyền của những quốc gia mà họ cư trú. Việt nam không là một ngoại lệ. Nay mối lo ấy lại tăng lên khi những người H’mong lại gia nhập vào một tôn giáo mới là đạo Tin lành, được truyền đến mạnh mẽ đến vùng núi rừng Tây bắc xa xôi này vào những năm 1980, theo ghi nhận của Giáo sư Lewis từ trường Bethel, bang Minnesota, người nghiên cứu lâu năm về cộng đồng sắc tộc này.
Câu chuyện Tôn giáo và sắc tộc không chỉ có ở Tây Bắc mà còn có ở một vùng đất quan trọng khác là Tây Nguyên, nơi có những cộng đồng thiểu số lâu đời. Anh Phan, một người hoạt động cộng đồng lâu năm gần gũi với các sắc tộc ở Tây Nguyên cho chúng tôi biết,
Những người H'mong bị đánh và chích roi điện đến bất tỉnh. Courtesy Tran Hoang Blog“Với những cộng đồng Công giáo, Tin lành có từ hồi Pháp thuộc thì chính quyền không làm gì, nhưng những cộng đồng Tin lành sau này, từ thời các nhà truyền giáo Mỹ thì chính quyền lúc nào cũng nghi ngại họ liên kết với tổ chức Dega lý khai, rồi nghi ngờ họ nhận tài trợ từ bên ngoài.”
Do vậy việc đàn áp các nhóm tôn giáo gắn liền với sắc tộc ở Tây Nguyên cũng hầu như không chấm dứt trong liên tục những năm gần đây.
Tôn giáo, sắc tộc và chính quyềnCả hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên có cùng một mẩu số chung trong bức tranh phát triển kinh tế Việt Nam là sự đói nghèo. Theo một báo cáo của ngân hàng thế giới vào năm 2009 thì số người nghèo trong cộng đồng người H’mong cao gấp năm lần số người nghèo trong cộng đồng người Kinh đa số. Các cộng đồng sắc tộc người Jarai, Bana,…của vùng Tây Nguyên cũng đứng ngoài sự phát triển của những đồn điền cao su hay cà phê của vùng đất này.
Anh Phan nói tiếp,
“Người ta lúc nào cũng có nhu cầu tâm linh. Khi theo tôn giáo mới thì họ thấy có những cái lợi về tâm linh và mặt vật chất nữa, ví dụ như là các loại hủ tục, mê tín trước kia bị bỏ, cả làng bỏ uống rượu hút thuốc, các cuộc cúng bái đủ các loại thần tốn kém cũng bị bãi bỏ. Đó là điều tích cực.”
“Người dân người ta so sánh hai bên, một bên là các nhà truyền giáo đem lại điều tốt, về cả tinh thần và kinh tế. Còn nhà nước thì làm không tới nơi, thậm chí còn làm tầm bậy trục lợi cho cán bộ, vậy thì người dân theo ai?”
Những vụ rắc rối liên quan đến sắc tộc và tôn giáo ở hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đã từng xảy ra. Vào những năm 2001, 2004,…quân đội đã được điều động lên Tây Nguyên, cùng với sự cô lập vùng đất này trong một thời gian do những xung đột sắc tộc có liên quan đến tôn giáo. Năm 2011, vụ rắc rối ở Mường Nhé, Điện Biên liên quan đến người H’mong đã xảy ra và nghe nói rằng quân đội đã phải điều máy bay trực thăng chở quân lên vùng núi cao đó mà giải tán những đám đông.
Việt Nam là một quốc gia đa sắc tộc. Nhà cầm quyền Việt Nam ý thức rất rõ điều đó. Trong cơ cấu của quốc hội Việt nam hiện đang họp không cách vườn hoa Mai Xuân Thưởng là mấy, có cả những người được cho là đại diện của cộng đồng các sắc tộc khác nhau trên toàn cõi Việt Nam. Nhưng liệu tình trạng đói nghèo và nhu cầu tâm linh của các sắc dân ấy có được nhà cầm quyền hiểu rõ?
Vào năm 2011, khi vụ Mường Nhé, Điện Biên, xảy ra, báo Quân đội nhân dân có bài viết nói rằng sự việc là do các thế lực bên ngoài xúi giục, mà đặc biệt, theo bài báo này, là những thông tin về tôn giáo được lan truyền vào Việt Nam bởi đài Á châu tự do từ năm 1978.
Báo QĐND đã gượng ép công bố thông tin này vì năm 1978 đài Á châu tự do chưa ra đời.
Theo RFA