Cô Sini Saarela, người Phần Lan, một trong 30 thành viên Greenpeace bị Nga giam giữ, tại tòa án vùng Murmansk, ngày 21/10/2013
REUTERSDư luận Nga hoài nghi sau khi chính quyền quyết định truy tố nhóm 30 thành viên tổ chức Greenpeace với tội danh « côn đồ » thay vì « cướp biển ». Nhiều nhà quan sát coi đây là một thủ thuật của Matxcơva tránh để bị kiện trước một tòa án quốc tế.
Hôm qua (23/10/2013) Matxcơva quyết định tẩy chay phiên tòa quốc tế về luật biển. Nga bị Hà Lan kiện ra trước Tòa án quốc tế về luật biển La Haye vì đã bắt giữ trái phép tàu phá băng Arctic Sunrise.
Ngoài ra, Tư pháp Nga giảm nhẹ tội danh truy tố các thành viên Greenpeace. Theo các nhà quan sát, đây là hình thức để Matxcơva tránh phải trả lời quốc tế về vụ đã bắt giữ tàu phá băng Arctic Sunrise từ tháng 9/2013 ở ngoài khơi biển Barents và truy tố 30 thành viên của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace về tội « cướp biển ». 30 thành viên này đến từ 18 quốc gia khác nhau, trong đó có các công dân Hà Lan.
Trong thông cáo cùng ngày, ủy ban điều tra của Nga cho biết chỉ truy tố các thành viên Greenpeace với tội danh « côn đồ ». Những người trong tầm ngắm của tư pháp Nga bị quy tội « sử dụng những đồ vật như một loại vũ khí ». Thể theo luật pháp của Nga với tội danh « cướp biển », bị cáo có thể lãnh án tới 15 năm tù, nhưng tội danh « côn đồ » chỉ bị phạt tối đa là 7 năm tù. Greenpeace phản đối phán quyết của tư pháp Nga và khẳng định rằng các thành viên của tổ chức này là những nhà bảo vệ môi trường ôn hòa, họ không phải là « côn đồ » hay « hải tặc ».
Bản tin của AFP nhắc lại : Không phải tình cờ mà Nga truy tố các thành viên Greenpeace vì tội « côn đồ ». Đó cũng là tội danh mà Matxcơva đã gán cho 3 thành viên của ban nhạc Pussy Riot. Cả ba đã bị kết án 2 năm lao động khổ sai vì tội đã hát một bài ca chống Tổng thống Vladimir Putin. Một trong ba thành viên ban nhạc này đã được trả từ do.
Hiện tại 30 thành viên của Greenpeace bị bắt giữ tại Mourmansk, miền tây bắc nước Nga. Tàu phá băng Arctic Sunrice của Greenpeace lên tận vùng biển Barents- Bắc cực để phản đối một dự án khai thác dầu hỏa của tập đoàn dầu khí Nga Gazprom. Kế hoạch này bị tố cáo là có nguy cơ gây ra thủy triều đen, trong một vùng rộng lớn có đến ba khu bảo tồn thiên nhiên.
Theo RFI