Hình: bác sĩ Tường, người vứt xác bệnh nhân xuống sôngGần đây ngành y bỗng rộ lên nhiều vụ tai tiếng quá thể.
Ảnh hưởng tới bệnh nhân một cách trầm trọng là Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội). Nhân viên y tế lấy một kết quả xét nghiệm nào đó rồi cứ thế in ra, phân phát cho nhiều người bất kể mỗi người bệnh khác nhau. Hơn 1000 phiếu xét nghiệm huyết học trùng nhau trong tổng số hơn 2000 phiếu. Nếu không có mấy bác sĩ đứng ra quyết liệt tố cáo thì những phiếu xét nghiệm bất thường này vẫn được các giám định viên bảo hiểm thông qua. Chẳng hiểu việc chữa bệnh như thế nào khi căn cứ vào những xét nghiệm trời ơi đó. Chắc là cũng toàn bệnh nhẹ nên chưa thấy nói đến bệnh nặng hay tử vong. Hay là chưa khui tới!
Từ Bệnh viện Hoài Đức bỗng nhiên lòi ra thêm các trường hợp khác. Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) tráo thủy tinh thể và dịch nhầy rẻ tiền hơn cho bệnh nhân để ăn chênh lệch.
Thông thường ở những bệnh viện xa hoặc tư nhân hay xảy ra các vụ mờ ám, nhất là những trường hợp khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe lao động… thuộc loại khám số đông. Vì thế, người ta luôn chọn những bệnh viện giá thấp và có hoa hồng cao. Mà giá thấp thì tiền nào của đó thôi. Vả khám sức khỏe chung chung bao giờ cũng chỉ cho có hình thức, nên nơi khám sao y kết quả ra nhiều bản, lời ra thêm ít tiền chứ tội gì đi xét nghệm kỹ từng người.
Mới đây ở Sài Gòn xảy ra vụ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình. Ở đây có ba loại mổ: cấp cứu, chương trình và dịch vụ. Cấp cứu là mổ ngay, chương trình là sắp xếp để mổ theo thứ tự và dịch vụ là được mổ sớm theo yêu cầu của bệnh nhân. Mặc dù diễn ra trong giờ hành chánh chính thức nhưng mổ dịch vụ chiếm tới 70%. Cắt xén, tráo phim thì cộng thêm Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Răng Hàm Mặt… sêm sêm.
Dù sao những bệnh viện này cũng còn có “lương tâm” vì chỉ thay đổi khổ phim to thành khổ nhỏ và lạm dụng xét nghiệm chứ không tới nỗi đưa kết quả bậy như Hoài Đức.
Bệnh viện “ăn” ghê quá, hèn chi người ta mê cho con vào ngành y. Hai bà mẹ bác sĩ sáng sớm gặp ngoài chợ, hỏi thăm nhau.
- Sao, con trai bà vẫn làm ở bệnh viện tỉnh hả? Đã mở phòng mạch riêng chưa?
Bà kia lắc đầu, than:
- Không có thì giờ mở phòng mạch bà ơi. Nào khám trong giờ hành chánh, rồi khám dịch vụ ngoài giờ, trong giờ, còn cuối tuần thì đi bệnh viện tư. Không có thì giờ đi chơi, nghỉ dưỡng sức gì hết. Tôi phải kêu con ơi bớt kiếm tiền lại đi, nhín chút thì giờ gặp gỡ bạn bè, lấy chồng sinh con nữa chứ.
- Nghe bà nói mà bắt ham. Con trai tôi mới ra trường, bị phân về phòng y tế phường, phần thì suốt ngày toàn khám nhức đầu, sổ mũi, làm sao lên tay nghề; người có bệnh đều tìm đến bệnh viện chứ đâu có ai chữa trị ngoài y tế phường, phần lương ba cọc, ba đồng, phát chán. Tôi đương tìm đường chạy về bệnh viện chuyên khoa mới khá được.
Bác sĩ vốn được xem là một nghề cao quý và… giàu sang! Từ xưa, hình tượng lý tưởng của một ông bác sĩ là công chức bệnh viện, mở phòng mạch ngoài giờ, có nhà lầu, xe hơi, vợ đẹp, con khôn.
Thế nhưng đó là thuở ngành y còn khó học, khó thi đậu. Muốn lọt vào trường y, điểm đậu vào cao chót vót. Còn nay y mở tràn lan. Y trường công, trường tư, y quốc gia, thành phố, y đồng bằng, cao nguyên được cộng điểm vùng sâu vùng xa… Gần đây lại phát giác ra vụ mua bằng y. Văn bằng đại học thường chỉ hai, ba chục triệu nhưng bằng đại học y, vốn là loại bằng danh giá, nên có giá cao gấp ba đến sáu lần…
Khi nói tới bác sĩ, thiên hạ nghĩ ngay tới y đức. Y đức đặt lên hàng đầu vì đây là ngành đặc biệt liên quan đến sức khỏe và nhất là sinh mạng con người. Cho nên không lạ khi người ta “sợ” bác sĩ ghê lắm. Cứ nghe bác sĩ phán là bệnh nhân và gia đình răm rắp vâng lời.
Nhưng hiện nay là thời buổi kim tiền. Tiền được đặt lên trên hết. Lời thề Hyppocrate đọc hồi ra trường đã bỏ quên mất trên bước đường hành nghề nhiều cám dỗ, nhiều mối lợi, nhiều “tiêu cực” lôi kéo khiến người làm nghề y khó giữ được y đức.
Thật ra, tự tiền bạc cứ dẫn mình tìm đến chứ “bác” đâu có trực tiếp “giết” người nào mà mang tội.
Này nhé, “bác” nhận chỉ tiêu mỗi tháng một ngàn viên thuốc, nhận 100 siêu âm màu trong bốn tuần… Rồi “bác” cứ thế mà kê toa, mà chỉ định xét nghiệm. Bệnh nhân có tiền thì mua thuốc, thì đi xét nghiệm chứ có ép ai đâu nào.
Chỉ có điều nếu bệnh nhân không mua đủ thuốc, không làm các xét nghiệm để cầm kết quả đến trình bác sĩ thì dĩ nhiên lần sau đừng gặp “bác” nữa.
Còn phong bì chỉ là thể hiện lòng… tạ ơn của bệnh nhân thôi.
Sau khi chữa khỏi bệnh, thay vì cám ơn trơn tru sáo rỗng, tặng bánh trái thì dư thừa. Bác sĩ cũng giống như giáo viên cứ nhận quà cáp thì chất đầy nhà toàn những thứ không đúng ý, không dùng tới, thật là phí phạm.
Quà cáp lại lỉnh kỉnh, thiên hạ trông vào, đàm tiếu, mất công lắm. Cho nên chỉ một chiếc phong bì thay cho lời tạ ơn thật nhẹ nhàng, kín đáo. Chữa bệnh hoạn, cứu sống mạng người… thì nên có lòng cảm ơn chứ. Vả, tục biếu xén có từ xưa nên việc tặng và nhận cũng là một chuyện quen thuộc.
Dần dần, việc đưa phong bì trong bệnh viện, cũng như mọi lãnh vực khác, đã thành “luật bất thành văn”. Đó là chuyện đương nhiên. Mà ghi rõ ngoài phong bì: này nhé cái này là của mấy “bác”, mỗi “bác” bao nhiêu để “bác” tận tâm cho, y tá bao nhiêu để thay băng, chích không đau… Rồi sẵn tiền lẻ trong túi, đi tới đâu là rải tiếp cho hộ lý để thay drap, thay quần áo bệnh nhân… Tiền đút tay cũng tăng dần từ quận huyện, tỉnh lên thành phố lớn.
Xong ca mổ tốt đẹp hoặc “mẹ tròn con vuông” thì phong bì cảm ơn lại tiếp tục.
Xem chuyện người ta mà làm gương cho mình đấy nhé. Trong phòng sinh, anh chồng đưa vợ đi đẻ, thấy sản phụ cùng phòng nhét vào túi y tá 500 ngàn, mà không bắt chước, tới phiên vợ mình rên la, kêu cứu ơ hờ chỉ đáp lại bằng những lời cáu gắt, chờ đợi. Kết quả là mất con! Nhẹ hơn không chi hay là chậm chi nên khi cô y tá đẩy xe em bé đến phòng tắm, cô vùng vằng hất luôn một hơi bốn bé rớt xuống đất ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Máy móc ngày càng tân tiến nên càng nhiều lý do khiến bệnh nhân phải móc túi liền liền. Bác sĩ không cần hỏi han làm chi mất thời giờ vô ích mà chỉ cần khám bệnh qua xét nghiệm. Một chị đau răng vào bệnh viện. Ngay tại quầy nhận bệnh, cô nhân viên không cần biết phải trái đã yêu cầu chị đi chụp hình. Mang kết quả quay lại mới được vào gặp nha sĩ. Ông kêu há miệng ra coi té ra răng mẻ, nhổ liền. Tự nhiên mất 320000 đồng chụp phim mà nha sĩ cũng đâu thèm cầm lấy coi.
Rồi nào là nội soi, xét nghiệm máu, nước tiểu, đo điện tâm đồ, X-quang phổi, scan… Tối tân hơn nữa là siêu âm màu thay vì đen trắng, X-quang kỹ thuật số thay cho X-quang thường, siêu âm ba chiều, bốn chiều… các xét nghiệm đắt tiền như công hưởng từ MRI, CT scaner, doppler… đều tận dụng bất kể bệnh gì. Bệnh viện có cái máy nào thì bắt xét nghiệm kiểu đó cho chóng hết khấu hao. Bệnh nhân làm sao biết được cần thiết hay không, hễ bác sĩ kêu là nhắm mắt, líu ríu đi siêu âm, xét nghiệm lu bù đủ thứ không dám chậm trễ. Đã bị móc túi không ít mà còn sợ sệt và khúm núm hết thảy từ bác sĩ cho chí y tá, nhân viên bệnh viện…
Bởi đa số máy móc thuộc loại “xã hội hóa”, nghĩa là không phải máy của bệnh viện mà là của chính các “bác” chung tiền nhau mua hoặc tư nhân đặt máy trong bệnh viện để ăn chia phần trăm với bệnh viện. Hễ bệnh viện càng lớn thì càng nhiều máy tư nhân nhảy vào.
Do máy móc là của riêng nên đó cũng là lý do khiến kết quả xét nghiệm của nơi này không được chấp nhận ở nơi khác. Nếu đi khám bệnh nơi khác, bệnh nhân lại tốn tiền bạc, công sức làm lại toàn bộ xét nghiệm. Có khi không tin tưởng nhau cũng đúng vì máy móc chẳng biết có phải ham của rẻ không mà có khi là hàng Tàu, hàng second-hand… Bệnh nhân đâu có đọc, đâu có hiểu kết quả xét nghiệm nói gì và bác sĩ thì bận tối mắt tối mũi, đâu mất công giải thích làm chi những kết quả mang tính chuyên môn cho những người nói hoài chẳng hiểu!
Ngoài ra, bệnh viện còn kiếm chác bằng cách đấu thầu mua thiết bị y tế. Ai trúng thầu đương nhiên phải biết điều “lại quả” ít nhiều. Nếu không thì liên kết với các công ty cho thuê thiết bị y tế để nhận các “chỉ tiêu” được khoán. Đương nhiên các bệnh viện đều không phải đạt chỉ tiêu, mà bao giờ cũng vượt chỉ tiêu trung bình khoảng 100%. Đủ thứ máy móc tân tiến nhưng tính ra, kết quả phát hiện bệnh từ máy thì lại chẳng bao nhiêu.
Rồi tới chuyện kiếm tiền trong giờ hành chánh với sẵn dụng cụ, máy móc, điện nước của bệnh viện, nào là khám dịch vụ, nào là khám chương trình, khám hẹn giờ, khám theo yêu cầu chọn lựa bác sĩ… Vậy là các “bác” túi bụi khám, chữa, mổ… khai thác tối đa thương hiệu của bệnh viện, đồ đoàn của nhà nước. Ngay cả “bác” phó giám đốc, “bác” trưởng khoa cũng tranh nhau kiếm tiền.
Còn bệnh nhân từ tỉnh lên từ 2, 3 giờ sáng, nếu không được khám kịp thì phải cơm hàng cháo chợ, ngủ trọ nhiêu khê quá, nên thôi chặc lưỡi khám bệnh theo dịch vụ cho rồi còn mau mau kịp về nhà nội trong ngày.
Thuốc men cũng vậy, bác sĩ ăn hoa hồng của các hãng dược phẩm nên mặc sức kê toa đắt tiền không cần thiết, bệnh một đằng thuốc một nẻo, chẳng những thuốc trị bệnh mà cả thực phẩm chức năng cũng không từ. Mỗi tháng kiếm dễ dàng hàng nửa tỷ thì làm sao bác sĩ đành lòng bỏ qua nổi.
Mặc dù các cơ sở y tế đều bị thanh tra thường xuyên nhưng chỉ khi nào xảy ra những vụ tố cáo gây ồn ào công luận thì những sai phạm mới bị phanh phui, còn bình thường, rất lạ là không bao giờ thanh tra tìm ra lỗi.
Từ trước, người ta cứ nghĩ bệnh viện công tốt hơn tư, vì máy móc đầy đủ và bác sĩ công lãnh lương nhà nước nên không “nuôi” bệnh như bác sĩ tư. Bây giờ mới biết còn những mặt trái kể hoài không hết. Thảo nào nhiều bệnh chữa được trong nước nhưng dân chúng lại thích ra nước ngoài. Bởi ở đó, họ được đối đãi tôn trọng, ân cần, nhất là chi phí và việc chữa bệnh đều minh bạch. Kinh tế khó khăn, tiền kiếm không ra, sót ruột thấy dân Việt mỗi năm đổ cả tỉ đô ra ngoại quốc cho việc chữa bệnh.
Mặc dù đây đó vẫn có những vị lương y có lương tâm, nhưng nhìn chung, tìm y đức thời buổi này sao mà khó quá!
Sài Gòn Cô Nương