logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 27/10/2013 lúc 09:59:02(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
UserPostedImage
Hình: bác sĩ Tường, người vứt xác bệnh nhân xuống sông
Gần đây ngành y bỗng rộ lên nhiều vụ tai tiếng quá thể.
Ảnh hưởng tới bệnh nhân một cách trầm trọng là Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội). Nhân viên y tế lấy một kết quả xét nghiệm nào đó rồi cứ thế in ra, phân phát cho nhiều người bất kể mỗi người bệnh khác nhau. Hơn 1000 phiếu xét nghiệm huyết học trùng nhau trong tổng số hơn 2000 phiếu. Nếu không có mấy bác sĩ đứng ra quyết liệt tố cáo thì những phiếu xét nghiệm bất thường này vẫn được các giám định viên bảo hiểm thông qua. Chẳng hiểu việc chữa bệnh như thế nào khi căn cứ vào những xét nghiệm trời ơi đó. Chắc là cũng toàn bệnh nhẹ nên chưa thấy nói đến bệnh nặng hay tử vong. Hay là chưa khui tới!
Từ Bệnh viện Hoài Đức bỗng nhiên lòi ra thêm các trường hợp khác. Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) tráo thủy tinh thể và dịch nhầy rẻ tiền hơn cho bệnh nhân để ăn chênh lệch.
Thông thường ở những bệnh viện xa hoặc tư nhân hay xảy ra các vụ mờ ám, nhất là những trường hợp khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe lao động… thuộc loại khám số đông. Vì thế, người ta luôn chọn những bệnh viện giá thấp và có hoa hồng cao. Mà giá thấp thì tiền nào của đó thôi. Vả khám sức khỏe chung chung bao giờ cũng chỉ cho có hình thức, nên nơi khám sao y kết quả ra nhiều bản, lời ra thêm ít tiền chứ tội gì đi xét nghệm kỹ từng người.
Mới đây ở Sài Gòn xảy ra vụ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình. Ở đây có ba loại mổ: cấp cứu, chương trình và dịch vụ. Cấp cứu là mổ ngay, chương trình là sắp xếp để mổ theo thứ tự và dịch vụ là được mổ sớm theo yêu cầu của bệnh nhân. Mặc dù diễn ra trong giờ hành chánh chính thức nhưng mổ dịch vụ chiếm tới 70%. Cắt xén, tráo phim thì cộng thêm Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Răng Hàm Mặt… sêm sêm.
Dù sao những bệnh viện này cũng còn có “lương tâm” vì chỉ thay đổi khổ phim to thành khổ nhỏ và lạm dụng xét nghiệm chứ không tới nỗi đưa kết quả bậy như Hoài Đức.
Bệnh viện “ăn” ghê quá, hèn chi người ta mê cho con vào ngành y. Hai bà mẹ bác sĩ sáng sớm gặp ngoài chợ, hỏi thăm nhau.
- Sao, con trai bà vẫn làm ở bệnh viện tỉnh hả? Đã mở phòng mạch riêng chưa?
Bà kia lắc đầu, than:
- Không có thì giờ mở phòng mạch bà ơi. Nào khám trong giờ hành chánh, rồi khám dịch vụ ngoài giờ, trong giờ, còn cuối tuần thì đi bệnh viện tư. Không có thì giờ đi chơi, nghỉ dưỡng sức gì hết. Tôi phải kêu con ơi bớt kiếm tiền lại đi, nhín chút thì giờ gặp gỡ bạn bè, lấy chồng sinh con nữa chứ.
- Nghe bà nói mà bắt ham. Con trai tôi mới ra trường, bị phân về phòng y tế phường, phần thì suốt ngày toàn khám nhức đầu, sổ mũi, làm sao lên tay nghề; người có bệnh đều tìm đến bệnh viện chứ đâu có ai chữa trị ngoài y tế phường, phần lương ba cọc, ba đồng, phát chán. Tôi đương tìm đường chạy về bệnh viện chuyên khoa mới khá được.
Bác sĩ vốn được xem là một nghề cao quý và… giàu sang! Từ xưa, hình tượng lý tưởng của một ông bác sĩ là công chức bệnh viện, mở phòng mạch ngoài giờ, có nhà lầu, xe hơi, vợ đẹp, con khôn.
Thế nhưng đó là thuở ngành y còn khó học, khó thi đậu. Muốn lọt vào trường y, điểm đậu vào cao chót vót. Còn nay y mở tràn lan. Y trường công, trường tư, y quốc gia, thành phố, y đồng bằng, cao nguyên được cộng điểm vùng sâu vùng xa… Gần đây lại phát giác ra vụ mua bằng y. Văn bằng đại học thường chỉ hai, ba chục triệu nhưng bằng đại học y, vốn là loại bằng danh giá, nên có giá cao gấp ba đến sáu lần…
Khi nói tới bác sĩ, thiên hạ nghĩ ngay tới y đức. Y đức đặt lên hàng đầu vì đây là ngành đặc biệt liên quan đến sức khỏe và nhất là sinh mạng con người. Cho nên không lạ khi người ta “sợ” bác sĩ ghê lắm. Cứ nghe bác sĩ phán là bệnh nhân và gia đình răm rắp vâng lời.
Nhưng hiện nay là thời buổi kim tiền. Tiền được đặt lên trên hết. Lời thề Hyppocrate đọc hồi ra trường đã bỏ quên mất trên bước đường hành nghề nhiều cám dỗ, nhiều mối lợi, nhiều “tiêu cực” lôi kéo khiến người làm nghề y khó giữ được y đức.
Thật ra, tự tiền bạc cứ dẫn mình tìm đến chứ “bác” đâu có trực tiếp “giết” người nào mà mang tội.
Này nhé, “bác” nhận chỉ tiêu mỗi tháng một ngàn viên thuốc, nhận 100 siêu âm màu trong bốn tuần… Rồi “bác” cứ thế mà kê toa, mà chỉ định xét nghiệm. Bệnh nhân có tiền thì mua thuốc, thì đi xét nghiệm chứ có ép ai đâu nào.
Chỉ có điều nếu bệnh nhân không mua đủ thuốc, không làm các xét nghiệm để cầm kết quả đến trình bác sĩ thì dĩ nhiên lần sau đừng gặp “bác” nữa.
Còn phong bì chỉ là thể hiện lòng… tạ ơn của bệnh nhân thôi.
Sau khi chữa khỏi bệnh, thay vì cám ơn trơn tru sáo rỗng, tặng bánh trái thì dư thừa. Bác sĩ cũng giống như giáo viên cứ nhận quà cáp thì chất đầy nhà toàn những thứ không đúng ý, không dùng tới, thật là phí phạm.
Quà cáp lại lỉnh kỉnh, thiên hạ trông vào, đàm tiếu, mất công lắm. Cho nên chỉ một chiếc phong bì thay cho lời tạ ơn thật nhẹ nhàng, kín đáo. Chữa bệnh hoạn, cứu sống mạng người… thì nên có lòng cảm ơn chứ. Vả, tục biếu xén có từ xưa nên việc tặng và nhận cũng là một chuyện quen thuộc.
Dần dần, việc đưa phong bì trong bệnh viện, cũng như mọi lãnh vực khác, đã thành “luật bất thành văn”. Đó là chuyện đương nhiên. Mà ghi rõ ngoài phong bì: này nhé cái này là của mấy “bác”, mỗi “bác” bao nhiêu để “bác” tận tâm cho, y tá bao nhiêu để thay băng, chích không đau… Rồi sẵn tiền lẻ trong túi, đi tới đâu là rải tiếp cho hộ lý để thay drap, thay quần áo bệnh nhân… Tiền đút tay cũng tăng dần từ quận huyện, tỉnh lên thành phố lớn.
Xong ca mổ tốt đẹp hoặc “mẹ tròn con vuông” thì phong bì cảm ơn lại tiếp tục.
Xem chuyện người ta mà làm gương cho mình đấy nhé. Trong phòng sinh, anh chồng đưa vợ đi đẻ, thấy sản phụ cùng phòng nhét vào túi y tá 500 ngàn, mà không bắt chước, tới phiên vợ mình rên la, kêu cứu ơ hờ chỉ đáp lại bằng những lời cáu gắt, chờ đợi. Kết quả là mất con! Nhẹ hơn không chi hay là chậm chi nên khi cô y tá đẩy xe em bé đến phòng tắm, cô vùng vằng hất luôn một hơi bốn bé rớt xuống đất ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Máy móc ngày càng tân tiến nên càng nhiều lý do khiến bệnh nhân phải móc túi liền liền. Bác sĩ không cần hỏi han làm chi mất thời giờ vô ích mà chỉ cần khám bệnh qua xét nghiệm. Một chị đau răng vào bệnh viện. Ngay tại quầy nhận bệnh, cô nhân viên không cần biết phải trái đã yêu cầu chị đi chụp hình. Mang kết quả quay lại mới được vào gặp nha sĩ. Ông kêu há miệng ra coi té ra răng mẻ, nhổ liền. Tự nhiên mất 320000 đồng chụp phim mà nha sĩ cũng đâu thèm cầm lấy coi.
Rồi nào là nội soi, xét nghiệm máu, nước tiểu, đo điện tâm đồ, X-quang phổi, scan… Tối tân hơn nữa là siêu âm màu thay vì đen trắng, X-quang kỹ thuật số thay cho X-quang thường, siêu âm ba chiều, bốn chiều… các xét nghiệm đắt tiền như công hưởng từ MRI, CT scaner, doppler… đều tận dụng bất kể bệnh gì. Bệnh viện có cái máy nào thì bắt xét nghiệm kiểu đó cho chóng hết khấu hao. Bệnh nhân làm sao biết được cần thiết hay không, hễ bác sĩ kêu là nhắm mắt, líu ríu đi siêu âm, xét nghiệm lu bù đủ thứ không dám chậm trễ. Đã bị móc túi không ít mà còn sợ sệt và khúm núm hết thảy từ bác sĩ cho chí y tá, nhân viên bệnh viện…
Bởi đa số máy móc thuộc loại “xã hội hóa”, nghĩa là không phải máy của bệnh viện mà là của chính các “bác” chung tiền nhau mua hoặc tư nhân đặt máy trong bệnh viện để ăn chia phần trăm với bệnh viện. Hễ bệnh viện càng lớn thì càng nhiều máy tư nhân nhảy vào.
Do máy móc là của riêng nên đó cũng là lý do khiến kết quả xét nghiệm của nơi này không được chấp nhận ở nơi khác. Nếu đi khám bệnh nơi khác, bệnh nhân lại tốn tiền bạc, công sức làm lại toàn bộ xét nghiệm. Có khi không tin tưởng nhau cũng đúng vì máy móc chẳng biết có phải ham của rẻ không mà có khi là hàng Tàu, hàng second-hand… Bệnh nhân đâu có đọc, đâu có hiểu kết quả xét nghiệm nói gì và bác sĩ thì bận tối mắt tối mũi, đâu mất công giải thích làm chi những kết quả mang tính chuyên môn cho những người nói hoài chẳng hiểu!
Ngoài ra, bệnh viện còn kiếm chác bằng cách đấu thầu mua thiết bị y tế. Ai trúng thầu đương nhiên phải biết điều “lại quả” ít nhiều. Nếu không thì liên kết với các công ty cho thuê thiết bị y tế để nhận các “chỉ tiêu” được khoán. Đương nhiên các bệnh viện đều không phải đạt chỉ tiêu, mà bao giờ cũng vượt chỉ tiêu trung bình khoảng 100%. Đủ thứ máy móc tân tiến nhưng tính ra, kết quả phát hiện bệnh từ máy thì lại chẳng bao nhiêu.
Rồi tới chuyện kiếm tiền trong giờ hành chánh với sẵn dụng cụ, máy móc, điện nước của bệnh viện, nào là khám dịch vụ, nào là khám chương trình, khám hẹn giờ, khám theo yêu cầu chọn lựa bác sĩ… Vậy là các “bác” túi bụi khám, chữa, mổ… khai thác tối đa thương hiệu của bệnh viện, đồ đoàn của nhà nước. Ngay cả “bác” phó giám đốc, “bác” trưởng khoa cũng tranh nhau kiếm tiền.
Còn bệnh nhân từ tỉnh lên từ 2, 3 giờ sáng, nếu không được khám kịp thì phải cơm hàng cháo chợ, ngủ trọ nhiêu khê quá, nên thôi chặc lưỡi khám bệnh theo dịch vụ cho rồi còn mau mau kịp về nhà nội trong ngày.
Thuốc men cũng vậy, bác sĩ ăn hoa hồng của các hãng dược phẩm nên mặc sức kê toa đắt tiền không cần thiết, bệnh một đằng thuốc một nẻo, chẳng những thuốc trị bệnh mà cả thực phẩm chức năng cũng không từ. Mỗi tháng kiếm dễ dàng hàng nửa tỷ thì làm sao bác sĩ đành lòng bỏ qua nổi.
Mặc dù các cơ sở y tế đều bị thanh tra thường xuyên nhưng chỉ khi nào xảy ra những vụ tố cáo gây ồn ào công luận thì những sai phạm mới bị phanh phui, còn bình thường, rất lạ là không bao giờ thanh tra tìm ra lỗi.
Từ trước, người ta cứ nghĩ bệnh viện công tốt hơn tư, vì máy móc đầy đủ và bác sĩ công lãnh lương nhà nước nên không “nuôi” bệnh như bác sĩ tư. Bây giờ mới biết còn những mặt trái kể hoài không hết. Thảo nào nhiều bệnh chữa được trong nước nhưng dân chúng lại thích ra nước ngoài. Bởi ở đó, họ được đối đãi tôn trọng, ân cần, nhất là chi phí và việc chữa bệnh đều minh bạch. Kinh tế khó khăn, tiền kiếm không ra, sót ruột thấy dân Việt mỗi năm đổ cả tỉ đô ra ngoại quốc cho việc chữa bệnh.
Mặc dù đây đó vẫn có những vị lương y có lương tâm, nhưng nhìn chung, tìm y đức thời buổi này sao mà khó quá!

Sài Gòn Cô Nương

xuong  
#2 Đã gửi : 28/10/2013 lúc 08:56:39(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Khi lương y "bỏ quên" lương tâm
UserPostedImage
Một bệnh nhân đang được chăm sóc tại một bệnh viện ở VN. AFP photo
Hôm 19 tháng 10 vừa rồi, BS Nguyễn Mạnh Tường, chủ nhân thẩm mỹ viện Cát Tường ở Hà Nội, giải phẫu thẩm mỹ làm chết bệnh nhân Lê Thị Thanh Huyền rồi vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng để phi tang.

Vô cảm và tắc trách
Trước hành động “ở chốn nhân gian không thể hiểu” đó, blogger Lê Diễn Đức nhớ lại rằng từ xa xưa, Leonardo da Vinci đã nói "Bác sĩ, người chăm sóc bệnh nhân, nhất thiết phải hiểu con người là gì, cuộc sống là gì và sức khỏe là gì, và làm thế nào để giữ cân bằng và hài hòa của các yếu tố này". Nhưng giờ đây, theo nhà báo Lê Diễn Đức, ý nghĩa của hai từ "bác sĩ" trong “lương tri và y đức Việt Nam đã không còn như ngày nào nữa. Bác sĩ đã bị một xã hội vật chất lưu manh hoá. Với họ trước hết là lợi nhuận, là tiền, dù đồng tiền ấy móc ra từ sự khổ đau vì bệnh tật, sức khỏe của bệnh nhân”.

Trong thời gian gần đây, người dân trong nước ngày càng báo động về nhiều sai phạm, tiêu cực trong ngành y – diễn ra trong chiều hướng vô cảm, tắc trách, kỳ thị, thậm chí xem thường nhân mạng. Nhiều bệnh nhân than phiền y đức trong nước hiện giờ xuống cấp trầm trọng, y giới, ngòai “sai sót về chuyên môn”, thường không thể hiện tinh thần “lương y như từ mẫu”, đó là chưa kể “văn hóa phong bì” nhan nhản trong các bệnh viện vì nếu thân nhân nuôi bệnh thiếu sự “bôi trơn” đó, bệnh nhân gặp nhiều khó khăn, nhất là họ lo cho tính mạng người thân đang trong tình trạng “chỉ mành treo chuông”.

Qua bài “Y đức thời nay”, blogger Lê Diễn Đức lưu ý rằng điều “đáng nói nhất vẫn là sự suy đồi đạo đức trong ngành y tế Việt Nam. Chạy theo đồng tiền, bất chấp tất cả, dường như là mục tiêu của họ”.

Từ Hà Nội, cụ Lê Hiền Đức, từng được thế giới trao giải thưởng “Liêm chính” và vinh danh chống tham nhũng, báo động:

Tôi vô cùng bức xúc. Bây giờ đạo đức, y đức xuống cấp quá rồi. Tinh thần trách nhiệm, đạo đức của ngành y nó thế nào rồi? Cái ngành y đang xuống cấp một cách kinh khủng. Và phải nói lỗi một phần lớn là ở bộ trưởng Bộ Y Tế, chẳng có trình độ, không có giáo dục y đức gì cả.

Từ Thanh Hóa, MS Nguyễn Trung Tôn lưu ý rằng lâu nay, câu “Lương y như từ mẫu” gắn liền với ngành y. Nhưng trên thực tế tại VN, trong những năm gần đây, nhiều sự kiện liên quan đến vấn đề y đức gần như liên tục xảy ra:

Đặc biệt chỉ trong vòng tháng 10 này thôi, cả sản phụ chết ở Thanh Hóa. Rồi tới chuyện ông BS Nguyễn Mạnh Tường dù không có giấy phép hành nghề thẩm mỹ nhưng vẫn hành nghề lén lút – mà thực ra là giữa thanh thiên bạch nhật. Nhưng nếu không có sự kiện bệnh nhân của ông ta chết và bị vứt xác xuống sông và sự kiện này không được khui ra thì phòng thẩm mỹ của ông ta vẫn còn tồn tại. Và vụ này là dấu hiệu cho thấy y đức ở VN ngày nay đã xuống cấp đến mức báo động – chẳng còn có thể gọi là y đức được nữa ! Tại VN bây giờ, ngay ngành y – ngành được ví như “Người Mẹ Hiền” – giờ cũng đã trở nên tàn nhẫn và độc ác với ngay đồng lọai của mình.
UserPostedImage
Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (áo xanh) trong một lần đến thăm BV. Photo courtesy of baomoi.com
Cụ Lê Hiền Đức nhân tiện đi vào chi tiết hơn, nhắc đến trường hợp 3 cháu nhỏ ở Quảng Trị tim vaccine, nhưng “rút mũi kim ra chết luôn”; còn ở bệnh viện Hòai Đức thì “nhân bản”: khi bệnh viện lấy máu để xét nghiệm cho bệnh nhân thì không làm xét nghiệm mà lại dùng kết quả xét nghiệm của bệnh nhân khác – “hàng mấy nghìn ca nhân bản như thế”; rồi cũng trong hàng mấy nghìn ca,Viện Mắt Hà Nội đã tráo đổi thủy tinh thể có giá rẻ hơn. Vẫn theo cụ Lê Hiền Đức, dịch nhầy dùng để thay thủy tinh thể, đáng lẽ ra của Mỹ và một người được dùng 2 ống dịch nhầy, thì lại sử dụng một ống dịch nhầy của Ấn Độ cho 4 bệnh nhân cùng chung một lọ và chung kim tiêm, không thử HIV, không thử viêm gan B. Rồi mẹ con sản phủ ở Thanh Hóa như vừa nói đã tới ngày sinh nở , cần thiết mổ, nhưng bệnh nhân kêu cứu thì không được đáp ứng, không được mổ kịp thời. Hậu quả là hai mẹ con này chết vì bác sĩ, y tá không có tinh thần trách nhiệm. Và cách đây mấy ngày xảy ra vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ném xác bệnh nhân xuống dòng sông như vừa nói. Cụ Lê Hiền Đức nhân tiện kể lại chính trường hợp của cụ đi cứu cấp vào một đêm thứ Bảy:

Tôi đã 82 tuổi rồi. Hôm ấy đang đêm thứ Bảy, tôi bị đau khắp người, không cựa nỗi nữa. Con tôi bế lên ô tô rồi bế xuống đặt tôi vào xe lăn và đưa vào phòng cấp cứu. Mà trước khi đến bệnh viện tôi đã nhờ gọi điện cho giám độc bệnh viện, hỏi rồi. Nhưng khi vào phòng cấp cứu, anh bác sĩ nhìn thấy tôi, nói một câu rất lạnh lùng, “ Bác ơi, bác đi về đi, thứ Hai đến nhé”!

Trách nhiệm của ai?
Qua bài "Bộ trưởng nên đấm ngực và nói ' lỗi tại tôi' ", tác giả Bình Yên lưu ý rằng " Cứ tưởng sau hàng loạt vụ bê bối trong ngành y vừa qua, từ ‘nhân bản xét nghiệm’, ‘ăn phim X-quang’, “tai biến sản khoa’... và nay là cao trào ‘thủ tiêu xác nạn nhân’, người đứng đầu ngành y tế phải đấm ngực và nhận trách nhiệm về mình bằng câu nói “lỗi tại tôi”, thì bà bộ trưởng lại tiếp tục biện hộ cho ngành và đẩy trách nhiệm cho toàn xã hội".

UserPostedImage
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, người vứt xác bệnh nhân xuống sông Hồ

Theo blogger Nguyễn Vạn Phú thì "Ngành y tế liên tục xảy ra nhiều sự cố khắp cả nước mà chủ yếu cũng do không tuân thủ quy trình. Như vậy trách nhiệm của người bộ trưởng là phải đốc thúc hệ thống, xem tuân thủ quy trình là mệnh lệnh phải theo”. Nhà báo Nguyễn Vạn Phú nhấn mạnh:

Nếu bà bộ trưởng chỉ cần kiểm tra đột xuất một số nơi, một số địa phương để kiểm tra việc tuân thủ, chắc chắn tình hình đã chuyển biến theo hướng tốt lên, bệnh viện ắt biết ngay khi bác sĩ của mình mở thẩm mỹ viện không phép. Giả thử bà bộ trưởng không có thẩm quyền cách chức giám đốc bệnh viện, giám đốc sở y tế đi nữa, bà còn thiếu gì cách khác để cấp dưới phải nể sợ mà tuân thủ, kể cả dùng sức ép của công luận dồn lên kẻ sai phạm. Trong khi đó, cái tâm lý của bà bộ trưởng từ trước cho đến nay vẫn là chối bỏ và đổ lỗi, gần đây nhất là đổ lỗi cho báo chí không làm tốt chuyện tuyên truyền người tốt việc tốt! Cách chức bà bộ trưởng sẽ có tác dụng xốc lại ngành y tế đang rệu rã tinh thần. Tìm người đứng đầu mới, với ưu tiên kỷ luật sắt trong áp dụng đúng quy trình khám chữa bệnh, công khai cho người dân biết để kiểm tra, chứ chưa cần tầm nhìn gì to lớn, chắc chắn ngành y sẽ khá hơn hiện nay.

Cũng trong chiều hướng quan điểm của nhà báo Nguyễn Vạn Phú, cụ Lê Hiền Đức lưu ý:

Tôi là một công dân chống tham nhũng. Tôi quan tâm đặc biệt đến 3 mảng: thứ nhất là giáo dục, thứ nhì là y tế, thứ ba là đất đai nhân dân bị cướp. Mảng nào tôi cũng rất đau đầu. Mà hôm nay đang nói chuyện về y tế. Đã bao nhiêu lần tôi đưa ý kiến lên Facebook, tôi đọc Kim Tiến ơi – tức là Bộ trưởng Bộ Y Tế đó, hãy từ chức đi để cho người nào có trình độ, có tâm huyết với ngành, người ta lên thay. Không làm được gì mà giữ chân Bộ trưởng Y tế - nhục quá !”
Qua bài "Bác sĩ thẩm mỹ phi tang xác khách hàng: trách nhiệm thuộc về ai ?", tác giả Đồng Nhân nhận thấy " Đã từng xảy ra rất nhiều vụ việc đau lòng tương tự; và sau mỗi vụ động trời bệnh nhân chết ở phòng thẩm mỹ, trẻ tử vong ở lớp mầm non, câu trả lời quen thuộc của cơ quan quản lý luôn là: cơ sở hoạt động “chui”, hoạt động không được cấp phép. Và coi đó như xong trách nhiệm của quản lý nhà nước". Tác giả Đồng Nhân nhấn mạnh rằng:

Các cá nhân vi phạm pháp luật đều phải chịu sự thi hành pháp luật, nhưng trong những sai phạm ấy, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành cũng không thể chối bỏ trách nhiệm trong việc đã để cho những ‘con voi’ sai phạm chui lọt ‘lỗ kim’ quản lý.

Tác giả Đồng Nhân nhân tiện lưu ý tới tình trạng "phong trào, hình thức" mà không có thực chất khiến người dân mất tin tưởng:

Ngành nào cũng có thanh tra, đơn vị nào cũng có kế hoạch thanh, kiểm tra hằng tháng, hằng năm. Thậm chí, đã từng có nhiều đơn vị, đặc biệt là doanh nghiệp lên tiếng than phiền về việc bị “thăm hỏi” quá nhiều, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh đúng pháp luật. Thế nhưng, hầu hết các vi phạm, sai phạm, các vụ tham nhũng lớn đều không phải do thanh tra, kiểm tra phát hiện, phanh phui. Các chiến dịch thanh, kiểm tra, ra quân ngành nào cũng làm, nhưng chưa bao giờ người dân tin tưởng vào các hoạt động phong trào ấy. Chuyện mỗi khi quản lý thị trường ‘ra quân’ thì hàng lậu biến đâu hết hoặc khi cơ quan y tế đi kiểm tra, mọi thực phẩm đều trở nên có xuất xứ đàng hoàng, mọi phòng khám sạch bóng bác sĩ Trung Quốc làm chui là một thực tế khiến cho người dân không chỉ lo lắng mà dẫn đến mất lòng tin.

Đồng tiền che mắt lương y
Qua bài “Những chuyện ‘quái đản’ ở bệnh viện VN”, nhà văn Văn Quang xem chừng như không dằn được bực tức và “thật tình không muốn nhắc đến nữa” khi “ Nói đến chuyện bệnh viện ở VN nhiều quá rồi”. Nhưng, theo nhà văn Văn Quang, “còn những chuyện vượt quá sức tưởng tượng của con người giữa thời đại này và có lẽ ngay cả ở thời đại y khoa còn non trẻ lạc hậu cũng không ai dám ngờ tới. Ở đây không phải do khoa học kỹ thuật mà do chính con người. Những con người được dạy dỗ, đào tạo bài bản cả về trình độ chuyên môn đến lương tâm trong sáng và được mang danh là những nhà trí thức, được mọi người vì nể quý trọng. Nhưng tiếc rằng họ đã bỏ quên lương tâm là thứ mà bất cứ một con người nào từ anh vô học đến anh ‘đại trí thức’ đều phải có mới xứng đáng làm người”.

Theo MS Nguyễn Trung Tôn, dù dưới khẩu hiệu “Lương y như từ mẫu”, nhưng ở VN hiện giờ, thực chất, tất cả phải được tính bằng tiền; đồng tiền đang hạ thấp lương tâm con người VN, đặc biệt trong ngành y. Mà không phải đạo đức trong ngành y đang là vấn đề, mà đạo đức nói chung trong tòan xã hội cũng trên đà sa sút đáng ngại. MS Nguyễn Trung Tôn nhận xét:
Tình trạng đạo đức ở VN hiện nay không riêng gì ở ngành y, mà trong tòan xã hội, hiện ở mức đáng báo động! Có hai nguyên nhân có thể khiến tình trạng đạo đức trong xã hội VN xuống cấp như vậy, đó là nó bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nền giáo dục VN, và bởi nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nửa vời khiến người ta bước đi những “bước chân khập khiễng”. Nó đẩy con người ta đến tham vọng và đánh mất đi lương tâm đạo đức, đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của đảng CS, các cuộc phát động “học tập và làm theo tấm gương của Hồ Chí Minh”. Dưới sự cai trị của đảng CS, người ta có thể làm bất cứ điều gì chỉ vì tiền, vì quyền, địa vị ngõ hầu kiếm thật nhiều để cùng một mục đích là xây dựng “thiên đàng XHCN” cho chính đảng của họ mà thôi.

Nhà báo Lê Diễn Đức nhân dịp này cũng không khỏi báo động rằng ngày nay “Xã hội băng hoại đạo đức, dối trá, lừa gạt nhau, vô cảm với thời cuộc và người xung quanh, có lẽ đã trở thành bản chất. Bởi vì sự bất lương đã len lỏi vào tới bệnh viện, nơi mà con người cần một tấm lòng nhân ái, cao thượng và sự dấn thân của nhân viên y tế. Các hiện tượng xấu xa, tệ hại đã thành hiện tượng thường xuyên, phổ biến”.
Theo RFA
xuong  
#3 Đã gửi : 28/10/2013 lúc 09:02:42(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Y đức thời nay
Sự việc Nguyễn Mạnh Tường, bác sĩ bệnh viện công Bạch Mai, giám đốc Viện thẩm Mỹ tư Cát Tường, giải phẫu làm chết bệnh nhân rồi mang xác vứt xuống sông Hồng, đã làm xôn xao dư luận.

Báo động đạo đức ngành y
Tối 22/10, bà Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã ký văn bản thay mặt ngành y tế xin lỗi toàn thể nhân dân.

Câu chuyện tràn vào cả hành lang quốc hội khoá 13 đang họp. Sáng 24/10 bà Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến, tham gia buổi thảo luận tổ của đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM đã nói: "Vấn đề đạo đức nghề nghiệp trong thời gian qua phải nói là một sự báo động rất lớn. Chúng tôi cũng hết sức đau đớn, xót xa trong chuyện này thời gian vừa rồi. Với trách nhiệm trong ngành, tôi cảm thấy rất nặng nề".

Ngành Y tế Hà Nội, sau khi mất bò mới lo làm chuồng, mở chiến dịch kiểm tra toàn bộ các thẩm mỹ viện trên địa bàn thủ đô.

Tại Hà Nội có 33 cơ sở thẩm mỹ viện được cấp phép hoạt động, trong đó, có 3 bệnh viện tư nhân, còn rất nhiều cơ sở làm chui không thể kiểm soát hết (!?). Lỗi được đá đi như quả bóng.

Đại biểu quốc hội Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, nói rằng: “Hành vi của bác sỹ ném xác nhằm phi tang khi gây chết người là không thể tha thứ, nhưng tại sao lại để cho cơ sở này mọc lên mà buông lỏng khâu thanh tra, kiểm soát. Để xảy ra việc này trách nhiệm thuộc về Sở Y tế Hà Nội, cụ thể là Thanh tra Sở Y tế Hà Nội”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội nói:

"Nguyễn Mạnh Tường là bác sĩ, đang công tác tại bệnh viện Bạch Mai dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Y tế. Chính vì vậy, Bộ trưởng mới phải trực tiếp đứng ra nhận lỗi".

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã được Bộ Y tế cấp Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa Ngoại-Phẫu thuật tạo hình số 00372/BYT-CCHN ngày 21/06/2012. Nhưng về kinh nghiệm, Nguyễn Mạnh Tường chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực ngoại khoa mà cụ thể là chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật cột sống, nội soi khớp gối, thay khớp gối. Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường hoạt động hoàn toàn chui, không được cấp phép theo quy định của Luật khám chữa bệnh.

Thế nhưng trên các báo mạng, thẩm mỹ viện Cát Tường quảng cáo rất ầm ĩ về hoạt động nâng ngực, hút mỡ bụng,

Thông tin tại trang web của Trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường giới thiệu ông Tường là bác sỹ giỏi của Bệnh viện Bạch Mai, là thành viên Hiệp hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ châu Á - Thái Bình Dương, thành viên Hiệp hội thẩm mỹ Hà Nội, thành viên Hiệp hội thẩm mỹ TP.HCM…, nhiều năm công tác tại Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 108, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM...

Thẩm mỹ viện Cát Tường nằm đối diện Bệnh viện Bạch Mai chứ chẳng phải ở nơi nào xa xăm, hẻo lánh gì và vẫn kinh doanh tưng bừng từ hơn nửa năm nay, cho đến lúc xảy ra sự cố chết người.

Điều này chứng minh cho sự thả nổi của ngành y tế, việc kiểm tra, phát hiện thực chất chỉ làm cho có, và chắc chắn tình trạng "bôi trơn", "hối lộ" đã giúp họ nhắm mắt làm ngơ.

Tuy nhiên đáng nói nhất vẫn là sự suy đồi đạo đức trong ngành y tế Việt Nam. Chạy theo đồng tiền, bất chấp tất cả, dường như là mục tiêu của họ. Ở Trung Quốc đã có thuật ngữ "mammonism", nhắm vào thứ chủ nghĩa này. Ở Việt Nam cũng không khác. Xã hội băng hoại đạo đức, dối trá, lừa gạt nhau, vô cảm với thời cuộc và người xung quanh, có lẽ đã trở thành bản chất. Bởi vì sự bất lương đã len lỏi vào tới bệnh viện, nơi mà con người cần một tấm lòng nhân ái, cao thượng và sự dấn thân của nhân viên y tế. Các hiện tượng xấu xa, tệ hại đã thành hiện tượng thường xuyên, phổ biến.

Lợi nhuận trên y đức
Hàng loạt trẻ tử vong sau khi được tiêm vác-xin, vụ ăn gian nhân bản xét nghiệm bệnh viện Hoài Đức, vụ tráo phim X-quang tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình, TPHCM, vụ đánh tráo thủy tinh thể tại Viện Mắt Hà Nội, vụ tham nhũng tại Bệnh viện Răng hàm mặt TPHCM... là những sự kiện làm náo động xã hội vừa qua.

Thái độ tắc trách, nghiệp vụ kém, làm chết người gây phẫn nộ cho dân chúng đã quen thuộc như cơm bữa.

Mới đây thôi, ggày 18/10, hàng chục người dân đã kéo đến Bệnh viện đa khoa huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) để yêu cầu bệnh viện làm rõ nguyên nhân gây ra cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Xuân (40 tuổi) và khiêng quan tài đi qua các đường phố biểu tình. Ngày 25/10, dân chúng bao vây Bệnh viện khu vực Thị xã Thái Hoà (Nghệ An) đòi hỏi lãnh đạo phải trả lời vì sao sản phụ sau khi sinh xong thì bị chết?

Tại Hưng Yên, anh Nguyễn Văn Thụy bị điện giật, nhiều lần gia đình đưa đi cấp cứu nhưng bị các bác sĩ từ chối, khuyên đưa về nhà chờ chết. Tuy nhiên, đến nay anh Thụy đã dần khỏe lại và nói rất đau lòng “sao bác sĩ lại muốn em chết?”.

Ngày 1/10, nhân viên bệnh viện đa khoa Bình Phước quát “Mày mập như heo mà không biết rặn hả?” với chị Đặng Thị Xuân Lộc (sinh năm 1988) và đứa con của chị Lộc đã tử vong do không được hỗ trợ kịp thời, chỉ vì không có "phong bì"!

Ông Lê Văn Cuông, đại biểu quốc hội, đã nói:

"Những vụ người nhà bệnh nhân vây bệnh viện, hành hung bác sĩ xảy ra trong thời gian qua đang khiến cho dư luận rất quan tâm và tạo ra sự bức xúc trong nhân dân. Về nguyên nhân dẫn đến những vụ việc này thì có nhiều nhưng, theo tôi, nguyên nhân chính, sâu xa là do y đức của một bộ phận y, bác sỹ ở các bệnh viện hiện nay giảm sút nghiêm trọng so với trước".

"Họ đặt mục tiêu lợi nhuận, thu nhập lên trên, bất chấp tất cả... Ở đâu có tiền, đối xử tốt thì họ quan tâm còn ở đâu ít tiền hoặc không được chu đáo thì họ xao nhãng, thậm chí là vô cảm trước nỗi đau của bệnh nhân, sự lo lắng của người nhà bệnh nhân".

"Một nguyên nhân nữa là do vấn đề thiếu nhân lực và trình độ của một bộ phận cán bộ ở các cơ sở y tế hiện nay còn yếu. Không ít người giỏi, có trình độ nhưng do không có tiền phải đi ra ngoài làm hoặc làm trái ngành nghề còn một số tuy trình độ thấp nhưng có tiền, có quan hệ lại được vào bệnh viện".

"Vì mất tiền để được vào bệnh viện nên khi vào người ta tìm cách thu lại khoản tiền đó bằng cách móc túi bệnh nhân chứ không lo trau dồi kiến thức, lấy y đức phục vụ bệnh nhân. Tình cảm, trách nhiệm lúc này vì đồng tiền mà bị tha hoá đi. Cho nên trình độ đã yếu lại cộng thêm phẩm chất đạo đức lại kém, trách nhiệm kém nữa khiến cho lòng tin của bệnh nhân đối với bệnh viện giảm sút".

Ông Lê Văn Cuông cũng nhấn mạnh "nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì hiện tượng xã hội này sẽ gây ra sự mất ổn định xã hội, niềm tin của người dân" và "Bộ Y tế cần vào cuộc".

"Vào cuộc" sao nổi khi văn hoá phong bì là phổ cập trong bệnh viện, nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến lấp lửng chấp nhận “việc đưa quà biếu sau điều trị đó là tấm lòng của người bệnh”. Còn người trong ngành, ông Nguyến Tiến Quyết, giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho rằng “việc cảm ơn bác sĩ là văn hóa của người Việt”. Thật không còn điều gì để nói nữa!

Định nghĩa về bác sĩ, trong wikipedia viết, "Bác sĩ là người có trình độ chuyên môn thích hợp, được xác nhận bằng các giấy tờ cần thiết, cung cấp các xác nhận y tế, đặc biệt là: nghiên cứu tình trạng sức khoẻ, chẩn đoán bệnh và phòng tránh, điều trị và phục hồi chức năng của bệnh nhân, cung cấp các tư vấn y tế, cũng như đưa ra các ý kiến và quyết định y tế trong chuyên ngành của mình".

Từ xa xưa, Leonardo da Vinci đã nói "Bác sĩ, người chăm sóc bệnh nhân, nhất thiết phải hiểu con người là gì, cuộc sống là gì và sức khỏe là gì, và làm thế nào để giữ cân bằng và hài hòa của các yếu tố này".

Nhưng giờ đây, ý nghĩa "bác sĩ" trong lương tri và y đức Việt Nam đã không còn như ngày nào nữa. Bác sĩ đã bị một xã hội vật chất lưu manh hoá. Với họ trước hết là lợi nhuận, là tiền, dù đồng tiền ấy móc ra từ sự khổ đau vì bệnh tật, sức khỏe của bệnh nhân.

Lần đầu tiên trong làng báo chính thống Việt Nam, tờ PetroTimes với bài "Ai phải chịu trách nhiệm đây?", kêu gọi bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Kim Tiến từ chức. Tác giả Như Thổ, nhân vụ bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết người rồi ném xác nạn nhân xuống sông, viết: “Lãnh đạo Bộ Y tế đã “trút” tội này cho Sở Y tế Hà Nội, rồi sở lại đổ cho quận... Và rồi, có lẽ sẽ chẳng ai phải chịu trách nhiệm về việc này cả” và cho rằng: “Nếu như bà Bộ trưởng Bộ Y tế có tự trọng hơn nữa thì nên từ chức”.

Nếu trong một xã hội dân chủ bình thường, thì không cần tới báo chí kêu gọi, bà Nguyễn Kim Tiến đã tự động từ chức, ít nhất từ trách nhiệm đạo đức.

Nhưng trong hệ thống chính trị độc quyền, thối nát vì tham nhũng, các tiêu chuẩn đạo đức bị lệch loạn, không có văn hoá từ chức. Và nếu có từ chức cũng sẽ chẳng giải quyết được điều gì. Thay bà Tiến sẽ là một bộ trưởng khác, có khi còn tệ hơn.

Hệ thống này đã hết khả năng chữa trị. Nó là nguyên nhân sâu xa của mọi vấn đề trong đó có việc làm suy tàn đạo đức xã hội, đặt giá trị tiền lên cung bậc cao nhất, cao hơn cả mạng sống con người.
Theo Blog Lê Diễn Đức
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.201 giây.