Tượng đài để tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam và cũng để thể hiện lòng biết ơn của người Việt đối với nước Úc đã được khánh thành tại Northbridge hôm 27/10/2013. (Credit: ABC) .Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, hơn một triệu người đã trốn khỏi quê hương của họ, chất lên những chiếc thuyền đánh cá nhỏ bé và túa ra Biển Đông để tìm sự an toàn
Nhiều người trong số này đã tới Úc, Hoa Kỳ, Canada và Pháp; tuy nhiên Liên Hiệp Quốc ước lượng hơn 200 ngàn người Việt đã chết trên đường vượt biển.
Cộng đồng Người Việt Tự do tiểu bang Tây Úc đã quyết định dựng một tượng đài ở Perth để tưởng niệm những người đã thiệt mạng cũng như để tỏ lòng biết ơn về những sự chào đón và tiếp đãi họ nhận được khi tới Úc.
Tại chân tượng đài có hai tấm bảng, một tấm ghi hàng chữ: “Để tưởng nhớ những người tỵ nạn Việt Nam đã chết trong cuộc vượt biển từ năm 1975” và tấm kia ghi: “Tượng đài này thể hiện lòng biết ơn của chúng tôi đối với Úc, đã đón nhận người tỵ nạn Việt Nam vào quốc gia vĩ đại này”.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do Tây Úc đã trốn khỏi Việt Nam vào năm 1978 cùng với vợ. Ông nhớ về chuyến hải trình hãi hùng: “Biển rất động. Chỉ một giây trước thuyền của mình còn nằm trên đỉnh một ngọn núi bằng nước. Một giây sau ngọn núi đã biến mất. Thuyền trồi lên sụp xuống từ độ cao khoảng 30 mét. Tài công cho hay anh ta không hiểu tại sao chúng tôi lại có thể sống sót. Sóng lớn cố gắng nuốt chửng chúng tôi nhưng bằng cách nào đó chúng tôi đã may mắn”.
Gia đình của vợ ông, khởi hành sau gia đình ông 2 tuần lễ, đã không may mắn như vậy.
Tiến sĩ Anh phát biểu: “Chúng tôi không bao giờ nghe được tin tức của họ nữa. Chúng tôi đã nhờ Hội Chữ thập Đỏ tìm giúp nhưng không có dấu vết”.
Ông Anh cho hay: “Đài tưởng niệm sẽ là lời bày tỏ sự tri ân đối với Úc, và cũng sẽ nhắc nhở cho các thế hệ kế tiếp theo, cho công luận, biết về những những thử thách mà những người Việt Nam định cư đầu tiên đã trải qua, trên biển cả và rừng thẳm”.
Vẫn theo Tiến sĩ Anh: “Nó đánh dấu bước chân của chúng tôi trong lịch sử Úc”.
Trong khi đó bà Nguyễn Mai, lúc đó mới 6 tuổi khi cha mẹ bà quyết định thực hiện cuộc hành trình đầy hiểm nguy để cho con gái của họ được hưởng một tương lai tốt đẹp hơn. Họ đến Perth vào Ngày Valentine (Ngày Lễ hội Tình nhân) vào năm 1982.
Bà nói: “Lý do chính khiến gia đình tôi ra đi là để lo cho tương lai của tôi”.
"Cha mẹ tôi có liên quan với chính quyền cũ ở miền Nam vì vậy khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, kinh nghiệm mà những người như cha mẹ tôi phải trải qua thì không tốt. Khi cha tôi bị đi tù thì trong nhà chỉ có mẹ tôi, lúc đó đang mang thai tôi. Chúng tôi sống cô độc như vậy trong một số năm”.
Bà Mai cho hay cha mẹ bà thấy nếu ở lại Việt Nam, bà sẽ không có tương lai và học hành sẽ dở dang, vì thế “họ thấy vượt biển là cơ hội để thoát khỏi tình trạng khủng khiếp ở Việt Nam”.
Bà cho biết tiếp: “Cha mẹ tôi biết rằng khi họ quyết định vượt biển thì đây sẽ là chuyến đi nằm giữa cõi sống và cõi chết. “Nếu thành công, chúng tôi sống. Nếu không chúng tôi sẽ chết ngoài biển khơi”.
Bà Mai nói rằng lúc đó bà quá nhỏ để có thể cảm nhận được một cách đầy đủ nỗi kinh hoàng của cuộc hành trình. Tuy nhiên bà có thể nhớ lại nỗi sợ hãi của những người chen chúc trong một chiếc thuyền nhỏ khi thuyền thực hiện chuyến hải hành đi qua đại dương.
“Tôi nhớ cảm giác khó chịu khi đi biển trên một chiếc thuyền nhỏ, mùi dầu, thiếu nước uống và thực phẩm”
Bà cho hay thuyền bị đi lạc và trôi trên biển trong 6 ngày đêm. “Tôi có thể nhớ nỗi sợ hãi của mọi người chung quanh chúng tôi. Họ la, khóc và cầu nguyện với Thượng đế”.
Nay bà Mai có một con gái. Bà nói bà cảm nhận được rằng cộng đồng người Việt đã thành công trong việc định cư ở Úc.
Bà Mai phát biểu: “Chúng tôi vô cùng biết ơn chính phủ Úc và xã hội Úc đã bảo bọc chúng tôi trong suốt thời gian này. Họ vẫn nuôi dưỡng chúng tôi và giờ đây họ lại đang nuôi dưỡng con tôi. Họ chấp nhận chúng tôi, chấp nhận nền văn hóa của chúng tôi”.
Vẫn theo bà Mai: “Chúng tôi làm việc rất chăm chỉ để hòa nhập với cộng đồng rộng lớn hơn và tôi tin rằng nay chúng tôi đã hội nhập thành công vào xã hội Úc rộng lớn hơn”.
Tiến sĩ Nguyễn Anh cho hay, mặc dù người Việt đã phải trải qua những kỷ niệm của một thời đáng sợ và sự tổn thất về nhân mạng thật lớn lao nhưng sự ra mắt của đài tưởng niệm là một dịp vui mừng. Ông nói: “Chúng tôi đã có được tượng đài mà chúng tôi vẫn hằng khao khát. Tượng đài này không chỉ để cho chúng tôi để nói lên lời cảm ơn đối với nước Úc, và công chúng nói chung, những người trong hàng chục năm qua vẫn mở rộng vòng tay để chào đón chúng tôi”.
Ông Anh cho biết tiếp: “Vì vậy, chúng tôi đã được tái sinh ở đất nước này và chúng tôi đang phát triển mạnh”.
Theo ABC