SÀI GÒN (NV) .- Một số diễn đàn điện tử, blog, trang facebook dẫn thông tin từ gia đình ông Nguyễn Hữu Cầu cho biết, công an mới loan báo, ông Cầu sẽ được trả tự do trong dịp Tết sắp đến.
Ông Nguyễn Hữu Cầu, tù nhân chính trị đã ở tù 38 năm, khi gặp con và cháu hồi giữa năm ngoái. (Hình: Internet)Ông Nguyễn Hữu Cầu được xem là người tù chính trị phải ngồi tù lâu nhất trong chế độ cộng sản tại Việt Nam. Ông Cầu, 67 tuổi, vốn là sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Sau tháng 4 năm 1975, bị “cải tạo” 5 năm. Năm 1980, ông Cầu được trả tự do lần đầu. Năm 1982, bị bắt trở lại, bị đưa ra tòa và bị kết án tử hình vì chống chính quyền CSVN. Sau đó được giảm án xuống chung thân và ngồi tù suốt từ năm 1982 đến nay.
Người ta chỉ biết đến trường hợp của ông Cầu cách nay khoảng 4 năm, sau khi một số tù nhân chính trị được trả tự do, công bố những thông tin liên quan đến ông Cầu và một số tù nhân chính trị khác, đồng thời đề nghị người Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế quan tâm đến những trường hợp này.
Giống như nhiều tù nhân chính trị, tuy ở tù rất lâu, ông Cầu chưa bao giờ ký tên “nhận tội” nên không được “khoan hồng”.
Hàng năm, chính quyền Việt Nam thực hiện vài đợt “đặc xá” nhân dịp Tết, 30 tháng 4, Quốc khánh nhưng những cá nhân “được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước”, chỉ là các viên chức vào tù do tham nhũng, nhận hối lộ hoặc những người phạm các tội hình sự như giết người, cướp của, lừa đảo, hiếp dâm,… Những người bị tống giam vì bất đồng chính kiến hoặc hoạt động cho nhân quyền, tự do tôn giáo hiếm khi được “đặc xá”.
Theo các diễn đàn điện tử, blog, trang facebook, Công an tỉnh Kiên Giang đã tìm gặp con trai của ông Nguyễn Hữu Cầu là ông Trần Ngọc Bích, giáo viên một trường tiểu học tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, thông báo ông Cầu sẽ được phóng thích vào dịp Tết năm nay.
Công an còn phỏng vấn ông Bích và cháu gái ông Bích là Trần Phan Yến Nhi, 14 tuổi, để xác định ai là người đã viết lá thư kêu gọi cộng đồng quốc tế tác động đến chính quyền CSVN để họ phóng thích ông Cầu.
Hồi giữa năm ngoái, một lá thư ký tên Trần Phan Yến Nhi – cho biết là cháu gái ông Cầu - đã được đưa lên Internet và được chuyển cho nhiều nơi, từ chính quyền một số quốc gia, đến các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền để kể về trường hợp của ông Cầu và đề nghị hỗ trợ nỗ lực vận động trả tự do cho ông.
Trong thư, cô Nhi kể, cô không hề biết mình còn ông nội cho tới khi cô lên 6 và được cha cho biết ông nội vẫn còn sống nhưng đang ở tù. Hồi giữa năm ngoái, lúc đã 14 tuổi, cô mới được gặp ông nội của mình lần đầu tại trại giam Z30A, ở Xuân Lộc, Đồng Nai.
Cô gái cho rằng, việc giam giữ một con người trong 38 năm chỉ vì người đó nói sự thật là “tàn nhẫn và vô nhân đạo”. Cũng qua cuộc gặp, cô Nhi mới biết ông nội cô thường xuyên bị biệt giam, dù chỉ còn một cái răng, một mắt đã mù, mắt còn lại bị lòa, bị đủ thứ bệnh, sực khỏe suy kiệt, không còn đứng nổi.
Mong mỏi của cô gái, cháu ông Cầu là ông nội của cô sớm được trở về và cô có thể đổi họ từ “Trần” sang “Nguyễn” – họ của ông nội cô.
Khi tiếp xúc với Công an tỉnh Kiên Giang để “giúp làm rõ” ai là tác giả lá thư, cháu gái ông Cầu khẳng định, cô chính là tác giả. Cô viết những điều cô thấy, cô nghe.
Mãi đến gần đây, nhiều người Việt và cộng đồng quốc tế mới biết, vẫn còn không ít quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng hòa đang bị giam giữ do bất đồng chính kiến và vẫn có rất nhiều người bỏ mạng trong tù.
Người thiệt mạng trong tù gần đây nhất là ông Bùi Đăng Thủy, Thiếu úy Không quân. Thiếu úy Thủy bị bắt trở lại hồi tháng 7 năm 1997, do tham gia Đảng Nhân dân Hành động Việt Nam. Ông bị kết án 18 năm tù và qua đời trong tù hồi tháng 11 năm ngoái.
Năm ngoái, còn có hai sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa từ trần trong tù là ông Trương Văn Sương và Nguyễn Văn Trại. Do sức khỏe hai ông suy kiệt, gia đình của hai ông nhiều lần làm đơn xin cho hai ông được về nhà, chết giữa những người thân, song những thỉnh cầu này không được chế độ Hà Nội – phía thường xuyên kêu gọi “hòa hợp, hòa giải” đáp ứng.
Theo báo Người Việt