HÀ NỘI (NV) - Người dân Việt Nam, kể cả cán bộ, đảng viên CSVN choáng váng trước nhiều bằng chứng cho thấy CSVN đã nhượng Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung Quốc.
Trước đây, người ta chỉ biết đến công hàm do ông Phạm Văn Ðồng, thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH - tên gọi chính quyền cộng sản ở miền Bắc Việt Nam trước tháng 4 năm 1975), ký ngày 14 tháng 9 năm 1958, gửi ông Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Quốc, công nhận tuyên bố về lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc, như bằng chứng duy nhất về việc CSVN nhượng Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung Quốc.
Một trong những tấm bản đồ do Cục Ðo Ðạc và Bản Ðồ Việt Nam của VN DCCH in ấn, phát hành năm 1964, ghi Hoàng Sa là Tây Sa (theo cách gọi của Trung Quốc) và Trường Sa là NamSa (cũng theo cách gọi của Trung Quốc). (Hình: website basam.info)Nay thì có thêm nhiều bằng chứng khác về điều này được giới thiệu với công chúng Việt Nam.
Một trong số những bằng chứng mới được giới thiệu gần đây, khiến nhiều người ngỡ ngàng là Tập Bản Ðồ Việt Nam do Cục Ðo Ðạc và Bản Ðồ Việt Nam của VN DCCH in ấn, phát hành năm 1964, ghi Hoàng Sa là Tây Sa (theo cách gọi của Trung Quốc) và Trường Sa là Nam Sa (cũng theo cách gọi của Trung Quốc).
BBC Việt ngữ cũng vừa giới thiệu một tài liệu do Trung Quốc công bố năm 1980 để khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa.”
Trong tài liệu này, Trung Quốc đưa ra hàng loạt bằng chứng cho thấy, VN DCCH từng nhiều lần xác nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Chẳng hạn ngày 15 tháng 6 năm 1956, một thứ trưởng ngoại giao VN DCCH tên là Ung Văn Khiêm, khẳng định với ông Lý Trí Dân - Ðại diện lâm thời của Ðại Sứ Quán Trung Quốc tại Việt Nam, rằng: “Theo dữ liệu của Việt Nam, quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa về mặt lịch sử là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.”
Nam 1965, khi đề cập đến vùng chiến sự do chính phủ Hoa Kỳ qui định cho lực lượng của họ tại Việt Nam, VN DCCH từng nói “...Tổng Thống Mỹ Lyndon Johnson đã chỉ định... một phần của lãnh hải của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trong quần đảo Tây Sa của Trung Quốc làm ‘vùng chiến sự’ của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.”
Trả lời BBC, ông Dương Trung Quốc, một sử gia, đồng thời cũng là một đại biểu của Quốc Hội Việt Nam, bảo rằng, ông chưa được tiếp cận với những tài liệu gốc, tuy nhiên nếu những điều đó là thật thì cũng không có gì là lạ vì vào thời điểm đó, Trung Quốc đang là đồng minh trực tiếp của VN DCCH.
Một trong những “công nhân” cắt đá, quấy rối buổi tưởng niệm 74 tử sĩ Hoàng Sa đã được công chúng nhận diện là Nguyễn Tuấn Khiên, phó công an phường Tràng Tiền. (Hình: website basam.info)Theo ông Quốc, quan hệ giữa Trung Quốc và VN DCCH là sự mất cảnh giác và “người Trung Quốc, vốn thâm hiểm, muốn khai thác.”
Cũng theo ông Quốc, điều quan trọng nhất đối với chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là sự hiện diện của quân đội Việt Nam Cộng Hòa tại những quần đảo đó hết sức rõ ràng. Trận hải chiến năm 1974 cũng rất rõ ràng.
Ðúng 40 năm sau trận hải chiến Hoàng Sa, công chúng Việt Nam, cũng như nhiều cán bộ, đảng viên CSVN đòi phải trả lại sự thật cho lịch sử. Báo chí Việt Nam đăng hàng loạt bài giới thiệu về những nỗ lực của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở biển Ðông. Công chúng Việt Nam trong đó có không ít cán bộ, đảng viên cao cấp, công khai cho rằng, cần phải tưởng niệm, tri ân 74 tử sĩ là quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh khi bảo vệ Hoàng Sa.
Một cựu trung tướng quân đội CSVN tên là Nguyễn Quốc Thước nói với tờ Thanh Niên: “Lên án chế độ Việt Nam Cộng Hòa là chuyện khác, nhưng tôn vinh tinh thần yêu nước của người lính Việt Nam Cộng Hòa chống ngoại xâm là cần thiết, hai điều này hoàn toàn khác nhau.”
Trong một bài viết, ông Nguyễn Minh Nhị, cựu chủ tịch tỉnh An Giang kể rằng, các đồng chí của ông ta, vốn là những cựu bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh, lãnh đạo quân đội, lãnh đạo công an mong muốn, ít nhất chính quyền CSVN hãy công nhận 74 tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh tại Hoàng Sa là “liệt sĩ” vì đó là vấn đề chủ quyền dân tộc.
Ông Nguyễn Khắc Mai, cựu trưởng ban Dân Vận của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN thì gửi thư ngỏ cho thủ tướng, chủ tịch và bí thư Hà Nội, kêu gọi cùng dân xuống đường vì Hoàng Sa, lên án Trung Quốc xâm lược, tôn vinh gương anh dũng hy sinh của những chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ Hoàng Sa năm xưa.
Trên thực tế, cuộc triển lãm về chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa ở Ðà Nẵng không đề cập đến trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa. Buổi thắp nến tri ân tử sĩ Hoàng Sa tại thành phố này bị hủy vào phút chót.
Mới đây, buổi tưởng niệm 74 tử sĩ Việt Nam Cộng hòa tử trận tại Hoàng Sa ở công viên Chí Linh, Hà Nội hôm Chủ Nhật vừa qua bị quấy rối bằng loa và bằng việc cắt đá “trùng tu tượng đài Lý Thái Tổ,” nhằm gây tiếng ồn, gây bụi bặm. Công chúng đã nhận diện một trong những “công nhân” tham gia “cắt đá” là Nguyễn Tuấn Khiên, phó công an phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chưa kể, báo chí Việt Nam đồng loạt đục bỏ tất cả những bài đã đăng về Hoàng Sa. Có tin đó là chỉ đạo từ Ban Tuyên Giáo của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN vì “không thể để Hoàng Sa ảnh hưởng đến việc kỷ niệm 64 năm ngoại giao Việt-Trung” (18/1/1950 - 15/1/2014).
Theo báo Người Việt