Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đưa ra sáng kiến về kiểm điểm định kỳ toàn cầu với cơ chế bảo đảm tính vô tư, hạn chế sự thiên vị. Cơ chế TROIKA có thể ví như ba trọng tài trong một trận đấu bóng đá.
Kỳ này, troika của Việt Nam là Kenya, Kazakstan và Costa Rica. Hà nội chắc chắn đã chăm sóc rất kỹ ba nước này. Họ đã tìm hiểu nhu cầu của ba nước này để có mặc cả trao đổi. Họ mời cơm các đại sứ hoặc làm việc với Bộ Ngoại giao của ba nước. Họ tìm cách o bế các nước này để hướng tới một kết quả đỡ bất lợi nhất đối với họ trong kỳ kiểm điểm lần này.
Tiếp đến, họ vận động các nước thân thiện với họ, làm mọi cách để các nước này tham gia phát biểu càng nhiều càng tốt. Thời gian kiểm điểm có hạn nên làm như vậy sẽ hạn chế rất nhiều đến các nước mong muốn có góp ý thành thật về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, Việt Nam không còn là mối quan tâm hàng đầu của của nhiều nước lớn nữa. Thế giới ít nhiều có phần thờ ơ với Việt Nam. Nói cách khác là họ còn quá nhiều quan tâm quan trọng khác như Trung- Nhật, Bắc Triều tiên, Xiry, Iran, nên sự chú ý đến Việt Nam bị sao nhãng. Cuộc đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam cần phải tính đến đặc điểm này.
Ví dụ chuyến đi của John Kerry, Ngoại trưởng Mỹ đến Việt Nam. Chúng ta rất quan tâm đến vấn đề cải thiện dân chủ và nhân quyền của chuyến đi. Chúng ta muốn Mỹ coi đó là giá mà chính quyền trong nước phải trả để đổi lấy những thuận lợi thương mại như TPP. Kết quả chuyến đi làm ta nhớ lại Thông cáo Thượng Hải 1972, khởi đầu chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Nhường như đã có manh nha chiến lược « cộng sản hóa tranh chấp biển Đông » của Mỹ. Sau chuyến đi, Hà nội đã mon men nêu chủ đề Hoàng Sa, mua sắm vũ khí. Hà nội cũng tưởng là khôn ngoan, kéo được Mỹ làm hậu thuẫn. Sự im bặt sau đó mới thấy được cái rủi ro của một nước nhỏ đòi chơi trò leo dây thăng bằng với hai nước lớn.
Việc thế giới giảm quan tâm đến Việt Nam, nhất là với tình hình bên trong Việt Nam, đã tạo thuận lợi cho Hà nội tăng cường việc trấn áp, bịt miệng các nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.
Nhưng ngược lại, chính việc Hà nội được bầu làm thành viên Hội đồng nhân quyền lại là yếu tố thuận lợi cho cuộc đấu tranh này.
Chúng ta không ngây thơ đòi nhà cầm quyền Hà nội phải có ngay thay đổi trong chính sách với dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Nhưng chúng ta có thể phân tích cho họ dần dần nhận thấy rằng đây là cố gắng của toàn nhân loại, hướng tới một thế giới văn minh hơn, mà trong thâm tâm chính họ cũng mong muốn như vậy. Chỉ do họ chưa đủ dũng khí thành thật với bản thân, từ bỏ hướng đi mà họ đã chót lựa chọn.
Trước mắt, hướng đấu tranh vào đội ngũ cán bộ cấp trung đang thực thi nhiệm vụ. Họ là những người có trình độ hiểu biết, được tiếp cận với thế giới bên ngoài, có cơ hội so sánh, phân tích thật- hư. Đây là tầng lớp, nếu họ thay đổi thái độ sẽ làm xoay chuyển chiều hướng tình hình tại Việt Nam.
Lần này, cần tập trung vào phân tích cho họ thấy những hành động của họ chỉ có lợi trước mắt là Hà nội có thể tránh được những phê phán của cộng đồng quốc tế. Nên nó chỉ là những mục tiêu rất ngắn hạn, chỉ phục vụ bảo vệ sự tồn tại của đảng cộng sản Việt Nam. Nó kéo dài thời gian chờ đợi của cả một dân tộc đang mong muốn được sống trong tự do, ấm no và hạnh phúc.
Đối với các nước Troika, cần tác động với họ giữ vững vai trò trọng tài vô tư của họ. Chúng ta tôn trọng những lợi ích đan chéo của họ, nhưng chúng ta cần bày tỏ, mong họ từ chối những gợi ý nhỏ nhen của phía Việt Nam. Trong trường hợp phía Hà nội đã soạn bài tham luận sẵn cho họ. Ta khuyên họ hãy nói lên một cách chân thực những suy nghĩ của họ về nhân quyền tại Việt Nam.
Đối với các nước lớn, cần thúc đẩy mạnh mẽ sự quan tâm trở lại đối với Việt Nam. Sự trỗi dậy bên trong rất cần sự ủng hộ và trợ giúp của bên ngoài, một nước Việt Nam có dân chủ và tôn trọng nhân quyền nằm trong mong muốn của cộng đồng thế giới.
Chúng ta mang nhiệm vụ của nhân loại, chúng ta có niềm tin, chúng ta sẽ thành công.
Từ Thụy sĩ.
Đặng Xương Hùng
facebook.com/dang.xuonghung/posts/10202213433450778