Tôi đến Los Angeles nhân dịp kỷ niệm 35 năm báo Người Việt, tình cờ gần ngày kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa năm 1974 với 74 anh hùng tử sĩ VNCH chết vì tổ quốc và tự do, trên cùng chuyến bay với nhà thơ Tô Thùy Yên, nhà thơ nổi tiếng với bài “Trường Sa Hành” năm 74, với 4 câu đầu:
“Trường Sa! Trường Sa! Đảo chếnh choáng
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi”
Những câu thơ đã được tôi nhắc đến trong bài viết về Hoàng Sa, Trường Sa bảy năm về trước. Bốn mươi năm sau ngày Hoàng Sa thất thủ những người trẻ lớn lên sau 75 lại một lần chếnh choáng về Hoàng Sa, Trường Sa, về những người lính miền Nam VNCH yêu nước yêu tự do, đã yêu và thuộc lòng bài thơ Tô Thùy Yên. Bài thơ như bài ca dao về Trường Sa cho những người trẻ Việt nhớ về một thời những người hùng thất thế:
“Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya”.
Bốn mươi năm kỷ niệm ngày Hoàng Sa thất thủ, đất nước chuyển động, những cuộc biểu tình với hình Việt Dzũng đòi quyền làm người đánh dấu ngày Việt Nam vào ủy ban quốc tế nhân quyền Liên Hiệp Quốc và những người đảng viên cộng sản từ bỏ Đảng như Lê Hiếu Đằng gây sôi động mặc dù muộn màng. Các cựu sinh viên tranh đấu thời thập niên 1960 như Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm có trách nhiệm về cuộc cộng sản hóa miền Nam VN, đấu tranh giả dạng dưới vai trò đảng viên cộng sản, họ đã hối hận như giới trí thức trẻ Tiệp Khắc thập niên 1960. Nhà văn Ivan Klíma trong nhóm của cựu Tổng Thống Tiệp Vaclav Havel, sống trong thời hậu cộng sản Tiệp đã viết cuốn “Thế kỷ điên cuồng của tôi” (My Crazy Century) để nhắc những người trẻ Tiệp sống trong những năm hậu cộng sản đã không hiểu được những năm tháng của xã hội độc tài cộng sản Âu Châu bị cai trị bởi cộng sản Sô Viết sau khi Cách Mạng mùa Xuân Prague năm 1968 thất bại. Những người trí thức trẻ như Ivan Klíma đã sống ngộp thở trong hơn hai thập niên cộng sản, họ bị cấm viết theo ý của họ, bị kiểm duyệt rồi bước qua thời kỳ tự kiểm duyệt dưới sự kiểm soát văn hóa của đảng cộng sản. Sống dưới chế độ Sô Viết trên hai thập niên họ đã so sánh chế độ Phát Xít Đức với cộng sản Sô Viết và lịch sử cộng sản Sô Viết cũng giống như cộng sản Việt Nam và Trung Cộng: Lịch sử của sát nhân và mồ chôn tập thể (như Mậu Thân Huế 1968) lịch sử với những nạn đói, diệt chủng, khủng bố với cảnh sát chìm, mật vụ, tuyên truyền giả dối, khai thác lợi dụng sự ngu dốt và nhiệt tình của người dân và giới thanh niên. Ivan Klíma tỉnh ngộ qua “một thế kỷ điên cuồng” sớm hơn các đảng viên cộng sản Việt Nam vẫn còn mê muội trong cảnh Việt Nam sắp bị Trung Cộng đô hộ như Sô Viết đô hộ Đông Âu trong hơn hai thập niên.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry qua VN và Á Châu vào tháng 12 năm 2013 trong bối cảnh mới, nhờ ông người Việt có thêm cơ hội đấu tranh nhân quyền và có những tiếng nói yêu nước như kỷ niệm ngày Hoàng Sa thất thủ nhưng ông Kerry đến Việt Nam và các nước Á Châu với sự đe dọa của Trung Cộng còn mang theo một mối lo của người Mỹ: 100 năm sau thế chiến thứ nhất, thế giới có vẻ như trở lại 100 năm trước với lịch sử có nhiều điểm tương đồng.
Thế chiến thứ nhất, được gọi là trận đại chiến, xảy ra ngày 28 tháng 7 năm 1914 kéo dài đến ngày 11 tháng 11 năm 1918, gây thiệt hại nặng đến 20 triệu người chết. Cuộc chiến lôi kéo tất cả cường quốc kinh tế với hai phe, Đồng Minh gồm Anh, Pháp và Nga đối với lực lượng trung ương gồm Đức, Áo và Hung Gia Lợi sau đó Nhật và Hoa Kỳ vào phe Đồng Minh còn Bảo Gia Lợi và đế quốc Ottoman (tiền thân Thổ Nhĩ Kỳ) gia nhập phe lực lượng trung ương. Thế chiến xảy ra bất ngờ không ai đoán trước. Một năm trước đó, năm 1913 là năm thịnh vượng, thế giới đầy năng động về mọi mặt, từ kinh tế cho đến văn học nghệ thuật, từ Marcel Proust với đại tác phẩm “À la recherche du temps perdu” (đi tìm thời gian đã mất) cho đến nghệ thuật vĩ cầm của Stravinsky. Thế giới văn minh tiếp diễn với những tiến bộ khoa học từ thế kỷ thứ 19. Bổng nhiên ngày 28 tháng 6 năm 1914 tiếng súng ám sát quận công Áo Franz Ferdinand ở Sarajevo đã gây ra sửng sốt cho toàn thế giới và cơn khủng hoảng chính trị đã xảy ra, các nhà lãnh đạo chính trị không giữ được bình tĩnh và sáng suốt. Áo và Hung Gia Lợi đưa tối hậu thơ đến chính quyền Serbia. Ngày 28 tháng 7 năm 1914, liên quân Áo- Hung bắn phát súng đầu tiên, đưa quân xâm chiến Serbia. Đức điều quân qua Nga (mặt trận miền Đông) và Pháp (mặt trận miền Tây). Cả Âu Châu lâm vào trận chiến năm 1914, một trận đại chiến, dưới cái nhìn của các sử gia, là cuộc chiến ngu ngốc, không cần thiết.
Tác giả Christopher Clark đã nhìn lại trận thế chiến thứ nhất xuất phát từ vùng Balkan trước thuộc đế quốc thổ Ottoman. Từ năm 1912 đến năm 1913, Hy lạp, Bảo Gia Lợi và Serbia tách rời ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Serbia là quốc gia có lợi nhất về phần lãnh thổ dành được từ Thổ. Tinh thần quốc gia Serbia lên cao nhất là từ sau năm 1908, khi đế quốc Áo sát nhập Bosnia vào đế quốc Áo Habsburg đã khiến những người quốc gia yêu nước Serbia nổi điên lên, họ cảm thấy Âu Châu nhất là Nga đã phản bội quê hương họ. Vùng Balkan đầu thế kỷ thứ 20 cũng giống như vùng Balkan cuối thế kỷ 20 vừa qua. Năm 1912 đến 1913, Serbia đem quân xâm chiếm Albania một nước được đế quốc Áo bảo đảm trung lập, giết hơn 300 người Hồi giáo với những mồ chôn tập thể, hàng ngàn vụ tương tự xảy ra sau đó trước khi Serb rút quân về sau hiệp định hòa bình.
Để đánh dấu kỷ niệm sinh nhật năm thứ 525 ngày Serbia bị đánh bại ở Kosovo, quận công Ferdinand và vợ đi thăm Bosnia, ông vui vì được đi xa thành Vienne, không bị căng thẳng vì chính trị. Được đón tiếp long trọng ở Bosnia, quận công Ferdinand đã có một viễn kiến Liên Hiệp Âu Châu, di chuyển quyền lực ra khỏi Đức và nước Nga kinh tế hùng mạnh. Đến Sarajevo, Quận công Franz Fernidand bị ám sát. Câu chuyện ám sát này ly kỳ hơn chuyện ám sát TT John F. Kennedy năm 1963. Quận công Ferdinand là người lãnh đạo Áo đi tìm một giải pháp hòa bình cho vùng Balkan. Ông là người lập gia đình hạnh phúc với bà Sophia. Giống như TT. John F. Kennedy ở Dallas, Quận công Ferdinand và bà Sophia ngồi trên xe bỏ mui trần đi trên đường phố Sarajevo. Ngày 28/6/1914 là ngày kỷ niệm độc lập Kosovo, cuộc viếng thăm của Quận công làm bừng cháy tinh thần quốc gia của người Serb. Bảy người trẻ tuổi âm mưu chờ đợi quận công đến Sarajevo để giết. Quận Công ngồi xe mui trần là một mục tiêu dễ dàng cho họ. Âm mưu có tổ chức của bảy thanh niên giống như âm mưu của quân Hồi giáo Al Qaeda thế kỷ thứ 20 nhưng họ thiếu bản lãnh. Hung thủ thứ nhất sắp ra tay bỗng nhiên sợ, đứng liệt người không nhúc nhích. Thủ phạm thứ hai ra tay ném bom nhưng không trúng đích bị bắt. Quận công Ferdinand thản nhiên tiếp tục ngồi xe đi đến tòa thị chính để đọc diễn văn sau khi ông săn sóc người bị thương. Các hung thủ còn lại định ra tay nhưng nhìn thấy bà Sophia bỗng nhiên chùn tay không muốn giết đàn bà. Quận công Ferdinand có thể hủy bỏ cuộc viếng thăm nhưng lại nhất định tiếp tục thăm viếng các binh sĩ bị thương ở bệnh viện. Chiếc xe tiếp tục lộ trình khác với lộ trình đầu tiên, đến đường Franz Joseph, thủ phạm thứ bảy, chàng Gravrilo Princip nhảy ra bắn chết cả hai ông bà Ferdinand.
Nguyên nhân nào gây ra thế chiến thứ nhất ngoài sự hốt hoảng của các nhà lãnh đạo đến nay vẫn còn được bàn cãi. Đối với ông Christopher Clark, trận đại chiến có nhiều nguyên nhân lớn: nguyên nhân thứ nhất là do kết quả của sự khủng hoảng chủ nghĩa đế quốc (cái nhìn của Lê Nin) nguyên nhân thứ hai là sự phát triển của chủ nghĩa quốc gia quá khích phát sinh sau sự phát triển kinh tế kèm theo tinh thần bảo thủ cuối thế kỷ thứ 19 cộng thêm kết quả của 40 năm chạy đua vũ trang, hệ thống đồng minh cộng tác giữa phe tả và phe hữu cũng như là chính trị phe tả và phe hữu ở các nước tư bản kỹ nghệ.
Sử gia Paul Schroeder,chuyên về lịch sử ngoại giao Hoa Kỳ năm mươi năm trước cho rằng trận đại chiến xảy ra ngoài sự kiểm soát của tất cả các nhà lãnh đạo đương thời, trước khi chiến tranh xảy ra họ đã đổ tội cho nhau về tình hình thế giới và xuyên tạc tất cả các bằng chứng lịch sử.
Điều 231 của Hiệp định Versaille đổ tội cho chế độ quân phiệt Đức và chính các nhà lãnh đạo dân sự Đức đã xây dựng nước Đức trở thành đại cường quốc về quân sự còn nhà sử học Nial Ferguson đổ tội cho Ngoại trưởng Edward Gray kéo toàn bộ nội các Anh và khích động cả nước Anh đi vào đường chiến tranh, một chiến tranh bắt đầu cho ngày tàn của đế quốc Anh. Ngoại trưởng Gray đã thuyết phục nội các Anh ngày 8 tháng 4 năm 1914 tránh gặp gỡ Đức ở Bỉ. Thế giới vào năm 1913 trước năm xảy ra thế chiến là thế giới ở vào thời kỳ hòa giải với những hiệp định hoà bình được ký kết giữa các nước (giống y như cuối năm 2013, đầu năm 2014 một trăm năm sau với Hoa Ky là trung tâm). Năm 1879 Hiệp ước hoà bình giữa Đức và Áo. Năm 1894, Hiệp ước ký kết thiết lập trục Đồng Minh Pháp – Nga. Năm 1904, Hiệp Ước đồng minh Anh và Pháp. Năm 1907 là năm hòa đàm giữa Nga và Anh. Trước năm 1914, hội nghị tấp nập giữa các nước. Chiến tranh Nga - Nhật năm 1904 đến 1905 với sự thắng trận của Nhật đã làm Nga bỏ chính sách thực dân ở Á Châu và xoay tham vọng về miền Balkan. Chính sự chuyển hướng của Nga đã làm cả Âu Châu tập trung về Balkan và chú ý đến sự bất ổn của các nước quanh Âu Châu trước thế chiến thứ nhất.
Một trăm năm sau thế chiến thứ nhất, thế giới lại đi vào tình trạng chủ nghĩa quốc gia quá khích từ Trung Đông cho đến vùng Thái Bình Dương với Hoa Kỳ và Trung Cộng đóng vai chính thay thế cho Anh và Đức trên bản đồ thế giới.
Cách mạng “mùa Xuân Á Rập” không mang đến những thay đổi dân chủ như Âu Châu và Hoa Kỳ mong muốn, cuộc cách mạng ấy đã không giống cách mạng ở Đông Âu năm 1989 đưa đến sự sụp đổ của chế độ Cộng sản Sô Viết. Kết qủa của cuộc cách mạng “Mùa Xuân Á Rập” là sự bùng phát phong trào quốc gia quá khích. Các quốc gia Trung Đông thiếu một ý thức hệ mới để thay thế cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, cuối cùng là các quốc gia trong vùng tập trung năng lực vào những tranh chấp và chiến tranh giữa các nhóm tôn giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và các nhóm sắc tộc. Chủ nghĩa quốc gia quá khích xảy ra ngoài ý muốn của Tây Phương đưa đến sự phân biệt sắc tộc cùng các nhóm võ trang. Ở Syria, TT Assad tưởng bị lật đổ dễ dàng như trường hợp Sadam Hussein ở Iraq nhưng cách mạng Syria từ tháng 3 năm 2011 đã trở thành cuộc nội chiến với TT Assad vẫn cầm quyền. Nếu có một cuộc bầu cử dân chủ Tây Phương xảy ra trong năm nay TT Assad sẽ có nhiều cơ hội thắng cử với đa số phiếu. Cách mạng võ trang của Chechchen bắt đầu từ 1994 đến 1996 đòi quyền độc lập với Nga nay lu mờ bị Tây phương xem là phong trào quốc gia cực đoan giống như vùng Balkan 20 năm vừa qua. Các nơi khác ở Trung Đông sau cuộc cách mạng cho thấy những thất bại của Tây phương. Lybia hậu Qadaffi rối loạn, Barhain với chính quyền độc tài và chính quyền ở Baghdad là một chính quyền tham nhũng và vô trật tự hơn thời Saddam Hussein.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đến Việt Nam tháng 12 năm 2013 lo ngại về chủ nghĩa quốc gia và tinh thần quốc gia quá khích ở Đông Nam Á hơn là chủ nghĩa quốc gia ở vùng Trung Đông. Chủ nghĩa quốc gia ở vùng Đông Nam Á bị khơi dậy do chính quyền Trung Cộng. Trung Cộng tạo ra phong trào quốc gia chống Nhật, khơi lại tội ác và mối thù với người Nhật trong thời thế chiến thứ hai khi Nhật chiếm Trung Hoa mà không nhắc lại những tội ác của Đảng CSTQ để lái người dân Trung Hoa về một kẻ thù chung để cai trị. Chính sách của TC gây hấn với các nước láng giềng tạo ra các phong trào quốc gia, Trung Hoa chống Nhật, Trung Hoa chống Đài Loan, Trung Hoa chống Phi Luật Tân, Trung Hoa chống Việt Nam. Vùng biển quanh đảo Hải Nam trở thành vùng tranh chấp dầu hỏa và khoáng sản dưới biển là nguyên nhân chính, khéo che dấu qua chiêu bài tranh dành lãnh thổ có từ lâu giữa Đài Loan, Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai, Brunei, Indonesia và Trung Cộng.
Năm 2013 là năm Trung Cộng theo đuổi tham vọng lãnh thổ ở biển Đông. Tháng 1 năm 2013, Phi Luật Tân chính thức phản đối Trung Cộng dựa trên luật biển của Liên Hiệp Quốc UNCLOS, chính quyền Manilla gọi vùng biển Tây Phi Luật Tân là của người Phi nhưng tình trạng nặng nhất xảy ra khi cuối tháng 11 năm 2013, tranh dành đảo Điếu Khâu với Nhật, Trung Cộng loan báo vùng phòng không ADIZ cấm các phi cơ bay qua không phận mà không báo trước cho chính quyền TC để khiêu khích Tokyo, Hán Thành và Hoa Thịnh Đốn. Phó TT Joe Biden trả lời ngay, Hoa Kỳ sẽ không tuân lệnh của Bắc Kinh, các phi cơ Hoa Kỳ, Nhật và Nam Hàn bay qua vùng ADIZ không cần xin phép như thường lệ mà TC chỉ đứng nhìn. Hoa Kỳ và Trung Cộng thử thách giống như Hoa Kỳ và Sô Viết trong thời chiến tranh lạnh. Hoa Kỳ đã chuẩn bị sẵn sàng từ đầu với chiến thuật phòng thủ trên trời dưới biển với căn cứ mới ở Saipan nam Thái Bình Dương, hàng không mẫu hạm với phản lực cơ bay ngang qua đảo Guam và căn cứ không quân ở tây Thái Bình Dương cùng hàng không mẫu hạm thường xuyên đi tuần từ Úc và Ấn Độ. Chính sách cô lập bằng các căn cứ quân sự này gia tăng từ ngày TC dành biển Đông.
Nhà báo NY Times Margaret Mc Millan gọi tình hình biển Đông hiện nay là “Chủ nghĩa quốc gia quá khích độc hại”. Tình hình từ 2013 qua 2014 giống như một trăm năm trước. Năm 2013 đời sống con người khả quan hơn với những tiến bộ lớn về khoa học, nhất là kỹ thuật điện tử và truyền thông mạng lưới, tuổi thọ con người tăng nhờ tiến bộ y học, kinh tế hồi phục sau cơn khủng hoảng tài chính năm 2008, thị trường chứng khoán tăng cao nhất trong năm 2013. Hoa Kỳ phải đối đầu nhiều mặt trong khi Trung Cộng trên đà trở thành cường quốc kinh tế với nền kinh tế đứng thứ nhì sau Hoa Kỳ. Trung Cộng gửi phi thuyền lên mặt trăng, thi đua vũ trang, thử các loại hỏa tiễn tầm xa, đóng hàng không mẫu hạm để dành độc quyền Thái Bình Dương. Trung Cộng đang xem Hoa Kỳ như đế quốc Anh đang trên đường đi xuống một trăm năm trước.
Giáo sư khoa học chính trị đại học Chicago, ông John Mearsheimer nhận định: “Trung Hoa không thể đi lên một cách hòa bình, chiến tranh không thể tránh”, khác với các nhà phân tích khác nhìn lại thế chiến thứ nhất như một cuộc chiến có thể tránh. Chiến tranh đã xảy ra vì Đức đã sợ quyền lực Nga trong khi Anh sợ sức mạnh quân sự của Đức. Một trăm năm sau, tình hình Hoa Kỳ và Trung Cộng có điểm khác, cả thế giới đều sợ thảm họa nguyên tử. Thập niên 1960 Hoa Kỳ và Sô Viết đụng độ trong cơn khủng hoảng hoả tiễn liên lục địa ở Cuba nhưng cuối cùng Sô Viết đã phải nhượng bộ. Về phương diện ý thức hệ, chủ nghĩa quốc gia quá khích đang bùng lên mạnh ở Trung Hoa, Trung Cộng muốn có vai trò lớn, làm chủ vùng Đông Á nhưng Hoa Kỳ có nhiều đồng minh trong vùng, các đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật có tiềm năng quân sự nhất là về hải quân hơn hẳn Trung Cộng cũng như hệ thống phòng không của Đài Loan hơn Trung Cộng xa. Tập Cận Bình vào tháng 3 năm 2013 cổ động một “giấc mơ Trung Hoa” sau khi bộ phận 61398 của quân đội nhân dân giải phóng phá mạng lưới điện tử của chính quyền Hoa Kỳ, nhưng “giấc mơ Trung Hoa” của họ Tập vẫn chỉ là giấc mơ vì hiện nay Hoa Kỳ trên chân TC hơn nhiều thập niên về cả kinh tế lẫn quốc phòng. Hoa Kỳ có nhiều căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương để kiểm soát TC trong vùng. Thế chiến thứ 3 nếu có xảy ra như Notradamus tiên đoán xuất phát từ vùng Thái Bình Dương chỉ đem phần bất lợi về cho Trung Cộng.
Chủ nghĩa quốc gia cực đoan ở Trung Hoa bùng phát cùng lúc với sự phục hồi Khổng giáo. Đảng CSTQ gọi xã hội cộng sản là “Xã hội hài hòa”. Xã hội hài hoà thay cho hai chữ Cộng sản nhưng Khổng Tử của cộng sản là Khổng Tử chọn lựa với hai chữ Trung Hiếu được đưa lên hàng đầu để khuyến khích dân Trung Hoa nhắm mắt phục tùng đảng và tinh thần của người Hoa vẫn là tinh thần của nước Trung Hoa từ nghìn xưa tự xem mình là người “Trung Quốc”, nước Trung Hoa ở giữa với chư hầu chung quanh, Trung Quốc là cái rốn của vũ trụ giống như tinh thần của con người thời Trung Cổ xem trái đất là cái rốn của vũ trụ cho đến khi Corpenicus thế kỷ thứ 16 chứng minh trái đất quay chung quanh mặt trời và con người chỉ là một sinh vật rất bé nhỏ trong vũ trụ!
Việt Nguyên