logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
xuong  
#1 Đã gửi : 29/01/2014 lúc 08:05:25(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Năm Ngọ, tôi cũng muốn dông dài chuyện ngựa, kể một vài kỷ niệm riêng liên quan đến con ngựa. Nhưng kỷ niệm của riêng tôi chẳng có gì đáng kể, bị ngựa đá thì không, vì tôi không bao giờ dám đến gần ngựa chớ đừng nói chi “mó bộ phận chiến lược của ngựa”, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi nghe nói dù không mó, người ta vẫn bị ngựa đá bởi đủ mọi trường hợp tai nạn do ngựa đang hoảng hốt, sợ, bực mình, giành ăn, v.v… Ngay cả bác sĩ thú y chăm sóc cho ngựa cũng bị ngựa đá. Chủ ngựa, nhân viên chăm sóc ngựa, huấn luyện viên dạy cỡi ngựa, nài ngựa, v.v… là những người thường xuyên gần gũi với ngựa càng dễ gặp rủi ro bị ngựa đá.

Bị ngựa đá một lần nhớ đời sẽ dễ đưa đến bệnh sợ ngựa, một nỗi sợ về tâm lý, Anh ngữ gọi là Equinophobia. Con ngựa nào tỏ ra hung hăng dữ dằn bất trị (ngựa chứng) hay đá người, hay gây sự với ngựa khác thường bị chủ mang đi thiến và trở thành ngựa thiến (gelding). Trong các đơn vị kỵ binh trước Thế chiến, ngoài trường hợp tử vong vì té ngựa còn có một số trường hợp bị chính con ngựa mình cỡi đá chết. Thuở nhỏ, Tổng thống Abraham Lincoln của Hoa Kỳ từng bị ngựa đá trúng mặt, nhưng người ta không thể quyết đoán có phải vì vậy mà nửa mặt bên trái của ông hơi bị lệch và biến dạng khiến cho ông bị mắt thấp mắt cao.

Té xe ngựa thì tôi có té. Năm 1949, tôi đi học trường làng Long Bình Điền ở Ngã Ba Ông Văn. Nhà ông bà ngoại tôi cũng gần tỉnh lộ nối liền Mỹ Tho với Gò Công và cách trường khoảng nửa cây số. Một hôm nghe lời bạn xúi hay thách thức, tôi lén đu toòng teng sau xe ngựa khi tan trường để về nhà. Tôi đinh ninh xe ngựa sẽ ngừng cho hành khách nào đó xuống khoảng gần nhà ngoại tôi. Nhưng không ngờ qua khỏi chỗ đó, xe ngựa vẫn tiếp tục chạy mãi càng lúc càng xa vì chẳng có người hành khách nào xuống khúc đường đó cả. Hoảng quá, tôi nhảy đại và bị té đập đầu xuống lộ đau điếng. Sợ bị ông bà quở phạt, tôi giấu biến vụ đó luôn.

Trong lúc lướt Net để tìm tài liệu viết bài này, tôi may mắn đọc bài NĂM CON NGỰA 2014 TẢN MẠN VỀ NGỰA của tác giả Mặc Nhân TVC viết cho Tập san Ái Hữu Nguyễn Đình Chiểu – Lê Ngọc Hân Úc Châu, một bài sưu tầm về ngựa khá công phu. Tôi xin trích một đoạn trong bài này vì nó gợi lại cho tôi kỷ niệm quãng đời thiếu niên của một cậu bé nhà quê miệt vườn.

(Trích) Chiếc xe ngựa, nói riêng ở Mỹ Tho và theo trí nhớ của tôi thôi, có nhiều hình dáng khác nhau, cải tiến tùy theo nhu cầu của xã hội và theo thời gian. Ngay lúc tôi 6, 7 tuổi tôi có thấy những chiếc xe ngựa chạy tuyến đường Chợ Gạo, Ông Văn, Bến Tranh, Tân Hiệp… dáng dấp giống như xe calèche của Âu Châu, nghĩa là thùng xe được thiết kế giống như một ghế dài (canapé), có lưng dựa có chỗ kê tay có thể đóng bằng gỗ nhưng thường là đan bằng mây. Hai bên có hai cái đèn xe ngựa đúng mẫu mã của nó, gió thổi không tắt. Hành khách lên xuống xe có một bàn đạp rất thuận tiện. Tối đa là 4 hành khách, tất cả ngồi trên xe đều nhìn về phía trước. Anh đánh xe ngồi trên thùng xe hay trên càng xe, tay ve vẩy cái roi ngựa, miệng luôn “họ ne” để vừa trấn an, vừa điều khiển nó. Loại xe nầy nguồn gốc từ Bà Rịa, Vũng Tàu qua biển sang Gò Công lên Mỹ Tho. (Ngưng trích) http://ucchau.ndclnh.com...nguyen-hnh&Itemid=41

Về kỷ niệm liên quan tới ngựa gần đây nhất, mùa thu năm nay, tôi và vài người bạn có cùng sở thích chụp ảnh đã tổ chức đi săn ảnh cho chủ đề Ngựa, Mùa Thu và Sương Mù trong 3 ngày liên tiếp ở vùng Caledon nằm về phía tây bắc của Toronto. Caledon được xem là giang sơn của môn thể thao cỡi ngựa trong tỉnh bang Ontario. Với những dải đồi thấp chập chùng và các trang trại nuôi ngựa của giới thượng lưu giàu có, khung cảnh Caledon thật lý tưởng để săn ảnh cho chủ đề này. Mỗi ngày chúng tôi lên đường thật sớm khi sương mù chưa tan, chờ cho mặt trời vừa ló dạng, cảnh vật vừa đủ nguồn ánh sáng cần thiết, chọn lựa một trang trại vừa có phong cảnh thu vừa có ngựa được thả ra ăn cỏ sớm, chúng tôi ra tay hành nghề.

Một người bạn ảnh của tôi do quá xông xáo chụp ảnh mà bị điện giật. Chúng tôi không biết rằng nhiều hàng rào sân cỏ trang trại nuôi ngựa có căng dây điện. Dây điện được mắc ở mặt sau của các miếng ván gỗ trên cùng của hàng rào với mục đích làm cho ngựa sợ không đến gần hàng rào dễ gây thương tích. Một mục đích khác là ngăn ngừa sự xâm nhập của người lạ hay thú lạ.

Anh bạn tựa người vào hàng rào, chống tay cầm máy ảnh lên miếng gỗ trên cùng và bị điện giật khiến anh giật mình la oái. Chưa chụp được bức ảnh như mong muốn, anh không chịu thua. Anh cởi áo khoác, xếp đôi, đặt lên hàng rào, chụp tiếp, còn giả tiếng ngựa hí thật giống cho hai con ngựa thật, một đen một trắng, đến gần anh hơn.

Viết đến đây, tự dưng đầu óc tôi bắt nghĩ đến một hoạt cảnh tưởng tượng như một màn kịch. Sau một buổi đi chụp ảnh ngựa, người chồng về nhà với chiếc áo rách ở cánh chỏ vì đã tựa vào hàng rào. Vợ hỏi lý do. Chồng đáp tại lo chụp hình ngựa. Vợ hỏi ngựa bốn chân hay ngựa hai chân, chân ngắn hay chân dài, cỏ già hay cỏ non… Cắc cớ thiệt.

Từ chuyện đó, tôi lại nghĩ đến từ ngữ “con đĩ ngựa” trong tiếng nước ta mà dường như trong Anh ngữ không có. Tiếng Anh chỉ có “bitch”, “con đĩ chó”. Tiếng nước tôi phong phú hơn nên có cả hai. Rồi tôi lại nghĩ đến truyện ngắn Người Ngựa, Ngựa Người của nhà văn tiền chiến Nguyễn Công Hoan. Truyện ngắn này quả đúng là ngắn, chỉ có 2,784 chữ kể cả cái tựa, nhưng hay thấm thía, kể về một người phu xe kéo (người ngựa) đang ế khách trong đêm trừ tịch lại gặp phải cô gái ăn sương (ngựa người) cũng ế như mình. Họ gặp nhau trong niềm hân hoan và hy vọng. Anh phu xe cứ tưởng cuối năm vớ được người khách sộp, một thiếu phụ trông sang trọng giàu có và bà sẽ trả cho anh tiền cuốc xe 8 hào hậu hĩ. Chẳng ngờ ngựa người không một xu dính túi, chỉ có tấm thân để mang ra đổi chác, xuống xe dông mất không trả tiền. Trong tiếng pháo giao thừa, người ngựa kéo xe về với nỗi lòng chua xót. Toàn bài chẳng có chữ ngựa nào. Cái tựa Người Ngựa, Ngựa Người chỉ là một ẩn dụ được tác giả khéo chọn để nói lên hai thân phận bần cùng hẩm hiu trong xã hội.

Việt ngữ của chúng ta không có nhiều chữ khác nhau để gọi con ngựa, chỉ có chữ “ngựa” hoặc chữ “mã” gốc Hán Việt: ngựa con, ngựa già, ngựa đực, ngựa cái, ngựa rừng, ngựa rằn… Trong khi đó, Anh ngữ có rất nhiều chữ phân biệt để gọi ngựa: horse (nói chung), pony (ngựa con nói chung, thấp dưới 58 phân Anh), pinto (ngựa có hai độ màu lông đậm lợt khác nhau), dun (ngựa có sọc), mare (ngựa cái, bốn tuổi trở lên), stallion (ngựa đực, bốn tuổi trở lên), stud (ngựa nọc, chỉ để gieo giống), feral (ngựa trang trại thả về rừng hoặc tự bỏ trốn đi hoang), brumby (tên mà người Úc gọi một con ngựa feral), mustang (ngựa hoang Mỹ châu), foal (ngựa con còn bú sữa mẹ, nói chung), filly (ngựa cái con còn bú sữa mẹ), colt (ngựa đực con còn bú sữa mẹ), weanling (ngựa con mới dứt sữa và bắt đầu ăn cỏ), yearling (ngựa con từ một tới hai tuổi), zebra (ngựa rằn). Ngoài ra, còn cả lô tên gọi khác cho ngựa tùy theo đặc tính màu sắc hay chủng loại.

Từ lâu, tôi đã ngộ nhận chữ “equestrian” là người cỡi ngựa vì trong trí tôi đã quen nghĩ rằng “ian” là tiếp vĩ ngữ gốc La-tinh có nghĩa là người, giống như các chữ Canadian, musician, pedestrian, physician, technician, v.v… Thật ra, “equestrian” có nghĩa là sự cỡi ngựa (the horseback riding), do chữ “equine” (từ gốc La-tinh equus có nghĩa là con thú thuộc loài lừa ngựa nói chung), còn người cỡi ngựa đơn giản chỉ gọi là “horseman”. Từ đó có chữ “horsemanship” và chữ “equitation” là tài cỡi ngựa để phân biệt với chữ “equestrianism” là môn nghệ thuật cỡi ngựa.

Đúng, Equestria là tên của một vùng đất đai, một xứ sở, nhưng đó chỉ là tên của vương quốc giả tưởng của loài ngựa trong My Little Pony: Friendship Is Magic, một loạt phim hoạt hình truyền hình do Hasbro Studios ở Mỹ và studio DHX Media ở Canada sản xuất, ra mắt vào ngày 10 tháng 10 năm 2010. Trong vùng đất huyền diệu Equestria, nhân vật chính, công chúa Twinkle Sparkle, sống với nhóm bạn bè của cô là Applejack, Rainbow Dash, Pinkie Pie, Rarity, Fluttershy và Spike tại thị trấn Ponyville. Sống cùng nhau, họ, tất cả đều là ngựa được nhân cách hóa, tìm hiểu và khám phá về sự kỳ diệu của tình bạn. Hiểu theo kiểu của tôi Equestrian là người nước Equestria thì hỏng. Thế mới biết học tới chết cũng chưa đủ.

Bạn cũng biết, Binh Chủng Thiết Giáp gồm các đơn vị Kỵ Binh, mặc dù vai trò con ngựa đã được thay thế bằng những chiếc xe tăng tối tân, trong Anh ngữ vẫn gọi là Cavalry Corps. Chữ Cavalry xuất xứ từ chữ cavalerie của Pháp, với các chữ có cùng gốc gác như cavale, cavaler, cheval, chevalier, chevaleresque…

Bây giờ xin mời các bạn xem xét qua một số thành ngữ, tục ngữ Anh thông dụng liên quan đến ngựa nhé.

Don’t change horses in midstream. Nghĩa đen: Đừng thay ngựa giữa dòng. Nghĩa bóng: Đừng thay đổi kế hoạch nửa chừng. Thành ngữ này ngày nay rất phổ biến, chắc tại vì nó được Tổng thống Abraham Lincoln dùng trong một bài diễn văn vào năm 1864 với ý nói không nên thay đổi nhân sự hay vị trí khi dự án đang được thực hiện nửa chừng. Nếu bạn đã tốn công khó điều khiển một con ngựa đi tới giữa dòng sông một cách suôn sẻ rồi thì tốt hơn bạn đừng tính chuyện đổi ngựa khác vì điều đó quá rủi ro. Có người xem kế hoạch Hoa Kỳ thay thế Tổng thống Ngô Đình Diệm là một ví dụ tiêu biểu cho sự thay ngựa giữa dòng, dẫn đến kết quả tai hại hỗn loạn về chính trị và làm suy yếu tiềm lực chống cộng của đất nước non trẻ VNCH.

Don’t look a gift horse in the mouth. Nghĩa đen của câu này là đừng khám răng của con ngựa người ta tặng cho mình. Như bạn biết, răng ngựa mọc dài thêm và nhô ra thêm theo tuổi tác. Xem răng một con ngựa, người ta có thể đoán được tuổi của nó. Theo bản năng tự nhiên của con người (nhất là trẻ con chưa ý thức nhiều về phép lịch sự trong giao tế), mỗi khi nhận được một món quà, người nhận thường háo hức săm soi món quà đó ngay, đôi khi không giấu được sự thất vọng khi thấy món quà không đúng như ý muốn. Theo nghĩa bóng, câu châm ngôn này hàm ý rằng đừng nên quá chú trọng đến phẩm chất của một món quà tặng, nhất là trước mặt người tặng quà. Nên chấp nhận một món quà với lòng biết ơn hơn là chỉ trích món quà không hoàn hảo.

Tương tự với nghĩa trên, ta có thành ngữ Straight from the horse’s mouth, nghĩa đen là thẳng từ miệng con ngựa. Thành ngữ này có nghĩa bóng là tin tức rất đáng tin cậy vì phát xuất từ nguồn gốc nguyên thủy. Sở dĩ người Mỹ có câu nói này là vì ngày xưa khi ngựa còn là phương tiện chuyên chở chính, người ta mua sắm ngựa như ngày nay mua xe hơi. Muốn biết con ngựa được bao nhiêu tuổi, họ phải nhìn vào hàm răng của nó thì mới biết được. Sau này, thành ngữ Straight from the horse’s mouth được giới đánh cá ngựa dùng để chỉ những tin tức sốt dẻo cho biết con ngựa nào có ưu thế hơn và sẽ thắng.

You can lead a horse to water but you can’t make him drink. Nghĩa đen: Bạn có thể dắt một con ngựa tới chỗ có nước nhưng bạn không thể buộc nó uống. Nghĩa bóng: Câu tục ngữ này có từ Thế kỷ thứ 16 ở Anh quốc, nghĩa tương đối đơn giản, với ý nói rằng bạn có thể tạo cơ hội cho ai đó nhưng bạn không thể buộc họ phải nắm lấy cơ hội đó. Nói một cách khác, bạn không thể bắt ai đó làm điều gì đó, trừ khi họ đã sẵn sàng muốn làm. Bạn có thể cho một người nào đó lời khuyên tốt nhưng bạn không thể làm cho họ tuân hành áp dụng. Câu tục ngữ này xuất phát từ sự kiện thực tế là ngựa thường ít khi chịu uống nước nơi chưa quen, ngay cả khi chúng đang khát và cần uống.

Charley horse. Tiếng lóng, có nghĩa là vọp bẻ, chuột rút.

A horse of different color. Nghĩa đen: Một con ngựa khác màu. Nghĩa bóng của thành ngữ này là một cái gì đó có thể hoàn toàn tách biệt với những gì mà người ta dự kiến hay tiên liệu, một sự bất ngờ trái với sự mong đợi và gây thất vọng.
Một con ngựa khác màu cũng dùng để chỉ trường hợp một người hay một vật nào đó không phù hợp hay thích ứng với nguyên nhóm. Thành ngữ này bắt nguồn từ lời đối thoại trong màn hai của vở kịch Twelfth Night của William Shakespeare.
Tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ John Adams cũng dùng biểu tượng ngựa khác màu để nói về lòng trung thành và sự chia rẽ. Ông gọi một nhóm người chống đối là những con ngựa khác màu.

Every horse thinks its own pack heaviest. Nghĩa đen: Mỗi con ngựa đều nghĩ rằng trọng tải trên lưng mình là nặng nhất. Nghĩa bóng: Theo tâm lý và lẽ thường tình, người ta ai ai cũng chỉ nghĩ đến mình mà không quan tâm đến người khác, hay phàn nàn rằng mình là người phải lãnh phần việc nặng nhọc hơn, số phận của mình kém may mắn hơn mọi người khác. Thật ra, ai ai cũng có nỗi khó khăn riêng, nỗi buồn riêng, khó có thể so sánh được. Người khác cũng phải chịu gánh nặng của công việc và nỗi lo nghĩ như nhau.

A one-horse race. Nghĩa đen: Cuộc đua một ngựa. Nghĩa bóng: Một cuộc thi mà trong đó, ngay từ lúc nhập cuộc, một phe ứng thí có khả năng vượt trội xa hơn nhiều so với các đối thủ khác, và rõ ràng có cơ may để giành chiến thắng.

Don’t back the wrong horse. Nghĩa đen: Đừng theo con ngựa dở. Nghĩa bóng: Đừng nhầm ủng hộ, hỗ trợ một ứng cử viên dở vì điều đó chắc chắn sẽ đưa đến thất bại.

Don’t beat a dead horse. Nghĩa đen: Đừng đánh một con ngựa đã chết. Khi một con ngựa chết rồi thì dù người chủ có đánh đập nó, nó cũng không thể đứng dậy đi được nữa. Nghĩa bóng: Đừng cố gắng vô ích trước một chuyện đã rồi.

Don’t put the cart before the horse. Nghĩ đen: Đừng đặt chiếc xe trước con ngựa. (Tiếng Việt có câu “Đừng đặt cái cày trước con trâu”). Nghĩa bóng: Đừng làm chuyện ngược đời vô lý. Theo lẽ tự nhiên, con ngựa kéo chiếc xe nên con ngựa phải ở trước chiếc xe. Thế giới này có trật tự riêng của nó. Tất cả mọi sự vật, sự việc cũng có trật tự trước sau. Ta không nên hấp tấp, vội vã đốt cháy giai đoạn mà đảo lộn các bước theo đúng trình tự vốn có theo quy luật. Tốt nhất ta nên tuân thủ đúng các trật tự trong cuộc sống. Câu này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1589 trong quyển sách The Arte of English Poesie của George Puttenham. Có lẽ tác giả đã dịch ra từ một câu tục ngữ cổ Hy Lạp.

Don’t spare the horses. Nghĩa đen: Đừng dành thì giờ lo cho mấy con ngựa. Nghĩa bóng: Ý câu này muốn nói là đừng kể gì đến phương tiện mà hãy chú tâm vào mục đích chính (cứu cánh).
Nguồn gốc câu này có từ thời Nữ hoàng Victoria trị vì nước Anh vào hậu bán Thế kỷ thứ 19. Sự tích kể rằng Nữ hoàng Victoria có người phu xe ngựa tên James Darling. Theo truyền thống vương giả thượng lưu, đáng lẽ Nữ hoàng gọi thần dân bằng họ của người đó. Nhưng “Darling”, họ của “tài xế riêng” của bà, lại cũng có nghĩa là “cưng yêu quí”, nếu bà xưng hô như thế e có vẻ không phù hợp.
Vì thế, bất đắc dĩ Nữ hoàng Victoria đành phải gọi người mã phu bằng tên James, một cách xưng hô thân mật của dân dã.
Lần đó sau một chuyến du hành bằng xe lửa hoàng gia, bà trở về London. Vừa đến ga Paddington, bà nôn nóng muốn về “nhà” là Cung điện Buckingham. Thấy “bác tài” cứ nhẩn nha cẩn thận xem xét lại mấy con ngựa, bà thốt câu ra lệnh: “Home James! And don’t spare the horses!” (Về nhà ngay James! Đừng màng tới mấy con ngựa!) Và câu nói đó đã “phi nước đại” đi vào lịch sử.

To Be on Your High Horse. Nghĩa đen: Ngồi cao trên lưng ngựa. Thành ngữ này được dùng từ thời Thế kỷ thứ 14 ở Âu Châu, khi giới thượng lưu quyền quý thường cỡi những con ngựa cao nhất mà họ có thể mua được để chứng tỏ là họ quan trọng hơn giới thường dân. Nghĩa bóng: Ngày nay, người Mỹ dùng thành ngữ To Be on Your High Horse để chỉ một người tự cho là mình quan trọng cho nên coi thường người chung quanh.

Get off your high horse. Nghĩa đen: “Hãy xuống ngựa đi.” Nghĩa bóng: “Đừng kiêu ngạo nữa.” Một khi đã xuống ngựa, chưa chắc người đó cao hơn về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thái độ của kẻ kiêu ngạo là luôn nghĩ rằng mình ở vị trí cao trọng hơn người khác, đối xử với người khác như thể họ thấp bé hơn mình. Thành ngữ này xuất phát từ thời xưa khi tầng lớp thượng lưu thường cỡi ngựa. Họ có khuynh hướng hành động ngạo mạn của cấp trên khi giao tiếp với một người bình thường.

Hold your horses! Nghĩa đen: “Ngừng ngựa của bạn lại!” Nghĩa bóng: Hãy tạm giữ yên vị trí tại chỗ. Câu này có lẽ bắt nguồn từ chiến trận, khi vị chỉ huy ra lệnh cho binh sĩ của mình hãy bình tĩnh, kìm cương ngựa lại để đợi lệnh mới. Ngày nay, thành ngữ này trở nên thông dụng hơn và được dùng trong mọi trường hợp và có nghĩa là “đừng vội, hãy bình tĩnh, hãy kiên nhẫn chờ thời cơ thuận tiện rồi hãy hành động”.

A dark horse. Nghĩa đen: Một con ngựa đen. Nghĩa bóng: Một nhân vật mới lạ như từ trong bóng tối chui ra, chưa ai biết. Từ ngữ dark horse xuất xứ từ giới đua ngựa cách đây hơn 150 năm để chỉ một con ngựa đua mà không ai biết đến thành tích gì của nó cả. Ngày nay, nó được dùng để chỉ một ứng cử viên mà đa số cử tri chưa nghe nói tới bao giờ. Phần đông những ứng cử viên như vậy thường thua xa trong các cuộc tranh cử, nhưng đôi khi họ cũng làm cho các chuyên gia chính trị phải ngạc nhiên khi họ thắng cử, tạo nên trường hợp mà giới trường đua gọi là ngựa về ngược.

Horse sense. Nghĩa đen: Giác quan của ngựa. Nghĩa bóng: Khả năng tốt khi nhận xét, phán đoán và quyết định một chuyện gì.

Horses for courses. Nghĩa đen: Mỗi con ngựa quen đường đi nước bước của nó. Có con quen đường đất bằng phẳng, có con quen đường rừng hay đường núi hiểm trở. Nghĩa bóng: Mỗi người có một khả năng chuyên môn riêng, không ai giống ai, nên quan trọng là phải dùng đúng người đúng khả năng.

If two ride on a horse, one must ride behind. Nghĩa đen: Nếu hai người cỡi một con ngựa thì một người phải ngồi đàng sau. Nghĩa bóng: Khi hai người cùng chung với nhau làm một việc thì phải có một người chính (cầm đầu, chỉ huy) và một người phụ thì công việc mới êm xuôi.

If wishes were horses, then beggars would ride. Nghĩa đen: Nếu mọi điều ước là có được ngựa thì ngay cả ăn mày cũng sẽ có ngựa để cỡi. Nghĩa bóng: Ước muốn viễn vông mãi mãi cũng chỉ là ước muốn, vì nếu như mọi ước muốn đều trở thành sự thật thì ngay cả một người chẳng cần làm gì hết cũng sẽ có đủ mọi thứ để mà thụ hưởng. Nếu, giá như, ước gì… tất cả mọi giả định đều vô ích.

A nod is as good as a wink (to a blind horse). Nghĩa đen: Một cái gật đầu cũng tốt như một cái nháy mắt (đối với một con ngựa mù). Nghĩa bóng của A nod is as good as a wink: Ý nói chỉ cần một sự ra hiệu vắn tắt ngắn gọn cũng đủ cho người khác hiểu mà không cần phải giải thích cặn kẽ dài dòng. Khi câu này có thêm “to a blind horse” thì nó có nghĩa là: đối với một người kém hiểu biết chuyên môn, dùng từ ngữ đơn giản thường cũng đủ thay vì tốn công giảng giải vòng vo.

This is a one-horse town. Nghĩa đen: Đây là thị trấn chỉ có một con ngựa. Nghĩa bóng muốn chỉ đây là một nơi chốn nhỏ ít ai biết đến, không quan trọng.
Thành ngữ này, đầu tiên được ghi vào năm 1857, vì thuở đó có những thị trấn nhỏ chỉ cần một con ngựa duy nhất cũng đủ cho nhu cầu vận chuyển.

Play the ponies. Nghĩa đen: Chơi đùa với ngựa con. Nghĩa bóng: Đây là một câu tiếng lóng của dân đi đánh cá ngựa khi họ tránh dùng “Play the horses” vì không muốn cho người ngoài cuộc biết.

Put a horse out to pasture. Nghĩa đen: Đưa một con ngựa ra đồng cỏ. Khi một con ngựa yếu sức vì tuổi già hay bệnh tật mất khả năng làm việc, chủ thường không dùng nó nữa và thả nó ra đồng suốt ngày nhai cỏ. Nghĩa bóng: Đặt ai đó ra khỏi môi trường hoạt động, cho người đó ngồi chơi xơi nước, với lý do người đó không còn đủ khả năng hoặc không còn thích hợp.

Strong as a horse. Câu ví von dùng để chỉ một người có sức mạnh: mạnh như trâu, mạnh như cọp, mạnh như voi…

Get on one’s hobby horse. Nghĩa đen: Làm bộ như đang cỡi ngựa. Bạn có xem hát bộ bao giờ chưa? Đào kép hát bộ thường kẹp một cây chổi lông gà dưới háng rồi nhún nhẩy trên sàn sân khấu như là đang cỡi ngựa. Hobby horse là chữ để gọi bất cứ vật gì giả làm con ngựa. Theo nghĩa bóng, nếu một người nào đó cỡi hobby horse của họ tức là họ đang ba hoa chích chòe nói về một chủ đề mà họ cho là thú vị và quan trọng, và họ cứ thao thao bất cứ lúc nào mà họ có thể, ngay cả khi người khác không quan tâm để ý và không muốn nghe.

Work horse. Nghĩa đen: Ngựa làm việc. Nghĩa bóng mô tả một cá nhân làm việc chăm chỉ, đặc biệt là khi so sánh với những người khác. Đôi khi chữ work horse cũng được dùng để mô tả một người chỉ cắm cúi làm việc hùng hục thật chăm chỉ nhưng không có năng khiếu suy nghĩ phán đoán.
Trước đây chữ này được dùng để mô tả một con ngựa chủ yếu cho các việc nặng (chẳng hạn như một con ngựa kéo cày) chứ không phải được dùng trong các hoạt động đòi hỏi tay nghề cao hơn nhưng đỡ vất vả hơn, chẳng hạn như để cho chủ cỡi hoặc đua xe.

Dog and pony show. Nghĩa đen: Sô trình diễn chó và ngựa con. Nghĩa bóng: Quảng cáo rầm rộ nhưng thực chất nội dung không có gì quá đặc biệt. Ví dụ, ‘Cuộc họp được cho là để mô tả một chiến lược bán hàng mới nhưng thực sự chỉ là cách tiếp thị cũ. Đúng là một màn trình diễn chó và ngựa con’. Thuật ngữ này bắt đầu từ những năm 1800, khi những đoàn xiếc lưu diễn khá phổ biến. Một số đoàn xiếc nhỏ không thể có đủ khả năng sở hữu các động vật kỳ lạ hoặc thuê mướn các biểu diễn viên tài ba, vì vậy họ cung cấp các màn trình diễn chỉ có chó và ngựa con. Trường hợp như vậy thường gây thất vọng cho khán giả địa phương vốn mong đợi cái gì hào hứng thú vị hơn như quảng cáo.

Old war horse. Con chiến mã già. Nghĩa bóng thành ngữ này chỉ một người từng trải kinh nghiệm chiến tranh, một chiến binh về già, hay cũng có thể dùng để chỉ một người già dặn dạn dày kinh nghiệm trong bất cứ lãnh vực nào khác, như chính trị, tài chánh chẳng hạn.

Trojan Horse. Ngựa thành Troy. Nghĩa bóng chỉ một cái gì đó nguy hiểm được che đậy bên trong một cái gì đó trông an toàn hoặc có lợi. Nguồn gốc của thành ngữ này nói về cuộc chiến tranh giữa Hy Lạp và Troy giữa Thế kỷ 13 trước Công nguyên, khi người Hy Lạp xây dựng một con ngựa gỗ lớn và để lại bên ngoài cổng thành người Troy như một món quà tặng. Tuy nhiên, người Hy Lạp đã giấu những người lính trong con ngựa gỗ, vì vậy khi người Troy (Trojan) kéo con ngựa quà vào thành của họ, toán quân “biệt kích” núp trong thân ngựa rỗng đợi khi đêm xuống đã giết lính gác và mở cửa thành cho quân đội Hy Lạp tràn vào tấn công và chiếm được thành Troy.
Đối với người dùng Internet (cư dân mạng), Trojan là tên của một loại virus, mầm độc hại được ẩn giấu bên trong các nhu liệu ứng dụng hữu ích, vì vậy khi người nào tải nhu liệu này về máy tính của họ, virus Trojan sẽ xâm nhập và truy cập vào dữ liệu của máy tính.

Để kết thúc bài dông dài này, người viết xin liệt kê một số sự kiện về ngựa sau đây:
- Ngựa có ruột non bình thường dài khoảng 75 feet, ruột già bình thường dài khoảng 12 feet.
- Ngựa sản xuất trung bình 12 lít nước bọt mỗi ngày để giúp cho sự tiêu hóa cỏ khô được dễ dàng.
- Ngựa không thể thở bằng miệng và không thể nôn mửa.
- Ngựa chạy có thể đạt đến tốc độ tối đa là khoảng 45 mph (70 km/giờ), tốc độ đi trung bình vào khoảng ba, bốn dặm một giờ.
- Ngựa có đôi mắt lớn nhất so với bất kỳ động vật nào.
- Ngựa và người là hai loài động vật duy nhất có thể đổ mồ hôi qua da để làm mát.
- Ngựa tiêu thụ một lít (0.25 gallon) dưỡng khí một phút trong khi đi bộ. Nhưng khi phi nước đại trong một cuộc chạy đua, ngựa thở dồn dập mỗi hơi một bước chạy, tiêu thụ gần 60 lít (15 gallon) oxy mỗi phút.
- Ngựa có kích thước thân thể trung bình chứa khoảng 50 pint máu (28 lít) lưu thông qua hệ thống tuần hoàn ở chu kỳ 40 giây.
- Ngựa tốn hao nhiều năng lượng khi nằm hơn là khi đứng.
- Ngựa có bộ phận cơ thể đặc biệt ở chân cho phép chúng ngủ trong khi đứng mà không ngã.
- Ngựa tốn hao năng lượng khi bơi nhiều hơn khi chạy.
- Ngựa có lông với mô hình xoắn ốc độc đáo như vân tay của người, một đặc điểm để xác định giống loại.
- Ngựa Camargue (tên một vùng đất thấp và đầm lầy có sông Rhone chảy qua thuộc miền Nam nước Pháp) có màu đen khi mới sinh nhưng lông đổi thành trắng khi ngựa trưởng thành.
- Ngựa có thể diễn đạt cảm xúc bằng tai, mũi, mắt để biểu lộ tâm trạng. Chẳng hạn khi ngựa phình mũi, dựng tai là lúc nó bực giận khó chịu đấy!

Lại ngựa nữa rồi!

Phan Hạnh

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.252 giây.