Trung Hoa là nơi đầu tiên có bí quyết trồng dâu nuôi tằm để kéo thành tơ. Họ tìm ra nghệ thuật ấy từ hơn bốn ngàn năm trước, nhưng giữ bí mật trong hai mươi thế kỷ cho tới khi bị tiết lộ qua Tây Vực vào đời nhà Hán, rồi mở ra Con Ðường Tơ Lụa nổi tiếng trong lịch sử. Ngày nay thì cả thế giới đều ưa thích tơ lụa và các cô gái thì được nghe truyện Hoàng Hậu Luy Tổ.
Là vợ của Hiên Viên Hoàng Ðế vào đời thái cổ hoang đường, bà Luy Tổ đang uống trà thì có cái kén rơi vào tách nước nóng. Lấy móng tay kéo ra thì bà được sợi tơ óng mịn, nhờ vậy mà phát minh ra nghề tằm tơ. Truyền thuyết ấy của Trung Hoa một lúc nói về hai khám phá rất đẹp của nhân loại là tơ và trà.
Chờ đón Xuân Giáp Ngọ, người viết lại xin kể một truyện cổ tích về con ngựa, có khi giải thích vì sao người ta giữ bí mật về con tằm qua sự tích bà Luy Tổ.
Trung Hoa là xứ hay gặp chiến tranh nên truyện này có thể ứng vào nhiều đời vua khác nhau. Vì nạn binh đao, có người phải tòng quân và được gửi ra chiến trường. Ở nhà chỉ còn bà vợ, cô con gái và một con ngựa quý, được cô gái chăm sóc từ khi còn bé. Vắng bóng cha, nàng chỉ nghe thấy tin dữ ngoài biên ải và hàng ngày tâm sự với con ngựa về nỗi lo lắng của mình.
Một hôm đó, nàng ứa lệ thủ thỉ với con vật chung thủy. Ngựa ơi, phải chi mi biết tìm ra biên thùy mà đón cha về. Lạy trời, ai mà cứu được cha thì ta nguyện suốt đời làm vợ.
Chuyện không ngờ là con ngựa lại lồng lên hý vang trời, bứt phá cổng trại và phi như bay vào cõi bạt ngàn. Ðợi mãi chẳng thấy ngựa về, cô gái đành kể cho gia đình truyện mất ngựa nhưng giấu kín lời nguyện của mình.
Nàng không ngờ là nhiều ngày sau đó con ngựa đã tìm ra biên ải và nửa đêm vượt rào bay vào trại lính, nơi người cha đang đóng quân. Thấy con ngựa quý, ông đoán là ở nhà có chuyện dữ nên lặng lẽ đóng cương trốn khỏi trại. Khi về đến nhà thì thấy mọi người vẫn bình an và gia đình mừng ngày đoàn viên. Con ngựa được thưởng công ngàn dặm tìm chủ bằng cỏ non và thóc quý.
Nhưng lạ thay. Nó không ăn gì cả, cứ nằm im trong chuồng, đôi tai đôi mắt thì hướng ra ngoài. Ở bên ngoài, qua một sân trại, cô gái cũng lầm lì trong phòng kín tránh đi ra ngoài. Vài ngày sau, cả người và vật đều như mắc bệnh.
Người cha buồn lòng về tình trạng của con ngựa và thấy nó chỉ thoáng nét tinh anh khi có tiếng cô gái văng vẳng ở nhà trên. Hỏi gặng thì cũng chẳng hiểu tại sao vì ban đầu cô con gái vẫn tránh nói thật.
Mãi rồi nàng mới kể, rằng con đã nguyện lấy bất ai có thể đón cha về!
Giận dữ về sự vô tâm của con gái khi thề thốt như vậy với một con ngựa, ông cũng thấy cảm động về nỗi lòng của con. Ông thương con ngựa đã quyến luyến cô tiểu chủ từ bé và còn thông minh vượt qua ngàn dặm để tìm ra mình. Nhưng làm sao có thể gả con gái cho ngựa?
Sau nhiều ngày phân vân về tình trạng éo le này, ông cầm gươm bước vào tàu ngựa nhìn con vật gầy gò nằm bẹp dưới đất, và lấy một quyết định đau lòng. Ðến lúc cuối, con vật phì phò ngước mắt nhìn ra cánh cổng xưa kia vẫn có cô gái thắt bím bước vào thủ thỉ.
Người cha giữ lại bộ da ngựa làm kỷ niệm về con vật chung thủy và chôn xác ở một gò hoang nơi góc vườn. Cô gái thì mừng rỡ và sáng hôm sau bước ra ngoài chào đón ánh nắng mặt trời.
Chuyện không ngờ là khi nàng đến góc vườn thì có cơn gió nổi lên từ gò hoang, thành con lốc xoay tròn quanh cô gái. Nàng bị bốc khỏi mặt đất và thất thanh gọi cha. Người cha chạy ra thì chỉ thấy con gái cuộn trong gió lốc bay về cõi xa. Ông rượt theo bóng con mất nhiều ngày cho đến khi tới một ruộng dâu.
Nơi đó chỉ có một con tằm màu trắng nõn như màu áo của cô gái.
Người cha đem tằm về nhà, cùng bà vợ nuôi nấng chiều chuộng như con gái. Từ đấy, họ có những sợi tơ vàng óng mịn mà. Và xứ Trung Hoa có một báu vật nổi danh trên thế giới. Không còn mấy ai nhắc đến con ngựa. Nhưng phải chăng, cô gái vẫn nhả tơ theo đúng lời nguyền năm xưa?
Trong các truyện tích về kiếp tằm nhả tơ, có lẽ truyện này còn lãng mạn mà oan nghiệt hơn nhiều bi kịch Hy Lạp. Và chắc chắn là có ý nghĩa hơn truyện bà Luy Tổ.
Quỳnh Giao