HÀ NỘI (NV) .- Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam vừa phát hành một thông cáo, chính thức bày tỏ sự thất vọng của Hoa Kỳ về việc Việt Nam ngăn cản các cá nhân và tổ chức dân sự tham dự UPR.
Trẻ em bị cưỡng bách lao động tại cơ sở may mặc tại quận Bình Tân, Sài Gòn. Công chúng Việt Nam đang phản ứng tích cực hơn khi hiểu ra bảo vệ nhân quyền là bảo vệ cả những đứa trẻ như thế này. (Hình: Thanh Niên) Hôm 5 tháng 2-2014 vừa qua, Việt Nam đã báo cáo về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam với cộng đồng quốc tế, tại Geneve, Thụy Sĩ theo thủ tục kiểm điểm định kỳ (bốn năm một lần), quen được gọi tắt là UPR. Đây là lần thứ hai, Việt Nam thực hiện thủ tục này. Lần thực hiện thủ tục UPR đầu tiên diễn ra hồi 2009.
Trong thông cáo, Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam hoan nghênh Việt Nam tham gia công ước quốc tế về chống tra tấn, đạt được một số tiến bộ trong việc công nhận các quyền của người đồng tính/song tính/chuyển giới. Tuy nhiên Hoa Kỳ nhận định, chế độ Hà Nội vẫn còn có những hành vi “đáng ngại”, chẳng hạn vẫn sách nhiễu và bắt giữ những người thực hiện các quyền tự do căn bản như tự do ngôn luận và lập hội. Hạn chế tự do tôn giáo. Dù số lượng đăng ký nhà thờ có cao hơn trước nhưng sách nhiễu các nhà thờ không đăng ký vẫn diễn ra.
Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam còn bày tỏ sự lo ngại về những hạn chế đối với việc thành lập nghiệp đoàn độc lập, đối với việc sử dụng lao động trẻ em và cưỡng bức lao động, cũng như việc nhà cầm quyền sử dụng những người bị cưỡng bức làm việc. Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh, Hoa Kỳ thất vọng khi Việt Nam ngăn cản các cá nhân và tổ chức dân sự tham gia vào toàn bộ quá trình liên quan đến UPR lần này.
Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đề nghị Việt Nam sửa đổi những điều khoản mơ hồ về an ninh quốc gia, vốn vẫn được sử dụng để chà đạp các quyền căn bản của con người, đồng thời trả tự do vô điều kiện tất cả các tù nhân chính trị như: ông Cù Huy Hà Vũ, ông Lê Quốc Quân, ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Hai đề nghị khác từ phía Hoa Kỳ đối với nhà cầm quyền CSVN, được nêu trong thông báo vừa kể là bảo vệ các quyền của người lao động đã được cộng đồng quốc tế công nhận, tăng cường thực thi luật cấm cưỡng bức lao động và nhanh chóng phê chuẩn - thực thi Công ước Chống tra tấn.
Hôm 5 tháng 2, khi tham dự buổi kiểm định định kỳ đối với riêng Việt Nam, nhiều quốc gia và tổ chức nhận định, Việt Nam có một số chuyển biến nhất định trong vấn đề nhân quyền nhưng vẫn chưa thực hiện đầy đủ và nghiêm túc nhiều điểm trong 96 khuyến cáo mà Việt Nam từng chấp nhận trong lần thực hiện thủ tục UPR cách nay bốn năm.
Sau khi theo dõi buổi kiểm điểm Việt Nam về nhân quyền diễn ra hôm 5 tháng 2 vừa qua, một số diễn đàn điện tử nhận định, phái đoàn Việt Nam bị cộng đồng quốc tế “sỉ vả” về nhân quyền.
UPR lần hai diễn ra trong ba tiếng rưỡi. Sau khi nghe Việt Nam trình bày một báo cáo dài khoảng 20 trang, đại diện nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc, Đức, Thụy Điển, Phần Lan, Czech, Ba Lan, Hungary, Sri Lanka, Thái Lan, Philippines,… lần lượt đưa ra hàng loạt khuyến cáo, nhắc nhở Việt Nam tôn trọng quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do tôn giáo, sửa luật hình sự để không xâm hại nhân quyền, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, chống buôn người hữu hiệu hơn.
Khi trả lời, thay vì đối đáp với đại diện các quốc gia đã chất vấn, các thành viên trong phái đoàn Việt Nam lại tiếp tục đọc thêm nhiều báo cáo mà nội dung hoàn toàn không liên quan đến các chất vấn. Cũng trong ngày 5 tháng 2, khoảng 200 người Việt từ khắp nơi trên thế giới đã đổ đến trụ sở Liên Hiệp Quồc tại Geneva để biểu tình, kêu gọi cộng đồng quốc tế đề ra những biện pháp thiết thực để chấm dứt tình trạng tồi tệ về nhân quyền ở Việt Nam.
Ngoài thất bại tại diễn đàn quốc tế, có vài dấu hiệu cho thấy, chế độ Hà Nội còn thất bại khi thuyết phục công chúng trong nước về “nỗ lực và thành tích” bảo vệ, thăng tiến nhân quyền của mình.
Sau khi bị cộng đồng quốc tế chỉ trích liên tục về việc xâm hại nhân quyền, bóp nghẹt tự do, hôm 2 tháng 2, ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam chủ động lên Đài Truyền hình quốc gia để giới thiệu về kỳ UPR sẽ diễn ra sau đó ba ngày. Ông Minh bảo Việt Nam đã thực hiện được 80% khuyến nghị của cộng đồng quốc tế từ UPR lần đầu (2009) và phân bua “dù có làm tốt đến đâu thì vẫn luôn có những thế lực tìm cách để chỉ trích Việt Nam về nhân quyền”, trong khi “quốc gia nào cũng có vấn đề về quyền con người”.
Đến ngày 5 tháng 2, báo điện tử VietNamNet đăng một bài tóm tắt “nỗ lực và thành tích” của Việt Nam trong việc “thăng tiến nhân quyền”, trích từ báo cáo nhân quyền được đọc ở kỳ UPR lần 2. Trong 48 giờ vừa qua, số người bày tỏ việc họ “Không thích” nội dung báo cáo về nhân quyền của Việt Nam đã ở mức 7,313 người, trong khi số người chọn “Thích” chỉ có 222.
Theo báo Người Việt