Ảnh đăng tháng 11/2013 của tạp chí Focus về bộ sưu tập 1500 bức tranh bị Đức quốc xã cướp.
focus.deVào thứ sáu tuần này, 14/02/2014, Quốc hội Đức sẽ bắt đầu thảo luận về một dự luật về việc hoàn trả các tác phẩm nghệ thuật bị mất cắp dưới thời Đức quốc xã, gần 70 năm sau khi thế chiến thứ hai kết thúc..
Dự luật đã được soạn thảo sau khi vào tháng 11 năm ngoái có thông tin là người ta đã khám phá tại nhà riêng của một cụ già 80 tuổi ở Munich 1.406 tác phẩm nghệ thuật, mà một phần có thể là do Đức quốc xã cướp của người Do Thái trước đây.
Mới ngày hôm qua, lại có tin là có thêm 60 tác phẩm được khám phá tại nhà riêng ở Salzbourg, Áo, của ông Gurlitt, con trai một nhà buôn tác phẩm nghệ thuật dưới thời Đức quốc xã.
Dự luật nói trên dự trù bãi bỏ thời hiệu 30 năm mà kể từ đó không thể đòi lại quyền sở hữu một tác phẩm bị đánh cắp. Thời hiệu này sẽ không được áp dụng nếu người đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp nhìn nhận là họ đã biết rõ xuất xứ khi mua các tác phẩm này.
Nhưng nếu như một số luật sư xem dự luật này là “một tín hiệu tích cực”, thì đại diện một gia đình luật sư Do Thái có tác phẩm nghệ thuật bị Đức quốc xã cướp lại tỏ vẻ bi quan, vì cho rằng rất khó mà những người đang sở hữu các tác phẩm bị đánh cắp chịu nhìn nhận là họ biết rõ xuất xứ của các tác phẩm này.
Ngay cả bộ trưởng Văn hóa của Đức Monika Grutters trả lời phỏng vấn với báo chí gần đây cũng nhìn nhận là dự luật này sẽ rất khó được áp dụng trên thực tế.
Vào năm 1998, Đức đã ký “tuyên bố Washington”, trong đó 44 quốc gia cam kết sẽ tìm lại và hoàn trả các tác phẩm nghệ thuật bị Đức quốc xã cướp. Nhưng văn bản này không có tính chất cưỡng chế thi hành và chỉ liên quan đến các Nhà nước và các viện bảo tàng, chứ không liên quan đến các cá nhân.
Theo RFI